Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Chứng khoán giữ đà tăng 6 phiên liên tiếp

VN-Index vẫn giữ được đà tăng nhưng chỉ tích lũy thêm 2 điểm do thị trường giằng co trước áp lực bán các bluechip.

Trong nhóm cổ phiếu có giá trị giao dịch cao, VPB giảm 1,2%, dứt chuỗi năm phiên tăng. Mã này được hưởng lợi trước đó nhờ thông tin tập đoàn tài chính Nhật SMBC trở thành cổ đông lớn. NVL cũng kết thúc chuỗi bốn phiên tăng (trong đó có hai phiên trần), ghi nhận thị giá giảm 0,8%.

16 trên 26 mã có thanh khoản trên trăm tỷ đồng mang sắc đỏ hôm nay.

Nhìn chung, toàn sàn HoSE có 201 mã tăng, 185 mã giảm thị giá. Riêng VN30 cho thấy sự giằng co nhiều hơn khi chỉ số này tăng 2 điểm, nhưng có 13 mã giảm, 12 mã tăng.

VN-Index và VN30 giằng co ở cuối phiên hôm nay. Ảnh: VNDirect

VN-Index và VN30 chịu áp lực bán vào cuối phiên. Ảnh: VNDirect

Lực bán đẩy chỉ số ngành bất động sản, tài chính và nguyên vật liệu lùi về mức âm. Sự giằng co của thị trường thể hiện rõ khi các mã thuộc ba ngành trên đều cùng đóng góp cả mức tăng và giảm.

Với bất động sản, ngoài NVL còn một số mã có thanh khoản cao chịu sắc đỏ. DIG giảm 2,1%; trong khi CEO mất 1,8% và KBC giảm 1,5%. Các mã PDR, VHM, VRE, TDH, NLG cũng giảm thị giá. Tuy vậy, vẫn có nhiều cổ phiếu tăng, chủ yếu là các mã có vốn hóa trung bình - thấp, trong đó có ba mã kịch trần là PTN, LEC, PVL.

Nhóm ngân hàng có sự phân hóa mạnh hơn. Các mã giảm nhiều nhất hôm nay gồm VPB, EIB, LPB, STB, HDB. Trong khi đó, nhóm này có 12 mã tăng, riêng TCB có thêm 4%, PGB tăng 3,6%.

Thanh khoản thị trường cải thiện khi tăng gần 1.500 tỷ đồng lên hơn 11.200 tỷ. Đây là mức cao nhất trong nửa tháng qua. Khối ngoại duy trì đà mua ròng gần 130 tỷ đồng, chủ yếu gom hàng ở REE, VHM, MWG, TCB.

Tất Đạt

Đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2023

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2023.
Ảnh minh họa.

Để việc cung cấp điện ổn định, an toàn của hệ thống điện Quốc gia, đồng thời, đảm bảo giảm thiểu phạm vi mất điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất công nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo hướng tăng cường sản xuất vào các giờ thấp điểm; hạn chế sử dụng công suất lớn vào các tháng mùa hè (từ khoảng cuối tháng 5 đến hết tháng 8; đặc biệt vào các khung giờ từ 10h00 đến 15h00 và từ 17h00 đến 23h30). Tổ chức ký thỏa thuận điều chỉnh phụ tải (DR) với Công ty Điện lực Bắc Giang, thực hiện nghiêm túc việc tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn vào các ngày nắng nóng theo chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. Thực hiện nghiêm túc việc tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn trong các ngày nắng nóng khi có yêu cầu của Công ty Điện lực.

Công ty Điện lực Bắc Giang xây dựng các phương án vận hành hệ thống điện trong trường hợp thiếu nguồn, khống chế phụ tải theo các mức 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%. Thực hiện sa thải phụ tải công nghiệp trước và hạn chế sa thải phụ tải sinh hoạt báo cáo Sở Công Thương để trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện khi hệ thống điện thiếu công suất.

Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Công Thương, Công ty điện lực Bắc Giang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các khách hàng sử dụng tiết kiệm điện, an toàn, hiệu quả. Khuyến cáo về khả năng thiếu nguồn điện dẫn tới nguy cơ phải tiết giảm phụ tải vào một số khung giờ cao điểm trong mùa hè năm 2023. Đẩy mạnh truyền thông tiết kiệm điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả, để nhận được sự thông cảm từ chính quyền địa phương và khách hàng sử dụng điện.

* Xem chi tiết Công văn tại đây./.

Thảo My

Gặp mặt Hội đồng hương Bắc Giang tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Ngày 26/3, Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang do đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã dự buổi gặp mặt đầu Xuân Hội đồng hương Bắc Giang tại thành phố (TP) Hồ Chí Minh.

Cùng dự có đồng chí Trần Công Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số ngành và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

Đồng chí Lê Ánh Dương và đồng chí Trần Công Thắng tặng hoa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh
cho Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh.

Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh được thành lập hơn 30 năm, đến nay Hội có 14 chi hội với hơn 2.000 hộ. Theo định kỳ, Hội tổ chức họp mặt đầu xuân 2 năm/lần. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên sau hơn 3 năm, Hội mới tổ chức lại hoạt động gặp gỡ hội viên.

Trong hơn 3 năm qua, cùng với hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên khó khăn và công tác khuyến học, Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh đã tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với tinh thần hướng về quê hương, Câu lạc bộ doanh nhân đồng hương và các chi hội đã vận động ủng hộ hơn 1 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang. Giai đoạn 2, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch bệnh, Hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức đưa hơn 3.600 bà con hồi hương. Đồng thời tích cực vận động, quyên góp, hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho bà con đồng hương ở lại chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau cùng vượt qua đại dịch.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những kết quả hoạt động của hội trong 3 năm qua.

Đồng chí thông tin đến bà con xa quê những thành tựu xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh Bắc Giang thời gian qua. Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang có nhiều bứt phát mạnh mẽ, Bắc Giang đã thành công đẩy lùi và kiểm soát linh hoạt, an toàn, hiệu quả dịch Covid-19; là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 do có thành tích xuất sắc về chống dịch Covid-19; hạ tầng công nghiệp, giao thông, đô thị và nông thôn được đầu tư ngày càng hiện đại và đồng bộ; thu hút đầu tư FDI, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền nằm trong nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; cải cách hành chính, chuyển đổ số được quan tâm đồng bộ; đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quy mô nền kinh tế năm 2022 bứt phá vươn lên vị trí thứ 13 toàn quốc, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Hình ảnh, uy tín và vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định và nâng lên.

Đồng chí Lê Ánh Dương cảm ơn những đóng góp to lớn của Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của tỉnh và tin tưởng Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh cũng như mỗi hội viên sẽ luôn phát huy truyền thống quê hương, giữ gìn truyền thống văn hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế; tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau để xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Đồng chí mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ trí thức đồng hương Bắc Giang có nhiều hoạt động hướng về quê hương, tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại Bắc Giang, góp phần chung tay xây dựng tỉnh Bắc Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội.

Tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương và đồng chí Trần Công Thắng tặng hoa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Ánh Dương trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 13 cá nhân; đồng chí Trần Công Thắng trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội, góp phần xây dựng quê hương và khối đại đoàn kết dân tộc của tỉnh Bắc Giang./.

Nguyễn Thị Ngọc

KHÁM PHÁ TUYÊN QUANG - NƠI ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ CÓ NHIỀU GÁI ĐẸP NHẤT VIỆT NAM

KHÁM PHÁ ĐẮK LẮK - ĐỊA ĐIỂM ĂN CHƠI TẠI TÂY NGUYÊN

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ BẠN NÊN BIẾT

ĐÀ LẠT: Những vấn đề địa lý

CON ĐƯỜNG DỊ NHẤT HÀNH TINH: HƠN 600 KHÚC CUA

Những Công trình kiến trúc Kết Hợp Độc Đáo trên thế giới!

người Trung Quốc đã Xây Dựng những Cây Cầu Dài Nhất thế giới!

VENEZUELA – PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI | GIÁ XĂNG BẰNG CỌNG HÀNH VÀ DẦU MỎ VÔ KỂ

Đất Nước TÂY BAN NHA - Những Bãi Biển Thiên Đường

CAO NGUYÊN TÂY TẠNG - NGHỆ THUẬT SINH TỬ , 1 VỢ NHIỀU CHỒNG, NƠI MÁY BAY KHÔNG DÁM BAY QUA

CAO NGUYÊN TÂY TẠNG - NGHỆ THUẬT SINH TỬ , 1 VỢ NHIỀU CHỒNG, NƠI MÁY BAY KHÔNG DÁM BAY QUA

Những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất thế giới 40 năm qua

Chỉ trong vài thập kỷ, tình hình tài chính ở nhiều khu vực, từ châu Á, châu Âu, Mỹ đều gặp rắc rối, thậm chí gây tác động lan truyền ra toàn cầu.

Vài tuần nay, thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn vì hai vụ sụp đổ ngân hàng tại Mỹ và đại gia ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse bị đối thủ UBS mua lại. Những lo ngại về sức khỏe ngành ngân hàng đang ngày càng lan rộng.

Cổ phiếu Deutsche Bank hôm 24/3 có thời điểm mất tới 15%, sau khi phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng vọt lên đỉnh 4 năm. Việc này cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại về sự ổn định của các ngân hàng châu Âu. Bên cạnh đó, các nền kinh tế có thể sẽ chịu sức ép khi việc tăng lãi suất khiến nhiều nhà băng gặp rắc rối hơn nữa.

Trước đây, thế giới từng nhiều lần chứng kiến các vụ sụp đổ về tài chính. Reuters cho rằng dưới đây là những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong 40 năm qua:

Vụ sụp đổ trái phiếu rác tại Mỹ

Michael Milken được coi là "Vua trái phiếu rác" tại Mỹ vì đã tạo ra thị trường cho công cụ này, một loại trái phiếu có rủi ro lớn, nhưng trả lợi suất cao. Năm 1969, Milken gia nhập Ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert.

Ông nhìn thấy tiềm năng từ lĩnh vực bị bỏ qua, cho rằng các trái phiếu rác có rủi ro vỡ nợ ở mức chấp nhận được, trong khi lại có lợi suất cao. Drexel Burnham Lambert vì thế đã bảo lãnh phát hành loại trái phiếu này, còn Milken thuyết phục các tổ chức rót tiền vào đây.

Vua trái phiếu rác Michael Milken. Ảnh: Bloomberg

'Vua trái phiếu rác' Michael Milken. Ảnh: Bloomberg

Đến năm 1988, thị phần bảo lãnh phát hành trái phiếu rác của Drexel lên tới 50%. Drexel cũng có thời điểm là ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 tại Mỹ.

Thị trường trái phiếu rác tăng trưởng chóng mặt suốt gần một thập kỷ, từ quy mô 10 tỷ USD năm 1979 lên gần 190 tỷ USD năm 1989. Công cụ này đã giúp nhiều công ty nhỏ tiếp cận vốn. Nó cũng được coi là cách huy động tài chính phổ biến cho các thương vụ LBO (mua lại công ty khác bằng vốn vay).

Đến cuối thập niên 80, thị trường lao dốc sau hàng loạt đợt nâng lãi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nguồn cung bắt đầu vượt quá nhu cầu. Bên cạnh đó, Milken còn bị cáo buộc vi phạm hàng loạt quy định về chứng khoán và công bố thông tin. Ông bị phạt 200 triệu USD và phải ngồi tù 22 tháng. Drexel cũng tuyên bố phá sản năm 1990.

Khủng hoảng đồng peso Mexico

Tháng 12/1994, Mexico bất ngờ phá giá đồng peso. Việc này diễn ra sau 3 năm nước này duy trì giá peso chỉ dao động trong biên độ hẹp so với USD. Chính sách tỷ giá này chịu sức ép trong năm 1994, do thâm hụt tài khoản vãng lai của Mexico tăng, trong khi dự trữ nước ngoài lại giảm tới hai phần ba.

Việc phá giá khiến các thị trường tài chính toàn cầu ngạc nhiên. Để ngăn dòng vốn rời đất nước, Mexico còn nâng lãi suất. Lãi suất ngắn hạn từ 15% lên 32%, khiến lãi suất cho vay tăng theo, đe dọa ổn định kinh tế.

Hai ngày sau, Chính phủ Mexico phải thả nổi đồng peso. Nhưng thay vì ổn định lại, đồng tiền này tiếp tục mất giá. Giá peso giảm nửa chỉ vài tháng sau đó.

Khủng hoảng tại Mexico còn lan ra nhiều nước khác. Một số quốc gia Nam Mỹ ghi nhận nội tệ mất giá mạnh và dự trữ giảm mạnh. Nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng bị rút vốn.

Cuối cùng, Mexico phải nhận hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và 50 tỷ USD cứu trợ từ Mỹ. Quốc gia này trải qua nhiều năm suy thoái và lạm phát phi mã sau khủng hoảng. Tỷ lệ nghèo đói tại đây cũng duy trì ở mức cao trong suốt thập niên 90.

Khủng hoảng tài chính châu Á

Người dân đến buổi đấu giá xe lấy từ các công ty tài chính đóng cửa sau khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: Bangkok Post

Người dân đến buổi đấu giá xe lấy từ các công ty tài chính đóng cửa sau khủng hoảng tài chính châu Á. Ảnh: Bangkok Post

Khủng hoảng tài chính châu Á chính thức bắt đầu từ tháng 7/1997 với sự sụp đổ của đồng baht Thái, do dòng vốn ồ ạt rời khỏi quốc gia này. Hiệu ứng lan tỏa khiến nhà đầu tư phương Tây bất ngờ rút vốn, tiền tệ các quốc gia khác trong khu vực cũng lần lượt bị phá giá. Hàng loạt tập đoàn và công ty, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, vỡ nợ. Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khủng hoảng tài chính nhanh chóng chuyển sang suy thoái kinh tế trầm trọng. Đồng tiền các quốc gia bị phá giá, lạm phát tăng tốc, các tổ chức tài chính và công ty phá sản, nợ xấu lên kỷ lục, tăng trưởng kinh tế suy giảm và thất nghiệp lên cao. GDP của Indonesia giảm tới 15% trong vòng một năm, Thái Lan và Malaysia cũng giảm xấp xỉ 10% trong khi Hàn Quốc giảm 3,8% trong quý đầu năm 1998.

IMF đã phải khởi động chương trình cứu trợ trị giá 36 tỷ USD cuối năm 1997 để ổn định đồng tiền của các nước bị tác động mạnh nhất bởi khủng hoảng. Đổi lại, các nước thắt chặt tiền tệ, tái cấu trúc hệ thống tài chính hoặc giảm can thiệp vào kinh tế thị trường. Đến đầu năm 1999, khu vực này mới dần hồi phục.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Nhân viên hãng đấu giá Christies bê biển hiệu của Lehman Brothers trước cửa văn phòng Christies năm 2010. Ảnh: Reuters

Nhân viên hãng đấu giá Christie's bê biển hiệu của Lehman Brothers trước cửa văn phòng Christie's năm 2010. Ảnh: Reuters

Tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng. Khủng hoảng bắt đầu từ sự suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ, với nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ đảm bảo trả nợ). Sau đó, rắc rối lan sang thị trường tài chính và cuối cùng là kinh tế toàn cầu.

Cơn địa chấn thực sự nổ ra vào ngày 7/9 với việc hai đại gia cho vay thế chấp của Mỹ là Fannie MaeFreddie Mac bị quốc hữu hóa. Sau đó, lần lượt Lehman Brothers, Washington Mutual tuyên bố phá sản. Washington Mutual là vụ sụp đổ lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Merill Lynch cũng bị Bank of America mua lại. Còn AIG phải nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.

Để cứu vãn nền tình thế, ngân hàng trung ương các nước đã phải cắt giảm lãi suất, bơm tiền cho các công ty hay mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, động thái đó cũng không thể ngăn Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới rơi vào suy thoái trong quý IV năm đó. Theo cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Alan Greenspan, đây là cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần".

Để cứu vãn nền kinh tế, từ tháng 11/2008, Fed đã phải liên tục tung ra các gói kích thích. Lãi suất cũng được duy trì ở mức kỷ lục gần 0% suốt nhiều năm. Tình hình tại Mỹ sau đó dần ổn định.

Cuối năm 2009, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tuyên bố EU, trừ Hy Lạp và Tây Ban Nha, đã thoát khỏi suy thoái. Các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Pháp cũng dần ra khỏi thời kỳ đen tối nhất.

Khủng hoảng nợ công châu Âu

Sau khi tuyên bố thoát suy thoái từ cuối năm 2009, châu Âu lại gần như ngay lập tức sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ công. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ cơn địa chấn tài chính 2008.

Việc các quốc gia tăng cường tung kích thích bằng các biện pháp tài khóa đã khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tăng dần. Khủng hoảng bắt đầu từ cuối năm 2009 tại Hy Lạp, sau đó lan ra toàn khu vực đồng euro. Hy Lạp là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất, do ngành công nghiệp chủ chốt của nước này là vận tải biển và du lịch rất nhạy cảm với tình hình kinh tế. Chỉ trong vài năm, lần lượt Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Cyprus đã phải xin cứu trợ quốc tế để tránh vỡ nợ.

Những diễn biến này đã khiến đồng euro mất giá trầm trọng. Chính sách thắt lưng buộc bụng của các nước trong khu vực, nhằm giảm thâm hụt và nợ công, cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp hay Tây Ban Nha thường xuyên trên 25%. GDP Hy Lạp thậm chí còn giảm tới 30% trong giai đoạn 2008 – 2013.

Lo ngại bởi cuộc suy thoái dài nhất kể từ khi đồng euro lưu hành và tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, các lãnh đạo EU sau đó đã phải nới lỏng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Cuối năm 2013, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất để tăng tốc đà hồi phục trong khu vực. Năm 2014, chỉ còn Hy Lạp và Cyprus cần hỗ trợ. Đến 2018, Hy Lạp mới chính thức rời chương trình cứu trợ.

Hà Thu

Các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai kêu cứu vì thua lỗ nặng

 Các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết đang kiệt quệ, 'treo chuồng' hàng loạt vì bán sản phẩm dưới giá thành, mong ngân hàng gia hạn nợ vay.

Trong tâm thư gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 28/3, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mong muốn có những chính sách cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.

Theo đó, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng ngành này đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện, giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp khiến hàng loạt người dân và doanh nghiệp chăn nuôi heo, bò, gà điêu đứng, thua lỗ nặng và treo chuồng.

Ông Công dẫn chứng, cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến 2021 còn 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng có nguy cơ bị xóa sổ về chăn nuôi.

Trước mắt, Hiệp hội này đề xuất với Ngân hàng Nhà nước bốn giải pháp. Đầu tiên là xem xét cho gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ. Tiếp theo, Hội đề nghị các ngân hàng tiếp tục triển khai các gói vay đặc thù cho đầu tư trang trại đến các vùng chăn nuôi trọng điểm để tránh việc đứt nguồn vốn, nguy cơ phá sản.

Ngoài ra, khi thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, ngân hàng nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng. Doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn để tăng quy mô làm ăn.

Cuối cùng, hiệp hội này mong các ngân hàng địa phương tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, qua khảo sát thực tế của hội, chưa doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói vay này.

Kiến nghị của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đưa ra trong bối cảnh các trang trại, hộ chăn nuôi rơi vào khó khăn chồng chất. Ghi nhận của VnExpress cho thấy nhiều hộ có quy mô đàn gà dưới 20.000 con và đàn heo dưới 200 con đang "treo chuồng" vì chăn nuôi thua lỗ, không còn vốn để tái đầu tư.

Trang trại nuôi gà, diện tích gần 10 ha, quy mô 100.000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) ngưng hoạt động hơn 2 tháng qua vì lỗ nặng.

Ông Ngọc tính toán giá thức ăn chăn nuôi ở mức bình quân 13.500 đồng một kg. Để cho ra 1 kg gà thịt công nghiệp cần từ 1,6 kg thức ăn (khoảng 21.500 đồng). Cộng hết các loại chi phí, giá thành một con gà (2 kg) 53.000-55.000 đồng. Trong khi giá thịt chỉ ở mức 23.000-25.000 đồng một kg (46.000-49.000 đồng một con). Mỗi con gà xuất chuồng, người nuôi lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng.

"Một lứa gà nuôi chưa tới hai tháng, trại tôi đã lỗ đến 4-5 tỷ đồng", ông Ngọc nói.

Trang trại của ông Ngọc đang phải treo chuồng vì lỗ nặng. Ảnh: Linh Đan

Trang trại của ông Ngọc đang phải "treo chuồng" vì lỗ nặng. Ảnh: Linh Đan

Chung cảnh ngộ, các hộ nuôi heo khác cũng đang "đứng ngồi không yên". Ông Lanh, hộ chăn nuôi 200 con heo ở Đồng Nai cho biết đã ngưng nuôi từ cuối tháng 1 đến nay. Trước Tết bao nhiêu vốn liếng, ông đổ dồn vào tiền mua thức ăn, thuốc phòng bệnh, nhân công. Thế nhưng, đến ngày xuất chuồng, giá heo hơi bán ra chỉ 50.000 đồng một kg khiến ông lỗ một triệu đồng mỗi con.

"200 con, tôi lỗ 200 triệu đồng. Sau Tết, cứ ngỡ giá thịt heo sẽ tăng lên để có động lực tái đàn nhưng với giá lao dốc về 48.000 đồng, tôi đành treo chuồng", ông Lanh nói.

Tương tự, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như C.P, Hoàng Anh Gia Lai hay Vissan, Dabaco đều cho biết không có lãi khi giá heo liên tục giảm.

Nói với VnExpress, ông Lê Văn Quyết - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ đánh giá, ngành chăn nuôi đang vô cùng khó khăn. Số lượng các hộ nuôi treo chuồng với con số lên 50% và tình trạng này tiếp tục leo thang. Dự báo, các trang trại nhỏ nuôi gà với quy mô nhỏ có nguy cơ xoá sổ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Quyết do giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán heo thấp dưới giá thành, bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến sức sản xuất của người chăn nuôi kiệt quệ.

Hiện, gà, heo nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam càng làm hàng trong nước lép vé trước bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, các nông hộ đang chịu áp lực lớn khi các doanh nghiệp trong nước và FDI có nguồn vốn lớn. Họ chủ động được nguồn con giống, thức ăn, có quy trình nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt... nên giá thành sản xuất thường thấp hơn nhiều so với nông hộ. Do đó, với giá bán thấp kéo dài hiện nay, người nuôi nhỏ lẻ không thể tồn tại.

Theo ông Quyết, Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ để cứu ngành chăn nuôi. Đối với các nông hộ, trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ cần được tiếp cận vốn để duy trì sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách hợp lý để điều chỉnh giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Ông Ngọc cũng cho rằng Chính phủ cần có ưu đãi cho người chăn nuôi và bảo hộ sản phẩm trong nước; có giải pháp siết chặt thị trường thịt nhập khẩu giá rẻ và yêu cầu có nhãn mác truy suất nguồn gốc. Ngoài ra, cần cho hàng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao giá trị.

Thi Hà

Loạt công trình trọng điểm trễ hẹn do thiếu vật liệu

Nguồn đất, cát đắp nền khan hiếm, giá cao, cùng với thủ tục khai thác bị vướng khiến nhiều công trình giao thông trọng điểm phía Nam nguy cơ chậm tiến độ.

Ba tháng qua, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan ThiếtPhan Thiết - Dầu Giây, dài 200 km đi qua Bình Thuận, Đồng Nai phải thi công cầm chừng do thiếu hơn 1,5 triệu m3 đất đắp nền. Vướng mắc này chưa được tháo gỡ, trong bối cảnh cả hai dự án phải hoàn thành cuối tháng 4, tức còn hơn 30 ngày. Hiện, tuyến chính hai công trình đạt hơn 90% khối lượng, nhưng các hạng mục đường dẫn, đường gom dân sinh ngổn ngang. Máy móc, thiết bị nằm chờ thi công do thiếu vật liệu.
Thi công đất đắp nền đường dẫn lên cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, ngày 15/3. Ảnh: Việt Quốc

Hai tuyến cao tốc này được cấp phép khai thác mỏ vật liệu dựa trên kế hoạch hoàn thành tháng 12 năm ngoái, song nhiều vướng mắc nên cả hai phải lùi thời hạn đến cuối tháng 4 năm nay. Thi công kéo dài dẫn đến phải gia hạn thời gian khai thác các mỏ. Tuy nhiên việc này vướng thủ tục nên hai công trình chưa thể đẩy nhanh dù ở giai đoạn chạy nước rút về đích.
Trong đó, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang cần khoảng 920.000 m3 đất đắp nền. Chính phủ đã có nghị quyết cho cấp lại giấy phép khai thác 6 mỏ ở Bình Thuận, song việc này mất nhiều thời gian, không thể đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Tại tuyến Phan Thiết - Dầu Giây, nguồn đất đắp cũng đang thiếu hơn 600.000 m3, nhưng Đồng Nai chưa thể gia hạn cho khai thác lại các mỏ vì tỉnh đang trong giai đoạn thanh tra.
Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết Bộ Giao thông Vận tải cùng các bên liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị quyết mới giúp rút ngắn các thủ tục. "Khối lượng công việc còn lại rất nhiều, nếu nguồn đất đắp không được giải quyết sớm sẽ khó hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch", ông Huy nói.
Thiếu nguồn vật liệu, ảnh hưởng tiến độ thi công là tình trạng chung của nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam. Điển hình như tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) cần 12,6 triệu m3 đất đắp, song nguồn cung không đủ. Vướng mắc chính do địa phương lúng túng khi triển khai thủ tục giao những mỏ đã quy hoạch cho nhà thầu thi công. Các mỏ thương mại đa phần có trữ lượng ít, công suất thấp khó đáp ứng đủ nhu cầu.
Căng thẳng hơn, tại miền Tây, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 110 km đang cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nhưng nguồn cung đang khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị An Giang, Đồng Tháp, mỗi địa phương bố trí 7 triệu m3Vĩnh Long 5 triệu m3 cát. Đến nay các tỉnh mới cân đối được chừng 3 triệu m3 và chưa thể khai thác ngay mà phải trải qua nhiều quy trình thủ tục.
Tương tự, dự án Vành đai 3 TP HCM dài 76 km sẽ khởi công vào tháng 6 tới cũng nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn cung cát đắp nền. Tổng nhu cầu vật liệu cho công trình này ước tính gần 15 triệu m3, song các đơn vị tính toán nguồn mới đảm bảo 8 triệu m3 cát. Để đảm bảo vật liệu cho tuyến đường, TP HCM đã đề nghị các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp hỗ trợ, đặc biệt là cát san lấp.
Công nhân đang cắm mốc dự án Vành đai 3 ở gần rạch Gò Công, TP Thủ Đức, ngày 8/10. Đây là dự án trọng điểm của các tỉnh Đông Nam Bộ, song dự báo thiếu nguồn cát đắp nền. Ảnh: Thanh Tùng

Nhu cầu lớn, nguồn cung hạn chế, dẫn đến giá đất cát nhiều nơi tăng cao. Đơn cử tại dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên), ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng ban chỉ huy công trường gói thầu số 2, nói giá vật liệu ở địa phương này "cao bất thường". Giá khảo sát các mỏ cát được dự toán 190.000 đồng/m3, song thực tế nhà thầu phải mua gần 300.000 đồng/m3, cao hơn 60%.
Tại buổi làm việc liên quan nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm diễn ra gần đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ các dự án từ nay đến năm 2024. Điều này làm cơ sở phân bổ, điều tiết nguồn vật liệu theo từng mỏ và địa bàn, sát tiến độ các dự án.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương làm thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng công suất 50% mỏ cát đang khai thác và cấp lại giấy phép mỏ đã hết hạn. Những mỏ này chỉ được cung cấp cát đắp nền cho cao tốc và dừng khai thác sau khi tuyến đường hoàn thành.
Trước thực trạng nhiều dự án trọng điểm thiếu nguyên vật liệu, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu nguồn cát biển thay thế. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận được giao thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Sau quan trắc, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm thủ tục cấp phép cho các đơn vị khai thác.
Ở góc độ kỹ thuật, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường TP HCM, cho biết việc tính toán cao độ nền của dự án cũng giúp tiết kiệm nguyên vật liệu mà không ảnh hưởng công trình. Bởi nền cao tốc chỉ cần đảm bảo khả năng thoát nước bề mặt và chống lún. Do vậy tại những khu vực đất cứng, cốt nền dự án chỉ cần đắp lên khoảng 1,2 m sẽ đảm bảo tiêu chuẩn.
"Riêng khu vực đất yếu, địa hình nhiều sông ngòi bắt buộc phải đắp nền cao hơn 3 m có thể tính phương án làm cầu cạn vì chi phí không chênh lệch nhiều", ông Thuận nói và cho rằng khi xác định phù hợp cao độ nền từng vùng sẽ giải quyết rất lớn nhu cầu vật liệu cũng như tránh lãng phí ở các dự án.

Số liệu thống kê từ ngày 25; 26; 27 tháng 3

 


Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Những lãng phí của người Việt

Ước tính Việt Nam có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỉ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam.

Mấy nhân viên lại rủ tôi ăn hộ bánh trung thu, ăn hộ đúng nghĩa kèm các câu động viên: “Đằng nào chả béo rồi, ăn đi rồi tăng thêm thời gian tập là đẹp anh ạ. Bánh ngon đấy, thương hiệu nổi tiếng mà sắp hết hạn rồi. Còn mấy loại không có tên tuổi em vứt hết đi rồi”.

Dịp Tết trung thu ở đâu không biết, chứ ở quê tôi thành thông lệ đi biếu bánh trung thu cho các mối quan hệ, đối tác...

Tôi băn khoăn tự hỏi mình: Trung thu bây giờ là của trẻ con hay thành của người lớn mất rồi? Trẻ con đâu còn rước đèn, phá cỗ trông trăng ngắm chị Hằng, xem múa lân như ngày nào. Khu nào tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cũng đều giống như sự kiện, cỗ bàn rình rang, ăn uống hát hò, có khi hết chương trình mà các em chẳng một lần nhìn thấy thấy trăng.
Sau trung thu, không biết bao nhiêu hộp bánh trung thu bị vứt bỏ? Những vỏ hộp rất đẹp, sang trọng nhưng vô giá trị vì chẳng biết dùng vào việc gì? Bánh trung thu trẻ con thành phố không đụng đến, người lớn thì hò nhau mang đến chỗ làm việc, chia mời nhau ăn cố, nhưng ai cũng nhấp nháp chút rồi lại bỏ. Nào sợ béo, tăng cân, lên đường... những miếng bánh bị cắt ra rồi vứt đi đầy thùng rác thực sự lãng phí.
Mấy chục năm trước thì một cái bánh bằng bột mì khô như ngói cũng quý giá chứ nghĩ sao được có ngày bánh nhân thập cẩm cho đến nhân bào ngư, hải sâm, vi cá… cũng chung số phận với vỏ hộp in ấn công phu, thiết kế cầu kỳ, sang trọng lại hội ngộ cùng phần ruột là bánh ở trong thùng rác. Càng nhà giàu có, quyền thế, có điều kiện thì càng được biếu nhiều dù họ không ăn bánh trung thu. Họ có chế độ ăn đảm bảo sức khỏe, không có nhiều chất béo, chất đường, tinh bột, đạm... là thành phần chính trong bánh.
Việt Nam chưa giàu có mà trong sinh hoạt, lối sống, có số ít người có sự lãng phí có thể theo thói quen hoặc tính “sĩ diện hão”. Từ cái tư tưởng ăn gì cũng phải để thừa lại một ít để thể hiện sự ý nhị không phải hạng “phàm phu tục tử”, thành ra luôn bỏ thừa đồ ăn ở các chốn đông người. Đi ăn nhà hàng gọi ra thật nhiều bày đầy bàn thức ăn, chỉ để sĩ diện chứng tỏ ta là người rộng rãi chứ không ăn hết nổi.
Nếu chỉ có đàn ông với nhau thì say sưa chúc tụng rồi uống, có khi không động đũa đến món ăn. Phụ nữ thì lo tăng cân, thừa mỡ nên ăn rất chấm mút cầm chừng. Số thực phẩm tiêu thụ có khi chỉ chiếm 30% tổng giá trị hóa đơn. Để rồi số thức ăn bị bỏ lại lại thành gánh nặng rác thải phải xử lý.
Ước tính Việt Nam có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí.
Do có vị trí địa lý thuận lợi cùng chính sách đúng đắn của nhà nước nên lương thực, thực phẩm, hoa quả, sản phẩm nông lâm, ngư ở Việt Nam dồi dào, phong phú, chi phí cho sinh hoạt không quá đắt, nhất là chi phí cho ăn uống. Chẳng thế mà nhiều người nước ngoài, nhất là người Nhật ngạc nhiên và thích thú khi thanh toán các bữa ăn thịnh soạn ở nhà hàng mà khi quy đổi so với bên Nhật thì đó là bữa tiệc khá là xa hoa.
Dẫn đến các con số thống kê ước tính Việt Nam có đến 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, tương đương 3,9 tỉ USD, khoảng 2% GDP của Việt Nam.
Đấy là ở các bữa tiệc sự kiện, nhà hàng. Còn ngay trong gia đình người Việt cũng khá lãng phí thức ăn. Điều này không phải là thói quen truyền thống. Ông bà ngày xưa luôn dạy con cháu căn cơ, xem hạt cơm là của “ngọc thực” không được bỏ thừa, bỏ mứa, ăn cơm phải vét bát cho sạch đến hạt cuối cùng.
Thế mà ngày nay con cháu:

“Có cháo thì lại đòi chè
Có cơm nếp đỗ thì lè nhè đòi xôi”.

