Đánh giá bảo hiểm bắt buộc với xe máy không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi tỷ lệ chi trả quá thấp, VCCI đề xuất bỏ.
Đề xuất này được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính.
Bảo hiểm bắt buộc với xe máy là loại giấy tờ chủ phương tiện buộc phải có khi đi trên đường. VCCI cho biết, bảo hiểm bắt buộc là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thoả thuận của người dân và doanh nghiệp – một trong những quyền dân sự được bảo vệ. Theo Hiến pháp và Luật Dân sự, quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Như vậy, để hạn chế quyền này, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra.
Thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Tuy nhiên, theo VCCI, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lại không chứng minh được là mang lại nhiều lợi ích xã hội.
Khác với bảo hiểm tự nguyện, loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không. Nhưng sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác như tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
Theo VCCI, so với biện pháp đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính cho người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường. Nhưng với số tiền 45 tỷ đồng, rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Với những ý kiến cho rằng tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thấp là do các quy định cụ thể và quá trình thực thi yếu kém, chứ không phải loại bảo hiểm này không mang lại lợi ích, VCCI cho biết chính sách này đã tồn tại hơn 30 năm, trải qua 4 lần sửa đổi, 8 lượt văn bản quy định chi tiết. "Nếu cho rằng các quy định chi tiết hay quá trình thực thi có vấn đề thì vì sao thực trạng này vẫn chưa được khắc phục?", VCCI nói.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.
Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội như trên đã trình bày mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội. Quy định này cũng không trái với các luật, nghị định hiện hành.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới. Các dữ liệu được công khai gồm: các số liệu về doanh thu bảo hiểm và số liệu về chất lượng giải quyết bồi thường, bao gồm số liệu tổng hợp và số loại đã phân theo loại phương tiện và theo doanh nghiệp. Nếu được công khai, các thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho toàn xã hội.
Hiện Bộ Tài chính quy định giá niêm yết cho một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng mức giá 66.000 đồng một năm cho máy trên 50cc và 55.000 đồng cho xe dưới 50 cc. Tuy nhiên, việc số vụ bồi thường theo dạng này không nhiều cùng với phản ánh khó được chi trả của người dân đã khiến quy định này nhận nhiều phản ứng. Thậm chí, để đẩy mạnh việc bán bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp đã chi hoa hồng cho đại lý vượt ngưỡng cho phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét