Sáng 22/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang” và phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023.
Dự diễn đàn có các đồng chí: Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Techfest Bắc Giang; Bùi Văn Hạnh - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện đơn vị chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), lãnh đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh; chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nhiều tiềm năng cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết: Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ tập trung phát triển toàn diện các ngành kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 10-15 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Để duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh bền vững, lâu dài và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cần thiết phải hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài sản vô hình, tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới. Một trong những trụ cột của các hoạt động đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thông qua diễn đàn này, đồng chí mong muốn nhận được sự trao đổi, chia sẻ và tư vấn của các chuyên gia, các nhà quản lý để đề xuất các giải pháp về thúc đẩy, định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Bắc Giang và các địa phương có điều kiện tương đồng trong khu vực; từ đó nâng cao nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận cởi mở về các vấn đề về chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ tại địa phương theo mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mô hình đổi mới sáng tạo mở trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương; liên kết chuỗi giá trị hướng tới thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp...
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AuToAgri chia sẻ cởi mở về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nông nghiệp Bắc Giang. Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, tỉnh Bắc Giang có dư địa lớn, đa dạng địa hình, đa dạng văn hóa, nhiều sản phẩm đặc trưng, nhiều di tích lịch sử, nhiều lễ hội truyền thống. Mỗi địa phương đều có rất nhiều món ăn đặc trưng với phong vị bản địa có thể phát triển thành chuỗi và đem ra thế giới. Tuy nhiên để thực hiện được điều đó, tỉnh cần có cách làm sáng tạo để sản phẩm truyền thống vừa đáp ứng tiêu chuẩn cao, vừa có giá thành phù hợp; đồng thời coi trọng xây dựng thương hiệu nông sản và phát triển thị trường nội địa, nhất là xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản chế biến, xây dựng mô hình ẩm thực - phát triển chuỗi/nhượng quyền; ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng kết hợp ẩm thực, trải nghiệm để quảng bá sản phẩm.
Ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng việc đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp là việc làm cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị cho khách hàng, tăng cường giá trị bền vững giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay, tỉnh Bắc Giang có 205 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế; có 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 70 nhãn hiệu tập thể; mỗi sản phẩm trên đều có thể tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp. Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới được sản xuất tại tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh có nhiều tiềm năng cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cả 3 trụ cột kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang nằm trong top 15 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn tin tưởng rằng chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 mở đầu bằng Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang” sẽ tạo được sức lan tỏa, mang lại nhiều giá trị, những dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và là nền tảng quan trọng cho những hoạt động tiếp theo.
Đồng chí đánh giá cao các ý kiến tham luận, chia sẻ từ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, đồng chí đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực phối hợp với Sở KH&CN đề xuất các nội dung liên quan đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, thu hút đầu tư của tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang nằm trong top 15 tỉnh, thành phố của cả nước thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Tại diễn đàn, các đại biểu nhấn nút phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023. Theo đó các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia thông qua đăng ký ý tưởng, dự án khởi nghiệp ở tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Nhân dịp này, Sở KH&CN Bắc Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh ký kết hợp tác với một số đối tác; trình diễn công nghệ lò sản xuất than sinh học từ phế thải nông nghiệp./.
Thu Hằng