Văn hóa chốt đơn, bàn chuyện kinh doanh trên bàn rượu khá phổ biến ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng: Ai không biết nhậu mất 50% cơ hội thăng tiến trong công việc. Nhưng cũng có doanh nhân đã gây dựng sự nghiệp thành công khẳng định chưa bao giờ uống rượu để có được hợp đồng.
Được mệnh danh là "Vua quạt đất Bắc", ông Trần Văn Lê - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh là một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất quạt công nghiệp.
Trong một video gần đây được chia sẻ trên trang thông tin chính của CEO Trần Văn Lê có 39 nghìn người theo dõi, ông chủ Phương Linh đã khẳng định rằng: 60 năm cuộc đời, chưa bao giờ say. Bởi vì ông thiết lập một cái ngưỡng, uống đến mức nào đó thì dừng lại.
Ông Lê cho biết mình không có quan điểm: Đã hết mình với nhau là phải gục ngã hay dô trên bàn rượu. Đối với ông, đó là kỷ luật.
"Tôi duy trì và không thay đổi bằng mọi giá. Tôi không vì chén rượu để có hợp đồng, tôi không làm. Tôi chưa bao giờ làm điều đó", ông Lê khẳng định và tuyên bố:
Đừng nói chuyện chốt hợp đồng trên bàn nhậu với tôi!
Với việc kinh doanh, mặc dù thường xuyên phải tiếp khách và cũng có nhiều mối quan hệ làm ăn, nhưng ông chủ Phương Linh cho rằng, giá trị của thương hiệu, giá trị chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ đấy mới là giá trị trường tồn.
Trong văn hóa kinh doanh của nhiều quốc gia Á Đông, việc chốt đơn và thiết lập mối quan hệ kinh doanh trên bàn rượu từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong các giao dịch. Đây không chỉ là nơi để thể hiện tình cảm, lòng mến khách và sự rộng lượng, mà còn là cách để các nhà kinh doanh thể hiện sự chân thành và nghệ thuật đàm phán trong môi trường không chính thức.
Trong bối cảnh đó, việc mời đối tác đi nhậu không chỉ đơn thuần là uống rượu và ăn uống, mà còn là cơ hội để hiểu biết sâu hơn về nhau, tạo dựng lòng tin và thiện chí. Khi rượu vào, lời ra, không khí trở nên thoải mái hơn, những cuộc trò chuyện nhờ đó cởi mở hơn.Qua đó giúp củng cố mối quan hệ hay thậm chí là tháo gỡ những bất đồng hoặc hiểu lầm có thể xảy ra trong quá trình làm ăn.
“Làm doanh nghiệp, muốn có hợp đồng, muốn nhận mảng này mảng kia mà không có quan hệ thì… vứt. Chất xúc tác mọi quan hệ là cái gì? Là bia, là rượu!", anh Kiên, giám đốc một công ty tư nhân chuyên về trang trí nội thất tại Hà Nội, có lịch nhậu 4 buổi/tuần đều như vắt tranh cho biết.
Ảnh minh họa bữa nhậu. Nguồn: internet.
Mặt trái của những bữa nhậu làm ăn này đã để lại không ít hệ lụy cho sức khỏe và hạnh phúc gia đình của những người trong cuộc.
Nỗi khổ thường gặp đầu tiên chính là những vấn đề sức khỏe không thể lường trước được. Việc thường xuyên phải uống rượu bia trong các buổi tiếp khách không những gây ra các bệnh liên quan đến gan, dạ dày mà còn có thể dẫn đến các rối loạn về tâm trạng, ảnh hưởng đến sự minh mẫn và năng suất làm việc.
Anh Kiên trông già hơn nhiều so với độ tuổi chưa tới 40, bụng phệ, tóc rụng nhiều và kết quả khám sức khỏe 3 lần gần nhất đều chi chít những dặn dò cần chý ý của bác sỹ.
Ngoài những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe, mặt trái cảm xúc cũng không kém phần trầm trọng. Áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu, "chốt đơn" thành công hay những hợp đồng giá trị lớn thường khiến người trong cuộc phải đánh đổi thời gian dành cho gia đình và người thân.
Lâu ngày, điều này có thể gây ra những rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng, xa cách tình cảm với con cái, làm suy giảm chất lượng cuộc sống gia đình.
Việc phụ thuộc vào rượu bia để kết nối và giao tiếp trong kinh doanh còn tạo ra một "lối mòn", củng cố thêm quan điểm truyền miệng rằng: Không biết nhậu không phải người làm ăn! Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng: Ai không biết nhậu mất 50% cơ hội thăng tiến trong công việc!
Anh Hùng, 38 tuổi, trưởng phòng kinh doanh tại một ngân hàng có địa bàn tại Tây Nguyên cho biết, lịch nhậu của anh đều đặn 4 đến 5 ngày một tuần, liên tục cả mười mấy năm nay. Anh Hùng nhậu nhiều đến nỗi, nếu quy đổi chi phí đi nhậu liên tục từ trước tới nay, anh ước tính phải ngang giá trị một ô tô Vios.
Tuy nhiên, thay vì uống rượu, anh và các đối tác thường chỉ uống bia. Anh Hùng cũng khẳng định:
"Trong kinh doanh, chẳng làm ăn gì được hết nếu không biết nhậu".
Nhìn chung, việc đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc gia đình để theo đuổi thành công trong kinh doanh thông qua văn hóa "chốt đơn" trên bàn rượu là một điều khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, những chia sẻ của doanh nhân thành công như CEO Trần Văn Lê cũng cho thấy không phải mọi con đường thành công hay thăng tiến đều bắt buộc phải đi qua bàn nhậu.
Ông Lê thành lập công ty Phương Linh vào năm 2000. Từ hai bàn tay trắng, trải qua 25 năm phát triển, hiện nay Phương Linh là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường về lĩnh vực quạt công nghiệp và xử lý môi trường. Phương Linh hiện có 2 nhà máy sản xuất lớn ở cửa ngõ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng 4 văn phòng ở Đà Nẵng, Hà Nội, Vinh và TP Hồ Chí Minh.
Trọng Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét