Nghề dệt chiếu Bàn Thạch, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên từng nổi tiếng cả vùng, xuất hàng ra nước ngoài, nhưng nay chỉ còn người già gắn bó.
Cuối tháng 3, trong căn nhà cấp bốn, bà Nguyễn Thị Trước, 62 tuổi xếp từng sợi cói màu vào khung dệt, chuẩn bị hoàn thành tấm chiếu rộng 1,2 m, dài 1,8 m. Sinh ra trong gia đình dệt chiếu thủ công, 12 tuổi bà Trước được cha mẹ truyền nghề. Lớn lên bà lấy chồng trong làng, tiếp tục công việc đến hôm nay. Mỗi ngày bà dệt được 2 chiếc, bán 120.000 đồng/chiếc, trừ chi phí thu về 30.000 đồng.
Để làm một tấm chiếu, thợ phải trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ cắt cói ngoài ruộng, chẻ nhỏ phơi khô ít nhất 4 nắng mới đưa về nhà. Cói sau đó được đưa vào nồi phẩm màu đun sôi, đem phơi nắng một ngày mới dệt. Mỗi gia đình sáng tạo mẫu mã riêng hoặc làm theo đơn đặt hàng. 50 năm gắn bó với nghề, bà Trước quen ngồi cả ngày, đôi tay dính phẩm màu.
Làng chiếu Bàn Thạch nằm ở giữa ba sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang. Từ thế kỷ 16, người dân miền Bắc di cư vào thấy đất đai ven sông trù phú nên lập làng, cải tạo đất trồng cói, hình thành nghề dệt chiếu.
Những năm 1980 của thế kỷ trước, làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch phát triển mạnh, sản phẩm được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Các gia đình làm không hết việc, đủ tiền nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa.
Năm 2004, Bàn Thạch được công nhận làng nghề truyền thống với hơn 350 hộ. Theo thời gian, nhiều loại chiếu nhựa, chiếu tre, trúc xuất hiện, chiếu cói Bàn Thạch không còn được ưa chuộng, giá bán thấp nên nhiều gia đình dừng làm nghề. Hiện cả làng chỉ còn 35 hộ, toàn người già sản xuất.
Cạnh nhà bà Trước, bà Huỳnh Thị Xuyến, 68 tuổi cùng chồng đang còng lưng nhuộm cói, dệt chiếu. Mỗi ngày vợ chồng bà dệt được 3 tấm chiếu, trừ chi phí còn 50.000 đồng. Thu nhập quá thấp nên 4 người con không ai theo nghề.
"Con cái ngăn cản vợ chồng tôi dệt chiếu, bởi làm cả ngày khổ cực nhưng thu được vài chục nghìn đồng. Nhưng bỏ sao được, một ngày không dệt là nhớ nghề, đứng ngồi không yên, rồi cũng đem khung ra dệt", bà cho hay.
Thợ dệt chiếu bỏ nghề kéo theo cánh đồng cói ở xã Duy Vinh giảm từ hơn 100 ha lúc hưng thịnh xuống còn gần 10 ha. Lượng cói tại chỗ không đủ, nhiều người phải nhập từ nơi khác về làm.
Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch xã Duy Vinh, cho biết xã từng có nhiều gia đình đầu tư máy móc sản xuất chiếu, nhưng nay tạm dừng vì thu nhập thấp. Bởi dù dệt máy, trung bình mỗi ngày một người làm được 9 tấm chiếu, tiền công khoảng 150.000 đồng, quá thấp so với các ngành nghề khác.
Chính quyền xã đang tính phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đưa người dân vào phục vụ du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét