Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025

 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm 

tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025 

 

   Nhằm tiếp tục thực hiện Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

  Ngày 08/01/2023 UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 với các nội dung chính như sau: 

1. Mục đích

   Tiếp tục thực hiện Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.

   Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

  Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

2. Yêu cầu

  Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP, Đề án OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện. Chủ động, quyết tâm và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Triển khai Chương trình có hiệu quả, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

  Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

 - Phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hoá địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

  - Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, xây dựng phát triển thêm từ 1-2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.

   - Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu đạt tỷ lệ trên  90% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  - Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị, OCOP gắn với vùng nguyên liệu; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

   - Có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP (tối thiểu khoảng 22 sản phẩm làng nghề được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP), góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

    - Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi huyện, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

  - Tham gia các Hội chợ OCOP thường niên và Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tổ chức hằng năm nhằm đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

  - Vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước, kết nối thông tin và chuyển đổi số.

   - 100% cán bộ quản lý nhà nước Chương trình OCOP cấp (huyện, xã), cán bộ các tổ chức liên quan được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện và lãnh đạo các chủ thể sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình OCOP.

Không có nhận xét nào: