Hướng đến các lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong cuộc họp Chính phủ hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đầy cảm xúc: “Các đồng chí phải nóng ruột lên!”.
Câu cảm thán đó được đặt trong bối cảnh Thủ tướng thúc giục đẩy nhanh đầu tư công nhưng nó cho thấy, ở bình diện rộng lớn hơn, ông rất sốt ruột với tình trạng thờ ơ, vô cảm ở không ít cấp lãnh đạo trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhằm giúp doanh nghiệp và người dân đang bị tác động tiêu cực rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Cũng trong cuôc họp hôm qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng làm Trưởng Ban trong khi Thủ tướng chỉ đạo: Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết. Một số lãnh đạo các địa phương đã đưa ra sáng kiến để kích cầu tiêu dùng nội địa, kiến nghị Trung ương giải quyết các thủ tục vướng mắc cho các dự án bất động sản cụ thể...
Điều đó cho thấy, các lãnh đạo Chính phủ và bộ ngành thể hiện sự lo lắng, quyết tâm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế trong khi một bộ phận không nhỏ dường như coi mình là ngoài cuộc, giữ thế thúc thủ và bị thúc giục “phải nóng ruột lên” trước sự tắc nghẽn của người dân và doanh nghiệp.
Nhưng, dù ở góc độ nào, vấn đề là phải biến lời nói thành hành động.
Xắn tay áo
Chẳng hạn, đầu tư công còn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, để giải ngân trong nửa tháng cuối năm nay. Trong kế hoạch 2016-2020, Quốc hội đã thông qua tổng vốn đầu tư công 2 triệu tỷ đồng, vậy mà đến nay, khi chỉ còn nửa năm nữa là hết nhiệm kỳ, vẫn còn tồn đến 1/3 số vốn. Chưa bao giờ giải ngân đầu tư công chậm đến như vậy.
Lãnh đạo các bộ, ngành dự hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Ảnh: VGP
Trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn ngân sách mới đạt 33% kế hoạch năm, giải ngân vốn ODA mới vỏn vẹn 10%. Như vậy, khả năng không tiêu được số vốn đầu tư công mà Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 5 năm ngày càng rõ ràng. Đó là sự tắc trách của các chủ đầu tư và hơn nữa. Vì sao, cũng hệ thống luật pháp đó, cũng những thủ tục đó, quy trình đó, cũng những con người đó mà vốn đầu tư công được giải ngân tốt hơn trong thời gian trước đây so với hiện tại?
Thủ tướng nói: “Vậy ông bí thư, ông chủ tịch tỉnh có xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng không? Khi đề nghị dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì giao cấp dưới, không quan tâm. Tôi xin nói thật, tôi biết hết chỗ này. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm?".
“Vừa rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội cũng đồng ý nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng có quyền điều chuyển từ ngành này, địa phương này sang ngành khác, địa phương khác khi họ có điều kiện giải ngân, không cần đưa ra Quốc hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Có lẽ cần điều chuyển ngay dòng vốn ở những nơi đình trệ sang những khu vực có giải ngân cao để thúc đẩy hệ thống, nhất là Đại hội Đảng đã cận kề. Những cán bộ lãnh đạo dĩ hòa vi quý, không giải quyết được các vướng mắc cho đầu tư công cần đối diện với những trả giá trước Chính phủ, trước nhân dân.
Giải ngân vốn đầu tư công có nghĩa là các công trình, dự án hình thành, là tiêu vật liệu, là tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp.
Nên lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch
Hôm qua, có nhiều người băn khoăn về đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 vì chưa thấy quốc gia nào khủng hoảng kinh tế mà phải lập thêm Ban chỉ đạo để xử lý nó. Trong khi đó, mọi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ đã được thể chế hóa thông qua các nghị định mà nay không vận hành được thì cấu trúc đó có vấn đề, gặp trục trặc.
Tuy nhiên, đề xuất đó là có tính thực tế và cấp bách trong hoàn cảnh hiện nay để để giúp “phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết”. Trước đây có tổ theo dõi kinh tế vĩ mô quy tụ Bộ trưởng KH-ĐT, Tài chính, Công thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để phối hợp các chính sách linh hoạt nhằm tránh các cú sốc gây lạm phát.
Vì thế, trong hoàn cảnh đầy nguy cơ hiện nay nên lập lại một tổ như vậy để giải quyết ngay những vướng mắc trong 3 lĩnh vực quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng và đặc biệt là chống virus trì trệ đang có mặt khắp nơi.
Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch sẽ hoạt động song song với Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 để cùng thực hiện thành công, hiệu quả hai mặt trận chống dịch và phục hồi kinh tế.
Các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.
Tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong cùng kỳ nhiều thập kỷ, là điều đáng quan tâm. Nền kinh tế chứng kiến sự đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian chống dịch kéo dài, nhiều hoạt động bị ngừng trệ.
IMF dự báo tăng trưởng của thế giới ở mức âm 4,9% (thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó), WB dự báo âm 5,2% là mức giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều dược dự báo tăng trưởng âm từ 5% đến 10%.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19. Nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.
Chúng ta đang kiểm soát thành công Covid-19 nhưng không được phép chủ quan, không được mất động lực trong bối cảnh đất nước an toàn trong khi nhiều nước còn đang vật lộn với dịch bệnh. Bối cảnh thế giới đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn đối với kinh tế Việt Nam nhưng cũng mở ra những cơ hội và động lực mới cho phát triển của nước.
Vì thế, vừa chống dịch nhưng vừa chống suy thoái, và phát triển kinh tế là cực kỳ quan trọng vì chính nó giúp giải cứu nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp vốn đã hao mòn, hụt hơi vì đại dịch. Cho nên, “các đồng chí” phải nóng ruột lên, lo nỗi lo của thiên hạ chứ đừng thúc thủ để vinh thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét