Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm

 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cán bộ công chức chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất.

Sáng 19/4, chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ đạo chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương.

"Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền. Không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cơ quan khác", ông nói, cho rằng nếu cần thiết, phải có biện pháp xử lý cán bộ, đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở phường xã; đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ông giao Bộ Nội vụ nhanh chóng trình Chính phủ ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thời gian qua, có tình trạng bộ phận cán bộ e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có nơi còn sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; tham nhũng vặt, khiến công việc bị kéo dài, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, sáng 19/4. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, sáng 19/4. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ thay đổi tư duy từ làm thay, làm hộ sang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số, hình thành thói quen giải quyết thủ tục trực tuyến. Các đơn vị phải tích hợp, chia sẻ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 5.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sửa quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các địa phương miễn giảm phí sử dụng dịch vụ công và thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân tham gia. Mục tiêu là cuối năm nay, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 50%, đi đầu là các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ.

Thời gian qua, các bộ ngành đã cắt giảm hơn 2.100 quy định kinh doanh; Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm hơn 1.000 quy định của 10 bộ. Gần 26% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý tái sử dụng, tăng 5 lần so với hồi tháng 9 năm ngoái.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đang cung cấp 4.400 dịch vụ công trực tuyến; toàn quốc cấp 79,5 triệu căn cước công dân gắn chip; kích hoạt 6 triệu tài khoản định danh điện tử. "Tỷ lệ dùng dịch vụ công trực tuyến thấp; người dân dùng chữ ký số công cộng khi làm dịch vụ công chưa cao", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá.

Không có nhận xét nào: