Sau bốn năm, trang trại nuôi trai của chị Trần Thị Ánh ở xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, thu về hàng nghìn viên ngọc, bán từ 300.000 đến một triệu đồng mỗi viên.
Năm 2019, chị Trần Thị Ánh, 35 tuổi, cùng bố Trần Nhật Duật lập trang trại nuôi trai lấy ngọc nhân tạo trên diện tích 5 ha tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh.
Theo chị Ánh, qua khảo sát thấy thị trường ngọc trai ở Hà Tĩnh còn hạn chế, trong khi đó nhu cầu khách hàng cao nên gia đình tìm hiểu, bỏ vốn lập mô hình nuôi trai lấy ngọc. Năm đầu tiên cơ sở thả 10.000 con trai nhưng bị chết 15%. Nguyên nhân chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật hạn chế.
Chị Ánh cùng bố học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm giải pháp, đến nay mọi việc dần đi vào ổn định.
Để tạo ra viên ngọc trai cần nhiều giai đoạn. Ban đầu chị Ánh mua con trai sống về để ghép mô tế bào và nhân ngọc, sau đó đưa ra hồ nuôi tạo ngọc. Loại này thường 1-1,5 tuổi, nặng 2-4 lạng, sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp.
Tiếp đó là mua con trai về cắt mô tế bào để cấy ghép vào con trai sống được lựa chọn trước đó. Loại để cắt tế bào là những con trai non, 5-8 tháng, khỏe mạnh, không bị bệnh, vỏ ngoài sáng bóng.
Kỹ thuật viên sẽ bóc tách, sau đó dùng kéo chuyên dụng cắt hai dải mô nằm ở hai mành áo của con trai non. Công đoạn này đòi hỏi phải cắt đúng điểm tế bào tạo ngọc, nếu cắt lệch thì không đạt hiệu quả.
Cắt xong hai dải mô, kỹ thuật viên bỏ mô lên vải màn ủ vài giây rồi đặt trên thớt gỗ, dùng chắn làm bằng kim loại chia nhỏ mô. Trung bình một con cắt được 40 mô tế bào.
Để nuôi dưỡng tế bào trước khi cấy vào con trai sống, kỹ thuật viên sử dụng thuốc nước chuyên dụng màu đỏ rải đều lên dải mô đặt trên thớt.
Viên ngọc thô nhân tạo dùng ghép vào con trai sống. Ngọc thô được làm từ vỏ trai, một kg được hơn 3.000 viên, đường kính 0,6 cm, giá 4-4,5 triệu đồng.
"Nếu không cấy ngọc nhân tạo thì quá trình nuôi con trai vẫn tạo ra ngọc. Song viên ngọc nhân tạo tròn, đẹp sẵn từ trước nên khi cấy vào sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã bắt mắt hơn", kỹ thuật viên Trần Thị Trang, 40 tuổi, nói.
Mỗi năm có hai đợt ghép tạo ngọc, diễn ra vào mùa xuân và mùa thu.
Cơ sở của chị Ánh (hàng đầu, ngồi giữa) có 4-5 người làm nhiệm vụ cắt mô tế bào và cấy ghép ngọc trai. Bàn làm việc có đầy đủ hệ thống chiếu sáng cùng các công cụ chuyên dụng như dao, kéo.
Con trai sống được đặt lên giá sắt, mở miệng hơn một cm để kỹ thuật viên đưa viên ngọc trai nhân tạo cùng mô tế bào cấy ghép vào bên trong. Một con sẽ cấy 4 viên nhân và 4 mô tế bào.
Tế bào phải cắt mịn, vừa đủ ôm trọn nhân mới tạo ra ngọc. Nếu tế bào và nhân không ghép cùng nhau thì không thể tạo ngọc. Quá trình làm việc phải nhanh gọn, sạch sẽ. Một con trai từ khi cắt tế bào cho đến khi cấy xong mất 8 phút là tốt nhất. Một buổi, mỗi kỹ thuật viên có thể ghép tế bào và nhân vào 100-150 con.
"Ngọc tự nhiên mẫu mã không đẹp, bởi trai sống trong môi trường nhiều tạp chất, thiếu dinh dưỡng. Với môi trường nhân tạo, người nuôi dễ nhận biết được bệnh, cho ăn đầy đủ dưỡng chất, từ đó ngọc sẽ tròn, bóng", chị Trang cho hay.
Ghép xong nhân và mô tế bào, trai sẽ được xếp xen kẽ trong các khay nhựa, miệng hướng lên trên. Toàn bộ trai sẽ được cho vào bể xi măng để nuôi. Quá trình này diễn ra 15-30 ngày, mục đích để tế bào và nhân gắn kết thành một khối.
Sau thời gian trên, con trai sẽ được bọc vào các túi lưới, đưa ra thả nuôi dưới hồ rộng 5 ha. Quá trình này trai được cung cấp thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể và tạo ngọc. Theo chị Ánh, trong ao cần có đủ khoáng chất và ánh sáng, mỗi tháng phải cho trai ăn khoáng chất một lần.
Nếu được nuôi trong điều kiện tốt, mỗi tuần trăng (một tháng), trai tự tiết ra chất xà cừ (hấp thụ từ khoáng chất và ánh nắng mặt trời chuyển hóa thành), bao bọc một lớp viên ngọc nhân tạo. Sau 24 tháng, con trai đạt được 24 lớp phủ, lúc này mới đủ điều kiện thu hoạch.
Thu hoạch trai thường diễn ra trong một tuần. Mỗi đợt, cơ sở huy động hàng chục nhân công chèo thuyền ra hồ bắt trai lên mổ lấy ngọc.
Ông Trần Nhật Duật (góc trái) kiểm tra chất lượng viên ngọc được lấy ra từ con trai nuôi dưới hồ của gia đình.
Theo chị Trần Thị Ánh, khi nuôi, tỷ lệ trai đẩy nhân ra hoàn toàn là 10%, đẩy 1-3 viên là 10%. Đến khi thu hoạch, tỷ lệ ghép đạt hiệu quả 70%, trung bình một con có 2-3 viên ngọc. Viên ngọc thô ban đầu từ 0,6 cm sẽ lớn lên thành 0,8-1 cm, độ tròn hoàn hảo khoảng 60%.
Viên ngọc thô khai thác xong được bỏ vào máy đánh bóng trước khi gửi đến xưởng chế tác trang sức trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện mẫu mã.
Công đoạn đánh bóng mất hơn 10 phút, ngọc được đánh càng lâu càng bóng. Từ khi thành lập mô hình đến nay, cơ sở của chị Ánh đã bốn lần khai thác ngọc trai, mỗi đợt thu hàng nghìn viên.
Quá trình khai thác ngọc, chủ cơ sở cùng kỹ thuật viên sẽ phân loại. Sản phẩm sau đó được gửi đi kiểm định ở các công ty vàng bạc đá quý trong khoảng một tuần. Khi các đơn vị vàng bạc đá quý gửi giấy chứng nhận ngọc đạt tiêu chuẩn thì cơ sở của chị Ánh mới được đem trưng bày, bán ra thị trường.
Ngọc trai chế tác xong thường gắn với trang sức. Một viên ngọc giá từ 300.000 đến một triệu đồng, chưa tính tiền phụ kiện đi kèm như nhẫn, dây chuyền vàng, bạc. Với những viên ngọc tròn, bóng, có độ vân đẹp, giá đến 10 triệu đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét