Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền'

Với những ý tưởng độc đáo, khả năng sử dụng và tận dụng công nghệ một cách triệt để, nhiều bạn trẻ đang cùng nhau tạo nên một ''kỷ nguyên kiếm tiền'' đậm chất Gen Z

Travel blogger

Nguyễn Thùy Trang (Trangchoreview) là cái tên quen thuộc trong giới travel blogger. Cô bạn sinh năm 1995 được nhiều người chú ý và theo dõi trên trang cá nhân bởi những bài chia sẻ kinh nghiệm, review chân thực và chi tiết về những địa điểm, những chuyến đi mà bản thân đã trải qua. Qua đó, Trang cung cấp thêm nhiều kiến thức hữu ích về du lịch bụi cho cộng đồng người có chung niềm đam mê xê dịch.

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền' ảnh 1

Trang chụp ảnh cùng trẻ em vùng cao.

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền' ảnh 2
Trang từng làm nhiều nghề khác nhau như: đi đóng giày ở xưởng, bán tranh, bán đồng hồ, bán vé máy bay online, viết content PR, chế nhạc, làm diễn viên nghiệp dư, viết kịch bản, trợ lý đạo diễn, làm CTV cho nhiều trang tin điện tử, viết sách, làm các công việc fulltime ở vài công ty ở Hà Nội… việc gì trong tầm với và kiếm được ra tiền thì cô đều làm. Trang duy trì làm việc gần 20 tiếng/ngày với 5,6 đầu việc khác nhau để vừa tích cóp tiền đi du lịch bụi, vừa lo cho em gái, phụ giúp kinh tế gia đình.

Về quá trình theo đuổi công việc và trở thành một travel blogger, Thùy Trang chia sẻ rằng: “Trải qua thời gian rong ruổi nhiều miền đất của Tổ quốc và các nước khác. Điều đọng lại trong mình thì rất nhiều, mình thường tâm niệm hành trình không phải là đích đến, mà là sự chiêm nghiệm để hiểu hơn về chính mình và mở lòng đón nhận tất cả. Mình trải qua rất nhiều biến cố, có những sự cố rất buồn cười, nhưng có những lần cũng suýt chết, điều đó giúp mình trân trọng cuộc sống hơn”.

Nói đến thành tựu đặc biệt nhất đối với mình, cô nàng 9x cho biết đó là những bài viết chia sẻ kinh nghiệm của bản thân đã giúp ích, thậm chí cứu sống nhiều người trong hành trình du lịch bụi.

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền' ảnh 3

Cuộc sống của một travel blogger luôn gắn liền với nhiều đồ "lỉnh kỉnh" như quần áo, máy ảnh, laptop...

"Nhiều người nghĩ rằng, đi du lịch thì sẽ mất tiền chứ làm sao kiếm được tiền. Đối với mình, travel blogger là một nghề kiếm được ra tiền và hơn hết đó chính là thỏa mãn đam mê xê dịch của “một con nghiện tự do” như mình.

Những thứ đáng sợ đều nằm trong suy nghĩ của mỗi người. Cứ thử sức với ước mơ của bạn, rồi bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc và giá trị của mình”, Trang chia sẻ.

Streamer

Những yêu cầu để đáp ứng được cho việc làm streamer khá nhẹ nhàng khiến bạn trẻ dễ tiếp cận như: dễ làm, không yêu cầu bằng cấp, kỹ năng chuyên sâu, chỉ cần giao tiếp trên sóng livestream... Và đặc biệt, bạn trẻ có cơ hội được nhiều người biết đến, từ đó làm cơ sở, công cụ để thực hiện những mục đích xa hơn như bán hàng, tạo thương hiệu cá nhân… Một số bạn trẻ đam mê và thích thú với việc chơi game, giải trí cũng muốn kiếm được tiền từ việc làm bình luận viên trên sóng livestream. Tuy nhiên, người xem cũng cần phân định rõ ràng giữa người làm streamer chân chính với những nội dung xấu độc, đi ngược lại chuẩn mực xã hội.

Nhism tên thật là Trần Thái Linh (sinh năm 1997) được biết đến là một game thủ, streamer trẻ đầy tài năng và triển vọng. Không chỉ chơi game giỏi, anh bạn còn sở hữu gương mặt điển trai cùng sự hoạt ngôn và tính cách "nhây" lầy lội thu hút nhiều bạn trẻ theo dõi.

Chia sẻ về con đường trở thành streamer chuyên nghiệp, Linh cho biết: “Trước đó, mình là game thủ bắn pubg, sau nhiều lần tham gia thi đấu và đạt được những thành tích nhất định, mình đã lọt vào tầm ngắm của anh Độ Mixi – người dẫn dắt team Refund Gaming lúc bấy giờ. Mình gia nhập team và trở thành thành viên của team Refund, tham gia vào thi đấu các giải pubg trong và ngoài nước. Sau một thời gian, team Refund đã tạm dừng tham gia thi đấu các giải PUBG chuyên nghiệp và chuyển sang làm stream, từ đó mình làm streamer toàn thời gian”.

Đối với Nhism, việc ngồi trước màn hình máy tính để chơi game và trò chuyện với mọi người khiến anh cảm thấy vui và thoải mái. Hiện tại, anh đang stream trên nền tảng Nimo.tv với mức thu nhập ổn định và nguồn thu từ donate của người hâm mộ hoặc nhận quảng cáo.

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền' ảnh 4

Food reviewer (thử và nhận xét đồ ăn)

Vừa được ăn thử, vừa được chủ quán trả thêm tiền - nghề food reviewer (người bình phẩm đồ ăn) đang được một số bạn trẻ lựa chọn làm công việc kiếm thêm thu nhập.

Vương Nam Cường - sinh viên năm 3 khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện cậu bạn đang là food reviewer tại kênh Youtube Hôm Nay Ăn Gì? (HNAG) - một trong những kênh YouTube trực thuộc hệ thống Schannel Network với hơn 600 nghìn lượt đăng ký. Dù là gương mặt mới nhưng nhờ vẻ ngoài ưa nhìn và tính cách hoạt ngôn, Nam Cường thu hút nhiều bạn trẻ theo dõi trên kênh riêng.

Nói về cơ duyên đến với công việc hiện tại, Cường chia sẻ: “Vào cuối năm nhất, mình tình cờ thấy tin tuyển dụng của HNAG và đã không ngần ngại apply vào. Trải qua những vòng tuyển chọn khó khăn, cuối cùng mình là người duy nhất được giữ lại làm việc tại SChannel. Cho đến hiện tại, đó là công việc chính của mình. Nhờ công việc này, mình đã có thêm những kinh nghiệm về việc làm truyền thông. Từ những kiến thức mà mình học được khi làm việc, mình bắt đầu quay lại và áp dụng vào những bài tập tại học viện”.

Đằng sau nguồn năng lượng tích cực, thu nhập ổn định, Cường cũng có quãng thời gian mệt mỏi, stress khi đối diện với những bình luận tiêu cực. Cậu cho biết đã có lúc từng nghĩ đến việc từ bỏ công việc hiện tại do không chịu được áp lực. Tuy nhiên, nhờ có những người bạn, người anh người chị luôn ở bên cạnh và chia sẻ nên chàng trai đã vượt qua được quãng thời gian khó khăn đó.

“Mình luôn tìm cách để trau chuốt hơn trong mỗi sản phẩm, từ âm thanh, ánh sáng đến giọng nói, làm thế nào để khán giả có thể hài lòng hơn. Và đối với mình, cách tốt nhất ở thời điểm hiện tại là trở nên khó tính hơn với sản phẩm của bản thân. Khi bạn khó tính với sản phẩm của mình, bạn sẽ giống như một anti fan, soi xét từng vấn đề để sửa chữa và hoàn thiện nó”, nam sinh bày tỏ.

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền' ảnh 5

TikToker

Phát triển nội dung số với chủ đề "cây nhà lá vườn", Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1994, nickname Hana Ban Mê, quê Đắk Lắk) hiện có hơn 16,8 triệu lượt yêu thích trên nền tảng TikTok với những clip "triệu view" và luôn gây ấn tượng với người xem nhờ sự mộc mạc, chân quê.

Cô quyết định bắt đầu lại ở tuổi 27 từ con số 0 khi đưa ra quyết định rời phố về vườn. Không nhàn hạ hơn là bao, cô còn cảm thấy áp lực bởi mỗi ngày lại chứng kiến bố mẹ già đi, yếu hơn còn bản thân lại chưa có sự nghiệp vững vàng. Nỗi trăn trở kéo dài biến thành động lực giúp cô nhanh chóng tạo nên thành công bước đầu với lượt yêu thích đạt gần 17 triệu người trên kênh TikTok cá nhân chỉ sau 3 tháng xây dựng.

Vừa phát triển nội dung số, vừa phát triển truyền thông về đặc sản vùng miền, Hana Ban Mê đang là một trong những TikToker được nhiều người mến mộ. Công việc này có tính chất tự do song cũng đem lại cho cô một thu nhập ổn định.

Gen Z: Thế hệ nghề nghiệp đa sắc màu và những công việc 'hái ra tiền' ảnh 6

"Vừa rồi, mình có kết nối cùng các kênh social giúp bà con bán nông sản và nhận tín hiệu tốt. Tuy nhiên vì nguồn lực còn thiếu nên mới bán được số lượng nhỏ. Hy vọng sau này mình sẽ phát triển được mạnh hơn nữa để truyền đạt lại cho bà con", Thu Hà tâm sự.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam

 

Ngày 05/3, tại thành phố Bắc Giang, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Dự lễ kỷ niệm đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở VHTTDL Bắc Giang.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt kỷ niệm.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng nhau ôn lại những mốc son lịch sử của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cách đây 69 năm, ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147/SL quyết định thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành Nhiếp ảnh, Điện ảnh Việt Nam với tư cách là một tổ chức Nhà nước. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành điện ảnh, tại phiên họp ngày 21/7/2009, Ban Bí thư Trung ương đã nhất trí lấy ngày 15/3 là ngày truyền thống hàng năm của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, gọi là Ngày Điện ảnh Việt Nam.

Tháng 10/1957, Phòng Chiếu bóng trực thuộc Ty Văn hóa Bắc Giang được thành lập với 3 đội chiếu bóng. Điện ảnh Bắc Giang chính thức ra đời từ đó. Cùng với sự lớn mạnh chung của điện ảnh cả nước, công tác Điện ảnh Bắc Giang cũng nhanh chóng phát triển, trưởng thành, khẳng định được vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của nền điện ảnh cách mạng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mà còn từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Phó Cục Trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn điện ảnh Bắc Giang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa đóng góp vào sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục Trưởng Cục Điện ảnh đánh giá cao những thành tích điện ảnh Bắc Giang đạt được trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn thời gian tới, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tích đạt được, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ hoạt động văn hóa - điện ảnh nói chung và hoạt động điện ảnh nói riêng; tiếp tục đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa đóng góp vào sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần sáng tạo dám nghĩ, dám làm, đổi mới hoạt động để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân. Phát huy tốt vai trò là kênh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. 

Giám đốc Sở VHTTDL Trương Quang Hải trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân.

Tại buổi gặp mặt kỷ niệm, Phó Cục Trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho tập thể Phòng Nghiệp vụ điện ảnh (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh); Giám đốc Sở VHTTDL Trương Quang Hải trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 01 tập thể, 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác điện ảnh thời gian qua./.

Hùn tiền mua đất 1,6 tỷ 'ở không được bán không xong'

 Bây giờ tôi chỉ mong lấy lại đúng 400 triệu đồng hùn hạp chứ không mong lời lãi.

Giữa năm 2020 lúc làn sóng Covid-19 lần đầu tiên hạ nhiệt, tôi có có hùn hạp với anh ruột mua một miếng đất 120 m2, giá 1,6 tỷ đồng. Xin nói qua lô đất này nằm mặt tiền con đường dẫn vào ngôi chợ mới xây ở quê tôi. Chủ miếng đất này trước đó cho một người khác thuê lại với giá 3,5 triệu đồng một tháng để bán cà phê.

Vì lý do cần tiền với sắp hết hợp đồng cho thuê mà người thuê không gia hạn nên chủ đất muốn bán luôn mảnh đất này. Người bán cà phê chỉ làm quán theo kiểu nhà tiền chế nên họ dọn đi nhanh chóng và trả lại một mảnh đất trống đúng nghĩa là đất nền.

Thời điểm đó, tôi có 400 triệu đồng, là tiền nhàn rỗi tiết kiệm được sau nhiều năm đi làm công ty. Anh tôi ở nhà có cơ sở kinh doanh, vốn mạnh nên bỏ số tiền còn lại, tức 1,2 tỷ đồng.

Trước đây tôi có nghe nói về chu kỳ lên xuống của bất động sản tầm 10 năm. Những pha của chu kỳ này bao gồm hồi phục, phát triển và thoái trào. Nhiều người giàu lên vì đầu tư bất động sản với điều kiện là mua ở cuối giai đoạn thoái trào - đầu giai đoạn hồi phục và bán ở giai đoạn phát triển.

Cũng có nhiều người giàu lên nhanh vì lướt sóng ở giai đoạn phát triển, thời gian chờ đợi không lâu nhưng đi kèm đó là rủi ro. Thế nhưng cái khó là làm sao nhận diện được thời gian nào là hồi phục, đâu là phát triển và đâu là thoái trào?

Nhưng khi nghe lời rủ rê, thuyết phục "đi làm bao năm mới được 400 triệu, hùn tiền mua đất để đó một, hai năm thì tăng gấp đôi gấp ba, làm vậy cũng muốn tốt..." của ông anh mà tôi đã không còn lý trí nữa. Tôi đành góp tiền mua miếng đất này.

Đúng như tôi dự đoán, thời gian sau dù trải qua mấy làn sóng Covid-19 nữa, ai cũng kêu làm ăn khó khăn nhưng giá đất khắp nơi lên vùn vụt. Miếng đất mà tôi có phần cũng không ngoại lệ, từng có thời điểm người ta trả chênh 300 triệu so với giá ban đầu. Do kinh tế ở quê bình thường cũng không phát triển nên tôi thấy như thế là lời nhiều lắm rồi. Thế nhưng anh tôi không chịu bán vì tin rằng để lại nó sẽ ngày càng lên chứ không xuống.

Những cơn sóng tới tấp xô đến nhưng rồi cũng nhanh chóng mất đi. Người lướt ván có kinh nghiệm sẽ về bờ an toàn, còn bây giờ tôi bị sóng cuốn ra xa, hay nói đúng hơn là thuỷ triều rút và còn mình tôi trơ trọi giữa bãi biển.

Đúng là giá miếng đất đó bây giờ có kể kêu 1 tỷ 8, thậm chí 2 tỷ nhưng điều quan trọng là chừng nào bán được? Ai sẽ mua? Tôi có năn nỉ xin lại 400 triệu tiền hùn để làm công việc khác thì lại bị mang tiếng lời thì chia, rủi ro thì đánh bài chuồn. Tôi ngâm 400 triệu trong đó không biết khi nào mới lấy lại được. Có đất đó nhưng cũng không thể và cũng không còn tiền xây nhà nếu về quê ở.

Chu kỳ tiếp theo, có lẽ tôi sẽ đầu tư một mình chứ không ham hố hùn vốn, dù là với người thân vì không có toàn quyền quyết định.

Giải mã kỹ thuật xây cổng thành nhà Hồ

Cổng di sản thế giới thành nhà Hồ được xây bằng cách đắp đất tạo hình vòm, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học ngày 4/3 đã thông báo kết quả đợt khai quật hơn ba tháng tại khu vực bốn cổng Đông - Tây - Nam - Bắc di sản thành nhà Hồ.

Cổng Nam thành nhà Hồ được kiến thiết ba lối vào theo dạng mái cuốn vòm. Ảnh: Lê Hoàng

Cổng Nam thành nhà Hồ được kiến thiết ba lối vào theo dạng mái cuốn vòm. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay trên diện tích khai quật khoảng 5.000 m2 tại bốn cổng thành, các nhà khoa học đã làm rõ kích thước ban đầu của cổng thành và kỹ thuật xây dựng vốn được cho là bí ẩn trong kết cấu tường thành nhà Hồ.

Theo đó, hệ thống cửa cuốn thành nhà Hồ được xây bằng cách đắp đất tạo thành hình vòm, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên. Sau khi hoàn thiện phần ghép đá, thợ sẽ xúc đất cốt nền đưa đi nơi khác.

Ba bức tường thành phía Đông, Nam và Tây tương tự nhau về kích thước, kỹ thuật ghép đá. Đáy cổng thành được trải lớp đá lót móng, 4-5 hàng đá phía trên có kích thước lớn được mài nhẵn, hàng dưới to nhất, càng lên cao càng nhỏ dần. Phía trong tường thành là hệ thống đá và đất sét sỏi gia cố.

Các nhà khoa học giới thiệu kết quả khai quật tại cổng thành phía Tây. Ảnh: Lam Sơn

Các nhà khoa học giới thiệu kết quả khai quật tại cổng thành phía Tây. Ảnh: Lam Sơn

Đá xây thành cổng phía Bắc có kích thước nhỏ, mạch ghép lớn hơn, bề mặt nhiều viên không được làm nhẵn, không vuông vức so với ba cổng còn lại. Các nhà khoa học nhận định, có thể do quá trình xử lý vật liệu gấp gáp và một phần do những lần tu sửa giai đoạn sau này chưa đúng kỹ thuật.

Đợt khai quật lần này cũng xác định trục trung tâm chính thành nhà Hồ là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên khu vực chính điện. Tổng thể mặt bằng kiến trúc thành nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang dọc. Tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.

Các nhà nghiên cứu khoa học tiếp tục kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ căn cứ vào khuyến nghị của UNESCO và quy định pháp luật, kết quả khảo cổ để xây dựng kế hoạch bảo tồn trong các năm tiếp theo nhằm phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hóa thế giới độc đáo này.

Dưới chân các cộng thành đều được gia cố lớp đá móng kích thước lớn. Ảnh: Lam Sơn

Dưới chân các cổng thành đều được gia cố lớp đá móng kích thước lớn. Ảnh: Lam Sơn

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, ngoài cổng thành hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cắt giảm nhân sự lan rộng trong ngành địa ốc

 Anh Hoàng, một nhân viên pháp lý bất động sản kể phòng có 5 người đã nghỉ 4, anh gánh phần việc còn lại nhưng lương giảm nửa.

Công ty anh Hoàng làm việc có trụ sở tại quận 3, TP HCM, đã cắt giảm nhân sự từ cuối năm 2022 nhưng tình hình ngày càng trầm trọng hơn trong hơn 2 tháng đầu năm 2023. Từ tháng 1 đến tháng 2, bên cạnh số nhân viên bị công ty cho thôi việc còn có nhiều người chủ động xin nghỉ vì thu nhập bị cắt giảm mạnh không đủ trang trải cuộc sống. Hoàng cho hay hiện các phòng ban của công ty đều giảm nhân sự 50-70% do hoạt động đầu tư và bán hàng đều đình trệ.

"Khó khăn nhất là phòng hậu mãi chăm sóc khách hàng, nhân sự nghỉ gần hết nhưng số hồ sơ thanh lý vẫn tăng lên, nhiều đợt kéo đến công ty đòi nợ nên vài người còn bám trụ phải luân phiên tiếp nhận hồ sơ, chịu trận cảnh quát tháo đòi tiền", anh chia sẻ và thừa nhận bản thân có thể không trụ được trong bao lâu.

Tình huống nhân sự bất động sản bị cắt giảm đến mức chỉ chừa lại vài người bám trụ ở một số phòng ban như công ty của anh Hoàng không phải cá biệt. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều công ty địa ốc bên cạnh sa thải hàng loạt đã phải chọn phương án cắt giảm và nợ lương trong 2 tháng đầu năm 2023 khiến lượng người lao động chọn rời công ty tăng lên.

Anh Kha, nhân viên kinh doanh (phòng marketing) của một công ty bất động sản đang phát triển dự án tại TP Thủ Đức chia sẻ, đầu tháng 3 anh đã nộp đơn xin nghỉ việc, hiện không còn là nhân sự thuộc biên chế công ty. Cả phòng marketing từ hơn chục người nay còn lại duy nhất trưởng bộ phận và phải gánh phần việc của các bộ phận kiểm soát, pháp chế, đối ngoại, hậu mãi đang trống hàng loạt vị trí.

"Tháng 12/2022, công ty có khoảng 50% nhân sự bị đào thải nhưng đến đầu tháng 3 nếu cộng thêm số nhân viên mới chủ động xin nghỉ đã vọt lên trên 60% nguồn lao động", anh Kha cho hay.

Nhân viên kinh doanh bất động sản giới thiệu dự án tại Đồng Nai cho khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên kinh doanh bất động sản giới thiệu dự án tại Đồng Nai cho khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ tịch một công ty bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cho biết khi cân nhắc và thông báo về kế hoạch giảm và nợ lương hồi cuối tháng 12/2022, nhân sự đã giảm 50%. Chỉ trong 2 tháng qua, tổng số nhân viên trong kế hoạch giảm biên chế và chủ động nghỉ việc tăng lên đến hàng trăm người. "6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, vì vậy từ tháng 3 trở đi số nhân sự rời công ty có thể sẽ tiếp tục tăng lên", ông nhìn nhận.

Mới đây, báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố cho thấy doanh nghiệp đã cắt giảm 3.191 nhân sự, trong đó, một công ty con thuộc mảng dịch vụ của tập đoàn sa thải 3.040 người.

Báo cáo ngành mới phát hành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cho biết năm 2023 các công ty bất động sản buộc phải tái cấu trúc để tồn tại trong giai đoạn khó khăn. Đơn vị này dự báo, giai đoạn 2023-2024 vô cùng thử thách với thị trường địa ốc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc nợ vay, danh mục sản phẩm trong khi chờ đợi tháo gỡ nút thắt pháp lý.

BSC phân tích, tái cấu trúc nợ vay bao gồm thoái vốn một số dự án hoặc tối ưu hóa chi phí vận hành, từ bỏ các mảng kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Cuối tháng 12 năm ngoái, khảo sát của VnExpress tại hơn 10 công ty bất động sản đang hoạt động trên địa bàn TP HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, lượng nhân sự rời khỏi thị trường hai quý cuối năm 2022 (quý III và IV) ước tính lên đến hàng nghìn người, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh, sale bán hàng - hậu mãi, marketing và pháp chế (lo thủ tục pháp lý).

Các doanh nghiệp môi giới (phân phối) hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên bằng nhiều hình thức: dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên, nợ lương nhưng chưa xác định thời hạn chi trả.

Một số đơn vị quy mô dưới 50 nhân viên thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn - chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án - ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% cùng với giảm lương theo cấp bậc.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á dự báo năm 2023 làn sóng cắt giảm nhân sự bất động sản vẫn tăng mạnh trong 6 tháng tới dù năm ngoái thực trạng đào thải nhân sự địa ốc đã lên cao nhất một thập kỷ.

Ông Hạnh nhận định, nhiều khả năng làn sóng nhảy việc của nhân sự bất động sản sẽ diễn ra vào quý II-III năm nay. Nhân sự nghỉ và nhảy việc phân thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm chuyển nghề khác, nhóm hai là những người tạm nghỉ chờ đợi qua giai đoạn khó khăn sẽ quay trở lại trong trung hoặc dài hạn. Nhóm ba khá hơn là nhân sự có năng lực, nghỉ việc công ty A để xê dịch sang công ty B có tính ổn định cao để tiếp tục hành nghề.

Theo ông, đợt giảm tốc của thị trường bất động sản lần này cũng là cơ hội sàng lọc cần thiết giúp nhân sự ngành địa ốc gạn đục khơi trong.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, tình cảnh nguồn nhân lực ngành địa ốc hiện nay là hình ảnh con thuyền trong gió bão. Chủ doanh nghiệp là chủ tàu buộc phải cắt giảm nhân sự và ném đi các vật dụng cồng kềnh (bán bớt tài sản) để giảm tải cho hành trình vượt khó. Ngược lại, bản thân những người trên thuyền nếu lo ngại tàu đắm cũng phải nhảy để thoát thân. Quá trình đào thải này là không thể tránh khỏi và cần thiết vì hướng tới một cấu trúc ngành cân bằng hơn trong tương lai.


Cần làm gì để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn?

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, bên cạnh điểm sáng, bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2023 phản ánh khó khăn, thách thức cả trong nội tại nền kinh tế và từ bên ngoài ngày càng gia tăng.

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: TTXVN)
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: TTXVN)© TTXVN

Bên cạnh điểm sáng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giải ngân vốn đầu tư công, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại... thì bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2023 vẫn phản ánh những khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các địa phương cần làm gì để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển?

Để hiểu rõ hơn về những khó khăn và giải pháp tháo gỡ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Xin ông cho biết những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm 2023?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Thương mại thế giới suy giảm khá lớn trong quý 4/2022 và tiếp tục kéo sang quý 1/2023, tiêu dùng suy giảm, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Lạm phát đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục tăng lãi suất đồng USD và đồng euro.

Kinh tế nước ta hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, trong bối cảnh đối diện với những khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục có những điểm sáng.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với vai trò là "bệ đỡ" trong tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng trở lại cao hơn ngưỡng 50 điểm, từ mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm trong tháng 2/2023, kết thúc 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng Hai, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 11/2022 và có mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2022 do nhu cầu của thị trường thế giới và trong nước đã có cải thiện.

Cùng với đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trong tháng thứ hai liên tiếp. Tâm lý kinh doanh được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mức độ lạc quan về triển vọng sản lượng trong một năm tới tiếp tục tăng.

Tổng mức bán lẻ tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng khá cao trong bối cảnh lao động của một số ngành thuộc khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 56.900 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngay từ đầu năm, đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng khác biệt so với các năm trước.

Giải ngân vốn FDI cũng đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức giải ngân khá cao trong xu hướng dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm. Việt Nam và Malaysia vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Về cán cân thương mại hàng hóa, ước tính xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)© Vũ Sinh/TTXVN

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 đạt 362.300 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán năm, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, tạo nguồn lực cho Chính phủ thực hiện chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Ông vừa đề cập tới điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công. Thưa ông, điều gì đã tạo nên điểm sáng này?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Nguyên nhân tạo nên điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công đó là sự chỉ đạo điều hành sát sao, khẩn trương, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Chính phủ và địa phương đã bám sát tình hình, kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn và giá cả nguyên vật liệu cho xây dựng…, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, chủ đầu tư và nhà thầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)© TTXVN

Lần đầu tiên, ngay trong hai tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành và địa phương đã được phân bổ xong cho các dự án, tạo chủ động cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều hội nghị để nắm tình hình, kịp thời đưa ra các chỉ đạo và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công.

Với nhận thức giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển kinh tế.

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngành ngân hàng cũng tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Hay Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm và chủ động tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp qua việc tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp năm 2023 với mục tiêu ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.

Tôi ấn tượng với phát biểu của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: "Cán bộ, cơ quan nào gây khó dễ, doanh nghiệp gọi thẳng cho tôi."

Các chỉ đạo, điều hành kịp thời này không chỉ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà còn tạo động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nhân, thúc đẩy kinh tế phát triển trong những tháng tới.

- Thương mại thế giới suy giảm khá lớn trong quý 4/2022 và tiếp tục kéo sang quý 1/2023, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động rất mạnh từ bên ngoài. Vậy trong hai tháng đầu năm, kinh tế nước ta gặp khó khăn gì, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và thế giới đã cải thiện khi số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại; việc làm cũng giảm chậm hơn nhưng sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Điều này được phản ánh qua chỉ số sản xuất công nghiệp (PPI) của 2 tháng đầu năm giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, điều chưa từng xảy ra trong 22 năm qua. Chỉ số PPI của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tới 6,9%; trong đó một số ngành là thế mạnh xuất khẩu của nước ta có chỉ số PPI giảm ở mức hai con số như: dệt giảm 11%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%.

Hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế trong hai tháng đầu năm 2023 cũng suy giảm so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%; kim ngạch nhập khẩu giảm 16% và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 13,2%. Bức tranh thương mại quốc tế của nước ta suy giảm do các đối tác thương mại của Việt Nam đang đối mặt với lạm phát vẫn ở mức cao, người dân cắt giảm chi tiêu nên tổng cầu suy giảm.

Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp đang rất khó khăn thể hiện qua tình hình đăng ký doanh nghiệp. Hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 19.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022, là số vốn đăng ký thấp nhất trong hai tháng đầu năm giai đoạn 2019-2023.

Bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, trong hai tháng cả nước có 18.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, trong hai tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800; có 9.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 3.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.

Bình quân một tháng số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường gấp 1,35 lần số doanh nghiệp mới gia nhập và quay trở lại thị trường.

Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm khi tín dụng của nền kinh tế tại thời điểm 15/2/2023 chỉ tăng 0,29% so với cuối năm 2022, giảm so với thời điểm giữa tháng 1/2023.

Lạm phát cơ bản của hai tháng đầu năm 2023 tăng 5,08%, cao hơn mức lạm phát chung. Tuy vậy, lạm phát bình quân của hai tháng đầu 2023 ở mức 4,6% thấp hơn mức 4,89% của tháng 1/2023 và xu hướng lạm phát giảm có thể tiếp tục diễn ra trong tháng 3/2023.

Thưa ông, đâu là những giải pháp Chính phủ cần thực hiện trong thời gian tới?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Giá dầu biến động, dự báo ở mức 90 USD/thùng vào những tháng cuối năm.

Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt; sức mua của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam giảm sút, các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn năm 2022. Kinh tế trong nước chịu sức ép cả bên trong và bên ngoài.

Để giữ ổn định vĩ mô, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng cả năm và kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Năm 2023, đầu tư công đóng vai trò quan trọng tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành thúc đẩy giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguồn cung và biến động giá nguyên vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý liên quan tới giải ngân vốn đầu tư nói chung và đặc biệt là vốn đầu tư công.

Đồng thời, Chính phủ cần dự báo, đánh giá đúng, chính xác tình hình; chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và thách thức của từng ngành, từng lĩnh vực; kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp để vượt qua thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Bộ Công Thương cùng với cộng đồng doanh nghiệp đánh giá và dự báo thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế đối với sản phẩm của từng ngành, từ đó có kế hoạch và giải pháp chuẩn bị đủ nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; hỗ trợ về thị trường, đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng của lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhìn chung, bên cạnh điểm sáng, bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm 2023 phản ánh khó khăn, thách thức cả trong nội tại nền kinh tế và từ bên ngoài ngày càng gia tăng, tạo sức ép đối với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình để hóa giải, nhanh chóng vượt qua các khó khăn, thách thức.