Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

ĐÀO TẠO CÔNG TÁC CHẤM ĐIỂM ISO ĐỐI VỚI UBND CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

          Thực hiện Kế hoạch số 44/KH-BCĐ ngày 28/02/2022 của Ban chỉ đạo ISO tỉnh về Hoạt động của Ban chỉ đạo ISO tỉnh năm 2022. Sở KH&CN - cơ quan thường trực BCĐ ISO tỉnh tổ chức 10 Hội nghị đào tạo tập huấn hướng dẫn công tác chấm điểm ISO hành chính theo Quyết định số 2532/QĐ-UBND tỉnh; Hướng dẫn 428; Công văn yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ hằng năm đối với 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ ngày 11/10/2022 đến hết ngày 28/10/2022. Địa điểm tổ chức Hội nghị tại UBND các huyện và thành phố.

          Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 253 cơ quan áp dụng trong đó: 41 Cơ quan thuộc đối tượng bắt buộc; 209 UBND cấp xã; 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá, chấm điểm hàng năm cho thấy, việc áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL hầu hết được các cơ quan quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc, từ đó góp phần giúp việc giải quyết công việc của mỗi cơ quan được công khai, minh bạch, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức.

Quang cảnh buổi tập huấn đối với UBND cấp xã trên địa bàn huyện Yên Dũng

          Một số điểm mới của công tác chấm điểm như: UBND huyện lựa chọn tối thiểu 1/3 số xã để chấm tại trụ sở và gửi kết quả về Ban chỉ đạo ISO tỉnh qua Sở KH&CN - cơ quan thường trực BCĐ ISO tỉnh. Ban chỉ đạo ISO tỉnh lựa chọn 10% số UBND cấp xã trên địa bàn huyện để đi kiểm tra thực tế. 100% Số điểm thực hiện của các UBND cấp xã đạt từ 80 điểm trở lên thì UBND cấp huyện đạt điểm tối đa là 3 điểm ở Tiêu chí 15.2. Đối với việc Tổ chức Chấm điểm UBND cấp xã không chặt chẽ (chấm điểm cao hơn 10% so với BCĐ ISO tỉnh chấm thẩm định) thì UBND huyện bị trừ 3 điểm trong tổng số điểm đạt được của UBND cấp huyện.

          

Quang cảnh buổi tập huấn đối với UBND cấp xã trên địa bàn huyện Việt Yên

          Qua các buổi tập huấn các học viên đã nắm bắt về việc chuyển từ nền hành chính cai trị sang phục vụ; phân biệt được các khái niệm TTHC và Quy trình ISO; cách thức xây dựng Mục tiêu chất lượng theo công thức Smart; việc áp dụng công thức 5W+1H; cách thức thực hiện công việc theo chu trình PDCA; sự khác biệt của Quy trình Nội bộ đối với TTHC và Quy trình Nội bộ trong ISO; nắm bắt cách thức thực hiện Quy trình Quản lý rủi ro, cơ hội; cách thức xử lý tình huống hiện nay là Quy trình ISO và việc thực hiện trên phần mềm một cửa điện tử không khớp nhau; cách lấy Phiếu đánh giá sự hài lòng khách hàng theo mã QR code một cách hiệu quả. Nắm bắt cách thức thực hiện việc xem xét lãnh đạo; đánh giá nội bộ; khắc phục các điểm không phù hợp. Hiểu biết tính hiệu quả của việc xây dựng Quy trình ISO hiệu quả thỏa mãn được các tính chất như: rõ người – rõ việc – rõ cách làm – rõ trách nhiệm. Việc nhận biết và sử dụng tài liệu và hồ sơ được dễ tìm; dễ thấy; dễ lấy. Vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” hiệu quả hơn; tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không, từ đó kiến nghị sửa đổi, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế...

Đa số công tác xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đối với các sở ngành đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên đối với cấp xã vẫn còn nhiều hạn chế, nguyên nhân là do công tác đôn đốc của UBND cấp huyện đối với cấp xã chưa thường xuyên liên tục, thời gian áp dụng còn ngắn. Do vậy, việc tập huấn hướng dẫn công tác chấm điểm đối với UBND cấp xã khắc phục một số tồn tại hiện nay như: Việc chấm điểm ISO của UBND cấp huyện đối với UBND cấp xã chưa nghiêm túc; khắc phục tình trạng chưa tuân thủ các quy trình, thủ tục đã công bố; tình trạng giải quyết thủ tục hành chính chậm muộn; tình trạng “khoán trắng” việc duy trì, áp dụng cho cán bộ thư ký ISO; tình trạng áp dụng cho có, đặc biệt là công tác đánh giá chất lượng nội bộ và họp xem xét của lãnh đạo về hệ thống quản lý chất lượng...       

        Qua các buổi tập huấn UBND các xã đã nắm bắt được cách thức cải tiến liên tục để hệ thống quản lý chất lượng ngày càng phát huy tốt hiệu quả. Thay đổi được nhận thức cán bộ công chức về tinh thần cải cách phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Cải tiến được phương thức thực hiện công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức cá nhân, minh bạch hóa các quy trình giải quyết TTHC, hướng đến nền hành chính, hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh./.

 

Nguyễn Quang Anh – Phòng Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng

Không có nhận xét nào: