Nguồn đất, cát đắp nền khan hiếm, giá cao, cùng với thủ tục khai thác bị vướng khiến nhiều công trình giao thông trọng điểm phía Nam nguy cơ chậm tiến độ.
Ba tháng qua, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, dài 200 km đi qua Bình Thuận, Đồng Nai phải thi công cầm chừng do thiếu hơn 1,5 triệu m3 đất đắp nền. Vướng mắc này chưa được tháo gỡ, trong bối cảnh cả hai dự án phải hoàn thành cuối tháng 4, tức còn hơn 30 ngày. Hiện, tuyến chính hai công trình đạt hơn 90% khối lượng, nhưng các hạng mục đường dẫn, đường gom dân sinh ngổn ngang. Máy móc, thiết bị nằm chờ thi công do thiếu vật liệu.
Thi công đất đắp nền đường dẫn lên cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, ngày 15/3. Ảnh: Việt Quốc
Hai tuyến cao tốc này được cấp phép khai thác mỏ vật liệu dựa trên kế hoạch hoàn thành tháng 12 năm ngoái, song nhiều vướng mắc nên cả hai phải lùi thời hạn đến cuối tháng 4 năm nay. Thi công kéo dài dẫn đến phải gia hạn thời gian khai thác các mỏ. Tuy nhiên việc này vướng thủ tục nên hai công trình chưa thể đẩy nhanh dù ở giai đoạn chạy nước rút về đích.
Trong đó, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang cần khoảng 920.000 m3 đất đắp nền. Chính phủ đã có nghị quyết cho cấp lại giấy phép khai thác 6 mỏ ở Bình Thuận, song việc này mất nhiều thời gian, không thể đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Tại tuyến Phan Thiết - Dầu Giây, nguồn đất đắp cũng đang thiếu hơn 600.000 m3, nhưng Đồng Nai chưa thể gia hạn cho khai thác lại các mỏ vì tỉnh đang trong giai đoạn thanh tra.
Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết Bộ Giao thông Vận tải cùng các bên liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị quyết mới giúp rút ngắn các thủ tục. "Khối lượng công việc còn lại rất nhiều, nếu nguồn đất đắp không được giải quyết sớm sẽ khó hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch", ông Huy nói.
Thiếu nguồn vật liệu, ảnh hưởng tiến độ thi công là tình trạng chung của nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam. Điển hình như tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) cần 12,6 triệu m3 đất đắp, song nguồn cung không đủ. Vướng mắc chính do địa phương lúng túng khi triển khai thủ tục giao những mỏ đã quy hoạch cho nhà thầu thi công. Các mỏ thương mại đa phần có trữ lượng ít, công suất thấp khó đáp ứng đủ nhu cầu.
Căng thẳng hơn, tại miền Tây, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 110 km đang cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nhưng nguồn cung đang khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị An Giang, Đồng Tháp, mỗi địa phương bố trí 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3 cát. Đến nay các tỉnh mới cân đối được chừng 3 triệu m3 và chưa thể khai thác ngay mà phải trải qua nhiều quy trình thủ tục.
Tương tự, dự án Vành đai 3 TP HCM dài 76 km sẽ khởi công vào tháng 6 tới cũng nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn cung cát đắp nền. Tổng nhu cầu vật liệu cho công trình này ước tính gần 15 triệu m3, song các đơn vị tính toán nguồn mới đảm bảo 8 triệu m3 cát. Để đảm bảo vật liệu cho tuyến đường, TP HCM đã đề nghị các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp hỗ trợ, đặc biệt là cát san lấp.
Công nhân đang cắm mốc dự án Vành đai 3 ở gần rạch Gò Công, TP Thủ Đức, ngày 8/10. Đây là dự án trọng điểm của các tỉnh Đông Nam Bộ, song dự báo thiếu nguồn cát đắp nền. Ảnh: Thanh Tùng
Nhu cầu lớn, nguồn cung hạn chế, dẫn đến giá đất cát nhiều nơi tăng cao. Đơn cử tại dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên), ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng ban chỉ huy công trường gói thầu số 2, nói giá vật liệu ở địa phương này "cao bất thường". Giá khảo sát các mỏ cát được dự toán 190.000 đồng/m3, song thực tế nhà thầu phải mua gần 300.000 đồng/m3, cao hơn 60%.
Tại buổi làm việc liên quan nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm diễn ra gần đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ các dự án từ nay đến năm 2024. Điều này làm cơ sở phân bổ, điều tiết nguồn vật liệu theo từng mỏ và địa bàn, sát tiến độ các dự án.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương làm thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng công suất 50% mỏ cát đang khai thác và cấp lại giấy phép mỏ đã hết hạn. Những mỏ này chỉ được cung cấp cát đắp nền cho cao tốc và dừng khai thác sau khi tuyến đường hoàn thành.
Trước thực trạng nhiều dự án trọng điểm thiếu nguyên vật liệu, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu nguồn cát biển thay thế. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận được giao thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Sau quan trắc, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm thủ tục cấp phép cho các đơn vị khai thác.
Ở góc độ kỹ thuật, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường TP HCM, cho biết việc tính toán cao độ nền của dự án cũng giúp tiết kiệm nguyên vật liệu mà không ảnh hưởng công trình. Bởi nền cao tốc chỉ cần đảm bảo khả năng thoát nước bề mặt và chống lún. Do vậy tại những khu vực đất cứng, cốt nền dự án chỉ cần đắp lên khoảng 1,2 m sẽ đảm bảo tiêu chuẩn.
"Riêng khu vực đất yếu, địa hình nhiều sông ngòi bắt buộc phải đắp nền cao hơn 3 m có thể tính phương án làm cầu cạn vì chi phí không chênh lệch nhiều", ông Thuận nói và cho rằng khi xác định phù hợp cao độ nền từng vùng sẽ giải quyết rất lớn nhu cầu vật liệu cũng như tránh lãng phí ở các dự án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét