Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Sự cần thiết sắp xếp lại tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Bắc Giang

Tính đến 30/11/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 994 HTX (835 HTX đang hoạt động, 16 HTX tạm ngừng hoạt động và 143 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể), trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 644 HTX (chiếm 64,8 %); lĩnh vực phi nông nghiệp là 330 HTX (chiếm 33,2 %); Quỹ tín dụng nhân dân là 20 Quỹ (chiếm 2,0%). Tổng vốn điều lệ của các HTX là 2.408 tỷ đồng và số thành viên tham gia HTX là 35.090 người.

Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) của tỉnh nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đóng vai trò hết sức quan trọng đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Khu vực KTTT, HTX đạt được nhiều kết quả tích cực đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng. Số lượng HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên nhất là sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời và đi vào thực tiễn, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn chuỗi giá trị sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên.

Tuy nhiên, thời gian qua KTTT, HTX của tỉnh phát triển còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, tiềm năng phát triển của tỉnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một trong những nguyên nhân cơ bản đó là thiếu nguồn lực và cụ thể là thiếu vốn để ổn định, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh (qua điều tra, khảo sát của Liên minh HTX tỉnh có 42,31% HTX cho rằng thiếu vốn để đầu tư vào quá trình sản xuất kinh doanh là khó khăn hàng đầu cần được quan tâm tháo gỡ). Khả năng tự lực vốn của các HTX chỉ chiếm khoảng 20-25%, trong khi đó việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn (theo tổng kết của Ngân hàng Nhà nước Việt nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang thì tính đến 31/12/2021 mới có hơn 20 HTX, liên hiệp HTX được vay vốn từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh, chiếm khoảng 2,1%). Số HTX được tiếp cận từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và của tỉnh cũng chỉ chiếm khoảng gần 20%, còn lại khoảng 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và kể cả tín dụng "đen" với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn khó chủ động được nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động.

Nguyên nhân đa số HTX quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; hầu hết các HTX không có tài sản bảo đảm để thế chấp vay ngân hàng; trình độ ban quản trị HTX chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành trong tình hình mới. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang, được sự quan tâm của tỉnh và đề nghị của Liên minh HTX tỉnh trên cơ sở nhu cầu bức thiết của các HTX, liên hiệp HTX trong tỉnh, Quỹ đã được thành lập tại Quyết định 1946/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, Quỹ được ngân sách tỉnh hỗ trợ cho vay 10 tỷ đồng trong thời gian 05 năm kể từ ngày cấp vốn, không tính lãi. Sau 10 năm hoạt động, Quỹ đã đạt được nhiều kết quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn điều lệ được ngân sách tỉnh cho vay, hỗ trợ thiết thực cho các HTX, thành viên HTX trong tỉnh hoạt động với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh. Để tạo điều kiện cho Quỹ hoạt động, tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 6/9/2019 của UBND tỉnh đã cho phép nâng mức cho vay từ nguồn ngân sách lên 20 tỷ đồng, thời gian cho vay là 10 năm kể từ ngày cấp vốn, không tính lãi. Trên thực tế, vốn ngân sách cho vay được cấp hàng năm và đến nay có những khoản cấp đã đến thời hạn trả nợ theo Điều lệ, vì vậy để phù hợp với Luật ngân sách và tăng tính chủ động của Quỹ, hỗ trợ kịp thời cho các tổ chức kinh tế tập thể của tỉnh trong thời gian tới, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần thiết phải sắp xếp lại để phù hợp với quy định của Nghị định 45/2021/NĐ-CP và đảm bảo được các mục tiêu sau:

(1) Khắc phục được những hạn chế nêu trên, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng tăng của khu vực kinh tế tập thể, HTX; Quỹ trực thuộc Liên minh HTX tỉnh - một tổ chức được Ủy ban nhân dân tỉnh giao thực hiện một số chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX, hiểu biết sâu từng HTX trên địa bàn, thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời, đồng cảm chia sẻ với bà con thành viên và nông dân;

(2) Là nguồn lực chính để xây dựng các HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, mô hình HTX kiểu mới theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh;

(3) Tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn khác như: Vốn ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác; vốn huy động từ thị trường để tăng khả năng nguồn vốn cho phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh;

(4) Việc phát huy vai trò của Quỹ là một giải pháp quan trọng hàng đầu để khơi thông nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển mạnh mẽ theo chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước;

(5) Tạo sự gắn kết giữa HTX với thành viên, vì HTX có thể bảo lãnh cho thành viên vay vốn và ngược lại, thành viên có thể bảo lãnh cho nhau, từ đó thu hút được thành viên, tạo động lực cho HTX phát triển nhanh và bền vững;

(6) Nâng cao vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh, tạo sự gắn kết giữa Liên minh HTX tỉnh với thành viên;

(7) Sắp xếp lại, tổ chức và hoạt động Quỹ để hỗ trợ cho các HTX là thực hiện chủ trương của Đảng (được quy định tại Điều 6 Luật HTX năm 2012, Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ), đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng lợi ích chính đáng của HTX và đông đảo thành viên, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ trong lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, góp phần thực hiện Nghị quyết TW 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Không có nhận xét nào: