Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Thủ tướng: Khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam còn khá lớn

Thủ tướng: Khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam còn khá lớn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với bối cảnh hiện nay, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP.

Sáng ngày 9/7, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.

Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ còn lớn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh COVID-19 bùng phát diện rộng trên toàn cầu, diễn biến phức tạp, chưa dừng lại, nhất là tại các đối tác lớn của nước ta. Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ với mức độ chưa từng có. Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Về tình hình trong nước, theo Thủ tướng, chúng ta là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh sớm nhất, gần 3 tháng qua, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và đang tích cực thực hiện mục tiêu kép. Hiện nay, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững. Các lĩnh vực trọng yếu có xu hướng đi lên mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, cần nhận diện rõ rủi ro, đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. 

Cần chính sách phục hồi phát triển kinh tế dài hạn, cho cả năm 2021-2022

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.

Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.

Chuyên gia Bùi Đức Thụ cho rằng, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của COVID-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Thực lực doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS. Trần Đình Thiên nhận định. Do đó, "không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cả cái mới", tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu.

TS. Trần Đình Thiên đề nghị Chính phủ, Nhà nước phải là "người mua hàng lớn nhất" đối với các sản phẩm "made in Việt Nam".

Một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Ngành ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào: