Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Bộ Công Thương đẩy nhanh việc gỡ vướng điện tái tạo chuyển tiếp

Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các chủ đầu tư đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất thử nghiệm và đấu nối những dự án đã có giá tạm để phát điện lên lưới.

Yêu cầu này được Bộ Công Thương đưa ra sau cuộc họp của Thứ trưởng Đặng Hoàng An với các nhà đầu tư điện gió, mặt trời và EVN về đàm phán giá tạm, đẩy nhanh đưa các dự án này vận hành.

Theo đó, với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đủ hồ sơ pháp lý, EVN đàm phán giá tạm thời với các nhà đầu tư. Giá mua điện chính thức và quyết toán tiền được tính từ ngày phát điện lên lưới.

Hiện có 19 dự án điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, tổng công suất hơn 1.340 MW, EVN và nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và rà soát thủ tục đấu nối, vận hành phát điện. Các nhà máy còn lại, EVN thỏa thuận giá tạm với các nhà đầu tư trước ngày 27/5.

Các dự án có thủ tục đấu nối hết hạn trước thời hạn trên và đang thử nghiệm, các công ty điện lực địa phương phải cùng chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện. "EVN rà soát các hồ sơ chủ đầu tư nộp, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý, đúng quy định", Bộ Công Thương yêu cầu.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư và cấp giấy phép hoạt động điện lực với dự án đã hoàn thành.

Theo thông tin từ EVN, đến 25/5 có 44 dự án điện tái tạo (chưa có giá), gửi hồ sơ để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 28 dự án đồng ý giá tạm bằng 50% mức trần khung giá của Bộ Công Thương. 19 dự án trong số này đã được Bộ phê duyệt giá tạm.

Tuy vậy, trong số này có nhiều dự án đang còn vướng mắc và chưa đáp ứng được các hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động điện lực, đầu tư xây dựng. Việc cấp giấy phép này theo phản ánh của một số chủ đầu tư là cần nhiều thời gian do yêu cầu về thủ tục của các cơ quan chức năng liên quan.

Vì vậy, các chủ đầu tư mong muốn các đơn vị chức năng sớm tháo gỡ, phê duyệt, thẩm định, cấp phép các giấy tờ, thủ tục pháp lý đảm bảo yêu cầu vận hành và phát điện lên lưới, sớm huy động nguồn điện này.

Thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội hôm qua, các đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề việc số lượng lớn dự án điện tái tạo chuyển tiếp chậm được vận hành, phát điện gây lãng phí. Trong khi đó, EVN tăng huy động nguồn điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc trong bối cảnh thiếu nguồn cung điện hiện nay.

Không có nhận xét nào: