Thị trường chứng khoán vừa cán mốc 7 triệu tài khoản vào cuối tháng 3, nhưng tốc độ mở mới đang chậm lại đáng kể so với cách đây một năm.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3, đưa quy mô tài khoản giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt mức 7,03 triệu. Con số này tương đương khoảng 7% dân số cả nước, vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều người mở hơn một tài khoản.
Tuy nhiên, tốc độ mở mới tài khoản tiếp tục chậm lại. Diễn biến này đã kéo dài từ tháng 7/2022, khi VN-Index giảm sâu từ vùng đỉnh 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm.
Lượng mở mới trong tháng 3 giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp thị trường không ghi nhận trên 100.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ở những giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục ra chính sách hút nhà đầu tư mới, lượng đăng ký mỗi tháng thường dao động 200.00-450.000 tài khoản.
Tài khoản: 196 198
Thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn trước thận trọng hơn khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên trên sàn TP HCM trong tháng 3 đạt 7.900 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và là mức thấp nhất một năm qua.
Một số chuyên gia cho rằng lượng tài khoản giảm sâu phản ánh sự khó khăn nhất thời của thị trường chứng khoán. Về dài hạn, lượng tài khoản có thể tăng mạnh bởi bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau. Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital, từng dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán sẽ tăng lên 15 triệu trong một thập kỷ tới.
Sau năm 2022 có mặt trong CLB thu ngân sách 50.000 tỷ đồng, Quảng Ninh, Thanh Hoá tiếp tục duy trì việc lọt top thu ngân sách cao nhất cả nước.
Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) quý 1/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022.
Những tỉnh thành thu ngân sách cao nhất cả nước
Hà Nội
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội quý 1/2023 ước thực hiện 138.900 tỷ đồng, cao nhất cả nước.
Thu nội địa của Hà Nội đạt 131.700 tỷ đồng, đạt 40,7% dự toán và tăng 62,8% so cùng kỳ.
Thu từ dầu thô 1.700 tỷ đồng, đạt 81,2% và tăng 36,7%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.400 tỷ đồng, đạt 20,1% và giảm 20,8%.
Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 26.300 tỷ đồng, gấp 1,8 lần cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8.200 tỷ đồng, tăng 35,7%. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 29.900 tỷ đồng, tăng 20,9%. Thuế thu nhập cá nhân 13.800 tỷ đồng, tăng 8,2%. Thu tiền sử dụng đất 2.000 tỷ đồng, giảm 61,3%. Thu lệ phí trước bạ 1.800 tỷ đồng, giảm 12,9%. Thu phí và lệ phí 4.400 tỷ đồng, tăng 3,7%.
TP. HCM
Theo Cục Thống kê TP. HCM, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. HCM quý 1/2023 ước thực hiện 124.796 tỷ đồng.
Thu nội địa ước thực hiện 88.253 tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước đạt 8.877 tỷ đồng, tăng 13,2%. Thu từ khu vực ngoài nhà nước ước đạt 31.067 tỷ đồng, tăng 26,6%. Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 20.958 tỷ đồng, tăng 10,2%. Thu dầu thô ước thực hiện 6.800 tỷ đồng, tăng 4,9%.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 29.743 tỷ đồng, giảm 11,1%.
Thu cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 38.069 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Hải Phòng
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hải Phòng quý 1/2023 ước đạt 23.977,9 tỷ đồng.
Thu nội địa đạt 8.187,7 tỷ đồng, bằng 86,03% so với cùng kỳ năm trước. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14.504,6 tỷ đồng, bằng 91,56% cùng kỳ.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,443 km.
Ngày 7/4, tại Hà Giang, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang cùng Tổng công ty CP Vinaconex đã ký kết Hợp đồng thi công xây dựng Gói thầu số 03 – XL dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Theo Hợp đồng ký kết, nhà thầu Vinaconex là đơn vị thi công gói thầu (đoạn Km0 – Km12+500), chiều dài toàn tuyến 12,5km, đi qua địa phận thị xã Vĩnh Tuy và 03 xã Vĩnh Hảo, Hùng An, Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Tổng giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng , thời gian thực hiện: 30 tháng.
Được biết Vinaconex hiện là nhà thầu đảm nhiệm thi công hàng loạt gói thầu lớn thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn 1 và 2).
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,443 km, điểm đầu nối tiếp đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.
Dự án có 3 gói thầu xây lắp với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu đầu tiên 03 – XL đã lựa chọn được nhà thầu thi công Vinaconex là đơn vị thi công thông qua công tác đấu thầu.
Trước đó, các gói thầu tư vấn thuộc Dự án đã hoàn tất chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Gói thầu số 06 Điều tra và đánh giá hiện trạng rừng được trao cho Công ty TNHH MTV Sinh Thái Rừng; Gói thầu số 07 Lập nhiệm vụ khảo sát, phương án và dự toán rà phá bom mìn, vật nổ được giao cho Lữ đoàn 299 - Quân đoàn 1; Gói thầu số 01 Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế bản vẽ thi công được giao cho Công ty CP Tư vấn đầu tư, Xây dựng và Thương mại Thống Nhất...
Đối với 2 gói thầu xây lắp còn lại gồm Gói thầu số 04-XL Thi công đoạn Km12+500 đến Km19+120 (giá dự toán 846,64 tỷ đồng) và Gói thầu số 05-XL Thi công đoạn Km19+120 đến Km27+480 (giá dự toán 829 tỷ đồng), Chủ đầu tư cho biết đang chờ xin ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán từ phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải. Dự kiến 2 gói thầu sẽ được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý II/2023.
Ông Nguyễn Khắc Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang cho biết, đây là dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn Tỉnh. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của lãnh đạo Tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và chính quyền huyện Bắc Quang, đến nay Chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Khu vực dự kiến thực hiện lễ khởi công đã được huyện Bắc Quang hoàn tất bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư, đảm bảo kế hoạch khởi công Dự án vào ngày 8/4 tới.
Về nguồn vật liệu, Chủ đầu tư cho biết, khác với các tuyến cao tốc được thực hiện tại khu vực miền Trung và phía Nam, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có đặc thù chủ yếu đi qua địa bàn đồi núi, do đó có thể thực hiện thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn nguồn đất đào để tận dụng đắp nền, giảm thiểu áp lực về nguồn cung vật liệu.
Năm 2023, kế hoạch vốn Trung ương bố trí thực hiện Dự án là 1.154 tỷ đồng. Để triển khai Dự án, tổng diện tích đất cần thu hồi lên tới 315 ha. Chính vì vậy, áp lực giải ngân cũng như giải phóng mặt bằng là rất lớn. UBND huyện Bắc Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tổng hợp số liệu rà soát, kiểm kê, kiểm đếm các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng để tiến hành lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự kiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trước tháng 6/2023.
Việc đi bộ là một cách vận động phổ biến, nhưng không phải ai cũng có tần suất và thời gian đi bộ phù hợp.
Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng bận rộn, ít vận động, việc dành thời gian để tập luyện một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức khỏe đôi khi rất khó thực hiện.
Nhưng không phải ai cũng biết đi bộ hằng ngày là hình thức tập luyện đơn giản nhất nhưng cũng mang lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe mỗi người. Đây còn là một trong những môn thể thao thích hợp với hầu hết các nhóm người, từ người già tới trẻ nhỏ.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình con người nên đi bộ từ 6000 - 7000 bước mỗi ngày để duy trì hiệu quả trao đổi chất bình thường của cơ thể. Đặc biệt, thói quen đi bộ vào sáng sớm, trong lúc bụng đói cũng đem tới một số hiệu quả đặc biệt.
1. Tăng cường mức năng lượng
Một nghiên cứu khác với những phụ nữ đang cảm thấy thiếu ngủ cho rằng, 10 phút đi bộ, hoặc tập luyện nhẹ nhàng như lên xuống cầu thang sẽ cung cấp năng lượng nhiều hơn uống một tách cà phê.
Do đó, khi vừa thức dậy vào buổi sáng, việc tập thể dục có thể giúp "đánh thức" cơ thể một cách hiệu quả. Việc đi bộ ngoài trời cũng có thể cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn trong cả ngày, so với việc chỉ ở trong nhà.
Việc đi bộ ngoài trời cũng có thể cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn trong cả ngày, so với việc chỉ ở trong nhà.
2. Giảm chất béo, đạt hiệu quả giảm cân
Đi bộ vào buổi sáng có thể giúp bạn đạt được mục tiêu giảm cân, giảm chất béo hiệu quả. Đây vốn là bài tập có cường độ thấp, thường không được những người có kế hoạch giảm cân lựa chọn. Tuy nhiên, trung bình đi bộ với tốc độ vừa phải trong 30 phút có thể đốt cháy tới 150 calo. Nếu kết hợp tập luyện lúc sáng sớm, khi bụng đói, cơ thể sẽ tiêu hao lượng calo dư thừa nhiều hơn. Qua đó, quá trình đốt cháy chất béo được thúc đẩy.
Sau một đêm nghỉ ngơi, glycogen trong cơ thể đang ở mức khá thấp nên thói quen sáng sớm đi bộ 5km khi bụng đói có thể tiêu hao mỡ để cung cấp năng lượng. Qua đó, cơ thể đẩy nhanh quá trình phân giải lipid và đạt được hiệu quả giảm cân. Lượng calo thực tế đốt cháy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ đi bộ, quãng đường, địa hình và cân nặng của bạn.
3. Tăng thân nhiệt
Sau một đêm ngủ sâu, thân nhiệt cũng giảm xuống ở mức thấp vì quá trình trao đổi chất trong cơ thể vào buổi sáng diễn ra rất chậm và thiếu hiệu quả. Do đó, vận động nhẹ nhàng như đi bộ vừa có thể xua cái lạnh ra khỏi cơ thể, vừa đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu của chi dưới. Nhờ vậy nhiệt độ cơ thể sẽ từ từ tăng lên, có thể tránh được tình trạng chân tay lạnh vào mùa đông rất hiệu quả.
Đi bộ cũng là một trong những cách tốt nhất giúp điều chỉnh thân nhiệt ổn định ở mức cho phép, rất có lợi cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Đi bộ cũng là một trong những cách tốt nhất giúp điều chỉnh thân nhiệt ổn định ở mức cho phép, rất có lợi cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
4. Cải thiện độ đàn hồi của mạch máu, tăng hiệu quả trao đổi chất
Đi bộ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa và giúp bạn kiểm soát các nguy cơ bệnh tật khác nhau bao gồm tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường… Toàn bộ quá trình đi bộ cũng kích thích tuần hoàn máu toàn thân, cải thiện sức bền và các chỉ số của cơ thể một cách có lợi.
Điều này rất có lợi với nhóm người trung niên, người cao tuổi, khi các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa sẽ khiến tính đàn hồi của mạch máu kém đi, tốc độ lưu thông máu tương đối chậm. Thói quen đi bộ sáng sớm có thể giúp làm giảm nồng độ chất béo trung tính và cholesterol trong cơ thể. Qua đó, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, cải thiện các triệu chứng của các bệnh tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch…
Nhờ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, thói quen này cũng góp phần làm chậm lại quá trình già hóa. Kiên trì thực hiện đều đặn, việc đi bộ còn giúp họ có được da dẻ hồng hào, săn chắc, khỏe mạnh và trẻ trung.
Kiên trì thực hiện đều đặn, việc đi bộ còn giúp họ có được da dẻ hồng hào, săn chắc, khỏe mạnh và trẻ trung.
5. Ngăn ngừa loãng xương
Theo Giáo sư Pam Hinton, thuộc Khoa Dinh dưỡng và Vận động Sinh lý học, trường Đại học Missouri, ông cho rằng: "Tập thể dục sẽ đem lại tác dụng củng cố xương, ngăn ngừa và làm chậm tình trạng loãng xương ở mọi lứa tuổi. Ngay cả khi già đi thì các bài tập đối kháng hay đi bộ cũng có hiệu quả nhất định."
Đi bộ mỗi sáng có thể cải thiện sự linh hoạt của cơ và khớp, đẩy nhanh quá trình hấp thụ canxi của xương trong cơ thể. Qua đó, thói quen này cũng giúp chúng ta dần cải thiện mật độ xương, giảm tỷ lệ gãy xương và loãng xương một cách hiệu quả.
Trong những ngày qua, trên các vùng vịnh của TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) nối liền quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) xuất hiện rất nhiều rác thải dạng phao xốp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và môi trường biển, khiến chính quyền hai địa phương phải huy động lực lượng ra quân tiến hành làm sạch.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, phần lớn phao xốp này do các hộ dân nuôi trồng thủy sản xả ra biển trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè.
Trước tình trạng này, ngày 24/3, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã huy động hơn 20 phương tiện thủy và hàng trăm người tổ chức ra quân tại tất cả các luồng, tuyến tham quan trên vịnh để thu gom rác trôi nổi.
Đa số là phao xốp có kích thước khá lớn (50cmx30cm đến 100cmx60cm), trước đó được ngư dân dùng làm phao để nuôi hải sản, cá biệt trong số rác thải còn có các loại cây gỗ lớn, bè mảng bị do ngư dân loại bỏ.
Trong khi đó, trên vùng vịnh Lan Hạ và một số khu vịnh khác thuộc quần đảo Cát Bà, do địa lý liền kề vịnh Hạ Long nên cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng trên, buộc UBND huyện Cát Hải phải chỉ đạo Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phải huy động hàng chục phương tiện và nhân lực, phối hợp với lực lượng của TP Hạ Long tiến hành thu gom rác thải.
Theo ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, từ đầu tháng 3 tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo di rời, tháo dỡ gần 500ha mặt nước nuôi thủy sản trái phép. Quá trình này đã làm phát sinh nguồn thải lớn, theo thủy triều trôi dạt sang vùng vịnh của quần đảo Cát Bà.
“Từ ngày 20/3 đến nay, Quảng Ninh đã điều động 6 tàu phối hợp cùng phương tiện và lực lượng của Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà vớt rác trên vịnh Lan Hạ, ngày cao điểm vớt được khoảng 60m3 rác thải” – ông Hoàng Trung Cường thông tin.
Được biết theo kế hoạch, ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ phối hợp với Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tiếp tục ra quân, dự kiến sẽ làm sạch vùng biển các vịnh trong những ngày tới.
Cũng liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cường cho hay, từ ngày 24/3 trên vùng biển vịnh Lan Hạ xuất hiện những luồng nước màu đỏ khiến các hộ nuôi thủy sản trong khu vực rất lo lắng.
Đây là hiện tượng “thủy triều đỏ” do tảo biển nở hoa tạo ra, mỗi khi xuất hiện đều gây ô nhiễm nặng, gây tổn thất cho các ngư dân do hải sản nuôi ở các lồng bè bị chết ngạt.
Hiện UBND huyện Cát Hải đang chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của “thủy triều đỏ, để kịp thời đề xuất biện pháp ứng phó.
Vận động nhẹ nhàng sau mỗi nửa tiếng làm việc, đảm bảo tư thế đúng, hạn chế xử lý công việc trên điện thoại sẽ giúp những người làm việc văn phòng giảm nguy cơ đau cổ và lưng.
Tư thế ngồi làm việc đúng
Khi ngồi làm việc, hãy đặt bàn chân trên mặt sàn (hoặc kê thêm ghế, bục đỡ chân không chạm sàn), đùi song song với mặt đất, giữ lưng áp sát vào ghế. Để tránh cong lưng dưới khiến đầu và vai chúi về phía trước, bạn có thể chỉnh độ cao của ghế, để đùi hơi hạ xuống. Tư thế này giúp trọng lượng cơ thể phân bổ đều.
Điều chỉnh độ cao màn hình và vị trí bàn phím
Đặt màn hình máy tính sao cho tâm màn hình ngang với mũi của bạn. Nếu màn hình quá thấp, bạn sẽ cúi đầu xuống và tăng áp lực lên cổ. Nếu bạn làm việc chủ yếu trên máy tính xách tay, hãy kê cao máy tính.
Đối với bàn phím, nên đặt sao cho khi gõ, khuỷu tay cong khoảng 90 độ. Lưu ý đặt bàn phím đủ cao để không bị buộc phải khuỵu vai xuống. Khi gõ phím, cổ tay cần thẳng, phần cánh tay trên nên áp sát vào người, bàn tay ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn một chút so với khuỷu tay. Đặt chuột ngang và càng gần bàn phím càng tốt để cổ tay, cẳng tay không phải chịu nhiều áp lực khi sử dụng chuột.
Đứng khi làm việc
Ngồi làm việc lâu trên ghế văn phòng trong thời gian dài cũng có thể khiến cơ thể mệt mỏi. Càng ngồi lâu càng khó giữ một tư thế chuẩn. Vì vậy, mỗi ngày hãy dành 1-2 giờ nếu có thể để đứng làm việc.
Nếu văn phòng không có bàn đứng, bạn có thể mua các công cụ kê cao bàn làm việc để tạm thời chuyển thành bàn đứng.
Hạn chế thời gian nhìn màn hình
Mọi người thường có xu hướng cúi gập cổ về phía trước khi nhìn vào màn hình điện thoại hoặc máy tính bảng, nhất là khi soạn văn bản hoặc trả lời email. Giữ tư thế đầu hướng về phía trước để nhìn thiết bị trong thời gian dài có thể gây căng cơ, đau mỏi, và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến khớp hoặc đĩa đệm. Để hạn chế tình trạng này, dân văn phòng nên trả lời email, làm việc bằng máy tính bàn thay vì điện thoại để đảm bảo tư thế tốt nhất.
Tăng cường đi lại
Đứng dậy đi lại nhẹ nhàng sau mỗi nửa tiếng làm việc có thể giúp giảm nguy cơ gặp vấn đề đau cổ và lưng cũng như đau vai. Một trong những phương pháp đơn giản có thể áp dụng là đặt đồng hồ báo mỗi 30 phút để đứng dậy và đi lại.
Tiết trời lạnh, độ ẩm trong không khí tăng cao vào những ngày nồm gây đau cứng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh xương khớp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, miền Bắc đang bước vào đợt nồm ẩm thứ hai trong năm, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 ngày. Trong thời tiết này, người mắc các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp, gout, loãng xương... thường cảm thấy đau nhức nhiều hơn.
Nguyên nhân là thời tiết chuyển lạnh và không khí trở nên ẩm ướt hơn sẽ làm cho dịch khớp trở nên cô đặc hơn, độ kết dính niêm dịch của khớp tăng lên gây cứng khớp. Trong khi đó, các gân cơ cũng co rút lại để giữ nhiệt. Những điều này đã dẫn đến tình trạng khớp và các nhóm cơ trở nên khó vận động, gây đau nhức nhiều hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Để giảm bớt đau nhức xương khớp trong những ngày nồm ẩm, ThS. BS Trần Thị Hoài Thanh, khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội lưu ý người bệnh nên:
Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc, uống thuốc ngắt quãng và cần thăm khám định kỳ. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, có các triệu chứng bất thường, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp. Không tự ý dùng thuốc giảm đau vì có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, loét dạ dày, các vấn đề gan, thận hoặc tương tác với thuốc kiểm soát bệnh khớp gây tăng tác dụng phụ.
Xoa bóp, massage nhẹ nhàng hoặc chườm ấm xung quanh vị trí đau giúp làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến nuôi các khớp, từ đó giảm đau nhức hiệu quả. Ngoài ra, cần lưu ý không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp vì sẽ làm cho tình trạng sưng viêm tồi tệ hơn.
Vận động nhẹ nhàng: Khi thời tiết vào những ngày nồm ẩm, vì sợ khởi phát các cơn đau nhức nên nhiều người có xu hướng hạn chế vận động. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Thực tế, khi đau nhức, người bệnh càng nên vận động thường xuyên hơn nhưng ở cường độ nhẹ nhàng.
Điều này giúp khí huyết lưu thông, tạo điều kiện cho mô sụn hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp. Từ đó giúp khớp chuyển động linh hoạt hơn, giảm viêm đau hiệu quả. Người bệnh nên vận động khoảng 30 phút - một giờ mỗi ngày với các môn thể thao đơn giản như bơi lội, đạp xe, cầu lông, tập thái cực quyền, yoga...
Dinh dưỡng đủ chất: Dinh dưỡng là nền tảng quan trọng để ngăn ngừa đau khớp. Vì vậy, trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ protein, canxi, vitamin C, vitamin D và các loại khoáng chất khác. Người mắc bệnh về khớp nên giảm bớt các thực phẩm như thịt đỏ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, đồ ăn quá chua hoặc mặn, chất kích thích... Ngoài ra, theo bác sĩ Hoài Thanh, thời tiết lạnh và ẩm thấp trong những ngày nồm thường làm cho người bệnh quên uống nước. Điều này gây suy giảm hệ miễn dịch, tăng quá trình viêm, khiến sụn khớp dễ tổn thương, dẫn đến đau nhức nhiều hơn. Do đó, người bệnh cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ưu tiên nước ấm.
Giữ ấm cơ thể, cổ, ngực, tay, chân, đặc biệt là các khớp dễ bị thoái hóa như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay... bằng cách mặc quần áo nhiều lớp, đeo găng tay và tắm nước ấm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng máy điều hòa và máy hút ẩm để giữ cho không gian sống ở nhiệt độ vừa phải, nhà cửa khô ráo và cân bằng độ ẩm trong không khí. Người bệnh cần tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa phùn...