Gặp bữa không có món vừa miệng, đúng ý là sẵn sàng bỏ lại, vứt đi không thương tiếc.

Chả mấy ai còn nhớ câu ca:

“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Đi siêu thị ra sức nhặt về nhét chật tủ lạnh rồi quên đi không sử dụng, đến khi quá hạn sử dụng lại vứt bỏ đi.
Bên cạnh đó, việc bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng đúng mức. Năm 2020, theo một khảo sát của Bộ NN&PTNT, tỉ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây Việt Nam là 10%, rau củ là 20 - 50%, thủy hải sản từ 30 - 35%. Tổn thất lương thực vào khoảng 10 - 15%.
Như vậy sự lãng phí sẽ kéo theo cái vòng luẩn quẩn, số lượng sản phẩm nông nghiệp phải tăng lên để bù đắp vào số lãng phí bỏ đi, làm đất đai nhanh chóng thoái hóa, bạc màu. Rác thải thực phẩm thải ra làm ô nhiễm môi trường phải xử lý, tốn kém mà vẫn không thể triệt để góp phần tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Không kể đến nhiều nơi vẫn có những hộ dân còn chật vật với công cuộc “xóa đói, giảm nghèo”.
Bỏ đi sự lãng phí, hãy sử dụng lương thực, thực phẩm hợp lý ngay từ trong ngôi nhà của bạn, đó là cách thể hiện lương tâm, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của mỗi người Việt Nam.

Thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực

 

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Các ĐBQH cho rằng, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều địa phương chưa rõ nét, có nơi chưa cương quyết, có tình trạng buông lỏng, quan liêu là tác nhân gây lãng phí, song chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. “Tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt, nói nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí phức tạp hơn, tăng cả quy mô và tính chất... Tất cả đều là lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân. Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng” – ĐB Thanh Thúy nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, vừa qua chúng ta rất quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng, nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.

Theo ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), các lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, vẫn còn những vi phạm, sai sót ở những mức độ khác nhau. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản…

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần nhận diện lãng phí là kẻ thù, đánh giá toàn diện tình hình cả tình hình thực hành tiết kiệm và tình hình chống lãng phí theo mức độ, diễn biến, cơ cấu và tính chất. Phải đánh giá thực trạng lãng phí đang ở mức độ nào. Ví dụ như tham nhũng được đánh giá ở mức rất nghiêm trọng. Công tác đánh giá cần đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực có khả năng gây nhiều lãng phí và những hậu quả nặng nề đến nguồn lực của đất nước.

“Cần đánh giá kỹ nguyên nhân chủ quan, nhất là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi nếu người đứng đầu có nhận thức, có ý thức và có trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì chắc chắn cơ quan, tổ chức, đơn vị đó sẽ thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.” - ĐB Đỗ Đức Hồng Hà chỉ rõ.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bức xúc, vụ kít xét nghiệm Việt Á không chỉ dừng làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn thất thoát, lãng phí tài sản khác có giá trị quý giá hơn, quan trọng hơn, đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Bởi vì có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin thì nguy hại khôn lường.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến các vấn đề về thị trường vốn, ngân hàng, tiền tệ và các vấn đề như chứng khoán, lãng phí trong đầu tư công, trong quản lý khoáng sản, quản lý rừng, tinh giản biên chế…, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu các giải pháp cho Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Hoàn thiện và khắc phục những tồn tại, trong đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý tài sản công…

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Hà NộiĐại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Hà Nội

Giải trình ý kiến các ĐBQH về lãng phí trong chậm giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vốn đầu tư công hiện nay đã phân cấp cơ bản đầy đủ, từ lựa chọn dự án, lập dự án, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh vốn, giao vốn, tổ chức đấu thầu giải phóng mặt bằng. Chúng ta cũng đã thay đổi tư duy, phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, từ điều hành bằng các văn bản dưới luật thì đã xử lý, quản lý bằng các Luật Đầu tư công cũng như các luật liên quan; từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo sự linh hoạt trong việc triển khai nhưng vẫn đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Nhờ vậy, những hạn chế cơ bản về đầu tư công của thời gian trước đã được cơ bản khắc phục như đầu tư dàn trải, không có chủ trương, không gắn với mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không gắn với nguồn vốn, không gắn với khả năng cân đối vốn; đầu tư dàn trải, phân tán, kéo dài, kém hiệu quả, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; ứng trước kế hoạch vốn; không có nguồn để trả…..

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, lĩnh vực đầu tư công hiện nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới. Chỉ rõ các nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có các giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ của các dự án đầu tư công.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, ĐBQH cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước như: việc ban hành văn bản hướng dẫn luật còn chậm, tình trạng ách tắc, sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân chậm, nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm. Việc triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.

Các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần làm rõ kết quả tiết kiệm, sử dụng nguồn tiết kiệm, đánh giá rõ hơn về sắp xếp bộ máy, về chất lượng, về nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào ai làm chưa tốt hoặc vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trung Kiên