3 tấn vải thiều chính vụ Bắc Giang đầu tiên vừa xuất sang Nhật Bản, sau khi được chuyên gia nước này kiểm định chất lượng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, hôm qua (19/6), ba lô vải thiều chính vụ Bắc Giang, mỗi lô 1 tấn, đã lần đầu được các doanh nghiệp xuất sang thị trường Nhật Bản qua đường hàng không. Lô hàng này sáng 20/6 đã có mặt tại Nhật Bản.
Trong hôm nay (20/6), sẽ thêm 6 tấn vải nữa được doanh nghiệp xuất sang thị trường này. Đây là năm đầu tiên quả vải Việt được xuất sang Nhật, sau khi được chuyên gia nước này kiểm định chất lượng.
Ông Tùng cho biết thêm, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu vải thiều sang Nhật bằng đường hàng không và đường biển. Giá thu mua vải xuất Nhật tại vườn khoảng 35.000-40.000 đồng một kg, cao hơn mức thu mua trung bình 10.000 đồng mỗi kg.
Nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải mùa vụ 2020. Ảnh: Giang Huy
Theo quy định của Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu. Chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép nhập khẩu vào nước này.
Trước đó, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, ngày 17/6, chuyên gia Nhật Bản đã thực hiện kiểm tra, đánh giá sản phẩm, cơ sở sơ chế, đóng gói, phân tích mẫu sản phẩm tại 19 mã vùng trồng. "Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá các tiêu chuẩn, điều kiện kiểm định quả vải xuất sang Nhật đáp ứng tiêu chuẩn, thậm chí vượt qua mong đợi của họ", ông Trung nói.
Hiện có 5-6 doanh nghiệp đã đăng ký xuất vải sang Nhật. Công suất xử lý kiểm dịch quả vải xuất Nhật khoảng 2,8 tấn trong 3 giờ, bình quân mỗi ngày tối đa có thể xử lý 8-10 tấn vải.
Ông Dương Thanh Tùng thông tin thêm, ngoài sản lượng vải tiêu thụ trong nước và thị trường truyền thống Trung Quốc, mùa vụ 2020 Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 600 - 700 tấn vải sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét