Một ngày của gã tất bật với nhiều loại công việc. Gã vừa là một nhân viên ngân hàng, vừa là giám đốc một công ty luật, đồng thời là kẻ đam mê pha chế rượu và cũng là nhà thiết kế “bất đắc dĩ” của công trình địa đạo kỳ quái xuyên lòng núi. Đó là lý do người ta gọi Giáp Quang Khải (Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang) là “dị nhân”.
Cặp kính trắng gã đeo toát lên vẻ thư sinh, cùng với đó là dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn. Nếu không trò chuyện lấy dăm ba phút sẽ không ai nghĩ gã là một “dị nhân”, người dám bỏ ra một lượng tiền lớn xây một cái hầm xuyên lòng đất chỉ để… chứa rượu.
Quyết tâm phá cách
42 tuổi nhưng khi trò chuyện đôi mắt sáng lên như một người còn độ thanh niên, đang muốn đốt cháy đam mê. Có lẽ là do lối sống lạc quan, đầy chất nghệ sĩ khiến gã trẻ hơn nhiều so với tuổi.
Là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em, tuổi thơ của gã gắn với cơm độn ngô, khoai và việc chăn trâu cắt cỏ. Tuy nhiên, vốn là người khéo léo, lớp 7 gã đã làm nhiều việc để kiếm tiền, từ vẽ tranh chân dung, gấp phong thư, làm phông nền đám cưới. Vì thế, đối với bất cứ việc gì, gã luôn sẵn sàng một quyết tâm cao.
Gã kể, thời còn trai trẻ, gã thích một cô gái Hà Nội nhưng bố mẹ cô gái phản đối vì gã chỉ là một người nhà quê, ở xa tận trên núi cao. Từ đó, gã luôn nhắc nhở bản thân không được để ai xem thường mình.
Thế rồi, gã học và học. Năm 1999, tốt nghiệp ngành luật, gã học tiếp ngân hàng, rồi đồng thời đăng ký vào Học viện Tư pháp, lấy bằng luật sư. Gã trở về chính quê hương mình làm việc. Gã vừa làm pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng đồng thời mở công ty luật riêng với cái tên “Nam Bạch Đằng”, nghĩa là vùng trời sáng, con đường sáng trên đất nước Việt Nam.
Cuộc sống dần ổn định. 10 năm trước, gã bắt đầu ngâm và pha chế rượu. Ban đầu chỉ để dùng trong gia đình, sau nhiều người uống khen ngon, gã bắt tay vào ngâm nhiều hơn.
Tuy nhiên, gã không được sự đồng tình của vợ, của người thân, vì không ai ủng hộ việc mang tiền chôn xuống đất hàng chục năm, trong khi không biết tương lai kết quả thế nào. Nhưng vì sự ham thích, gã ngâm giấu, ngâm lén. Dần dần, không ai cản nổi đam mê của gã, đồng thời chính những sản phẩm, giá trị thật đã thuyết phục họ, rồi tất cả cùng đồng thuận, góp phần giúp gã thỏa mãn ước mong của mình.
Kiên nhẫn nghiên cứu tài liệu pha chế rượu của nước ngoài, sau hàng thập kỉ tích lũy kinh nghiệm, đến nay gã đã có được thương hiệu riêng của mình, được cấp phép sản xuất, được công nhận độc quyền và rượu của gã được chứng nhận là sản phẩm - dịch vụ uy tín, chất lượng năm 2015.
“Việc kinh doanh sản xuất, tôi làm nhiều nhưng phải làm được cái gì thuộc sở hữu của mình mới thỏa mãn”, gã nói không phải với thứ giọng chơi ngông mà thấm đẫm quyết tâm và đam mê.
Cuộc sống hàng ngày của gã, tưởng như phải là người có ba đầu sáu tay mới làm nổi, nhưng với niềm yêu thích pha chế rượu đặc biệt cũng như quyết tâm tạo ra “thương hiệu” cho mình, gã sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy. Sáng làm việc ở công ty tại thành phố Bắc Giang, trưa gã phi xe hơn 20km lên nhà ở Phúc Hòa thăm hầm rượu, có buổi ở lại ăn trưa với mẹ, có khi lại quay xuống Bắc Giang cho kịp giờ làm. “Bận rộn nhưng vui vẻ”, gã nói rồi cười thật sảng khoái.
Đi dọc căn hầm đang dần ăn xâu vào lòng núi, gã ngâm bài thơ tự viết cho rượu của mình: “Một vò rượu quý vui tri kỷ/ Nghìn năm còn nhớ đất Bắc Giang/ Nhấp một ly nặng tình thiên cổ/ Ôm nậm be sành túy lúy say”. Khi đó, gã mới đúng là gã, trong dáng vẻ thư sinh, điềm đạm toát lên đam mê mà nhiều người cho rằng nó thật dị.
Núi Ông Vệ thuộc địa bàn xã Phúc Hòa (Tân Yên) trông xa như con voi khổng lồ phủ phục. Trên "con voi" ấy là những rừng cây bạch đàn và vải thiều đang cho quả non.
Và cái hầm làm bằng ximăng cốt thép của Giáp Quang Khải cắm vào lòng núi, chạy xiên xiên theo hình chữ chi rồi bò lên đỉnh núi. Phía cửa hầm có chỗ nổi lên mặt đất để lộ ra những hòn sỏi cuội to bằng nắm tay với đủ hình thù. Gã nói: “Làm thế cho độc đáo”.
Mở cửa hầm, lom khom bước vào, chúng tôi khựng lại bởi mùi rượu hòa quyện mùi hương của những loại hoa quả thảo mộc. Dọc hai bên thành hầm có đủ loại chai, be rượu được cài sâu vào trong lòng đất. Trên mỗi chai đều ghi thời gian sản xuất tương ứng số ký hiệu năm theo quy ước X1, X2... Có những chai đã được ngâm hơn 10 năm.
Ánh đèn chỗ đỏ, chỗ xanh hòa vào từng khe hở trên tường toát lên vẻ kỳ bí và gợi sự tò mò. Đi sâu vào phía trong chừng 200m sẽ là không gian rộng như phòng khách lớn. Xung quanh tường được ốp những viên sỏi cuội nhẵn bóng, có nhiều gờ khe để đặt be, chai rượu. Những chiếc nơ đỏ buộc qua cổ chai đã ngả màu. Phía dưới nền của căn hầm đặt 3 dãy chum to cũng được phủ lên bởi những tấm vải đỏ.
Gã chia sẻ: “Ngâm rượu cần tránh ánh sáng mặt trời và phải dùng chum to đặt sâu vào lòng đất, như thế rượu sẽ êm hơn và có hương vị đặc trưng của từng loại hoa quả thảo mộc”.
Gã cho biết, căn hầm được làm từ tháng 5.2014, đến nay chi phí hết hơn 300 triệu đồng. Dưới đây, gã đã cất hơn 10.000 lít rượu, với hàng trăm bình, chai và chum khác nhau. Và công trình vẫn tiếp tục được nối dài theo những ý tưởng mang ý muốn phá cách của gã nhằm xây dựng thành những đặc trưng của vùng.
Với cách pha chế riêng, đến nay gã đã có thương hiệu cho riêng mình, lấy tên là Giáp tửu. Việc đặt tên cho sản phẩm được gã cân nhắc rất nhiều. Tên thương hiệu phải độc đáo, khác lạ với những sản phẩm cùng loại, như rượu Làng Vân hay các loại rượu làm từ trái cây khác... Lúc đầu, gã lấy tên là "Giang Nam cung đình tửu". Giang là Bắc Giang, Nam là Việt Nam, sau đó đổi là "Giáp tửu cung đình", "Giáp tửu ngũ đế" và cuối cùng là "Giáp tửu".
Gã giải thích, Giáp là tên dòng họ của mình, coi như xây dựng một thương hiệu cho dòng tộc. Trong đó, có "Giáp tửu đồng quê nếp cái hoa vàng", "Giáp tửu táo đỏ" và "Giáp tửu Alibabas". Mỗi loại rượu lại được chế biến từ gạo nếp, táo đỏ Hàn Quốc, anh đào Mỹ, kiwi Úc và nhiều loài hoa khác... với chung một quy trình là rượu nấu theo phương pháp truyền thống, qua máy lọc khử những chất độc hại, ngâm ủ trong hầm, lọc tiếp... rồi đóng chai.
Không chỉ dừng lại ở đó, gã chia sẻ những sự định sắp tới của mình: “Tôi muốn xây dựng ở đây một tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí cho mọi người dân quanh vùng, bao gồm hệ thống hầm ngầm chứa rượu, quán bar - càphê, phòng hát karaoke, tất cả đều chìm trong lòng núi. Ngoài ra, còn có một bể bơi lộ thiên trên đỉnh núi và hai pháo đài mini...".
Tất cả chỉ vì gã nghĩ: “Cần có gì đó để lại cho mai sau, để nhắc đến quê mình, tên mình, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một điều đặc trưng, đặc biệt”.