Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Nhiều công nhân biết tín dụng đen lãi 'cắt cổ' vẫn phải vay

Người lao động biết rủi ro khi vướng tín dụng đen, song không có tích lũy, tai nạn và rủi ro tới bất ngờ, đã phải vay với lãi suất chót vót, theo tổ chức CEP.
Thông tin được Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho biết tại hội thảo giải pháp phòng chống tín dụng đen do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức tại TP HCM, ngày 23/2.
Tổ chức CEP (thuộc Liên đoàn lao động TP HCM, chuyên cho công nhân vay với lãi suất thấp) đưa ra khảo sát thực hiện hồi tháng 6 năm ngoái cho thấy lãi suất tín dụng đen mà công nhân vay rất cao. Có người phải vay với lãi suất 800% mỗi năm được ẩn dưới các loại phí như phí bản quyền, dịch vụ, phí xử lý, phạt thanh toán không đúng hạn... Con số này cao gấp nhiều lần mức 20% lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự mà luật cho phép.
Trong hơn 500 công nhân mà CEP khảo sát, có hơn 90% nhận biết được "thế nào là tín dụng đen" và tác động tiêu cực nếu vay lãi suất cao. Trên 46% nói rằng bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của tín dụng đen. Hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.
Tuy nhiên điều bất ngờ gần 20% số người được khảo sát (khoảng 100 công nhân) cho biết vẫn sẽ cân nhắc hoặc vay tín dụng đen. Lý do họ thường gặp rủi ro đột xuất trong cuộc sống, số tiền cần trang trải quá gấp mà không có dự phòng, vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy thời gian lâu, nhiều thủ tục...
Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh kể câu chuyện khi gia đình vay tín dụng đen, sáng 23/2. Ảnh: Phương Ngân

Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, công nhân Công ty TNHH Hai Thanh ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), kể mấy năm trước, bố của chị bị tai nạn cần nhiều chi phí để điều trị. Biến cố bất ngờ, gia đình xoay sở nhiều nguồn không được, phải vay nóng gần 200 triệu đồng, lãi mỗi tháng 45%. Sau đó lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ đội lên tiền tỷ, gia đình phải bán căn nhà ở Nhà Bè để trả.
Không còn nhà, vợ chồng chị phải gửi con về Long An ở cùng ông bà còn vợ chồng xin vào khu lưu trú công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước ở tạm. "Khi dính vào tín dụng đen đầu óc mình không còn minh mẫn để làm việc, lúc nào cũng lo sợ, bế tắc", chị Oanh nói.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Huy, công nhân Công ty TNHH Kim May Organ ở Khu chế xuất Tân Thuận, nói khoản lãi từ tín dụng đen là quá sức với mình. Hơn hai năm trước, để có tiền cho bố chữa bệnh anh đã vay 25 triệu đồng từ một người cho vay chuyên nghiệp với lãi suất 20% mỗi tháng, tức 5 triệu đồng.

"Tôi nghĩ một năm sẽ trả hết nhưng dịch kéo dài, việc ít, lương giảm, lãi chồng lãi, số nợ lên đến 100 triệu đồng", anh Huy nói. Gần một năm trả nợ nhưng tiền gốc không giảm, trái lãi mỗi tháng anh phải trả lãi 20 triệu đồng. Toàn bộ lương hàng tháng của anh không thể gồng nổi.

Đại diện nhiều nhà máy cho biết lãi mẹ đẻ lãi con khiến số tiền vay đội lên cao, công nhân không thể trả nổi. Họ bị hành hung, bôi nhọ, những người thân, bạn bè trong danh bạ điện thoại bị bên cho vay khủng bố. Không ít trường hợp thuê giang hồ đến cổng nhà máy đòi nợ. Công nhân phải nghỉ việc nửa chừng, ảnh hưởng hoạt động của công ty, thiếu hụt lao động.

Người lao động tiếp cận App vay tiền. Ảnh: Lê Tuyết

Về giải pháp, CEP cho biết đã có đề án hỗ trợ công nhân tránh tín dụng đen với tổng số tiền hơn 61.800 tỷ đồng. Cụ thể, từ năm 2023-2028, chương trình sẽ hỗ trợ hơn 1,7 triệu lượt công nhân và gia đình vay vốn. CEP dành nguồn kinh phí hơn 60 tỷ đồng tổ chức các hoạt động cộng đồng, tư vấn tài chính cá nhân.
CEP sẽ có nhiều hình thức cho vay với lãi suất mỗi tháng 0,2-0,76%, tương đương 4-18% mỗi năm. Công nhân không bị thu thêm bất kỳ khoản phí nào. Mức vay lên đến 50 triệu đồng và thời gian kéo dài tới 36 tháng. Tổ chức này cũng có những khoản vay khẩn cấp, giải ngân nhanh trong ngày với lãi suất 0,5% mỗi tháng, trường hợp khó khăn được xem xét giãn nợ.
Phó tổng giám đốc CEP Nguyễn Tấn Đạt cho biết để giúp công nhân có thói quen tích lũy, hàng tháng khi công nhân trả gốc và lãi vay sẽ được trích một phần để gửi tiết kiệm. Số tiền này được quỹ trả lại cho người lao động khi kết thúc hợp đồng vay, hoặc họ rút ra để chi tiêu khi gặp tình huống cấp bách, hạn chế vay bên ngoài.
Công đoàn các tỉnh đề nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cần có cơ chế cho phép dùng nguồn kinh phí kết dư để hỗ trợ vốn cho CEP và các quỹ để hỗ trợ nhiều công nhân hơn.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước và Tổng liên đoàn lao động triển khai gói tín dụng trị giá 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân, lao động để nhóm này hạn chế vay vốn lãi suất cao. Các gói có mức vay lên tới 70 triệu đồng cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày, lãi suất thấp, chỉ bằng một nửa thị trường.

Không có nhận xét nào: