Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Giấc mơ có nhà Sài Gòn

 Nguyễn Thị Huệ, 42 tuổi, công nhân nhà máy PouYuen, đến TP HCM từ 1998. Để Huệ tới “miền đất hứa”, gia đình vay mượn hai triệu đồng cho con làm lộ phí. Ngày đầu, lương cơ bản được hơn 500.000 đồng, mỗi tháng, Huệ gửi về quê gần một nửa, số còn lại dành cho ăn uống, trả tiền trọ.

Ít tiền, Huệ ở ghép với các bạn. Phòng trọ vách, mái đều bằng tôn. Nắng nóng. Mưa dột. Nền nhà luôn ẩm ướt. Giấc mơ có một chỗ ở đàng hoàng của Huệ cũng bắt đầu từ đó. Nhưng phải gần 10 năm sau chị mới có những khoản tiết kiệm đầu tiên, khi các em ra trường, tiền gửi về quê thưa dần.

“Nhớ ngày lương 5 triệu, tôi để ra hai triệu nuôi giấc mộng mua nhà. Có bữa hết tiền ăn, bụng rỗng nhưng không dám đụng đến”, Huệ nói. Đến nay, khi thu nhập mỗi tháng trên 12 triệu, chị vẫn giữ thói quen, dù phải chắt bóp chi phí gia đình, con nhỏ… Nhưng, mơ ước có được căn nhà vẫn xa vời.

Gần 25 năm vào Sài Gòn, mẹ con chị Huệ hiện sống trong căn phòng chưa đến 10 m2. Ảnh: Đình Văn

Chị Huệ nói, để mua căn hộ trả góp phải có một khoản trả trước. Ở thời điểm mức trả trước khoảng 200 triệu, chị chưa có đồng nào. Khi dành được số này, phần trả trước đã tăng lên gấp đôi. “Lúc tiết kiệm được 400 triệu, tôi lại không biết kiếm nhà xã hội ở đâu”, Huệ nói. Chị cũng đã tìm đến nhà thương mại nhưng loại nhà này phải “dồn hết lương để trả hàng tháng thì lấy gì nuôi con”.

Mẹ con chị Huệ là một trong gần ba triệu lao động nhập cư đến Sài Gòn làm việc đa phần đang thuê trọ. Với cư dân thành phố, hơn 500.000 hộ cũng chưa sở hữu nhà, bao gồm 20.000 công chức thành phố - chiếm 1/4 tổng số hộ dân, theo thống kê của Sở Xây dựng. Con số này chưa bao gồm những gia đình sống chen chúc trong căn nhà diện tích dưới 10m2/người - không đủ chuẩn nhà ở theo quy định.

Nhà ở xã hội qua từng giai đoạn

Nguyễn Thị Hoàng Trang, 34 tuổi, chuyên viên Phòng Lao động, thương binh và Xã hội quận 11, là một trong số công chức thành phố chưa có nhà. Hơn 10 năm qua, dù đã lập gia đình, chị vẫn sống cùng gia đình người anh tại Bình Tân, cách nơi làm việc gần 15 km. Căn nhà hai tầng xây trên mảnh đất 24m2 là chỗ tá túc của 9 người. Từ ngày có đứa con đầu, vợ chồng chị đã mơ về một căn hộ có phòng ngủ và phòng khách riêng để con có chỗ chơi đùa, học tập.

Tổng thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu, anh chị chỉ nhắm đến nhà ở xã hội vì giá không quá cao, lãi suất thấp, được trả góp đến 25 năm. Sau nhiều năm chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng chị dành được một khoản đủ trả mức ban đầu nhưng nhà không có.

“Tôi đã chờ đợi hơn 8 năm mà chưa đến lượt”, chị Trang nói.

Gia đình chị Huệ, chị Trang thuộc 9 trường hợp gồm lực lượng vũ trang, người có công, người thu nhập thấp… đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Loại nhà được ưu đãi về thuế đất, vốn vay, giá thấp hơn nhà thương mại - là hy vọng của hầu hết người lao động có thu nhập thấp.

Thực tế, số lượng nhà ở xã hội đã xây được chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu. 15 năm qua, chỉ 31 dự án với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ được đưa vào sử dụng. Mỗi mét vuông nhà ở xã hội từ 14 đến 20 triệu đồng, trung bình mỗi căn hộ có giá 1 - 1,6 tỷ, theo giá thẩm định của Sở Xây dựng công bố năm 2019. Mức giá này được xem là thấp trên thị trường song vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập, nhất là với công nhân.

Bạn đã (click chọn):



Khảo sát trên một nghìn mẫu thực hiện vào cuối năm ngoái của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) cho thấy, trước dịch thu nhập mỗi tháng của công nhân dưới 5 triệu đồng chiếm 30%, 45% có mức 5-7 triệu. Chỉ 26% nhận lương từ 7 triệu trở lên.

Một khảo sát khác trên 400 người về các vấn đề di cư thực hiện tháng 6 vừa qua, hơn 82% đang ở trọ và gần 63% người chọn gắn bó với thành phố, chưa có ý định về quê trong ít nhất 3 năm tới. Tuy nhiên, chỉ 5 người, tức 1,25% đang mua chung cư trả góp với thời gian chi trả 10-20 năm. Có trường hợp tiền trả hàng tháng chiếm đến 70% thu nhập.

Bảng khảo sát 400 người về tình trạng cư trú tại TP HCM

Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện chỉ có hơn 5.000 người được hỗ trợ vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển nhà ở với lãi suất 4,7% mỗi năm trong 20 năm để mua nhà. Riêng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách chỉ hơn 300 người vay.

Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội TP HCM nói, đơn vị rất muốn giải ngân vốn vay cho người mua nhà nhưng ít khách.

“Ngân hàng có tiền nhưng ít có người vay vì không có sản phẩm để mà mua”, ông Tiên nói. Nhiều năm qua, khi lập kế hoạch vốn cho loại hình vay mua nhà xã hội trình Chính phủ cấp, ngân hàng này chỉ đưa con số 10-20 tỷ/năm.

“Khá ít nhưng chúng tôi cũng không thể nâng lên vì không giải ngân được”, ông Tiên nói, giải thích thêm kế hoạch vốn được đưa ra sau thu thập thông tin “giỏ hàng” từ Sở Xây dựng.

Chuyên gia tư vấn quy hoạch chiến lược và thiết kế đô thị của một công ty Singapore, ông Nguyễn Đỗ Dũng nói, nhà ở xã hội kém phát triển, không chỉ hệ lụy đến người nghèo mà còn ảnh hưởng cả nền kinh tế, xã hội.

Người lao động khi phải thuê nhà, theo ông Dũng, thường có tâm lý sống tạm bợ, các khu nhà trọ vì thế nhếch nhác, lộn xộn. Địa phương cũng khó đảm bảo được điều kiện về giáo dục, y tế do người tạm cư liên tục dịch chuyển.

Việc sở hữu nhà không chỉ giúp môi trường sống được quan tâm mà còn khiến người lao động gắn bó với xí nghiệp, nhà máy. Bởi họ hiểu rằng để có tiền trả góp cần giữ được công ăn việc làm, từ đây cũng giúp hoạt động của doanh nghiệp ổn định hơn.

“Hơn 600.000 người rời TP HCM sau dịch là ví dụ về tính dịch chuyển cao của lao động khi không có tài sản để an cư ở nơi làm việc”, ông Dũng nói.

Với kinh nghiệm làm quy hoạch đô thị nhiều năm, ông Dũng chỉ ra ba rào cản khiến nhà ở xã hội phát triển chậm.

Đầu tiên, giá nhà phụ thuộc giá đất đã có hạ tầng đường, điện, nước… song nguồn đất này ở TP HCM hạn chế. Đây chính là lý do khiến giá nhà đất ở đô thị hơn 10 triệu dân bị đẩy lên cao.

Tại một số quốc gia, khi làm quy hoạch, nhà nước chuẩn bị sẵn quỹ đất cho nhiều năm phát triển. Như thành phố Calgary - trung tâm kinh tế hàng đầu của Canada luôn có đủ đất có hạ tầng cho 15 năm phát triển và 30 năm đối với đất thô. Việc này đảm bảo giá đất thấp để người nghèo có cơ hội an cư và thu hút doanh nghiệp.

Lý do thứ hai, thủ tục pháp lý triển khai dự án chậm trễ. Giới đầu tư bất động sản đưa ra công thức “1-2-4 năm” để so sánh thời gian từ khi được giao dự án cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường của ba nước châu Á. Ở Singapore chỉ cần một năm, Trung Quốc cần hai năm trong khi ở Việt Nam cần tới 4 năm. Thời gian kéo dài dẫn tới rủi ro giá tăng khiến cho giá bán bị đội lên, cơ hội sở hữu nhà cho người nghèo lại càng thấp.

Nguyên nhân thứ ba khiến nhà ở xã hội gần như biến mất khỏi thị trường là các quy định pháp luật không khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, quy định tỷ lệ lợi nhuận khi doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không quá 10%, thời gian thu hồi vốn tối thiểu 15 năm, đã làm nản lòng doanh nghiệp.

“Thay vì chỉ cần quy định giá bán, kiểm soát chất lượng, nhà nước lại quy định cách làm, lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn. Nếu doanh nghiệp làm đúng thì dự án kéo dài, lợi nhuận thấp, còn tìm cách “lách” lại đối mặt rủi ro pháp lý”, ông Dũng nêu. “Nhiều doanh nghiệp chọn cách tốt nhất là không làm nhà xã hội dù nhu cầu thị trường rất lớn”.

‘Đứt hơi xây nhà ở xã hội’

Hơn 20 năm gắn bó ngành xây dựng và cho ra thị trường khoảng 7.000 căn hộ giá rẻ, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành nói, vướng mắc về thủ tục làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.

“Chúng ta nói rất nhiều nhưng thực sự có muốn thay đổi không? Nhiều năm qua vấn đề nhà ở xã hội càng gỡ càng rối”, ông Nghĩa nói.

Theo ông, về lý thuyết quy trình thực hiện nhà ở xã hội chỉ có 4 bước, ít hơn một bước so với nhà ở thương mại, nhưng doanh nghiệp mất ba năm mới thực hiện xong bước một - làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Ngoài ra, một dự án muốn được phê duyệt cần ý kiến của 11 sở, ngành. Trước đây, doanh nghiệp giải quyết theo từng cửa, chỗ nào không đồng ý sẽ hỏi lý do và gỡ luôn. Giờ đây, thành phố cải cách thủ tục hành chính, nộp hồ sơ qua một cửa, khi nhận được câu trả lời không chấp thuận, doanh nghiệp không biết vướng chỗ nào.

“Ngần ấy thủ tục đã khiến doanh nghiệp xoay xở muốn đứt hơi, gần đây còn thêm tiêu chí đánh giá tác động kẹt xe”, ông nói.

Theo ông Nghĩa, tiêu chuẩn nhà ở xã hội là bán cho người đăng ký thường trú hoặc tạm trú dài hạn ở nơi có dự án. Như vậy, nhà ở xã hội không thu hút dân mới mà còn giúp giãn dân đang sống ở các nhà trọ. Vậy nhưng dự án vẫn phải chịu quy định này. “Sở Giao thông Vận tải cho ý kiến ‘dự án nguy cơ kẹt xe’ là toàn dự án phải dừng luôn”, ông Nghĩa nói.

Về lợi nhuận, ông Nghĩa nói rằng lý thuyết được vay vốn ưu đãi 4,8% mỗi năm nhưng bao năm qua Lê Thành phải vay với lãi suất 11%, không khác gì nhà ở thương mại. Trong khi lợi nhuận của dự án bị khống chế 10% đối với nhà bán và 15% đối với nhà thuê.

Ông Nghĩa nêu công ty có một dự án 2ha có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Trong đó, 100 tỷ đồng tiền đất được Lê Thành mua lại của người dân với giá thị trường, 500 tỷ đồng chi phí xây dựng. Theo quy định, giá nhà ở xã hội không được tính tiền đất. Với trường hợp đất của doanh nghiệp, nhà nước sẽ hoàn lại theo khung giá đất đã được quy định, bằng khoảng 20% chi phí thực tế.

Còn lợi nhuận, khi đầu tư nhà ở xã hội được tính trên chi phí xây dựng nhưng không quá 10% đối với nhà bán và 15% đối với nhà cho thuê. Như vậy với 500 tỷ đồng xây nhà để bán, công ty chỉ lời được 50 tỷ đồng. Nếu một dự án hoàn thành với thời gian 5 năm doanh nghiệp thu hồi được vốn và lãi được 50 tỷ đồng, chia ra mỗi năm lãi 2% - thấp hơn nhiều so với việc “không làm gì và đem tiền đi gửi ngân hàng”.

“Nhiều thủ tục kinh hoàng. Nhà đầu tư làm xong một dự án thì không dám làm tiếp mà chuyển sang làm nhà ở thương mại cho khỏe”, ông Nghĩa nói.

Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM

Click vào biểu đồ để xem chi tiết

Khi nào có một triệu ngôi nhà giá rẻ?

Nhìn vào con số nhà ở xã hội phát triển được thời gian qua, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM thừa nhận “chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của những người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, chiến sĩ”. Thành phố cũng đánh giá, khi chưa có chỗ ở ổn định, người lao động sẽ có xu hướng tìm cơ hội ở nơi khác, khó gắn kết lâu dài, ảnh hưởng tới lực lượng, năng suất lao động và tốc độ phát triển kinh tế của thành phố.

Tháng 10 năm ngoái, chứng kiến dòng người ken đặc rời bỏ TP HCM sau giai đoạn dịch bùng phát, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói: "Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức". Ngay sau đó, chính quyền thành phố đề ra kế hoạch xây một triệu căn nhà giá rẻ, trong đó có nhà ở xã hội. 2-3 tháng qua, một số dự án nhà ở xã hội bắt đầu được khởi công ở TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Nhà Bè.

Đánh giá mục tiêu một triệu căn nhà, chuyên gia Nguyễn Đỗ Dũng nói “đây là một con số khổng lồ”. Bài toán đặt ra là nếu xây căn hộ 50m2, chung cư 6 tầng, thành phố cần ít nhất 4.200 ha đất sạch hoàn toàn có hạ tầng - gấp 4 lần diện tích quận 1. Công việc sắp tới cần đẩy nhanh là thành phố phải chuẩn bị quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đền bù cho những khu hiện hữu…

“Nếu thực sự muốn làm, thành phố cần 16-20 năm để hoàn thành với điều kiện những rào cản phải được tháo gỡ hoàn toàn”, ông Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP HCM, cho rằng để kế hoạch thành công, thành phố cần nhìn nhận lại khái niệm “nhà ở xã hội là nhà thương mại giá rẻ” và bằng mọi cách thu hút được doanh nghiệp tham gia.

“Lợi nhuận của thành phố khi xây dựng nhà ở cho nhóm này là thu hút, giữ chân người lao động nhập cư, lực lượng mang đến giá trị thặng dư cho thành phố”, ông Hòa phân tích.

Do đó với nhóm nhà thương mại giá rẻ, thành phố nên đặt hàng doanh nghiệp với mức giá xây dựng được tính toán phù hợp. Ví dụ, với đất sạch có sẵn, thành phố đặt hàng xây dựng mỗi m2 là 15 triệu đồng kèm theo một số ưu đãi khác. Sau đó, chính quyền thu mua lại và giữ vai trò phân phối để đảm bảo các căn hộ này đến được đúng nhóm thụ hưởng.

“Một căn hộ 40m2 giá chỉ còn 600 triệu đồng, hoàn toàn vừa sức thu nhập của người lao động với thời gian trả góp 10 năm”, ông Hòa nêu. “Đây cũng là cách làm của Singapore, vừa đảm doanh nghiệp có lợi nhuận, nhà nước vẫn có quỹ nhà với giá vừa phải bán cho người dân thu nhập thấp”.

Đồng quan điểm, TS Trương Hoàng Trương, Trưởng khoa Đô thị học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), cho rằng cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá xây nhà ở xã hội thay vì lấy ngân sách vốn đã eo hẹp. Về lâu dài, nhà nước cần quy hoạch các khu có quỹ đất sạch để xây nhà xã hội và giao cho cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư phát triển. Cơ quan này sẽ triển khai đấu thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật. Việc này giúp ngắn thời gian làm các thủ tục pháp lý, góp phần làm giảm giá thành nhà ở.

“Nếu chính quyền thực sự muốn phát triển nhà ở xã hội nên lắng nghe nhiều hơn nữa từ cộng đồng thụ hưởng và doanh nghiệp để thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc”, ông Trương Hoàng Trương nói.

Còn với chị Huệ, sau chục năm tìm kiếm, chị không còn nhiều hy vọng thực hiện ước mơ sở hữu một căn nhà ở Sài Gòn. “Tôi đã nhờ người thân tìm mua đất ở quê, chuẩn bị cho mình một đường lui để đến khi về già còn có chỗ tá túc”, chị Huệ nói.

Lê Tuyết - Hoàng Khánh - Thanh Hạ

Thị trường đất nền lao dốc, môi giới chật vật tìm “cửa sáng”

 Thị trường đất nền lao dốc, môi giới chật vật tìm “cửa sáng”

Trong bối cảnh giao dịch phân khúc đất nền giảm mạnh, nhiều môi giới phân khúc này đã lựa chọn đi tìm "cửa sáng" ở loại hình chung cư và nhà đất thổ cư để có thể tiếp tục bám nghề, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hơn nửa năm nay, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh khó chồng khó. Giá đất dần hạ nhiệt, nhu cầu mua có xu hướng giảm. Các nhà đầu tư cũng không mặn mà với bất động sản do e ngại rủi ro mà quyết định gửi tiết kiệm khi lãi suất liên tục tăng.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư đang “ôm” đất cũng trong tình trạng lo lắng giá giảm cũng nhưng không thể tiếp tục “gồng” lãi suất ngân hàng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Bên cạnh đó, các môi giới bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường đất nền rơi vào trầm lắng như hiện nay.

Một giám đốc sàn giao dịch bất động sản phân khúc đất nền vùng ven Hà Nội cho biết, nhân viên của sàn đã tạm thời nghỉ hoặc nghỉ hẳn khá nhiều.

“Thời điểm sôi động, môi giới sống bằng khoản hoa hồng từ các giao dịch thành công. Còn giờ, thị trường trầm lắng, khách hỏi mua còn không có thì môi giới chắc chắn “đói” rồi. Cho nên, mấy tháng nay, môi giới sàn tôi chuyển sang làm nghề khác để mưa sinh khá nhiều. Tuy nhiên, họ chỉ làm tạm thời chờ ngày thị trường ấm lên. Còn một số ít thì chuyển qua môi giới các phân khúc khác”, vị này cho hay.

Anh Xuân Lâm, môi giới chuyên phân khúc đất nền dự án khu vực Phú Xuyên, Hoài Đức cho biết đã 6 tháng nay không phát sinh được giao dịch mới. Để có thu nhập đảm bảo cuộc sống, anh quyết định lấn sân môi giới chung cư và nhà đất thổ cư.

“Tôi đi theo một người anh chuyên môi giới nhà đất thổ cư khu vực Thanh Xuân để học việc. Nhờ có sẵn tệp khách hàng cũ, tôi cũng đã có một giao dịch. Hoa hồng phân khúc này cũng ổn nhưng nguồn hàng không dễ tìm, cạnh tranh cao”, anh Lâm chia sẻ.

Chị Hồng Ánh - một môi giới lâu năm phân khúc nhà đất thổ cư cho biết, thời gian gần đây lượng môi giới chuyển sang phân khúc này tăng cao do là phân khúc ở thực nên vẫn có giao dịch dù thị trường trầm lắng. Có thể nói, đây là phân khúc “sáng” nhất nhì thị trường bất động sản. Cả khách có nhu cầu ở thực và khách có nhu cầu đầu tư đều tìm kiếm.

Còn anh Nguyễn Tuấn cũng vừa chuyển qua môi giới chung cư hơn 3 tháng nay, nhận thấy tình hình khá khả quan. Anh cho biết, dù thông tin tăng giá khiến tâm lý khách hàng lung lay, nhưng lượng người có nhu cầu mua căn hộ chung cư vẫn rất lớn, nhất là các căn có giá trong khoảng 3 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc công ty bất động sản EZ Property chia sẻ tại một talkshow rằng, mọi người cho rằng thị trường bất động sản khó khăn nhưng theo ông đây chỉ là một giai đoạn của thị trường.

Ông Toản cũng đưa ra ví dụ việc bán căn hộ của mình, khi vừa gửi cho môi giới thì lập tức có rất nhiều người quan tâm. Người mua đều là những người có thu nhập ổn định và là gia đình trẻ.

“Điều này để thấy được thị trường vẫn vận động và nhu cầu vẫn có. Chúng ta chịu ảnh hưởng bởi thị trường đầu tư và những đối tượng đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nên đôi khi ảnh hưởng lớn. Và thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu đầu tư là chính. Cho nên, khi tín dụng thắt chặt, dòng tiền hạn chế lập tức thị trường đi xuống chưa kể chứng khoán đi xuống, trái phiếu nguy hiểm đó là vấn đề ảnh hưởng thị trường bất động sản nói chung”, ông Toản chia sẻ.

Thị trường trầm lắng, ít giao dịch nhưng vẫn có những nhu cầu ở thực của những hộ gia đình trẻ, di dân cơ học đến với thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương... Các cư dân đó đều có nhu cầu nhà ở và khi đã có nhu cầu thì lập tức có thị trường và thị trường cần có giao dịch mua bán. Theo ông, đây là điểm sáng của thị trường bất động sản hiện nay.


Linh Phong

Nhịp sống thị trường

Tỉnh có cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam

 

(Tổ Quốc) - Hiện nay, cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam là cảng biển loại đặc biệt được ưu tiên đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu đang là cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó, CMIT là 1 trong 2 cảng biển xếp vào loại đặc biệt được ưu tiên đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu và cụm cảng container lớn nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 100.000 DWT; tàu hàng lỏng (dầu; LPG…) trọng tải đến 80.000 DWT và tàu container trọng tải đến 214.000 DWT (sức chở 18.340 TEUs).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong cụm cảng CMIT, cảng Gemalink đã đạt được thành tích đảng nể cho dù mới được đưa vào khai thác từ tháng 1/2021. Cụ thể, đến tháng 3/2022, Gemalink chính thức đạt 1 triệu TEU thông qua cảng, lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam.

Bên cạnh đó, vào tháng 4/2022, CMIT đã thiết lập mức kỷ lục mới về sản lượng hàng hóa xếp dỡ sau khi tiếp nhận thành công tàu MSC VANDYA, có trọng tải 154.185 DWT tương đương với sức chở 13.106 TEU do hãng tàu MSC khai thác trên tuyến dịch vụ PEARL/ TP6 của liên minh 2M kết nối Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, CMIT là một trong hai cụm cảng đặc biệt của hệ thống cảng biển Việt Nam, có rất nhiều lợi thế vượt bậc, có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.

CMIT là cụm cảng trung chuyển quốc tế có tần suất cao nhất trực tiếp đi châu Âu, Bắc Mỹ và là một trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến đến 250.000 tấn. Hơn nữa, CMIT thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới, hàng năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.

Trên thực tế, CMIT được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

Trong đó, CMIT được xếp hạng cao hơn 3 cảng trung chuyển lớn là cảng PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31), Hồng Kông (thứ 38) và Yokohama của Nhật Bản (thứ 12).

Tỉnh có cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Top 11 cảng container hoạt động tốt nhất thế giới. Nguồn: Theo WB và S&P Global Market Intelligence.

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm. Trong đó, tỉnh đang có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm.

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế về tài nguyên biển. Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tài nguyên biển của Bà Rịa - Vũng Tàu rất thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.

Tận dụng lợi thế tài nguyên biển để phát triển kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì đà phát triển. Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 1996 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).

Tỉnh có cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (USD/người). Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2021, GRDP bình quân đầu người của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 12.154 USD/người (tính cả dầu khí) tương đương 281,2 triệu đồng. Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 7.141 USD/người (không tính dầu khí) tương đương 163,4 triệu đồng, gấp hơn 8 lần so với năm 2000 (851 USD/người tương đương 19,5 triệu đồng).

Minh Tiến

5 khoản tiền người lao động có thể nhận được vào cuối năm nay



(Tổ Quốc) - Do lịch nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên người lao động có thể sẽ nhận được khoản tiền thưởng Tết vào cuối năm nay.

1. Tiền lương nếu đi làm trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán

Vào những ngày Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán theo quy định, người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Nếu vì yêu cầu của công việc, người lao động vẫn đi làm vào những ngày mà đáng lẽ được nghỉ này, sẽ nhận được mức lương gấp 3 lần so với bình thường.

2. Tiền của Liên đoàn lao động Việt Nam

Theo thông lệ, cuối năm, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thường tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch 266, trong đó nêu một trong các hoạt động là thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người.

3. Thưởng Tết Dương lịch

Theo Điều 104 của Bộ luật Lao động hiện hành, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Thưởng không phải là khoản tiền bắt buộc mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều có chính sách thưởng vào dịp tết dương lịch cho người lao động như một sự ghi nhận những đóng góp cho một năm. Mức thưởng này có thể là 500.000 đồng, 1 triệu đồng, hoặc một, vài tháng lương.

Tết Dương lịch năm 2022, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, mặt bằng mức thưởng tết dương lịch cũng thấp hơn so với mọi năm, nhưng vẫn ghi nhận một cá nhân nhận được mức thưởng lên đến 471 triệu đồng.

4. Thưởng Tết Nguyên đán

Do năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có thời gian gần nhau nên vào cuối năm, ngoài khoản tiền thưởng Tết Dương lịch, người lao động còn được nhận khoản tiền thưởng Tết Nguyên đán.

Tương tự như trên, thưởng tết âm lịch cũng không phải là khoản chi bắt buộc của doanh nghiệp mà căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để quyết định có thưởng tết cho người lao động không và thưởng bao nhiêu.

Dẫu vậy, trên thực tế, thưởng tết âm lịch vẫn luôn là khoản thưởng người lao động ngóng đợi nhất mỗi năm, do đây là khoản thưởng lớn nhất trong năm người lao động có thể nhận được.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã từng ghi nhận mức thưởng tết âm lịch năm 2022 lên đến 1,4 tỷ đồng.

5. Tiền nghỉ phép năm

Trước đây, theo Bộ luật Lao động 2012, người lao động vì lý do nào đó mà chưa nghỉ phép hoặc chưa nghỉ hết số ngày phép thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

Còn hiện nay, theo Bộ luật Lao động mới, người lao động chỉ được thanh tiền nếu không nghỉ phép hoặc chưa nghỉ hết ngày phép trong trường hợp nghỉ việc.

Như vậy, trường hợp cuối năm nay, người lao động nghỉ việc mà chưa nghỉ hết phép thì có thể đề nghị doanh nghiệp thanh toán khoản tiền này.

Anh Tuấn

Bài học từ quá khứ chính là "người thầy" tuyệt vời nhất trên thị trường chứng khoán

 

(Tổ Quốc) - "Một chữ cũng là thấy, nửa chữ cũng là thầy. Sắp tới ngày nhà giáo Việt Nam 20/10, người thầy trên thị trường chứng khoán là ai, họ đã dạy được chúng ta những điều gì? Những khoá học cả chục triệu hay trăm triệu đồng có đem lại hiệu quả khi chúng ta đầu tư hay không?"

Tại Talkshow Bí mật đồng tiền số 47 với chủ đề "Người thầy lắm chiêu", Host Ngọc Trinh cùng các vị chuyên gia đã mang tới nhiều bài học kinh nghiệm xương máu cho các chứng sĩ.

Theo Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI, ông ví von thị trường chứng khoán giống như môn lịch sử bởi chúng ta phải quan sát và biết nhiều hơn về quá khứ. Đôi khi những gì xảy ra trong quá khứ dù không tốt vẫn sẽ là nền tảng trong tương lai. Khi mà những nhà đầu tư đã trải qua được một năm rất khó khăn, với những khó khăn tiếp theo sau này, chúng ta sẽ xử lý tốt hơn và vượt qua dễ dàng hơn.

Ông Hưng cũng chia sẻ thêm: "Đối với tôi, năm nay tôi có thể thoát được hàng phải cảm ơn rất nhiều giai đoạn 2008-2009, thời điểm ấy tôi đã biết việc đầu tư vào một công ty từ mức giá 20.000 đồng/cp về con số 0 là như thế nào. Khi mình đã trải qua những vấn đề như thế, tương lai hoàn toàn có khả năng đương đầu với những câu chuyện này và không bị bất ngờ. Nhờ đó, sẽ có cách xử lý phù hợp, ra quyết định đúng đắn hơn".

Bài học từ quá khứ chính là "người thầy" tuyệt vời nhất trên thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Để tìm được đúng "thầy", Host Ngọc Trinh cho biết: "May mắn nhất của cuộc đời không phải nhặt được tiền hay trúng số mà là tìm được người đưa được chúng ta lên nền tảng cao mới."

Liên quan đến câu chuyện dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại đang khá mạnh, khi một vài phiên giao dịch đã mua ròng đến hàng ngàn tỷ đồng, liệu đây có thể coi là chất xúc tác cho thị trường hay không?

Kinh tế trưởng SSI đánh giá dòng tiền khối ngoại tăng mạnh có thể đến từ các quỹ ETF như Fubon hay một số quỹ ở Việt Nam mua thêm cổ phiếu. Đối với các quỹ nước ngoài, theo quy định, họ không được giữ tỷ lệ tiền mặt ở ngưỡng quá cao. Thông thường, không có nhà đầu tư nào uỷ thác cho cho phép các quỹ giữ tỷ lệ tiền mặt cao.

Một nguyên nhân nữa khiến khối ngoại đẩy mạnh mua ròng gần đây cũng có thể do NĐT nước ngoài định giá thị trường Việt Nam tương đối rẻ, và họ đang tích luỹ cổ phiếu.

Song, ông Hưng cũng lưu ý rằng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài so với các nhà đầu tư trong nước đang khá thấp. Do đó, khó có thể nói là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy thị trường quay trở lại các mốc cũ ở thời điểm này. "Một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân, thực ra thị trường đang xuất hiện thêm khá nhiều cánh én", ông cho hay. 

Bài học từ quá khứ chính là "người thầy" tuyệt vời nhất trên thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

 

Kiều My