Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Cuộc sống ở khu trọ công nhân mất việc cận Tết

Mất việc, nghỉ Tết dài ngày vì nhà máy hết đơn hàng, nhiều công nhân thả lưới đánh cá, vớt lục bình làm thực phẩm, nhặt ve chai… kiếm sống.
Khu trọ Hưng Lợi 2 ở phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có hơn 1.700 phòng. Cao điểm có khoảng 5.000 người thuê trọ. Tuy nhiên, từ tháng 7, nhiều công nhân thiếu việc trả phòng về quê. Hiện khu trọ chỉ còn khoảng 1.300 người, chủ yếu là công nhân mất việc, bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ Tết dài ngày, không có tiền về quê nên chọn ở lại. Từ tháng 7, chủ khu trọ giảm mỗi phòng 300.000 đồng.

Đến cuối năm 2022, Bình Dương ghi nhận khoảng 28.000 lao động mất việc, gần 240.000 người bị giảm giờ làm. Các số liệu cho thấy đây là địa phương có số người mất việc, giảm việc nhiều nhất khu vực Đông Nam Bộ. Số lao động bị ảnh hưởng thuộc ngành gỗ, may mặc, giày da do biến động tình hình thế giới, đơn hàng bị cắt giảm.
Bà Thị Bình, 60 tuổi, quê Kiên Giang, dân tộc Khmer, suốt mấy tháng qua bị cắt giảm việc, phải bán chuối nướng ở khu nhà trọ kiếm sống qua ngày. Hai vợ chồng bà lúc trước làm công ty gỗ Thống Nhất nhưng bị cho nghỉ hơn hai tháng. Không có tiền về quê ăn Tết, họ phải ở lại chờ việc năm sau.
Giữa trưa nắng, vào trung tuần tháng Chạp, bà Lý Thị Hương (hàng đầu) cùng hàng xóm ở khu trọ, lội đồng tìm lục bình, ve chai kiếm sống.

Bà Hương quê An Giang lên Bình Dương chăm cháu cho gia đình con gái làm công nhân. Vợ chồng con gái mất việc từ đầu tháng 12 năm ngoái. Trong lúc hai con đi tìm việc, bà đi nhặt ve chai bán mỗi ngày được vài chục nghìn đồng. Để bữa cơm có rau, người phụ nữ 63 tuổi thường đi vớt lục bình ở ruộng nước xung quanh khu trọ làm các món luộc, ăn sống, xào với mỡ heo.
Cũng như bà Hương, bà Lý Thị Hen (áo đỏ), quê An Giang, lên chăm cháu suốt mấy năm nay. Từ khi hai đứa con mất việc, bà cũng tranh thủ nhặt ve chai, bới thùng rác tìm cơm thừa để bán cho người nuôi gà, vịt. "Con bị thất nghiệp mấy tháng nay, thân nó không lo nổi lấy đâu chu cấp cho mình", bà Hen nói.
Không chịu được cảnh bó buộc trong bốn bức tường phòng trọ, anh Lê Văn Thuận, 38 tuổi, quê Đồng Tháp, nhờ người thân gửi lưới từ quê lên để bắt cá, cải thiện bữa ăn. Anh Thuận bị nhà máy gỗ cho nghỉ Tết sớm hơn hai tháng mà không có thưởng hay bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
Cũng như nhiều gia đình ở xóm trọ, vợ chồng bà Sóc Ni - Mô Sê quê An Giang, đi hái rau dại, trang trải qua ngày. Hai ông bà có bốn người con làm công nhân, một số đã nghỉ việc. "Vợ chồng hái rau dại ngoài đồng về bán mỗi ngày cũng được 60.000-70.000 đồng. Hôm nay mấy anh bảo vệ đuổi quá không cho bán nên đem về sớm", bà Ni than thở.
Mới sinh em bé, đi làm bữa được bữa mất, vợ chồng anh Nguyễn Văn Út, 30 tuổi, quê Cà Mau quyết định ở lại Bình Dương ăn Tết. "Vợ tôi mới sinh đâu có đi làm, lương 4-5 triệu mỗi tháng. Tiền không đủ sữa nuôi con lấy đâu về quê", anh Út nói.
Chiều muộn, ngồi trước cửa hàng tạp hóa của gia đình, chị Nguyễn Thị Thu, 39 tuổi (góc trái), quê Tiền Giang, kể mình vừa bị giật nợ khoảng 100 triệu đồng. Chồng làm công nhân may nhưng bị cho nghỉ hai tháng trước, đứa con 17 tuổi cũng đang thất nghiệp.

Trước đây, chị làm công nhân công ty gỗ, sau đó dành ít tiền mở tiệm tạp hóa ở khu công nhân. "Nhiều công nhân mua hàng, vay tiền sau đó mất việc, hết tiền không thể trả. Mình biết mà không đòi được vì ai cũng khổ hết. chỉ mong họ mau chóng có việc làm có tiền trả nợ", chị Thu nói.
Chị Thu nuôi thêm vịt ở ngay hành lang khu nhà trọ để trang trải cuộc sống. "Tôi từng khá nhất ở đây mà giờ thất bát nhất khu này", chị nói về tình trạng của mình ở khu trọ.
Chập tối, những đứa trẻ vui chơi trong khu trọ công nhân le lói ánh đèn.
Nhận được 5 triệu đồng của tháng lương cuối, sáng 5/1, vợ chồng anh Sơn Út và chị Ne Áng Sóc Khône, công nhân nhà máy gỗ ở Tân Uyên trả tiền phòng, về quê Sóc Trăng ăn Tết cùng hai con nhỏ. "Công ty cho nghỉ Tết một tháng. Nhận được tiền, vợ chồng tôi lên xe về ngay bởi tiền ít, ở lại một ngày là tiêu thêm một đồng", anh Sơn Út nói và cho biết còn 3,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí trọ tháng 12.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cuối tháng 12/2022, cả nước ghi nhận gần 530 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phần đông tập trung ở khu vực phía Nam. Tổng số lao động bị mất việc, giảm việc là trên 637.000 người. Ngành lao động dự báo tới hết quý 1/2023, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí tiếp tục khó khăn, thiếu việc làm, do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Không có nhận xét nào: