Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai nói không biết dự án sẽ về đâu khi còn một tháng nữa hết hạn được chấp thuận đầu tư, có thể phải làm thủ tục lại từ đầu.
Chiều 30/6, bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ với nhà đầu tư "nỗi đau" dai dẳng cả thập niên từ dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM, tại đại hội cổ đông thường niên 2020 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Mặc dù từng được kỳ vọng sẽ mang về cho công ty doanh thu giai đoạn 2011 – 2016 trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng, song đến nay ngót 10 năm, dự án quy mô 91,6 ha vẫn chỉ là giấc mơ dang dở và bà Loan thừa nhận thủ tục pháp lý càng gỡ càng rối.
"Dự án Phước Kiển như đứa con tôi nuôi từ nhỏ mong nó trưởng thành, pháp lý có 7 bước đã làm xong 5 bước theo tuần tự", bà Loan kể và cho hay quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án được phê duyệt từ tháng 4/2017. Cũng trong năm này, dự án đã được chấp thuận đầu tư có thời hạn là 3 năm, nhưng 1 tháng nữa chấp thuận đầu tư hết hiệu lực.
Tháng 2, UBND TP HCM đã họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Bà Loan cho hay sau cuộc họp này, Quốc Cường Gia Lai được sắp xếp thời gian để gặp các sở ngành tìm hướng xử lý. Nhưng tình hình hiện tại Sở Xây dựng nói có thể giao đất còn Sở Tài nguyên Môi trường nói không, công ty không biết làm gì cho đúng. Sau đó, doanh nghiệp được tư vấn hướng giải quyết là hủy chấp thuận đầu tư trước khi hết hạn để tiến hành làm thủ tục quay lại từ đầu.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: V.L
Đối tác đã rót 2.282 tỷ đồng vì dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng dự án vẫn không xong. "Công ty khổ tâm với đối tác, khổ tâm với ngân hàng vì không ai dám cho vay. Tôi bế tắc, không biết đi về đâu với dự án Phước Kiển", bà Loan thừa nhận.
Pháp lý đã rối, tình hình đền bù giải phóng mặt bằng dự án Phước Kiển càng khó khăn hơn. Năm 2015 doanh nghiệp đền bù 80%, theo quy định còn 20% Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện dự án còn 3ha đất bế tắc không cách nào thỏa thuận đền bù vì chủ đất còn lại không hợp tác. Mặt khác, muốn đền bù theo mức giá thị trường hiện nay cần phải huy động được 2.000-2.500 tỷ đồng nữa.
"Tôi mong muốn thực hiện dự án này có chết cũng mãn nguyện nhưng bây giờ đi gõ cửa cầu cứu khắp nơi không ai gỡ vướng mắc này được đành lực bất tòng tâm, cố gắng chờ đợi", Chủ tịch QCG nói.
Do đặc thù thị trường địa ốc TP HCM khó khăn vướng mắc về pháp lý kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được, cộng thêm Covid-19 tác động tiêu cực đến sức mua bất động sản, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2020 ở mức thận trọng với mục tiêu 900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.
Đây là mục tiêu thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch năm 2019 nên bà Loan cũng bị cổ đông trách móc về hiệu quả kinh doanh có dấu hiệu kém dần. "Tôi thừa nhận doanh thu thụt lùi, bản thân tôi cũng thấy xấu hổ khi đưa ra kế hoạch cao nhưng năm nào cũng không làm được. Vì vậy năm 2020 tôi muốn đặt kế hoạch khả thi, có thể thực hiện được", bà Loan tiếp nhận lời phê bình của cổ đông.
Năm 2019, doanh thu và thu nhập khác của công ty đạt 953 tỷ đồng, chỉ đạt 68,67% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là tình hình kinh doanh không đạt được như kỳ vọng, và lượng sản phẩm bàn giao trong năm không đạt kế hoạch đề ra. Doanh thu giảm, dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm về mức 78,3 tỷ đồng, chỉ đạt 39,15% kế hoạch đề ra, đồng thời lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn, chỉ đạt 58,49 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét