Mỗi năm có cả ngàn sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ra trường, rất nhiều người vội vã lao vào khởi nghiệp chỉ sau vài năm. Đa phần thất bại. Việc đào tạo CNTT trong nước đang gặp vấn đề từ phía nhà trường? Hay từ phía người học? Khởi nghiệp CNTT cần gì để thành công? Rất nhiều lời khuyên của các chuyên gia cho sinh viên tại buổi nói chuyện “Nghề IT – Sáng tạo và Tương lai” do Hội Tin học TP. HCM và trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) tổ chức.
Chuyển đổi số và những thách thức cho sinh viên CNTT
Có quá nhiều thách thức cho sinh viên chuyên ngành CNTT để sáng tạo và khởi nghiệp khi dòng chảy công nghệ phát triển từng ngày. Tuổi thọ của một sản phẩm công nghệ ngày càng ngắn và “lỗi mốt”. Dù nhu cầu nguồn lực lớn nhưng các chương trình đào tạo CNTT trong nước vẫn chưa đáp ứng nổi, nhất là đào tạo kỹ sư chất lượng cao.
Giám đốc phát triển kinh doanh FPT, ông Phan Thanh Sơn, đưa ra một lời khuyên cho sinh viên: Tiếp cận và hiểu về chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Nhiều quốc gia và doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam đang rất hào hứng với xu hướng chuyển đổi này. Chuyển đổi số là tất yếu nhưng không phải cái đích mà là một chặng đường dài.
“Các bạn sinh viên nên tìm hiểu về chiến lược chuyển đổi số quốc gia ngay từ bây giờ để có những định hướng tốt về công việc hay khởi nghiệp sau này. Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam đều có kế hoạch đầu tư nhiều vào nền tảng chuyển đổi số”, ông Sơn nói.
Mặt khác, việc chuyển đổi số hiện nay đã đi vào từng ngành nghề của từng đơn vị, doanh nghiệp cụ thể, vì vậy đòi hỏi người xây dựng và triển khai giải pháp không chỉ cần am hiểu về chuyên môn, chuyên ngành mà còn ý thức được về các mối tương quan và sư thay đổi của xã hội trong tầm nhìn dài hạn
Thêm vào đó, theo ông Vũ Anh Tuấn – Tổng Thư ký Hội Tin học TP. HCM, sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain, Big Data. Vì vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Nhưng có kỹ năng thôi chưa đủ, cần phải có thêm công cụ, đặc biệt kỹ năng phải được thực hành khi đó mới có thể đem lại được giá trị tư duy thực sự. Như việc bạn đọc cuốn sách hay, nếu không biết tư duy, không trải nghiệm thực hành thì sớm muộn bạn cũng sẽ nhanh chóng quên đi những điều hay ho đó.
Câu hỏi được nhiều sinh viên quan tâm là “làm sao để có kinh nghiệm” khi tiêu chí này được đặt nặng hơn kỹ năng chuyên môn? “Các bạn cứ mạnh dạn xông pha vào tất cả các cuộc thi liên quan đến chuyên ngành học của mình. Bởi đó chính là môi trường thực tế giúp các bạn cọ xát, vừa có kinh nghiệm thực hành trong quá trình làm dự án, sản phẩm tham gia cuộc thi, vừa đúc kết được nhiều kỹ năng làm việc cộng tác thực tế quý giá cho bản thân.
Khởi nghiệp CNTT, “màu” nhưng không “mỡ”
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng mạnh hiện nay. Lĩnh vực này luôn chiếm số lượng áp đảo trong các cuộc thi, các diễn đàn khởi nghiệp... Tuy nhiên, đa phần “không có sinh nhật lần 2”. Khởi nghiệp CNTT đã khó, để thành công và mở rộng hơn càng khó.
Ông Phan Thanh Sơn chia sẻ về nguyên lý 3 vòng tròn giúp các bạn sinh viên khám phá năng lực bản thân để tìm được những công việc phù hợp, trở nên khác biệt: “Mỗi người sẽ vẽ ra 3 vòng tròn, ứng với mỗi vòng tròn hãy liệt kê ra hết Những gì mình thích nhất, Những thứ mình làm tốt nhất và Những điều xã hội đang cần nhất. Những thứ nào nằm trong điểm giao của 3 vòng tròn đó chính là điều mà bạn có thể theo đuổi, làm tốt nhất, khi đó tự nhiên sẽ trở thành nổi bật. Bạn cũng nên lưu ý, vòng tròn này thường xuyên thay đổi theo thời gian”. Lời khuyên của các chuyên gia là hãy bắt đầu bằng thứ mình am hiểu nhất, thích nhất, làm tốt nhất và xã hội cần nhất.
Chuyên gia Nguyễn Sơn Tùng, CTO của Viec. Co nhấn mạnh, để khởi nghiệp, yếu tố tiên quyết là phải thực sự hiểu tường tận về sản phẩm, dịch vụ mà mình đang muốn làm. Tiếp đến phải xác định được sẽ tập trung kinh doanh hay gọi vốn, rồi làm kế hoạch cho mọi thứ, cơ cấu đội ngũ cùng chí hướng, tin tưởng và chia sẻ quyền lời cho họ. Ngay cả những quỹ công nghệ quyết định đầu tư, khi sản phẩm hoàn thiện 70% họ mới bắt đầu tính đến bài toán kinh doanh. Đến khi hoàn tất sản phẩm, phần ưu tiên tiếp theo phải là trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên, các bạn không nên đợi sản phẩm quá hoàn hảo mới trình diện giới thiệu nhà đầu tư, vì khi đó đã là quá trễ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét