Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Phú Quốc tương lai sẽ ra sao?

Trong quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra định hướng quy hoạch chính là đô thị biển đặc sắc, bảo vệ và tôn tạo các giá trị cảnh quan thiên nhiên.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng vừa ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ 1/10.000.
Đô thị biển đặc sắc
Theo tờ trình, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ huyện đảo Phú Quốc gồm: thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã: Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Hàm Ninh, Bãi Thơm, Gành Dầu, Thổ Châu, Hòn Thơm (gồm các đảo phía Nam An Thới) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 589 km2 và không gian biển liên quan.
Mục tiêu lập quy hoạch là nhằm định hướng phát triển Khu Kinh tế Phú Quốc với tầm nhìn dài hạn, đồng thời đáp ứng được tối ưu những vấn đề ngắn và trung hạn; phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tờ trình nêu rõ phát triển Khu Kinh tế Phú Quốc trở thành một đô thị biển đặc sắc, có những giá trị khác biệt, một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; làm cơ sở pháp lý để quản lý, hướng dẫn, khuyến khích phát triển, kêu gọi đầu tư cũng như triển khai lập các đồ án quy hoạch xây dựng và các dự án đầu tư xây dựng trong các giai đoạn tiếp theo.
Điểm lại một số văn bản pháp lý quan trọng cho thấy hình hài của "đảo ngọc" được định hình ngày càng rõ. Cụ thể, Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020 xác định mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành "trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; có vị trí quan trọng về mặt an ninh và quốc phòng".
Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định mục tiêu "xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á".
Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 8-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu, có khả năng tự chủ ngân sách, là động lực tăng trưởng mạnh của vùng ĐBSCL và cả nước, giao tỉnh Kiên Giang nhiệm vụ đề xuất nghiên cứu phương hướng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại Phú Quốc cùng với các vùng trong tỉnh: vùng kinh tế trọng điểm ven biển Rạch Giá - Hà Tiên, vùng U Minh Thượng, vùng Tây sông Hậu, vùng Tứ giác Long Xuyên và các địa phương trong tỉnh.
Phú Quốc tương lai sẽ ra sao? - Ảnh 1.
Phú Quốc đang đổi thay từng ngàyẢnh: HOÀNG TUẤN

Chú ý môi trường sinh thái
Trong quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Phú Quốc đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra các định hướng quy hoạch chính là: Bảo vệ và tôn tạo các giá trị cảnh quan thiên nhiên, chú trọng khai thác thế mạnh của Phú Quốc trong việc bổ sung và nâng cao giá trị cảnh quan, thông qua việc xây dựng các hồ cảnh quan kết hợp trữ nước và khai thác không gian mặt nước để tạo dựng cấu trúc không gian xây dựng đặc trưng và có bản sắc; ưu tiên sử dụng không gian ven biển, ven sông và không gian cây xanh mặt nước khác cho mục đích công cộng để làm tăng giá trị tổng thể của toàn khu kinh tế.
Đặc biệt, UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ sẽ rà soát, cập nhật các dự án đã và đang triển khai, các nội dung đã thực hiện phù hợp theo các quy hoạch chung đã được phê duyệt theo định hướng chung nêu trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 9-11-2005, Quyết định số 633/QĐ-TTg, Quyết định của 868/QĐ-TTg ngày 17-6-2015, nghiên cứu điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp với quy hoạch và phát triển chung của Khu Kinh tế Phú Quốc.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch là căn cứ pháp lý quan trọng định hướng mục tiêu, tầm nhìn, yêu cầu nội dung, nguyên tắc và phương pháp lập quy hoạch. Trong khi Phú Quốc không chỉ là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang hiện tại mà đang đứng trước cơ hội trở thành thành phố đảo đầu tiên, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam nằm trong vùng ĐBSCL, có vị thế quan trọng trong chuỗi đô thị, du lịch biển đảo khu vực Đông Nam Á.
Do vậy, TS Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh trong khi đặt niềm tin cho tương lai cũng cần nhìn nhận những "điểm yếu, điểm nghẽn" đang cản trở và dự báo các thách thức khi đảo tăng tốc. Quy hoạch tốt là rất cần để làm công cụ quản lý tốt; những hạn chế trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai trên đảo thời gian qua, bộ mặt đô thị, hệ lụy về môi trường, xử lý rác thải, nước thải… cần phải được giải quyết triệt để.
"Thách thức còn vượt ra ngoài phạm vi đảo, đó là các vấn đề pháp lý, cơ chế vận hành một TP đảo đầu tiên của cả nước. Pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền "TP biển đảo". Chưa có tiêu chí nào minh định rõ ràng "TP đảo" phân biệt với "TP đất liền" - TS Hiệp nhận định.
TS Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng định hướng quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc từ huyện đảo lên TP đảo, từ đặc khu hành chính - kinh tế trong điều kiện chưa có Luật Đặc khu được đề nghị trở thành khu kinh tế. Việc quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế không phải bằng mọi giá tạo ra nguồn thu mà phải đặc biệt chú ý các giá trị nhân văn, môi trường sinh thái. Đó cũng chính là đề bài cần được giao nhiệm vụ quy hoạch rõ ràng, hợp lý để định hình cho "đảo ngọc" trong tương lai.
Để Phú Quốc đẹp hơn trong mắt du khách và nhà đầu tư, ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết lực lượng chức năng ở huyện đảo đã và đang mở nhiều đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là bao chiếm đất đai để xây dựng trái phép; triệt xóa các băng nhóm, nhất là những băng nhóm mang tính chất "xã hội đen", tín dụng đen để lập lại môi trường bình yên cho "đảo ngọc".
Ngoài ra, chính quyền Phú Quốc đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án; tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt chú trọng đầu tư các công trình phục vụ xã hội, cộng đồng như cấp nước, môi trường, rác thải, nước thải, giáo dục, y tế… Hiện nay, "Ngày vì môi trường" ở Phú Quốc đã được đông đảo người dân địa phương và khách du lịch nhiệt tình hưởng ứng.
Ưu tiên tái định cư tại chỗ
Dự báo sơ bộ quy mô dân số ở Phú Quốc đến năm 2030 là khoảng 330.000 người, năm 2040 khoảng 510.000 người, năm 2050 là 680.000 người. Theo quy hoạch, "đảo ngọc" ưu tiên tái định cư tại chỗ, gắn kết với các không gian phát triển của những dự án xây dựng, các khu chức năng mới, để người dân tái định cư có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần tăng thêm sức sống và giá trị cho các không gian phát triển mới.
Nhiều nhà đầu tư nổi tiếng đã có mặt ở Phú Quốc
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đến nay huyện đảo Phú Quốc đã thu hút 321 dự án kinh tế với tổng diện tích gần 11.000 ha, trong đó 47 dự án hoạt động, 71 dự án đang triển khai xây dựng. Trong đó, phần lớn dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch và phát triển kinh tế biển. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài, đặc biệt là các thương hiệu đầu tư du lịch nổi tiếng, đã có mặt trên đảo. Hầu hết các tập đoàn lớn như Vingroup, Bim Group, Sun Group, CEO Group... đã đầu tư vào Phú Quốc. Hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư đã được đổ vào Phú Quốc, cao khoảng gấp đôi tổng vốn FDI đăng ký toàn vùng ĐBSCL.
Nhiều nhà đầu tư lớn vào Phú Quốc đã và đang góp phần đưa du lịch phát triển với tốc độ khá nhanh so với các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Hiện ở Phú Quốc, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn đã có trên 600 cơ sở lưu trú, với gần 20.000 phòng nghỉ khang trang, hiện đại.
Ngày 7-7, tỉnh Cà Mau sẽ khai trương tuyến tàu du lịch Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc, hứa hẹn sẽ góp phần tăng số lượng du khách từ vùng đất cực Nam của Tổ quốc và các vùng lân cận tỉnh Cà Mau đến với Phú Quốc và ngược lại.

Không có nhận xét nào: