Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Trồng rừng thay thế phủ xanh đất trống đồi núi trọc

 Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Phong trào trồng rừng đã tạo ra sức sống mới cho nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, góp phần xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Hàng năm tỉnh Lạng Sơn trồng rừng đạt hơn 10.000 ha bằng nhiều hình thức như: trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới trên đất trống đồi núi trọc, trồng cây xanh phân tán. Trong đó chủ yếu trồng trên đất quy hoạch phòng hộ, sản xuất.

Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp (khoản 1, Điều 21), Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên. Chủ đầu tư có thể lập phương án tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3 đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Công ty Nhiệt điện Na Dương  - TKV là 30,3 ha tại huyện Lộc Bình; Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1 là 28 ha, Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Khê 1 là 3,1 ha tại huyện Tràng Định). Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tiếp nhận số tiền tương đương diện tích trồng rừng thay thế là 61,4 ha.

Trên cơ sở ưu tiên bảo toàn diện tích rừng hiện có tại huyện, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn phân bổ kinh phí của các đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế về cho UBND huyện Tràng Định, UBND huyện Lộc Bình để tiến hành triển khai trồng rừng thay thế theo thứ tự ưu tiên trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên trên địa bàn huyện Lộc Bình, Tràng Định chưa có đất trống quy hoạch trồng rừng đặc dụng nên đã lựa chọn trồng rừng phòng hộ.

(Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiểm tra công tác chăm sóc rừng trồng thay thế tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định)

Đối với rừng trồng thay thế tại huyện Tràng Định, ngay sau khi được UBND tỉnh Lạng Sơn phân bổ kinh phí thực hiện trồng rừng thay thế, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định tiến hành rà soát quỹ đất trống quy hoạch phòng hộ. Nhận thấy tại thôn Bản Sliềng, xã Trung Thành còn nhiều diện tích đất trống quy hoạch phòng hộ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định, UBND xã Trung Thành tiến hành triển khai họp thôn để phổ biến kế hoạch cho người dân đăng ký tham gia trồng rừng phòng hộ.

(Rừng trồng thay thế trên đất trống quy hoạch phòng hộ tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định)

 

Đối với rừng trồng thay thế tại huyện Lộc Bình được triển khai tương tự như huyện Tràng Định và triển khai tại thôn Cốc Sâu, Phai Mạt xã Nam Quan.

Được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo quyết liệt từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, sự ủng hộ của bà con nhân dân, sự tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của Cán bộ Kiểm lâm, rừng trồng thay thế sau 03 năm đã sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống của các lô rừng đạt trên 90%.

Từ kết quả trên cho thấy việc trồng rừng thay thế đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người dân./.

                                                                                                                                             

                    Thực hiện: Phạm Trung Hiếu, Phòng Sử dụng và Phát triển rừng Chi cục Kiểm lâm

Sức sống Trường Sa: Cuộc sống dân và quân trên đảo Trường Sa - Núi sông bờ cõi | VTV4

Lời kêu gọi ủng hộ chương trình Trường Sa xanh

 

Bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn là một trách nhiệm của mỗi công dân nói chung và thanh niên nói riêng.

Việc xanh hóa đảo thuộc các quần đảo của Việt Nam được lực lượng thanh niên chung tay góp sức trong mỗi chương trình cụ thể vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động và hết sức quan tâm chú trọng trong cuộc vận động Nghĩa tình biên giới hải đảo. Với ý thức tham gia vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước với quân dân huyện đảo Trường Sa, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai chương trình Trường Sa xanh năm 2023.

Lời kêu gọi ủng hộ chương trình Trường Sa xanh  - Ảnh 1.

Chiến sĩ trên đảo Tốc Tan A hướng dẫn cho thuyền vào đảo

MAI THANH HẢI

Đây là một hoạt động thường niên có ý nghĩa to lớn nằm trong chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân về việc phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó chú trọng chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, công nghệ vi sinh, cung cấp giống cây, vật tư nông nghiệp… đóng góp nguồn lực để tăng cường số lượng cây xanh tại các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Với ý nghĩa lớn lao đó, được sự chỉ đạo và đồng ý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên khởi xướng cuộc vận động kêu gọi bạn đọc gần xa ủng hộ kinh phí để thực hiện công trình xanh hóa Trường Sa trên đảo Tốc Tan A với kinh phí trị giá khoảng 3 tỉ đồng, bao gồm việc mua các loại cây giống như bàng vuông, phi lao, tra; các loại đất màu để trồng các giống cây, phân bón, chi phí vận chuyển từ đất liền ra đảo…

Lời kêu gọi ủng hộ chương trình Trường Sa xanh  - Ảnh 2.

Một góc đảo Tốc Tan A

Lời kêu gọi ủng hộ chương trình Trường Sa xanh  - Ảnh 3.

Một góc đảo Tốc Tan A

Bằng tâm huyết và truyền thống yêu mến biển đảo quê hương, Báo Thanh Niên hy vọng nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, các tập thể đoàn hội và bạn đọc khắp nơi trên cả nước chung tay góp sức để chương trình xanh hóa Trường Sa đạt được kết quả như mong muốn.

Các tổ chức, cá nhân có nhã ý ủng hộ bằng tiền mặt vui lòng đến đóng góp trực tiếp tại Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ chương trình Trường Sa xanh.

Báo Thanh Niên xin ghi nhận và tri ân nghĩa cử của quý bạn đọc và sẽ thực hiện đúng với tiêu chí, mục đích tốt đẹp của chương trình Trường Sa xanh.