80% các khoản phải thu của HAGL đang dành cho các bên liên quan.
Bắt đầu công bố kết quả kinh doanh từng tháng kể từ giữa năm 2022, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) cho thấy một mức lợi nhuận sau thuế khá đều đặn trên dưới 100 tỷ đồng/tháng, tương đương 3,5 - 4 tỷ đồng/ngày. Trong đó, lợi nhuận cao nhất được ghi nhận vào tháng 7 và tháng 8, trong khi tháng 12 bất ngờ giảm mạnh chỉ còn một nửa, tức 66 tỷ đồng.
Lợi nhuận nghìn tỷ hoàn toàn đến từ hoàn nhập dự phòng
Mặc dù biến động bất ngờ vào tháng cuối cùng, nhưng kết quả kinh doanh cả năm của HAGL vẫn vừa vặn vượt 5% kế hoạch. Năm 2022, HAGL tiêu thụ 292.847 con heo thịt và 281.275 tấn cây ăn trái, trong đó 57% sản lượng chuối dành cho xuất khẩu và 53% còn lại được dùng để sản xuất thức ăn gia súc.
Bán hàng trăm nghìn con heo và tấn chuối, HAGL báo doanh thu thuần trong năm này đạt 5.081 tỷ đồng. 1.165 tỷ đồng lợi nhuận gộp được ghi nhận, tương đương biên LNG là 23%, thấp hơn một chút so với mức 24% của năm 2021.
Tuy nhiên, riêng chi phí tài chính đã lên tới 1.635 tỷ đồng. Có nghĩa là lợi nhuận làm ra từ trồng chuối, nuôi heo còn chưa đủ để trả cho lãi vay và các chi phí tài chính khác. Doanh thu tài chính cũng là một khoản đáng kể, nhưng 400 tỷ đồng lãi từ tiền cho vay là con số nhỏ so với gần 780 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Và do đó, mức lợi nhuận trước thuế 1.091 tỷ đồng đạt được trong năm 2022 vẫn đến hoàn toàn từ việc hoàn nhập dự phòng. Khoản hoàn nhập này lên tới 1.561 tỷ đồng, được ghi nhận trong chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng như thường lệ, không được HAGL thuyết minh cụ thể.
Công cụ điều tiết lợi nhuận cho HAGL
Cho đến thời điểm cuối năm, HAGL đã cho các bên liên quan – bao gồm cả cá nhân và tổ chức - vay ngắn hạn và dài hạn gần 5.700 tỷ đồng, bên cạnh đó là hơn 1.300 tỷ cho mượn và lãi từ cho vay đối với các bên này nhưng chưa thu. Tính cả các khoản phải thu từ giao dịch mua bán hàng hóa, 80% các khoản phải thu của HAGL đang dành cho các bên liên quan.
Lê Me đang là công ty có số dư lớn nhất, tổng cộng gần 4.000 tỷ bao gồm cho vay ngắn hạn 2.753 tỷ, cho vay dài hạn 149 tỷ, phải thu lãi cho vay 650 tỷ, phải thu dài hạn từ hợp tác kinh doanh 440 tỷ.
Một bên liên quan đáng chú ý khác là CTCP Gia súc Pơ Lang. Tính đến cuối năm 2021, đơn vị này vay HAGL số tiền 1.149 tỷ đồng (tính cả lãi vay). Vào ngày cuối cùng của tháng 3/2022, Pơ Lang đã được chuyển thành công ty con của HAGL với tỷ lệ sở hữu 99,75%. Cùng với việc chuyển đổi này, khoản cho Pơ Lang vay đã không còn trên báo cáo tài chính quý 2/2022 của công ty.
Các khoản cho vay hàng nghìn tỷ đồng của HAGL đối với các bên liên quan được tài trợ bằng việc HAGL đi vay. Nhưng quan trọng hơn việc thu lãi hàng trăm tỷ đồng, nó giúp công ty điều tiết lợi nhuận trong từng thời kỳ nhờ vào việc trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng.
Với số dư gần 8.000 tỷ đồng cho vay các bên liên quan, việc điều tiết hoàn nhập hay trích lập dự phòng để có mức lợi nhuận đều đặn theo từng tháng dường như không phải là điều khó khăn.
Một điểm đáng chú ý khác trong BCTC năm 2022 của HAGL là khoản tài sản dở dang dài hạn với số dư 4.646 tỷ đồng – tăng 1.151 tỷ so với hồi đầu năm. Trong đó chi phí phát triển vườn cây ăn quả là 2.958 tỷ đồng – tăng gần 600 tỷ, dự án chăn nuôi là 1.616 tỷ - tăng gần 680 tỷ nhưng đã giảm 210 tỷ so với thời điểm đầu quý 4.
Việc ghi nhận chi phí phát triển vườn cây ăn quả vào tài sản dở dang dài hạn trên bảng cân đối kế toán giúp cho HAGL chưa phải ghi nhận chi phí vào báo cáo kết quả kinh doanh và gây áp lực lên lợi nhuận của công ty.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét