Mùng 6 Tết Giáp Thìn, mỗi công nhân May 10 được nhận lì xì, một gói muối, dầu ăn với ước mong may mắn trong ngày đầu năm trở lại nhà máy.
Cùng hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước, Tổng công ty May 10 chọn mùng 6 Tết (15/2) khai xuân, mở xưởng làm việc sau kỳ nghỉ 7 ngày.
Từ 7h30, hơn 2.000 lao động từ các phân xưởng mặc đồng phục áo dài, vest, tập trung ở sân trụ sở tại phường Sài Đồng, quận Long Biên. Doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động, gồm 7.300 người trực thuộc May 10 và 5.000 người thuộc các đơn vị liên kết tại 8 tỉnh thành trên cả nước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị May 10 kiêm Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cảm ơn người lao động năm 2023 đã chia sẻ khó khăn, cùng doanh nghiệp vượt sóng gió khi tổng cầu thế giới sụt giảm, hiếm đơn hàng. "Tôi mong người lao động luôn học hỏi, chỉn chu trong từng sản phẩm làm ra cho khách hàng", ông nói, nhấn mạnh thời gian tới doanh nghiệp đầu tư thêm công nghệ, thiết bị... để tăng năng suất, nâng tay nghề cho công nhân.
Lì xì mỗi lao động 100.000 đồng ngày đầu tiên đi làm đã trở thành nếp của May 10. Ngoài phong bao đỏ, mỗi công nhân được tặng gói muối ăn với quan niệm "đầu năm mua muối" mang lại nhiều may mắn; dầu ăn phát âm giống "giầu sang" mong muốn ấm no, công việc hanh thông.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc công ty, xuống xưởng sản xuất sơmi, nơi có 560 công nhân đang làm việc, trao lì xì. Toàn bộ công nhân đã trở lại Hà Nội từ mùng 5 Tết. Lao động tỉnh xa có xe công ty đưa đón theo danh sách đăng ký từ trước.
Trước ý kiến chi lì xì đầu năm sẽ thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là đơn vị đông công nhân, ông Việt cho rằng số này chỉ chiếm phần nhỏ trong quỹ lương, thưởng của nhà máy. "Ngược lại, khai xuân, lì xì là cần thiết, mang ý nghĩa lấy lộc đầu năm. Tinh thần người lao động có hứng khởi thì sản xuất mới thuận lợi, trở thành động lực phát triển của doanh nghiệp", ông nói.
Chị Hoàng Thị Thơm, 38 tuổi, là công nhân may mắn nhất Tổ may 1 khi được lì xì 200.000 đồng vì "tiền đỏ giống màu áo đỏ, may mắn cả năm". Gắn bó với xưởng may đã 18 năm, chị mong ước năm nay ai cũng được tăng thu nhập "10 triệu đồng trở lên".
Chị Thơm cho biết sẽ dùng 200.000 đồng này mua trái cây, bánh kẹo chia cho chị em trong tổ để cùng lấy may.
Tổng giám đốc Thân Đức Việt tặng lì xì cho công nhân. Video: Hồng Chiêu
Nữ công nhân chuyền may đọc lời chúc may mắn đầu năm từ nhà máy. Năm 2023, doanh thu May 10 giảm 9% và lợi nhuận giảm 18%, song thu nhập lao động vẫn đạt bình quân 9,25 triệu đồng mỗi người, bằng năm 2022. Thu nhập tháng 13 bình quân 1,56 tháng lương, khoảng 12 triệu đồng.
Ngoài mức trên, các đơn vị hoàn thành kế hoạch đều được thưởng tập thể, bình quân 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng tùy đơn vị. Theo lãnh đạo công ty, đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh toàn ngành gặp khó khăn.
"Lì xì nhỏ nhưng niềm vui lớn, tạo động lực cho một năm mới làm việc”, chị Đỗ Thị Kim Chuông chia sẻ. Chị gắn bó 28 năm với nhà máy vì công việc đều, không bị chậm lương, nuôi được hai con vào đại học.
Công nhân khoe lì xì đầu năm mới. Bà Đinh Lệ Hoa, Trưởng ca xí nghiệp sơmi Hà Nội, cho biết phần lớn lao động có thâm niên 15-20 năm, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng. Công nhân lớn nhất 55 tuổi, người mới vào thuộc thế hệ sau năm 2000. Với người mới vào nhà máy, tiền lương cơ bản khoảng 6,5 triệu đồng chưa tính các khoản phụ cấp.
Ngoài lì xì, chị Lê Thị Lan nói "vui gấp đôi" khi chiều nay sẽ nhận được tiền lương tháng 1 vào tài khoản. Năm mới, chị mong công việc thuận buồm xuôi gió, tăng thu nhập, công ty nhận nhiều đơn hàng. Đã 20 năm vào nhà máy, chị dự định gắn bó cho đến khi hết tuổi lao động.
Công ty hiện nhận đơn hàng tới hết tháng 4, một số mặt hàng như veston có đơn đến hết quý III/2024, là những tín hiệu tích cực so với đầu xuân Quý Mão. "Chúng tôi đặt mục tiêu năm nay doanh thu 4.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động đạt trên 9,5 triệu đồng mỗi tháng, tương đương mức tăng trưởng 7-10% so với năm 2023", ông Thân Đức Việt nói.
Ngoài phần nhận được, người lao động cũng chia sẻ với những đồng nghiệp khó khăn bằng khoản ủng hộ vào Quỹ Chữ thập đỏ của đơn vị. Năm 2023, nguồn quỹ công đoàn chi hàng trăm triệu đồng trợ cấp khó khăn cho người lao động, thuê xe cho công nhân về quê ăn Tết, thăm hỏi gia đình chính sách…
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng 459.000 đồng (6,9%) so với cùng kỳ 2022. Cuối năm, lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đơn hàng trong hai ngành da giày, dệt may giảm gần một nửa so với năm trước.
Ngọc Thành - Hồng Chiêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét