Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Doanh nghiệp dệt may cạn đơn hàng

 Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết chỉ còn đơn hàng đến tháng 4, trong khi thời điểm này năm ngoái, đối tác đặt hàng hết quý II, thậm chí cả năm.

Giám đốc sản xuất một doanh nghiệp dệt may ở khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức) cho biết cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp ông phải chọn lọc đối tác để ký hợp đồng, nay chỉ có đơn hàng đến cuối tháng này.

Tương tự, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công, đơn hàng đã nhận cho quý II chỉ đáp ứng khoảng 80% năng lực sản xuất của công ty. "Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận bằng năm ngoái nhưng với tình hình này rất khó để doanh nghiệp về đích", ông Tuấn nói.

Cùng trong vòng vây khó khăn, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng tình hình thị trường những tháng đầu năm rất xấu. Nhiều giá trị đơn hàng giảm 2-3%. Các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước tới tháng 12.

Công nhân làm việc trong nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: An Phương

Công nhân làm việc trong nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: An Phương

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM - cho rằng giao dịch tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều nhà máy cho biết đơn hàng đang giảm 20-30%, đơn giá còn 80% so với trước. Nhiều công ty vẫn chưa có đơn hàng cho giai đoạn nửa cuối năm.

Lý giải thực trạng trên, ông Hiếu cho rằng do nhu cầu trên thế giới giảm 60-70%. Quy mô thị trường dự báo từ 750 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí còn 687 tỷ USD trong năm nay. Do đó, các doanh nghiệp trong tập đoàn nói riêng và toàn ngành nói chung sẽ đối diện một năm vô cùng khó khăn.

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may năm nay. Quốc gia này đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Dẫn số liệu của Văn phòng Dệt may Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc năm ngoái đạt hơn 132 tỷ USD, chiếm gần 26% thị phần - là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ - theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.

Trước hàng loạt rào cản và thách thức, theo ông Hồng, doanh nghiệp dệt may đang cấp tập tìm đơn hàng, chuyển đổi để chờ sự phục hồi trở lại của thị trường Mỹ. Họ liên tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thêm thị trường mới.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, công ty đang chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để duy trì lượng khách hàng, tạo việc làm cho người lao động. "Chúng tôi kỳ vọng nửa cuối năm, thị trường phục hồi bù đắp cho nửa đầu năm", ông Tuấn chia sẻ.

Về phía Vinatex, tập đoàn đang lên kế hoạch đảm bảo dòng tiền, chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên. Tập đoàn này tiết giảm các quy trình thừa, tìm kiếm các công nghệ hiện đại để sản xuất thông minh với chi phí thấp nhưng năng suất cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, để ngành dệt may phát triển bền vững, ngành đang kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt, đồng thời, xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng)...

Ông Giang cũng kỳ vọng dệt may Việt Nam có thể khởi sắc sau triển lãm lớn nhất ngành dệt may được tổ chức tại TP HCM ngày 5/4. Đây là triển lãm lớn nhất của ngành này từ trước tới nay. Triển lãm quy tụ hàng trăm gian hàng trưng bày thiết bị thông minh trên thế giới, với nguyên phụ liệu của 1.300 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguyên phụ liệu, trao đổi với đối tác về hoạt động kinh doanh; tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay RCEP.

Ngoài ra, xu hướng của người mua thế giới đã thay đổi. Họ đòi hỏi đơn đặt hàng không chỉ chất lượng cao mà phải nhanh. Do đó, doanh nghiệp phải cập nhật sớm các thiết bị đáp ứng nhu cầu của thị trường; mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa dệt may.

Theo nhiều dự báo, ngành dệt may có phục hồi nhẹ vào quý II, nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm. Giá bán sợi trên thị trường hiện ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị tăng cao.

Thi Hà

Những nơi nhiều tỷ phú nhất thế giới

 Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu danh sách của Forbes về số lượng tỷ phú năm nay, đóng góp nửa số đại diện trên toàn cầu.

1. Mỹ

Ảnh: Reuters

Elon Musk. Ảnh: Reuters

Số tỷ phú: 735 (so với 735 năm ngoái)

Tổng tài sản: 4.500 tỷ USD (giảm 200 tỷ USD)

Người giàu nhất: Elon Musk - tài sản: 180 tỷ USD

2. Trung Quốc

Ảnh: Reuters

Zhong Shanshan. Ảnh: Reuters

Số tỷ phú: 495 (so với 539 năm ngoái)

Tài sản: 1.670 (giảm 300 tỷ USD)

Người giàu nhất: Zhong Shanshan - 68 tỷ USD

3. Ấn Độ

Ảnh: Bloomberg

Mukesh Ambani. Ảnh: Bloomberg

Số tỷ phú: 169 (so với 166 năm ngoái)

Tổng tài sản: 675 tỷ USD (giảm 75 tỷ USD)

Người giàu nhất: Mukesh Ambani - 83.4 tỷ USD

4. Đức

Ảnh: Celebrity Family

Dieter Schwarz. Ảnh: Celebrity Family

Số tỷ phú: 126 (so với 134 năm ngoái)

Tổng tài sản: 585 tỷ USD (giảm 23 tỷ USD)

Người giàu nhất: Dieter Schwarz - 42,9 tỷ USD

5. Nga

Ảnh: Bloomberg

Andrey Melnichenko. Ảnh: Bloomberg

Số tỷ phú: 105 (so với 83 năm ngoái)

Tổng tài sản: 474 tỷ USD (tăng 154 tỷ USD)

Người giàu nhất: Andrey Melnichenko - 25,2 tỷ USD

6. Hong Kong (Trung Quốc)

Ảnh: Reuters

Li Ka-shing. Ảnh: Reuters

Số tỷ phú: 66 (so với 67 năm ngoái)

Tổng tài sản: 350 tỷ USD (giảm 33 tỷ USD)

Người giàu nhất: Li Ka-shing - 38 tỷ USD

7. Italy

Ảnh: Forbes

Giovanni Ferrero. Ảnh: Forbes

Số tỷ phú: 64 (so với 52 năm ngoái)

Tổng tài sản: 216 tỷ USD (tăng 21 tỷ USD)

Người giàu nhất: Giovanni Ferrero - 38,9 tỷ USD

8. Canada

Ảnh: Canadian Press

David Thomson. Ảnh: Canadian Press

Số tỷ phú: 63 (so với 64 năm ngoái)

Tổng tài sản: 245 tỷ USD (giảm 63 tỷ USD)

Người giàu nhất: David Thomson - 54,4 tỷ USD

9. Đài Loan (Trung Quốc)

Ảnh: Weibo

Zhang Congyuan. Ảnh: Weibo

52 Số tỷ phú: (so với 51 năm ngoái)

Tổng tài sản: 136 tỷ USD (giảm 15 tỷ USD)

Người giàu nhất: Lin Shu-hong, Zhang Congyuan (7,8 tỷ USD mỗi người)

9. Anh

Ảnh: INEOS

Ảnh: INEOS

Số tỷ phú: 52 (so với 50 năm ngoái)

Tổng tài sản: 202 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD)

Người giàu nhất: James Ratcliffe - 22,9 tỷ USD

10. Brazil

Hai vợ chồng Vicky và Joseph Safra. Ảnh: Folhapress

Hai vợ chồng Vicky và Joseph Safra. Ảnh: Folhapress

Số tỷ phú: 51 (so với 62 năm ngoái)

Tài sản: 160 tỷ USD (giảm 27 tỷ USD)

Người giàu nhất: Vicky Safra – 16,7 tỷ USD

Hà Thu (theo Forbes)

Tài sản của 6 tỷ phú Việt Nam 'bốc hơi' 8,6 tỷ USD

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2023, trong đó bao gồm cả danh sách về các tỷ phú Việt Nam. Đáng chú ý, số lượng tỷ phú của Việt Nam và tổng giá trị tài sản năm nay đã giảm so với năm trước.

Theo đó, năm nay Việt Nam có 6 tỷ phú trong danh sách của Forbes, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương.
6 tỷ phú USD của Việt Nam.© Vietnamdaily
Năm nay, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Nova Group không còn nằm trong danh sách sau 1 năm được gia nhập do cổ phiếu NVL lao dốc không phanh từ mức hơn 80.000 đồng/cp xuống 12.000 đồng/cp khiến tài sản ông Nhơn giảm mạnh.
Theo báo cáo quản trị năm 2022 của Novaland, trước khi trở lại giữ chức Chủ tịch NVL, ông Bùi Thành Nhơn đang trực tiếp nắm giữ hơn 96,76 triệu cổ phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,96%. Tạm chiếu theo mức giá kết phiên giao dịch ngày 4/4 là 12.750 đồng/cp, khối tài sản ông Nhơn đang trực tiếp nắm giữ đạt hơn 1.233 tỷ đồng.
Nguồn: Forbes.© Vietnamdaily
Quay lại với bảng xếp hạng, ở vị trí dẫn đầu vẫn là ông Phạm Nhật Vượng khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị ước tính 4,6 tỷ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Tuy nhiên, khối tài sản của ông Vượng đã thấp hơn gần 2 tỷ USD so với cuối năm ngoái (năm 2022 tài sản ròng 6,2 tỷ USD).
Đứng ở các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng năm nay bao gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD – xếp hạng 1.318 trên toàn cầu); ông Trần Đình Long (1,8 tỷ USD – xếp hạng 1.637 trên toàn cầu); ông Trần Bá Dương gia đình (1,5 tỷ USD – xếp hạng 1.874 trên toàn cầu); ông Hồ Hùng Anh (1,5 tỷ USD – xếp hạng 1.876 trên toàn cầu) và ông Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD – xếp hạng 2.194 trên toàn cầu.
Tổng cộng, tài sản ròng của các tỷ phú USD Việt Nam đang sở hữu là 12,6 tỷ USD. So với danh sách công bố năm ngoái, tài sản ròng của các tỷ phú Việt đã "bốc hơi" khoảng 8,6 tỷ USD, tương đương giảm 38,7%.

QUẺ 64: HỎA THỦY VỊ TẾ

 

Dưới đây là lời giảng Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Hỏa Thủy Vị Tế

:|:|:| Hỏa Thủy Vị Tế (未濟 wèi jì)

Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế, đồ hình :|:|:| còn gọi là quẻ Vị Tế (未濟 wei4 ji4), là quẻ thứ 64 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

* Ngoại quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火).

Giải nghĩa: Thất dã. Thất cách. Thất bát, mất, thất bại, dở dang, chưa xong, nửa chừng. Ưu trung vọng hỷ chi tượng: tượng trong cái lo có cái mừng.

Bình luận: Kinh Dịch kết thúc bằng quẻ Vị Tế (chưa xong việc) mà trước đó lại là quẻ Ký Tế (đã xong việc). Ý nghĩa của nó là mọi sự việc tưởng chừng như đã kết thúc nhưng thực ra thì không bao giờ kết thúc. Suy rộng ra thì vạn vật trong vũ trụ cũng vậy. Sự chuyển động, thay đổi nói chung là không có đầu mà cũng chẳng có cuối.

Kí tế là qua sông rồi, cũng rồi, nhưng theo luật thiên nhiên, không có lẽ nào hết hẳn được, hết mùa này đến mùa khác, hết thời này đến thời khác, hết lớp này đến lớp khác, sinh sinh hoá hoá hoài, cứ biến dịch vô cùng, cho nên tuy xong rồi nhưng vẫn là chưa hết, chưa cùng, do đó sau quẻ Kí tế tới quẻ Vị tế: chưa qua sông, chưa xong, chưa hết.

Thoán từ

未濟: 亨.小狐汔濟, 濡其尾, 无攸利.

Vị tế: Hanh. Tiểu hồ ngật tế, nhu kì vĩ, vô du lợi.

Dịch: chưa xong, chưa cùng: được hanh thông. Con chồn nhỏ sửa soạn vượt qua sông mà đã ướt cái đuôi, không qua được, không có gì lợi cả.

Giảng: Quẻ này trái hẳn quẻ trên: lửa ở trên nước, nước và lửa không giao nhau, không giúp được nhau; cả 5 hào đều ở trái ngôi cả; dương ở vị âm, mà âm ở vị dương, cho nên gọi là vị tế: chưa xong.

Vị tế chứ không phải là bất tế, chưa qua sông được chứ không phải là không qua được, sẽ có thời qua được, lúc đó sẽ hanh thông. Thời đó là thời của hào 5, có đức nhu trung, biết thận trọng mà ở giữa quẻ Ly (thời văn minh). Vả lại tuy 5 hào đều trái ngôi, nhưng ứng viện nhau cương nhu giúp nhau mà nên việc: thêm một lẽ hanh thông nữa.

Thoán từ khuyên đừng nên như con chồn con, nóng nảy hấp tấp, mới sửa soạn qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không qua được nữa, không làm được việc gì lợi cả, không tiếp tục được đến cùng.

Đại tượng khuyên phải xem xét kỹ càng mà đặt người, vật vào chỗ thích đáng, thì mới nên việc, đừng đặt lửa ở trên nước chẳng hạn như quẻ này.

Hào từ

1. 初六: 濡其尾, 吝.

Sơ lục: nhu kì vĩ, lận.

Dịch: Hào 1, âm: để ướt cái đuôi, đáng ân hận.

Giảng: Âm nhu, tài kém, ở vào đầu thời Vị tế, mà lại bước chân vào chỗ hiểm (khảm), như con chồn sắp sửa qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không biết tính trước phải ân hận.

2. 九二: 曳其輪, 貞吉.

Cửu nhị: Duệ kì luân, trinh cát.

Dịch: Hào 2, dương: kéo lết bánh xe, giữ đạo trung chính thì tốt.

Giảng: dương cương là có tài, ở vị âm là bất chính, thấy hào 5 ở ngôi tôn, ứng với mình là âm nhu, có ý muốn lấn lướt 5, như vậy sẽ hỏng việc, cho nên hào từ khuyên nên giảm tính cương của mình đi (như kéo lết bánh xe, hãm bớt lại) và giữ đạo trung của mình (hào 2 đắc trung) thì tốt, vì hễ trung thì có thể chính được.

3. 六三: 未濟, 征凶, 利涉大川.

Lục tam: Vị tế: chinh hung, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào 3, âm: chưa thành đâu, nếu cứ tiến hành thì bị hoạ, vượt qua sông lớn thì lợi.

Giảng: Âm nhu, vô tài, lại bất trung, bất chính, không làm nên việc đâu, nếu cứ tiến hành thì xấu. Nhưng đã cảnh cáo: tiến hành thì xấu mà sao lại bảo qua sông lớn thì lợi? Mâu thuẩn chăng? Vì vậy mà có người ngờ trước chữ lợi, thiếu chữ bất vượt qua sông lớn thì không lợi, mới phải.

Có thể giảng như vầy: xét về tài đức của 3 thì không nên tiến hành, nhưng xét về thời của 3: Ở cuối quẻ Khảm, là sắp có thoát hiểm, hơn nữa trên có hào 6 dương cương giúp cho, thì sắp có cơ hội vượt qua sông lớn được. Lúc đó sẽ có lợi.

4. 九四: 貞吉, 悔亡.震用伐鬼方, 三年. 有賞于大國.

Cửu tứ: trinh cát, hối vong. Chấn dụng phạt Quỉ Phương, tam niên. Hữu thưởng vu đại quốc.

Dịch: Hào 4, dương: giữ đạo chính thì tốt, hối hận mất đi. Phấn phát (Chấn) tinh thần, cổ vũ dũng khi mà đánh nước quỉ Phương, lâu ba năm, nhưng rồi được nước lớn thưởng cho.

Giảng: Có tài dương cương, mà ở vào thời thoát khỏi hiểm (nội quái Khảm), tiến lên cõi sáng của văn minh (ngoại quái Ly), trên có hào 5, âm , là ông vua tin vậy mình ,thì đáng lẽ tốt. Chỉ vì hào 4 này bất chính (dương ở vị âm) nên khuyên phải giữ đạo chính. Lại khuyên phải phấn phát tinh thần và kiên nhẫn mới làm được việc lớn cho xã hội, như việc đánh nước quỉ phương thời vua Cao Tôn (coi hào 3, quẻ Kí tế) ba năm mới thành công.

5. 六五: 貞,吉,无悔.君子之光有孚.吉.

Lục ngũ: trinh, cát, vô hối. Quân tử chi quang hữu phu, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Có đức trung chính, tốt, không có lỗi. Đức văn minh của người quân tử do chí thành mà rực rỡ, tốt.

Giảng: Hào này âm ở vị dương là bất chính, nhưng vì âm nhu, đắc trung (trung còn tốt hơn chính) ở vào giữa ngoại quái Ly, là có đức văn minh rực rỡ, lại ứng với hào 2 đắc trung, dương cương ở dưới, nên hai lần được khen là tốt; lần đầu vì có đức trung, văn minh lần sau vì có lòng chí thành, hết lòng tin ở hào 2.

6. 上九: 有孚于飲酒, 无咎.濡其首, 有孚, 失是.

Thượng cữu: Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu

Nhu kì thủ, hữu phu, thất thị.

Dịch: Hào trên cùng, dương: tin tưởng chờ đợi như thong thả uống rượu chơi thì không lỗi, nếu quá tự tin mà chìm đắm trong rượu chè (ướt cái đầu) thì là bậy.

Giảng: Dương cương ở trên cùng quẻ là cương tới dùng cực, cũng ở cuối ngoại quái Ly là sáng đến cùng cực, đều là quá cả. Sắp hết thời Vị tế rồi, mà hào 4 và 5 đã làm được nhiều việc rồi, hào 6 này chỉ nên tự tín, lạc thiên an mệnh, vui thì uống rượu chơi mà chờ thời, như vậy không có lỗi. Nếu quá tự tín đến mức chìm đắm trong rượu chè (như con chồn ướt cái đầu), không biết tiết độ thì mất cái nghĩa, hoá bậy.

***

Kinh Dịch bắt đầu bằng hai quẻ Càn, Khôn, gốc của vạn vật; ở giữa là hai quẻ Hàm và Hằng, đạo vợ chồng, gốc của xã hội, tận cùng bằng hai quẻ Kí tế và Vị tế đã xong rồi lại chưa xong; như vậy là hàm cái nghĩa việc trời đất cũng như việc của loài người, không bao giờ xong, cái gì tớt chung rồi lại tiếp ngay tới thủy. Mà đạo Dịch cũng vậy không bao giờ hết. Dịch cho ta niềm hy vọng ở tương lai. Thật là một triết lý lạc quan.

QUẺ 63: THỦY HỎA KÝ TẾ

 

Dưới đây là lời giảng Quẻ Thủy Hỏa Ký Tế theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Thủy Hỏa Ký Tế

|:|:|: Thủy Hỏa Ký Tế (既濟 jì jì)

Quẻ Thủy Hỏa Ký Tế, đồ hình |:|:|: còn gọi là quẻ Ký Tế (既濟 ji4 ji4), là quẻ thứ 63 của Kinh Dịch.

* Nội quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火).

* Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

Giải nghĩa: Hợp dã. Hiện hợp. Gặp nhau, cùng nhau, đã xong, việc xong, hiện thực, ích lợi nhỏ. Hanh tiểu giả chi tượng: việc nhỏ thì thành.

Quá là hơn, tài đức có chỗ nào hơn người trong một việc gì đó thì làm nên việc ấy, cho nên sau quẻ Tiểu quá tởi quẻ Kí tế. Tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành.

Thoán từ

既濟: 亨小, 利貞.初吉, 終亂.

Kí tế: Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát, chung loạn.

Dịch: đã xong: Hanh thông, nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Mới đầu tốt, cuối cùng thì loạn (nát bét).

Giảng: Trong thoán từ này, hai chữ ‘Hanh tiểu”, Chu Hi ngờ là “tiểu hanh” mới đúng; tiểu hanh nghĩa là việc nhỏ, được hanh thông. Chúng tôi cho cách hiểu của Phan Bội Châu (theo Thoán truyện) là đúng hơn, nên dịch như trên.

Quẻ này trên là nước, dưới là lửa. Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước , nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được.

Lại xét sáu hào trong 1: hào dương nào cũng ở vị dương hào âm nào cũng ở vị âm; mà hào nào cũng có ứng viện: 1 dương có 4 âm ứng; 2, âm có 5 dương, ứng; 3, dương , có 6 âm ứng; đâu đó tốt đẹp cả, mọi việc xong xuôi, thế là hanh thông.

Ở vào thời Kí tế, việc lớn đã xong, còn những việc nhỏ cũng phải làm cho xong nữa, thì mới thật là hoàn thành. Hoàn thành rồi lại phải cố giữ được sự nghiệp; nếu không thì chỉ tốt lúc đầu thôi mà rốt cuộc sẽ nát bét. Nghĩa lúc trị phải lo trước tới lúc loạn.

Thoán truyện giảng mới đầu tốt vì hào 2 ở nội quái có đức nhu thuận mà đắc trung; và rốt cuộc sẽ loạn vì ngừng không tiến nữa, không đề phòng nữa (chung chỉ tắc loạn).

Đại Tượng truyện cũng căn dặn phải phòng trước lúc loạn, lúc suy.

Hào từ

1. 初九: 曳其輪, 濡其尾, 无咎.

Sơ cửu: duê kì luân, nhu kì vĩ, vô cữu.

Dịch: Hào 1, dương: kéo lết bánh xe (chậm lại), làm ướt cái đuôi thì không có lỗi.

Giảng: hào này là dương, có tài, ở trong nội quái Ly (lửa) có tính nóng nảy, lại ở đầu quẻ Kí tế, có chí cầu tiến quá hăng. Nên hào từ khuyên phải thận trọng, thủng thẳng (kéo lết bánh xe lại), chưa qua sông được đâu (như con chồn ướt cái đuôi, không lội được), như vậy mới khỏi có lỗi .

2. 六二: 婦喪其茀, 勿逐, 七日得.

Lục nhị: Phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.

Dịch : Hào 2, âm: Như người đàn bà đánh mất cái màn xe, đừng đuổi theo mà lấy lại cứ đợi bảy ngày sẽ được.

Giảng: Hào này ở giữa nội quái Ly, có đức văn minh, trung chính, có thể thực hiện được chí mình. Nó ứng với hào 5 dương cương, trung chính, ở địa vị chí tốn; nhưng ở thời Kí tế, đã xong việc, nên 5 không đoái hoài tới 2, thành thử 2 như người đàn bà có xe để đi. Mà đánh mất cái màn che bốn mặt xe, không đi được. Tuy nhiên vì 2 trung chính mà đạo trung, chính không bị bỏ lâu bao giờ, nên đừng mất công theo đuổi, cứ đợi rồi tự nhiên sẽ được như ý.

3. 九三: 高宗伐鬼方三年,克之.小人勿用.

Cửu tam: Cao tôn phạt quỉ Phương tam niên, khắc chi. Tiểu nhân vật dụng.

Dịch : Hào 3, dương: Vua Cao Tôn đánh nước Quỉ Phương, ba năm mới được, đừng dùng kẻ tiểu nhân.

Giảng: Hào này là dương ở vị dương, nên quá cương cường, hoá ra khinh suất, phải thận trong như vua Cao Tôn, tức Vũ đinh (1324-1264) nhà Ân, khi đánh một rợ nhỏ là quỉ Phương mà cũng mất ba năm mới được.

Đừng dùng kẻ tiểu nhân là lời khuyên chung, chứ không phải chỉ khuyên riêng hào 3 này.

4. 六四: 繻有衣袽, 終日戒.

Lục tứ: chu hữu y như, chung nhật giới.

Dịch : Hào 4, âm: Thuyền bị nước vào, có giẻ để bít lỗ, phải răn sợ suốt ngày.

Giảng: Đã bắt đầu lên ngoại quái Khảm, nguy hiểm, phải phòng bị cẩn thận, như người ngồi chiếc thuyền bị nước vào, phải có giẻ để bít lỗ. Hào này âm nhu, ở vị âm, đắc chính, là người thận trọng biết lo sợ.

5. 九五: 東鄰殺牛, 不如西鄰之禴祭, 實受其福.

Cửu ngũ: Đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi thược tế, thực thụ kì phúc.

Dịch: Hào 5, dương: Hàng xóm bên đông mổ bò (làm tế lễ lớn) mà thực tế không hưởng được phúc bằng hàng xóm bên tây chỉ tế lễ sơ sài.

Giảng: Hàng xóm bên đông là hào 5, bên tây là hào 2. Cả hai hào đều đắc trung, đắc chính, lòng chí thành ngang nhau; 5 ở địa vị chí tôn làm lễ lớn, nhưng được hưởng phúc thì 2 lại hơn 5, chỉ vì 2 gặp thời hơn; 2 ở vào đoạn đầu Kí tế sức tiến còn mạnh, tương lai còn nhiều; 5 ở vào gần cuối Kí tế, lại ở giữa quẻ Khảm (hiểm), tiến tới mức chót rồi, sắp nguy, thịnh cực thì phải suy.

6. 上六: 濡其首, 厲.

Thượng lục: Nhu kì thủ, lệ.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Ướt cái đầu, nguy.

Giảng: tiểu nhân bất tài (hào này là âm) ở thời cuối cùng của Kí tê, lại ở trên hết quẻ khảm, càng nguy nữa, như một người lội qua sông, nước ngập cả đầu.

***

Kí tế vốn là một quẻ tốt, nhưng chỉ ba hào đầu là khá tốt, còn ba hào sau thì càng tiến lên càng xấu: hào 5, kém phúc hào 2, mà hào trên cùng (ướt đầu) so với hào 1 (ướt đuôi) còn xấu hơn nhiều. Vẫn là lời khuyên gặp thời thịnh phải cẩn thận, đề phòng lúc suy.

QUẺ 62: LÔI SƠN TIỂU QUÁ

 

Dưới đây là lời giảng Quẻ Lôi Sơn Tiểu Quá theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Lôi Sơn Tiểu Quá

::||:: Lôi Sơn Tiểu Quá (小過 xiǎo guò)

Quẻ Lôi Sơn Tiểu Quá, đồ hình ::||:: còn gọi là quẻ Tiểu Quá (小過 xiao3 guo4), là quẻ thứ 62 của Kinh Dịch.

* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

* Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).

Giải nghĩa: Quá dã. Bất túc. Thiểu lý, thiểu não, hèn mọn, nhỏ nhặt, bẩn thỉu, thiếu cường lực. Thượng hạ truân chuyên chi tượng: trên dưới gian nan, vất vả, buồn thảm.

Tin (Trung phu) mà làm ngay, không xét đều tin đó phải hay không , thì có thể mắc lầm lỗi, cho nên sau quẻ Trung phu tới quẻ Tiểu quá. Quá có hai nghĩa: lỗi; ra ngoài cái mức vừa phải thoán từ dưới đây dùng nghĩa sau.

Thoán từ

小過: 亨, 利貞. 可小事, 不可 大事.飛鳥遺之音, 不宜上, 宜下, 大吉.

Tiểu quá: Hanh, lợi trinh. Khả tiểu sự, bất khả đại sự.

Phi điểu di chi âm, bất nghi thượng, nghi hạ, đại cát.

Dịch: Cái nhỏ nhiều: Hanh thông hợp đạo chính thì lợi. Có thể làm việc nhỏ, không thể làm việc lớn. Con chim bay mà để tiếng kêu lại, không nên lên cao mà nên xuống thấp. Người quân tử biết được như vậy thì tốt.

Giảng: Quẻ này trái với quẻ Đại quá số 28. đại quá có 4 hào dương ở giữa, 2 hào âm ở dưới cùng và trên cùng, như vậy dương nhiều hơn âm, mà dương có nghĩa là lớn, âm là nhỏ, cho nên Đại quá có nghĩa là cái lớn (dương) nhiều hơn. Tiểu quá có 2 hào dương ở giữa, 4 hào âm ở trên và dưới, như vậy là âm – tức cái nhỏ - nhiều hơn dương tức cái lớn; cho nên đặt tên là Tiểu quá. Tiểu quá là cái nhỏ nhiều hơn; nhưng cũng có nghĩa là quá chút ít.

Bình thường thì vừa phải là hay. Nhưng cũng có khi quá một chút lại hay, chẳng hạn trong nhà, chồng tiêu pha nhiều quá, vợ chắt bóp một chút để được trung bình; hoặc khi thiên về bên tả quá, muốn lấy lại mức trung thì lại nên thiên về bên hữu một chút. Nhưng việc gì cũng phải hợp lẽ, hợp thời, hợp đạo chính thì mới được. Đó là ý nghĩa câu đầu.

Câu thứ hai” “Chỉ nên “quá” trong việc nhỏ, không nên “quá trong việc lớn; vì việc nhỏ, lỡ có quá một chút, hậu quả không tai hại, còn việc lớn mà lỡ quá một chút, một li có thể đi một dặm hậu quả rât nặng nề, như việc nước, lỗi lầm một chút có thể gây chiến tranh hoặc sự suy sụp về kinh tế. . . .

Thoán truyện giảng: Các hào dương (lớn) đều không đắc trung, là quân tử nhất thời, không làm việc lớn được.

Câu thứ ba tối nghĩa, không hiểu sao lại dùng tượng con chim bay ở đây. Mỗi nhà giải thích một khác: Chu Hi bảo “trong thực, ngoài hư như con chim bay”, có lẽ vì cho hai hào âm ở dưới như hai chân chim, hai hào âm ở trên như hai cánh chim xòe ra? Còn về ý nghĩa thì có người giảng: người quân tử ở thời Tiểu quá nên khiêm tốn, không nên có tiếng tăm lớn, chỉ nên như tiếng chim kêu khi bay, thoáng qua mà thôi; mà cũng không nên ở ngôi cao, như con chim không nên bay lên cao. Hai chữ “đại cát”, các sách đều dịch là rất tốt; Phan Bội Châu dịch là tốt cho người quân tử, nếu đừng có tiếng tăm, đừng ở ngôi cao “Đại” đó trỏ người quân tử.

Đại Tượng truyện giản: Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Người quân tử ở thời này chỉ nên làm quá trong việc nhỏ, như có thể quá cung kính, quá thương cảm trong việc ma chay, quá tiết kiệm.

Hào từ

1 初六.飛鳥以凶.

Sơ lục: Phi điểu dĩ hung.

Dịch: Hào 1, âm: Chim (nên nấp mà lại) bay, nên xấu.

Giảng: Hào này âm nhu, bất tài, được hào 4, dương; giúp, lại ở thời “hơi quá” (Tiểu quá), nên hăng hái muốn làm việc quá, e mắc vạ, cho nên xấu. Chỉ nên làm chim nấp, đừng làm chim bay.

2. 六二: 過其祖, 遇其妣, 不及其君. 遇其臣, 无咎.

Lục nhị: Quá kì tổ, ngộ kì tỉ, bất cập kì quân.

Ngộ kì thần ,vô cữu.

Dịch: Hào 2, âm: Vượt qua ông mà gặp bà; không được gặp vua thì nên giữ phận bề tôi, như vậy không lỗi.

Giảng: Hào nay nhu thuận, trung chính ở vào thời Tiểu qua,1 có quá một chút mà không lỗi. Nó là âm đáng lẽ cầu dương mà nó lại vượt hai hào dương (3 và 4 ) để gặp (ứng với 5) nghĩa là gặp âm nữa, cho nên Hào từ nói là vượt ông mà gặp bà. Hào từ khuyên hào này ở thấp, là phận làm tôi, không gặp được vua thì cứ giữ phận bề tôi (đứng vào hàng những bề tôi khác) .

Hào này tối nghĩa, chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu, Chu Hi giảng là: không gặp được vua thì gặp bề tôi, như vậy là giữ được trung, chính, tuy hơi quá (vì muốn gặp vua) mà không lỗi (sau gặp bề tôi). Cả hai cách giảng đều không xuôi.

3. 九三.弗過防之, 從或戕之, 凶.

Cửu tam: Phất quá phòng chi, tòng hoặc tường chi, hung.

Dịch: Hào 3, dương: Chẳng quá phòng bị (tiểu nhân) thì rồi sẽ bị chúng làm hại đấy.

Giảng: Thời Tiểu qua; tiểu nhân nhiều hơn quân tử, nên đề phòng quá cẩn thận thì tốt. Hào này dương cương đắc chính là quân tử, nhưng vì quá cương (dương ở vị dương), tự thị, không đề phòng cẩn thận nên bị vạ. Hào này xấu nhất trong quẻ vì bị 2 hào âm ở trên ép xuống, 2 hào âm ở dưới thúc lên, chỉ có mỗi hào 4 là bạn, mà chẳng giúp được gì.

4. 九四: 无咎, 弗過遇之, 往厲, 必戒; 勿用永貞.

Cửu tứ: vô cữu, phất quá ngộ chi, vãng lệ, tất giới; vật dụng vĩnh trinh.

Dịch: Hào 4, dương: không lỗi vì không quá dương mà vừa đúng với đạo lý thời Tiểu quá; nếu tiến tới thì nguy, nên răn về điều đó, đừng cố giữ đức cương của mình, mà nên biến thông.

Giảng: hoàn cảnh hào này y hệt hào 3; cũng bị 2 hào âm ép ở trên, 2 hào âm thúc ở dưới, và cũng ở chỗ chưa dứt được với nội quái, chưa lên hẳn được ngoại quái, đáng lẽ cũng xấu, nhưng nhờ 4 tuy dương mà ở vị âm, như vậy là hơi biết mềm dẻo, không quá cương như 3, đúng với đạo lý thời Tiểu quá, chi nên không có lỗi.

Tuy nhiên phải nhớ đừng tiến lên mà theo hai hào âm, như vậy là quá nhu mất, sẽ nguy; mà cũng đừng cố chấp giữ tính dương cương của mình, mà nên biến thông.

5. 六五: 密雲不雨, 自我西郊; 公弋,取彼在穴.

Lục ngũ: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao;

Công dặc, thủ bỉ tại huyệt.

Dịch: Hào 5, âm: mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta, công bắn mà bắt lấy nó ở hang.

Giảng: Âm dương tiếp xúc với nhau thì mới thành mua, nay âm lên quá cao rồi (hào 5), dương ở dưới, âm dương bất hoà, có cái tượng mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta (như thoán từ quẻ Tiểu súc số 9), đại ý là không làm được gì cả; vì là âm nhu, bất tài lại ở vào thời âm nhiều quá. Chỉ có một cách là xuống tìm hào 2, cũng âm, mà làm bạn. Chữ “cộng” (ông) ở đây trỏ hào 5, “bỉ” (nó) trỏ hào 2; hào 2 ở vị âm, tối tăm cho nên ví với cái hang.

6. 上六: 弗遇過之, 飛鳥離之. 凶, 是謂災眚.

Thượng lục: phất ngộ quá chi, phi điểu li chi. Hung, thị vị tai sảnh.

Dịch: Hào trên cùng, âm: không đúng với đạo mà lại sai quá, như cánh chim bay cao quá, xa quá, sợ bị tai vạ.

Giảng: Hào này âm nhu, mà biến động vì ở ngoại quái Chấn (động), lại ở vào cuối thời Tiểu quá,1 là thái quá, cho nên bảo là sai đạo quá; có cái tượng con chim bay cao quá, xa quá rồi; khó kéo lại được mà còn sợ bị tai vạ nữa. Hào 6 này âm là tiểu nhân, tiểu nhân mà vượt lên trên quân tử (dương hào 4), cho nên răn là sẽ bị tai hoạ.

Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì đừng nên quá cương như hào 3, mà nên mềm mỏng một chút, biến thông như hào 4.

QUẺ 61: PHONG TRẠCH TRUNG PHU

 

Dưới đây là lời giảng Quẻ Phong Trạch Trung Phu theo sách "Kinh dịch - Đạo của người quân tử" của học giả Nguyễn Hiến Lê

Phong Trạch Trung Phu

||::|| Phong Trạch Trung Phu (中孚 zhōng fú)

Quẻ Phong Trạch Trung Phu, đồ hình ||::|| còn gọi là quẻ Trung Phu (中孚 zhong1 fu2), là quẻ thứ 61 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).

* Ngoại quái là ☴ (:|| 巽 xun4) Tốn hay Gió (風).

Giải nghĩa: Tín dã. Trung thật. Tín thật, không ngờ vực, có uy tín cho người tin tưởng, tín ngưỡng, ở trong. Nhu tại nội nhi đắc trung chi tượng: tượng âm ở bên trong mà được giữa.

Đã định tiết chế thì người trên phải giữ đức tín để người dưới tin theo, cho nên sau quẻ Tiết tới quẻ Trung phu. Trung phu là có đức tin (phu) ở trong (trung) lòng.

Thoán từ

中孚: 豚魚吉, 利涉大川, 利貞.

Trung phu: Đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.

Dịch: trong lòng có đức tin tới cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi.

Giảng: quẻ này ở giữa có hai hào âm (hai nét đứt), như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương là nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào 2 và hào 5 lại đắc trung (ở giữa nội và ngoại quái), vậy là có đức trung thực. Do đó mà đặt tên quẻ là Trung phu.

Theo nghĩa thì trên là Tốn, thuận với người dưới; dưới là Đoài, phục tòng người trên; như vậy là cảm hoá được dân.

Lòng chí thành cảm được những vật ngu, không biết gì như heo và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm mà ứng phó với nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật là an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.

Đại Tượng truyện giảng: gió ở trên, chằm ở dưới, là gió (làm ) động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên tuy lòng trung thành mà xử việc thiên hạ; như xử tội thì sét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết.

Hào từ

1. 初九: 虞吉, 有它, 不燕.

Sơ cửu: Ngu cát, hữu tha, bất yến.

Dịch: Hào 1, dương: liệu tính cho chắc chắn rồi mới tin thì tốt; có lòng nghĩ khác thì không yên.

Giảng: Hào này mới vào thời Trung phu, tuy ứng với hào 4, âm nhu, đắc chính là người đáng tin, nhương bước đầu, phải xét cho kỹ lưỡng xem 4 có đáng tin không, khi đã tin rồi thì đừng đổi chí hướng, lòng phải định rồi mới tĩnh mà yên được.

2. 九二: 鶴鳴在陰.其子和之.我有好爵.吾與爾靡之.

Cửu nhị: Minh hạc tại âm, kỳ tử hoạ chi;

Ngã hữu hảo tước, ngô dữ nhĩ mĩ chi.

Dịch: Hào 2, dương: Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó hoạ lại; lại như tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau.

Giảng: Hào này ứng với hào 5 ở trên, cả hai đều có đức dương cương , lại đắc trung đều có lòng thành thực, đều là những hào quan trọng trong quẻ Trung phu; hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy mà hạc con hoạ lại, hoặc như một người có chén rượu ngon mà chia với bạn.

Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, số 5, Khổng tử giải thích ý nghĩa hào này như sau:

“Người quân tử ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngoài nghìn dặm cũng hưởng ứng, huống chi là người ở gần; . . hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa . . như vậy chẳng nên thận trọng lắm ư?”

Khổng tử đã hiểu rộng “tiếng gáy của con hạc” là lời nói hay; và “chén rượu ngon’ là hành vi đẹp, mà khuyên chúng ta phải thận trọng về ngôn, hành.

3. 六三: 得敵, 成鼓, 或罷, 或泣, 或歌.

Lục tam: Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bãi, hoặc khấp, hoặc ca.

Dịch: Hào 3, âm: gặp được bạn (địch) lúc thì đánh trống vui múa, lúc thì chán nản mà ngừng, lúc thì khóc, lúc thì hát.

Giảng: Hào này âm nhu bất chính, bất trung, ứng với hào ở trên cùng, dương cương mà bất trung, bất chính, như hai người ăn ở với nhau mà không thành thực, tính tình thay đổi luôn luôn, vui đó rồi khóc đó “Hoặc cổ hoặc bãi”, (có người hiểu là: lúc thì cổ võ, lúc thì bỏ đi).

4. 六四: 月幾望, 馬匹亡, 无咎.

Lục tứ: Nguyệt cơ vọng, mã thất vong, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Trăng mười bốn (gần tới rằm), con người bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi.

Giảng : Hào này đắc chính, thân cận với hào 5, được vua tín nhiệm sự thịnh vượng đã gần tới tuyệt đỉnh rồi, như trăng mười bốn gần đến ngày rằm. Nó ứng với hào 1, hai bên cặp kè nhau như cặp ngựa, nhưng nó biết phục tòng đạo lý, nên sau bỏ 1, để chuyên nhất với 5, như vậy không có tội lỗi gì.

5. 九五: 有孚攣如, 无咎.

Cửu ngũ: Hữu phu luyến như, vô cữu.

Dịch: Hào 5, dương: có lòng chí thành ràng buộc, không lỗi.

Giảng: Như trên đã nói, hào này ở ngôi chí tôn, có đủ đức trung chính, thành tín buộc được lòng thiên hạ.

6. 上九: 翰音登于天, 貞凶.

Thượng cửu: Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng xấu.

Giảng: Hào này dương cương, không đắc trung lại ở vào thời thành tín đã cùng cực, đức tin đã suy, vậy là có danh mà không có thực. Lại thêm không biết biến thông, muốn cố giữ đức tín (vì có tính dương cương, cho nên ví với con gà không là loài bay cao được mà muốn lên tới trời.

Vậy lòng thành tín vẫn là tốt, nhưng phải đừng thái quá mà biết biến thông, Phan Bội Châu nhắc truyện ngụ ngôn anh chàng họ Vĩ (có sách nói là họ Vi) thời Xuân Thu hẹn với một người con gái ở dưới cầu; người đó không tới, nước lên cao, anh ta cứ ôm cột cầu chịu chêt. Tín như vậy là ngu, không biết biến thông.