Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Tránh “bẫy” trong hành trình chuyển đổi số

 

Bối cảnh khó khăn hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tối ưu, tập trung vào những mục tiêu trọng tâm, giải quyết những bài toán cốt lõi thay vì đầu tư dàn trải. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần sớm nhận ra và tránh những cái “bẫy” trong hành trình chuyển đổi số...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số để tăng tốc phát triển, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào chuyển đổi cũng thành công.

Forbes đánh giá rủi ro thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp là khá cao, lên đến 84%, trong khi các tổ chức nghiên cứu như McKinsey, BCG, KPMG và Bain & Company đánh giá nguy cơ thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp là từ 70 đến 95%. Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), con số này gần 90%.

CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG CHỈ LÀ SỐ HÓA

Theo các chuyên gia, trong hành trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp mắc phải một số “bẫy” khi áp dụng quá nhiều công cụ mà chưa đánh giá đúng mức độ phù hợp và hiệu quả, gây lãng phí, cũng như thu thập dữ liệu mà không thể sử dụng để gia tăng giá trị cho đơn vị. Không những thế, nhiều doanh nghiệp khi mới áp dụng một phần công nghệ nhưng đã lầm tưởng hoàn thành lộ trình chuyển đổi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp quá quan tâm chú trọng công nghệ mà quên đi yếu tố văn hóa khi chuyển đổi số. Sự thất bại của các dự án này không phải vì năng lực của công nghệ thông tin mà vì tính thích ứng và sẵn sàng của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về những cái “bẫy” mà doanh nghiệp thường mắc phải trong thực tế, ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, FPT Digital, cho biết có 4 vấn đề mà doanh nghiệp cần phải hết sức lưu ý.

Thứ nhất, doanh nghiệp thường cho rằng chuyển đổi số tức là chỉ số hóa là xong. Theo đó, doanh nghiệp ứng dụng phần mềm để số hóa một số khâu chính như kế toán tài chính, bán hàng, hoặc số hóa liên thông các hoạt động và coi như đã chuyển đổi số xong. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ dừng ở số hóa.

Mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư cho công nghệ thông tin từ rất sớm, đầu tư số hóa nhiều hoạt động, nhưng vẫn không đạt được hiệu quả, tốc độ tăng trưởng không như mong muốn. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp từng dẫn đầu trong ngành về công nghệ thông tin đã mắc “bẫy” này và hiện nay đang phải xây dựng lại chiến lược chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không chỉ dừng ở số hóa.
Chuyển đổi số không chỉ dừng ở số hóa.

Thứ hai, các doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số gắn liền với  công nghệ thông tin là chính. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã giao nhiệm vụ này cho bộ phận phụ trách công nghệ thông tin thực hiện, là đầu mối duy nhất để chủ trì công việc chuyển đổi số.

Thứ ba, không có sự tham gia nhất quán của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khi chuyển đổi số, những lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng để thực hiện không cần trực tiếp tham gia mà chỉ cần đồng thuận. Việc chuyển đổi số sẽ được giao hoặc ủy quyền xuống cấp dưới và như thế là đủ để "thu hoạch kết quả".

“Chính điều này sẽ làm cho chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp dậm chân tại chỗ, mất thời gian, tiền bạc và cơ hội. Bởi thực tế, chuyển đổi số có rất nhiều khâu sẽ cần lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, gắn liền với chiến lược kinh doanh, nên chỉ có lãnh đạo mới định hướng và đưa ra quyết định đúng”, ông Vương Quân Ngọc nhấn mạnh.

Thứ tư, không ít doanh nghiệp coi chuyển đổi số là một đích đến. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đưa ra tiêu chí số hóa 100% quy trình nghiệp vụ, các công đoạn trong quản lý, quản trị và coi chuyển đổi số là để đạt mục tiêu đó.

Tuy nhiên, bản chất chuyển đổi số là hành trình không ngừng nghỉ, liên tục phải được điều chỉnh và luôn đi theo con đường phát triển của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thường mắc bẫy này khi chưa đặt ra một chiến lược dài hạn cho chuyển đổi số song hành với chiến lược phát triển mà lại coi đó là đích đến. Sau khung thời gian đặt ra, có thể kế hoạch đã hoàn thành nhưng lại bỏ đó, các chương trình không được đo lường và phát triển tiếp, cuối cùng sẽ lạc hậu, gây lãng phí.

Không những thế, doanh nghiệp cho rằng công nghệ thông tin là một khoản chi phí hoạt động kinh doanh chứ không coi là chi phí đầu tư; coi công nghệ thông tin chỉ phục vụ việc quản trị, quản lý mà không nhận ra nó thay đổi sâu rộng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI “100% DIGITAL”

Theo phân tích của ông Phạm Anh Tuấn, Giảng viên Viện Quản trị & Công nghệ FSB; chuyên gia chuyển đổi số Rạng Đông, Viettel, PC1, thực hiện chuyển đổi số không phải là một dự án có điểm đầu và điểm kết thúc mà là một hành trình. Theo đó, nhìn chung chuyển đổi số sẽ trải qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu là tạo ra các nền tảng, bắt đầu tự động hóa các quy trình kinh doanh, vận hành bằng công nghệ thông tin.

Tiếp đó là ứng dụng triển khai các dự án ở các bộ phận chức năng khác nhau như marketing, nhân sự, kế toán…Đó là các chương trình chuyển đổi riêng lẻ hoặc từng bộ phận tạo ra các sản phẩm, phương thức vận hành ấn tượng nhưng tách biệt.

Tránh “bẫy” trong hành trình chuyển đổi số - Ảnh 1

Trong các giai đoạn tiếp theo của chuyển đổi số, các đơn vị sẽ thực hiện đồng bộ hóa từng phần và đồng bộ hóa toàn phần. Cuối cùng, các doanh nghiệp tiến tới cất cánh, xây dựng văn hóa lâu dài, bền vững của sự tái tạo kỹ thuật số liên tục.

Ông Tuấn cho biết đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 hoặc 2 của quá trình chuyển đổi số. Có rất nhiều mô hình khác nhau về lộ trình chuyển đổi số được các doanh nghiệp đưa ra. Tuy nhiên, một lộ trình chuyển đổi số không xuất phát từ công nghệ mà từ mục tiêu phát triển, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp, có rất nhiều lĩnh vực ở dạng truyền thống “analog” nhưng vẫn tạo ra giá trị quan trọng, công nghệ khó thay thế. Do đó, các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp không nhất thiết phải số hóa đồng tốc mà tùy vào đặc thù, thực trạng, chức năng, nhiệm vụ, mức độ chuyển đổi số sẽ diễn ra khác nhau một cách linh hoạt.

Một dự án chuyển đổi số không thành công không chỉ lãng phí nguồn lực và chi phí mà còn gây ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của một doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần có những bước đánh giá sự sẵn sàng để biết được đơn vị đã thật sự chuyển mình khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số chưa bởi đây là cả một hành trình thay đổi.

NHỮNG NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG

Một đơn vị tư vấn chuyển đổi số kể rằng trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp thường đầu tư nhiều cho vấn đề con người hơn là đầu tư công nghệ. Bởi công nghệ chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là thay đổi quy trình làm việc, văn hóa, tác phong, thói quen làm việc của cả bộ máy doanh nghiệp.

Thực chất, chuyển đổi số vượt ra ngoài vấn đề số hóa, bằng cách tạo ra sự thay đổi toàn diện đối với chiến lược kinh doanh của công ty. Các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng khẳng định rằng triển khai xong ERP không có nghĩa là doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số.

Khi tình hình tài chính khó khăn hơn, các doanh nghiệp càng phải đầu tư chọn lọc hơn nữa. Khó khăn không có nghĩa là không đầu tư, mà doanh nghiệp vẫn phải chuyển đổi số để không bị tụt hậu, bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, hướng đầu tư sẽ thiên về liên quan đến kiểm soát thông tin và kiểm soát rủi ro. Chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn và kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Công nghệ là rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, để chuyển đổi số thành công, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, tổ chức, thói quen làm việc, phương thức vận hành, người lãnh đạo số và văn hóa doanh nghiệp.

Để tránh bẫy, vượt qua các rào cản, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số (FPT Digital) khuyến nghị doanh nghiệp nên thay đổi tư duy, luôn coi chuyển đổi số là "quá trình song hành với phát triển”. Doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ, từ những bước đầu tiên như định vị tầm nhìn, mục tiêu và đo lường toàn diện mức độ trưởng thành số.

Doanh nghiệp nên lựa chọn những đơn vị tư vấn độc lập có uy tín để hỗ trợ. Có sự song hành này, doanh nghiệp sẽ đi đúng ngay từ đầu, có kết quả sớm, được đo lường và hiệu chỉnh hàng năm để đạt mục tiêu mong muốn, chuyên gia này nói.

Không có nhận xét nào: