Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Mỳ màu cua, hay thường gọi mỳ màu, là một món ăn độc đáo của Bắc Giang

Giới thiệu về mì màu:

  • Về cơ bản nó là một loại mì trộn nước sốt với sợi mì được làm từ mỳ gạo Chũ (một loại mỳ gạo đặc sản của Bắc Giang, sợi có nhiều kích cỡ, kích cỡ trung bình phổ thông trông gần giống sợi phở, nhưng ăn thì không giống nha! Loại cỡ to thì giống với hủ tiếu mềm của người Hoa, loại nhỏ nhất thì như sợi bún – nhưng dĩ nhiên là ăn cũng không giống!). Về mỳ gạo Chũ, tinh hoa của ẩm thực Bắc Giang thì có lẽ mình sẽ phải dành hẳn một series bài viết giới thiệu em nó mới xứng cái tầm!!!!

=> Món này nhất định phải làm bằng mì gạo Chũ kích cỡ trung bình thì mới ngon, cho ra hương vị chuẩn nhất. Dĩ nhiên nếu không có thì thay bằng sợi to hoặc nhỏ hơn, hoặc dùng bún/phở để nấu cũng được.

mỳ màu
Sợi mì Chũ Size trung bình, luộc lên mướt mềm trắng sexy
  • Phần đặc biệt tiếp theo của món này nằm ở nước sốt gồm có thịt cua, gạch cua đồng, thịt băm, cà chua, hành khô phi thơm… tất cả tạo thành một hỗn hợp sốt sệt sệt thơm ngon, khi trộn vào mì gạo trắng muốt sẽ chuyển thành thứ màu vàng óng chếch chi thơm ngon vô cùng. Khi ăn nên kèm với rau thơm và đặc biệt là dưa góp Bắc Giang (hầu như hàng ăn nào ở Bắc Giang cũng có dưa góp ăn kèm, hoặc không thì măng chua). Một số hàng sẽ cho thêm thịt nướng, nhưng kể cả không có thịt nướng thì cũng đã ngon lắm rồi.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, cua đồng trở nên rất hiếm (ruộng phân lô tách thửa bán đất nền rồi cua đâu còn chỗ mà sống), nên thường người ta cho rất ít cua hoặc hầu như còn chẳng có cua, chỉ còn cho xíu gạch tạo mùi, tăng thịt băm và cà chua lên. Nhưng dầu sao thì cũng vẫn ngon lắm mọi người ạ, mlem mlem ăn một lại muốn ăn hai, ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm. Giá của bát mì màu không chả như kia chỉ rơi vào khoảng 15k-25k tuỳ hàng nhé!

Cách nấu mì màu Bắc Giang tại nhà

Vì ăn ở hàng không được nhiều cua nên hông đã cái mỏ, mình xin hướng dẫn cách tự làm tại nhà cho mọi người như sau, công thức sẽ không chuẩn chỉnh đâu mà tương đối thôi nha, do mình thường nấu theo thói quen, xài phương pháp tổ tiên mách bảo là chính nha mọi người! Hứa lần sau nấu lại sẽ cân đo đong đếm và cập nhận chi tiết thành phần nguyên liệu số lượng bao nhiêu gram các thứ cho mọi người nhé!

NGUYÊN LIỆU:

  • Mỳ gạo Chũ Bắc Giang (nên làm bằng mì gạo Chũ kích cỡ trung bình thì mới ngon, cho ra hương vị chuẩn nhất. Dĩ nhiên nếu không có thì thay bằng sợi to hoặc nhỏ hơn, hoặc dùng bún/phở để nấu cũng được). 4 người ăn thì nên sử dụng khoảng 2 bó mỳ nhé (thường 1 bó ăn được 2 người ấy).
  • Cua đồng
  • Thịt băm (nếu muốn không bắt buộc)
  • Cà chua
  • Hành tây (không bắt buộc)
  • Hành khô, hành tươi
  • Lạc rang (không bắt buộc)
  • Rau mùi (miền Nam là ngò rí), các loại rau thơm khác tuỳ sở thích
  • Mắm, muối, dầu ớt

CÁCH LÀM:

Bước 1: Làm sốt cua

  • Cua đồng làm sạch, lấy gạch.
  • Bắc chảo lên bếp, làm nóng và cho dầu/mỡ vào, đổ hành khô vào cho thơm, cho tiếp cà chua, gạch cua (và cả hành tây băm nhuyễn nếu muốn) vào nấu nhừ, cho thêm lượng nước vừa phải thành sốt sệt.
  • Thịt băm xào riêng cùng hành phi cho chín thơm, mắm muối đổ vào rồi trộn với sốt cà chua – gạch cua bên trên.

Bước 2: Xử lý mỳ gạo Chũ

  • Ngâm sơ với nước lạnh để rửa mì và khử mùi hôi gạo của một số loại mì để lâu (chứ mỳ mới thì thơm chớ không bị hôi).
  • Nấu một nồi nước sôi rồi thả mì vào nấu mềm (mì gạo Chũ cần nấu lâu một chút mới mềm nha, yên tâm không sợ bị nát nếu mua được mì chuẩn!). Cắn thử thấy sợi mì mềm chính thì vớt ra tô, để ráo nước.

Bước 3: Đổ sốt cua vào tô mì gạo, cho thêm rau thơm, hành tươi, hành phi, hạt tiêu… Trộn đều và thưởng thức!

P/s: Nên chọn mua mỳ gạo vào mùa khô hoặc đợt nào không có mưa, vì thường như vậy sẽ dễ mua được mì phơi nắng tự nhiên, ăn ngon và thơm hơn mì sấy khô bằng máy.

Không có nhận xét nào: