Nói chuyện là phải biết chừng mực, cái gì nên nói, nói cho rõ ràng, cho ra ngô ra khoai, cái gì không nên nói thì phải biết ý, một từ cũng không nên nói, đây chính là sự uyển chuyển và mánh khóe quan trọng nhất.
2. Giao tiếp với người lạ, chừa "không gian"
Khi giao tiếp với người lạ, đừng cái gì cũng phải nói tới cùng, khăng khăng giữ quan điểm của mình Cốc không rót đầy nước, là để có thêm đá vào nước cũng sẽ không tràn ra; bóng không bơm quá căng vì quá căng sẽ bị nổ. Tương tự, nói chuyện với người mới quen, hãy chừa lại chút "không gian" cho cả hai, có như vậy mới tránh được những tranh luận không đâu, tiếp tục chủ đề trong thoải mái và hòa bình.
3. Làm người chín chắn, nhưng đừng quá lõi đời
Chín chắn và lõi đời là hai khái niệm khác nhau, người chín chắn khiến ai cũng muốn kết thân, người lõi đời lại chỉ khiến người ta muốn tránh xa. Lõi đời hàm ý chỉ một ai đó quá sành sỏi việc gì đó, nhưng sành sỏi quá lại thành ra tính toán, lanh vặt. Lanh một lần người khác có thể bỏ qua, nhưng lanh nhiều lần chưa chắc đã còn ai muốn chơi cùng. Cái gì cũng nên có "mức độ".
4. Chỉ nói 3 phần lời
Chỉ nói 3 phần lời, nghe có vẻ không được chân thành, nhưng thực tế không như vậy. Nói chuyện với ai chỉ nói 3 phần, ý muốn nói con người với nhau cũng cần phải duy trì một khoảng cách hợp lý. Cái gì quá cũng không tốt, người với người nếu nói chuyện mà móc hết gan hết phổi ra nói hết cả 10 phần, không những không làm cho tình cảm thân mật hơn, mà sẽ chỉ khiến bạn thấp thỏm sau này. Ai cũng nên có những bí mật cho riêng mình, đừng để tới lúc muốn ở một mình lại không còn đường lui.
5. Khoảng cách tạo ra sự đẹp đẽ
Đã bao giờ bạn cảm thấy ngột ngạt khi ở cạnh nhau mỗi ngày, nhìn thấy nhau quá nhiều, biết mọi điều của nhau rõ như lòng bàn tay? Con người ta, ai cũng cần có không gian riêng cho chính mình, cho nhau một chút khoảng cách để rồi lại cảm nhận được sự quan trọng, sự quen thuộc của nhau, đó chính là sự uyển chuyển, linh hoạt trong đối nhân xử thế.
6. Hồ đồ một chút
Xã hội phức tạp, lòng người khó đoán, có rất nhiều chuyện, không nên quá so đo hay cạnh tranh tới cùng, vẫn nên hồ đồ một chút là hơn. Nếu không thì càng làm tới sẽ càng loạn, càng phức tạp. Vì tương lai lâu dài, nhẫn nhịn một chút, chấp nhận nhường bước cũng đáng.
7. Đừng luôn trách móc, đổ lỗi cho người khác
Dù là người thân thiết nhất thì họ cũng sẽ chẳng thể nào làm người làm việc như ý bạn muốn. Vì vậy, đừng quá tự cao, cho mình là trung tâm, đổ lỗi rồi dạy đời người khác, hãy tôn trọng mọi người, rồi bạn mới được tôn trọng lại.
8. Khoan dung
Người có một tấm lòng khoan dung tất nhiên sẽ được người khác yêu mến hơn những người suốt ngày chỉ biết đổ lỗi cho người khác. Làm người, phải nghiêm khắc với bản thân, rèn cho mình thói quen tự giác kỷ luật, nhưng đối đãi với người khác nhất định phải khoan dung một chút, vậy mới dễ dàng có được sự yêu quý của mọi người.
9. Đừng quá để ý chuyện không đâu
Cuộc đời còn có rất nhiều điều tốt đẹp, có những người những việc, nếu chỉ đem lại cho chúng ta buồn phiền, rắc rối, vậy thì không cần phải quan tâm.
10. Lấy đức báo oán
Đối với phần lớn hận thù, không nên dùng thái độ ăn miếng trả miếng để đáp trả, mà nên "lấy đức báo oán", đây không chỉ là một thái độ đỉnh cao trong làm người làm việc, mà còn là phương pháp cao minh trong hóa giải mâu thuẫn và thù oán.
11. Làm việc phải giữ lại đường lui
Dồn người khác tới bước đường cùng, đường của mình đi rồi cũng sẽ chẳng khá khẩm gì hơn; quen với việc đập vỡ bát cơm của người khác, bát cơm của bạn cũng sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị đổ vỡ. Làm người làm việc, không làm khó người khác, chính là không làm khó mình, để người khác sống thoải mái, bản thân tự nhiên sống cũng thư thái hơn.
12. Nhường nhịn cũng cần có mức độ
Sự uyển chuyển là phải có, nhưng nhẫn nhịn cũng nên có mức độ của nó. Nhân nhượng không có nguyên tắc, không có giới hạn là điều không nên, một khi vì vậy mà đánh mất đi tôn nghiêm, trong mắt mọi người, hình ảnh của bạn sẽ chỉ là bất tài và nhu nhược.
Theo: Như Nguyễn / Báo dân sinh