CANSLIM là gì?
CANSLIM là tập hợp bảy chữ cái đầu tiên C-A-N-S-L-I-M của 7 yếu tố cơ bản trong phân tích cổ phiếu.
CANSLIM do William J. O’Neil sáng lập và sử dụng như một phương pháp sàng lọc cổ phiếu trước khi quyết định đầu tư. Ông cho rằng sẽ rất hiệu quả khi sử dụng các yếu tố này để đánh giá, sàng lọc cổ phiếu. Nếu cổ phiếu nào đạt được CANSLIM thì khả năng tăng giá của chúng sẽ mạnh mẽ và bền vững.
- Current Quaterly Earnings Per Share (Lợi nhuận sau thuế quý hiện tại của một cổ phiếu – EPS)
- Annual Earnings Increases (Tỷ lệ tăng EPS hàng năm)
- New Products, New Management, New Highs (Sản phẩm mới, Quản lý mới, Mức giá trần mới)
- Supply and Demand (Cung – Cầu)
- Leader and Laggard (Mua dẫn đầu và bán đội sổ)
- Institutional Sponsorship (Sự ủng hộ của các định chế)
- Market Direction (Định hướng thị trường).
Đó là những tiêu chí kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để sàng lọc, lựa chọn cổ phiếu.
C, Current Quaterly Earnings Per Share (Lợi nhuận sau thuế quý hiện tại của một cổ phiếu – EPS)
Lợi nhận sau thuế của một cố phiểu là một chỉ số quan trọng trong đầu tư chứng khoán, được tính bằng tổng lợi nhuận sau thuế chia tổng cổ phiếu lưu hành trong một kỳ nhất định (quý, năm).
Ở đây, chúng ta quan tâm đến EPS của quý hiện tại (quý gần nhất), theo đó, EPS càng cao càng tốt.
Cổ phiếu được chọn phải cho thấy sự tăng trưởng với tỷ lệ lớn của EPS quý hiện tại khi so sánh với cùng quý này năm trước mà không so sánh với EPS của quý trước để tránh những yếu tố dao động theo mùa vụ.
Cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có tỷ lệ gia tăng lợi nhuận hàng năm ổn định và tăng 18 – 20% so với quý trước đó. EPS tăng có thể do doanh thu tăng dẫn đến lợi nhuận tăng, nhưng cắt giảm chi phí cũng làm cho tổng lợi nhuận tăng. Điều cần chú ý ở đây là sự gia tăng EPS phải được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng doanh thu ít nhất 25% chứ không phải bởi sự cắt giảm chi phí hay bán tài sản.
A, Annual Earnings Increases (Tỷ lệ tăng EPS hàng năm)
Cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có tỷ lệ tăng EPS ổn định trên 25%/năm. Song cũng cần chú ý tới chu kỳ kinh doanh của các ngành, các công ty khác nhau. Tiêu chí này có thể giúp loại bỏ khoảng 80% các cổ phiếu tồi.
Nếu một công ty kinh doanh đều đặn và có lãi 3 năm liên tục, nếu tỷ lệ lợi nhuận sau thuế tăng đều trong 3 năm đó và nếu EPS liên tục đạt từ 20-25% trở lên thì đó là một cổ phiếu tốt.
N, New Products, New Management, New Highs (sản phẩm mới, quản lý mới, mức giá trần mới)
Giá cổ phiếu tăng luôn bắt nguồn từ một số nhân tố nội tại nào đó của công ty. Đó có thể là sản phẩm mới của công ty, Ban giám đốc mới, phương thức quản lý mới hay mức giá đỉnh cao mới của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nếu xét thấy những nhân tố này có sự ổn định, không có biểu hiện đột biến theo chiều hướng xấu, thì đó sẽ là một cổ phiếu có nhiều triển vọng tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.
S, Supply and Demand (Quy luật cung cầu)
Càng có ít hàng thì áp lực cầu càng đẩy giá tăng cao hơn. Cổ phiếu cho dù đặc biệt thì nó cũng là một loại hàng hoá, do vậy, nó chịu sự điều khiển của quy luật cung – cầu. Khi sàng lọc, đầu tư cổ phiếu, cần quan tâm tới khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán.
Nếu một cổ phiếu giảm giá, khối lượng giao dịch không tăng thì rõ ràng không có áp lực bán ra đáng kể, nhưng khi giá cổ phiếu tăng thì khối lượng giao dịch sẽ tăng dần do có nhiều nhu cầu mua vào.
Trên thực tế, những công ty đang mua lại cổ phiếu của chính mình sẽ chứng tỏ rằng họ đang kỳ vọng vào những tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Đó là những dấu hiệu tốt. Công thức ở đây là: Cổ phiếu tốt và nhu cầu lớn.
L, Leader and Laggard (Mua dẫn đầu và bán đội sổ)
Đương nhiên là nên chọn mua cổ phiếu của những công ty thật sự tốt, đầu ngành và/hoặc là công ty “Number One” trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Tránh xa các cổ phiếu đội sổ cho dù giá của nó đã giảm tới mức rất thấp.
Song, cần phân biệt những công ty dẫn đầu ngành, những “Công ty số 1” trong lĩnh vực chuyên môn, không nhất thiết phải là công ty lớn nhất, hoặc nổi tiếng nhất mà đó là công ty có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế lớn nhất. Tránh mua những cổ phiếu thế vai với ánh hào quang của công ty dẫn đầu phản chiếu lên nó.
Đương nhiên, ai cũng muốn đầu tư vào những cổ phiếu có mức giá tăng gấp 2, 3 lần hơn là đầu tư vào những cổ phiếu chỉ tăng có 10 – 20%. Nhưng trong hàng trăm, ngàn mã cổ phiếu trên thị trường, làm thế nào để nhận biết và sàng lọc những cổ phiếu có triển vọng mạnh mẽ như vậy?
William O’Neil sử dụng Chỉ số sức mạnh giá tương đối (Relative Strength – RS) để tính toán, sàng lọc, chọn ra những cổ phiếu có mức biến động giá mạnh mẽ (sức mạnh về giá) so với các cổ phiếu khác để đầu tư, phân biệt cổ phiếu dẫn đầu và cổ phiếu đội sổ.
Chỉ số sức mạnh giá được tính dựa trên % thay đổi giá của tất cả cổ phiếu trên thị trường trong một khoảng thời gian (một năm 52 tuần). Mỗi cổ phiếu sẽ được gán 1 điểm số (từ 1 đến 99). Một cổ phiếu có RS = 99 là cố phiếu đó ưu việt hơn 99% các cổ phiếu khác về sức mạnh giá cổ phiếu.
Giả sử có 1000 mã cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường. Chúng ta bắt đầu tính % thay đổi giá trong 1 năm của chúng rồi sắp xếp thứ tự từ cao đến thấp và chấm điểm từ thấp đến cao (từ 1 đến 99). Như vậy, sẽ có 100 mức điểm và mỗi một mức sẽ là một nhóm 10 cổ phiếu. Nhóm những cổ phiếu đạt mức 99 là nhóm cổ phiếu có sức mạnh giá mạnh nhất thị trường trong năm đó (giá tăng mạnh nhất).
Theo O’Neil, chỉ nên chọn mua 2 hoặc 3 cổ phiếu tốt nhất trong nhóm và tránh mua các cổ phiếu tăng theo đuôi vì không sớm thì muộn chúng cũng sẽ sụt giá. Nên mua những cổ phiếu thuộc nhóm 30% dẫn đầu. Ngoài ra, trong một đợt điều chỉnh giá của thị trường, các cổ phiếu có mức giảm giá ít nhất (%) cũng là một sự lựa chọn không tồi.
I, Institutional Sponsorship (Sự ủng hộ của các định chế)
Trên thị trường, cổ phiếu nào có sự ủng hộ của các nhà đầu tư tổ chức thì thường có khả năng tăng giá nhanh hơn. Do đó, nên mua cổ phiếu của các tổ chức quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, ngân hàng… và hãy đầu tư vào những cổ phiếu có tổng số cổ đông tổ chức đang tăng lên theo quý gần nhất.
M, Market Direction (Xu hướng thị trường)
Ngay cả khi đúng cả 6 yếu tố đầu nhưng nếu đầu tư sai xu hướng thị trường thì vẫn tổn thất nặng nề vì 75% số cổ phiếu sẽ đi cùng với xu hướng thị trường.
Cần phải nghiên cứu xu hướng thị trường mỗi ngày. Sự đảo chiều của thị trường có thể xảy ra bất cứ khi nào. Không có lý do gì để tranh cãi với thị trường. Kinh nghiệm thực tế mách bảo rằng nếu chống lại thị trường, có thể sẽ nhận được bài học đắt giá. Chỉ mua khi có tới 75% số cổ phiếu tăng giá. Phải biết bảo vệ bản thân trước sự quay đầu giảm điểm của thị trường.
Vận dụng và đầu tư
Ai “chơi chứng khoán” cũng đều mong muốn tìm được một phương pháp đầu tư giao dịch hiệu quả nhất, tối ưu nhất để mang lại nhiều lợi nhuận nhất.
Thành công và thất bại trên thị trường luôn tạo ra những cảm xúc lấn át khiến ta quá hưng phấn hoặc mất niềm tin và lại càng muốn tìm kiếm những phương pháp được cho là hiệu quả nhất, thậm chí luôn mong mỏi, đau đáu tìm kiếm các phương pháp để có thể chiến thắng được thị trường.
Đừng làm phức tạp vấn đề! Hãy giữ cho mọi thứ được đơn giản.
Thị trường là những con sóng dao động không ngừng nghỉ, không có đỉnh và không có đáy. Không có một thị trường nào tăng mãi cũng chẳng có thị trường nào giảm mãi.
Thị trường là nơi vận động liên tục và là nơi bị chi phối bởi chính hành vi tâm lý của con người, nhưng khi đầu tư trên thị trường thì cần phải tìm hiểu và tuân theo các nguyên tắc đúng đắn để nghiên cứu, sàng lọc, lựa chọn cổ phiếu đầu tư. CANSLIM là hệ thống các chỉ tiêu cụ thể được kiểm nghiệm giúp tạo nên nền móng vững chắc cho đầu tư thành công trên thị trường. Ba nguyên tắc lớn của CANSLIM là:
Nguyên tắc 1: Chỉ mua cổ phiếu khi thị trường tăng giá; thực hiện các biện pháp phòng thủ khi những “cú tát của con gấu” bắt đầu xuất hiện trên thị trường.
Nguyên tắc 2: Tập trung vào các công ty có tăng trưởng lợi nhuận cao, sản phẩm hoặc dịch vụ mới, mang tính cách mạng.
Nguyên tắc 3: Mua các cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư tổ chức thu gom; tránh xa các cổ phiếu khi các nhà đầu tư tổ chức bán tháo nó.
CANSLIM là một hệ thống các chỉ tiêu hoạt động hiệu quả bất chấp những thăng trầm của thị trường là vì CANSLIM hoạt động dựa trên cách thức vận hành thực tế của thị trường chứ không phải dựa trên quan điểm hay cảm xúc cá nhân của riêng ai.
CANSLIM có 2 lý tưởng đơn giản:
- Để tìm kiếm các siêu cổ phiếu trong tương lai, hãy nhìn lại đặc điểm thường xuất hiện ở các siêu cổ phiếu quá khứ trước khi chúng có sóng tăng giá mạnh mẽ nhất.
- Để biết thời điểm nào nên bán, hãy nhìn lại những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện ở các siêu cổ phiếu quá khứ, khi chúng đạt đỉnh và bắt đầu giảm điểm.
Khi nào bỏ tiền mua cổ phiếu?
- Chỉ mua khi xu thế thị trường là tăng; luôn có phương án hành động khi xu thế giảm bắt đầu.
- Khi mua cổ phiếu trên thị trường có xu hướng tăng, ta có 75% cơ hội đúng; mua cổ phiếu trong thị trường giảm ta có 75% cơ hội sai.
- 75% các cổ phiếu đi cùng xu thế thị trường, cả xu thế tăng và xu thế giảm; do đó phải học cách làm theo xu thế thị trường chứ không phải tìm cách để chiến thắng thị trường.
- Nên ưu tiên tập trung vào những cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lớn, có sản phẩm dịch vụ mới.
Thời điểm nào thì bán chốt lời?
- Mục đích hoạt động trên thị trường chứng khoán không phải là luôn luôn đúng mà là kiếm thật nhiều tiền mỗi khi ta đúng.
- Phải mua cổ phiếu chính xác tại thời điểm mua và phải có kỷ luật với chính mình.
- Không mua thêm cổ phiếu khi giá tăng lên 5% từ điểm mua; bán cổ phiếu khi chúng đã tăng 20%.
- Nếu một cổ phiếu tăng trưởng quá mạnh và tăng 20% trong vòng 1, 2 hoặc 3 tuần thì cổ phiếu đó sẽ được giữ lại trong 8 tuần tiếp theo và xem xét xem có giữ tiếp 6 tháng hay không.
Thời điểm nào thì bán cắt lỗ?
- Luôn giới hạn tỷ lệ thua lỗ tối đa 7% đến 8%, không một ngoại lệ; nếu lỗ đã lên đến mức đó, bán ngay không do dự.
- Đừng bao giờ tranh cãi với thị trường, sức khỏe và đầu óc thanh thản luôn luôn quan trọng hơn bất kỳ cổ phiếu nào khác.
Thị trường vận động theo bản chất của nó, dù có tăng hay giảm, những cái tên sẽ xuất hiện, sẽ thay đổi, thậm chí sẽ biến mất, các công nghệ mới và ngành công nghiệp mới sẽ ra đời, nhưng các đặc điểm cơ bản tạo nên các siêu cổ phiếu vẫn không thay đổi. Vì thế, việc lựa chọn các siêu cổ phiếu không cần linh cảm và không thể dựa trên linh cảm mà phải dựa trên các bằng chứng lịch sử và các dấu hiệu chi tiết, cụ thể trong một danh mục các chỉ tiêu tính toán để kiểm tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét