UBND hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đều ra văn bản kêu gọi cơ quan chức năng khẩn trương xử lý tình trạng Sông Cầu ô nhiễm nặng.
Bắc Giang "kêu" lên Bộ, Bắc Ninh lại ra văn bản hoả tốc
Sông Cầu là một trong 5 con sông quan trọng nhất của miền Bắc. Tình trạng sông Cầu ô nhiễm đã xảy ra từ lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống 2 bên bờ sông.
Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 năm nay nước xả từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) ra sông Cầu vẫn luôn có màu đen sẫm, ô nhiễm nặng nề đặc biệt ở điểm thải mới từ Trạm bơm Vạn An, TP Bắc Ninh.
Ngày 2.2, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông Cầu ở địa phận tỉnh Bắc Giang.
Mới đây ngày 5.2, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về xả thải theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm đối với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống và các tổ chức, cá nhân có liên quan do hoạt động xả thải không đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt chất lượng nước sông Cầu, phối hợp với đơn vị chức năng của Sở TN&MT Bắc Giang kịp thời báo cáo cơ quan liên quan, khuyến cáo người dân khi nguồn nước sông có dấu hiệu bất thường.
Sau khi Bắc Giang ra văn bản đề nghị, ngày 3.2, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra văn bản yêu cầu Sở TNMT, Sở NNPTNT, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, UBND TP.Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xử lý ô nhiễm nước sông Cầu và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10.2.
Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu chỉ đạo Chi cục Thủy lợi báo cáo hằng ngày việc xả thải tại Cống Đặng Xá (Vạn An, TP. Bắc Ninh) đảm bảo giảm thiểu tối đa gây ô nhiễm nguồn nước chảy ra sông Cầu và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh theo quy định.
Đáng chú ý, mới đây, ngày 1.12.2020, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã từng ra văn bản với nội dung tương tự.
Tháng 9.2020, trong cuộc làm việc giữa 3 bên (Bộ TNMT, UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang) tìm cách cứu sông Cầu, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) khẳng định: "Việc bảo vệ môi trường sông Cầu là trách nhiệm của tất cả các địa phương thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu".
Vẫn vô tư xả thải
Ngày 25.1, phóng viên Báo Lao Động đã đi thực tế một số điểm xả thải dọc sông Ngũ Huyện Khê, nơi nguồn nước chảy ra sông Cầu.
Xuôi dòng Ngũ Huyện Khê về hạ lưu, chúng tôi có mặt ở làng nghề Phong Khê (phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh) và Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) bên dòng sông đặc quánh sình lầy, rác thải.
Đúng như phản ánh của người dân, hai bên bờ sông nhiều ống nước thải từ làng nghề giấy Phong Khê và Cụm công nghiệp trên vô tư xả trực tiếp xuống dòng sông. Dòng nước thải tuôn chảy sủi bọt trắng xóa, bốc mùi nồng nặc tanh tưởi.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh) cho biết, hiện tại tại phường có 224 cơ sở sản xuất nghề giấy, một ngày xả khoảng 10.000 m3 nước thải. Tuy vậy, hiện tại, khu nhà máy xử lý nước thải phường Phong Khê mới xử lý được 2000 - 3000 m3/ngày đêm. Số lượng nước thải không được xử lý thì xả thẳng trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê.
Cùng trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Lương Phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường Tiên Du cho biết, hiện việc xử lý nước thải trong quá trình sản xuất giấy tại Cụm công nghiệp Phú Lâm vẫn do các doanh nghiệp tự xử lý.
"Có một số doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện được quy trình về xử lý nước thải", ông Lương nói và cho biết dự án xử lý tình trạng ô nhiễm ở Cụm công nghiệp Phú Lâm vẫn đang trong quá trình triển khai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét