Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Ninh Thuận

Ninh Thuận nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh lỵ là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, cách TP HCM 340 km, phía bắc giáp Khánh Hòa và phía nam giáp Bình Thuận. Ninh Thuận có Núi Chúa, vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển mới của thế giới.

Vịnh Vĩnh Hy - Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Văn Quang

Ninh Thuận mùa nào đẹp

Ninh Thuận thường được gọi là "vùng đất của nắng và gió" bởi nơi đây có khí hậu khô, nóng, ít mưa. Thời gian mưa thường chỉ khoảng hai tháng, từ tháng 9 đến tháng 11, còn lại là mùa khô hanh, nhiệt độ dao động từ 25 đến 35 độ C.

Di chuyển

Có nhiều phương tiện để tới Ninh Thuận. Nếu đi tàu hỏa, bạn xuống ga Tháp Chàm. Nếu đi máy bay, sân bay gần nhất là Cam Ranh (Khánh Hòa), cách TP Phan Rang - Tháp Chàm gần 70 km. Các phương tiện khác như ôtô hay xe máy có thể di chuyển thuận lợi trên quốc lộ 1 hoặc đường ven biển.

Lưu trú

Ninh Thuận chưa có nhiều hệ thống khách sạn như những điểm du lịch nổi tiếng. Một số khách sạn 3-4 sao nằm dọc biển Ninh Chữ như Hoàn Mỹ, Sài Gòn - Ninh Chữ, Aniise, Long Thuận... có giá từ 1 đến hơn 2 triệu đồng một đêm. Trong trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chủ yếu là các khách sạn 2 sao hoặc các nhà nghỉ bình dân, giá dao động từ 300.000 đồng đến khoảng 500.000 đồng một đêm.

Tuy nhiên, Ninh Thuận lại có một khu nghỉ đẳng cấp 6 sao là Amanoi thuộc khu vực vịnh Vĩnh Hy, với giá phòng từ 20 triệu đồng một đêm. Ngoài ra, nếu thích hòa mình với thiên nhiên, bạn có thể đến khu du lịch Tanyoli và ngủ qua đêm trong những chiếc lều Mông Cổ.

Chơi đâu

Vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, tổng diện tích gần 30.000 ha. Vườn có 330 loài động vật có xương sống trên cạn với 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát - lưỡng cư... Nơi đây còn có hơn 1.500 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 5 ngành thực vật khác nhau, nhiều loài động thực vật có trong sách đỏ quốc gia và thế giới.

Vườn quốc gia còn có hàng trăm loài san hô, quần thể rùa biển... Ninh Thuận phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Núi Chúa, với hoạt động leo núi, cắm trại, số lượng người giới hạn và phải đăng ký trước.

Vịnh Vĩnh Hy

Vịnh Vĩnh Hy là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Ninh Thuận. Đây là nơi vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Ở Vĩnh Hy, bạn có thể thuê một chiếc xe máy rồi rong ruổi trên con đường Nước Ngọt uốn quanh bờ biển. Ở đây cũng cho thuê thuyền đáy kính để khám phá thế giới san hô.

Hang Rái

Cách thành phố Phan Rang chừng 35 km, hang Rái thuộc vườn quốc gia Núi Chúa, không chỉ có địa thế núi chắn sóng, chồng lên nhau tạo nên những hang động đẹp mắt mà còn là khu vực sinh sống của loài rái cá, cũng chính là cội nguồn tên gọi. Đây còn là nơi có bãi san hô đẹp nhất vùng, kéo dài cả cây số, nhiều loài và nhiều sắc tạo nên bức tranh muôn màu. Hang Rái là điểm săn ảnh yêu thích của các nhiếp ảnh gia. Giá vé tham quan hang Rái là 20.000 đồng một người.

Bình minh hang Rái. Ảnh: Nguyễn Văn Hợp

Cung đường biển

Phan Rang - Vĩnh Hy - Cam Ranh và Phan Rang - Bình Thuận là hai cung đường biển có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Từ thành phố Phan Rang chạy theo đường ven biển hướng về phía Bắc và Nam, du khách đều sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh của những bãi biển xanh ngắt, các cánh đồng muối trắng, những bãi chăn thả cừu, vườn nho... Một phần của khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa mới được UNESCO công nhận cũng nằm trên cung đường này.

Làng gốm Bàu Trúc

Làng gốm cổ Bàu Trúc, cách trung tâm Phan Rang - Tháp Chàm 10 km về phía Nam. Nơi đây được xem như một bảo tàng về nghề gốm truyền thống của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia. Tới làng, du khách có dịp trổ tài làm gốm hoặc mua gốm về làm quà lưu niệm với giá 30.000 - 100.000 đồng.

Tháp Poklong Garai và văn hóa Chăm

Tháp nằm trên đồi Trầu, được người Chăm xây tháp vào cuối thế kỷ 13 để thờ vua Poklong Garai (1151-1205), vị vua có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước. Tượng trưng cho ngọn núi Meru trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, cụm tháp có kiến trúc kiên cố dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất Panduranga xưa. Tháng 7 Chăm lịch, nếu đến thăm tháp, du khách sẽ dhòa mình vào không khí lễ hội Kate với nhiều nghi lễ cùng các điệu múa và âm nhạc Chăm truyền thống.

Ảnh: Bảo Nghi

Công viên đá

Trong quần thể vườn quốc gia Núi Chúa có công viên đá, nằm ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách thành phố Phan Rang chừng 30 km về phía đông. Toàn bộ công viên có diện tích 2 ha, mới được phát hiện vào khoảng năm 2014, còn giữ nguyên được nét hoang sơ. Công viên nằm sát bờ biển, giữa khu rừng lá gai thấp. Tại đây có trạm kiểm lâm nên bạn cần đăng ký trước để được tham quan.

Vườn nho

Ninh Thuận là tỉnh nắng nóng quanh năm, nhưng lại thích hợp với nghề trồng nho, táo. Ngoài hai giống nho chính là nho đỏ và xanh, dân Ninh Thuận còn trồng nho đen dùng để làm rượu vang. Trên cung đường Ninh Thuận - Nha Trang, du khách sẽ thấy bạt ngàn vườn nho và táo, có thể kết hợp nghỉ chân, tham quan vườn nho An Thái, Ba Mọi... chụp ảnh, hái quả và mua các sản phẩm từ nho.

Vườn nho Thái An. Ảnh: Huy Khang

Đồi cát Nam Cương

Nằm cách trung tâm Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 8 km về phía đông nam, trải rộng trên diện tích gần 700 ha, đồi cát Nam Cương được ví như một tiểu sa mạc. Nơi đây hầu như còn hoang sơ, cuộn mình trong sự lặng lẽ của trời và đất. Đến đây, du khách có thể chọn hóa thân thành những cô gái Chăm để có những tấm ảnh đẹp.

Mũi Dinh

Do có vị trí khá hẻo lánh, đường đi khó, mũi Dinh mới được biết đến vài năm gần đây nên cảnh sắc vẫn giữ được nét nguyên sơ. Ở Mũi Dinh có ngọn hải đăng được xây từ năm 1904, là địa điểm lý tưởng ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển. Khi lên tới đỉnh hải đăng bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trên đường đến mũi Dinh, bạn sẽ đi qua bãi biển Cà Ná hoang sơ và có thể check-in với hòn đá xếp chồng chênh vênh khá đặc biệt.

Ăn gì

Bánh căn

Là đặc sản của Ninh Thuận, bánh căn được đúc từ bột gạo với "topping" gồm trứng, thịt, tôm, mực tươi sống... Tùy theo ý thích của người thưởng thức, bánh được lấy khi vừa chín tới, thả vào tô với hành lá xắt nhuyễn. Ở Ninh Thuận thực khách có thể thưởng thức bánh căn với một tô nước cá kho nhạt (nấu từ cá, hành và dưa) hoặc mắm nêm, khác cách ăn của người Đà Lạt.

Thịt cừu

Cừu là một trong những loài động vật được nuôi nhiều ở Ninh Thuận. Thức ăn của chúng là những cây cỏ tự nhiên. Thịt cừu Ninh Thuận mềm, ngọt và thơm ngon. Có rất nhiều món ăn đa dạng từ thịt cừu mà bạn có thể thưởng thức như thịt cừu nướng, chiên, hấp...

Bánh canh chả cá

Buổi sáng tại Ninh Thuận thưởng thức món bánh canh chả cá sẽ thích hợp. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của nước dùng thanh được nấu từ xương các loại cá biển khác nhau. Chả cá mềm dai, đậm đà, giúp kích thích vị giác.

Cơm gà Phan Rang

Cơm gà Phan Rang là một trong những món ăn phổ biến đối với người dân địa phương và du khách. Điểm đặc biệt của món ăn này là được nấu bằng gạo dẻo, thơm có pha chút bột nghệ tạo màu. Thịt gà săn chắc và ngọt tự nhiên do được chăn thả tự do. Trước khi nấu, gạo được vo sạch, ướp thêm gừng, tỏi giã nhuyễn để tạo mùi thơm. Nước chấm đặc biệt với ớt tỏi giã nhuyễn hay với muối ớt rang khô.

Các loại hải sản

Ninh Thuận có biển và hải sản ngon không kém bất cứ vùng nào trên cả nước. Đủ các loại ốc, mực, tôm, cua, nhum... với giá khá rẻ. Hải sản tươi, hấp hoặc nướng, cầu kỳ hơn thì cho chút mỡ hành là ngon nhất. Tốt nhất đừng cho nhiều nguyên liệu phụ, sẽ làm mất đi hương vị tươi ngon và độc đáo của từng loại.

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai ướt tại Ninh Thuận. Ảnh: Tâm Anh

Cá mai là một loại cá trong, nhỏ chừng ngón tay trỏ, giống cá cơm nhưng ít tanh, nên có thể làm gỏi phù hợp. Gỏi cá mai có hai loại là khô và ướt. Khi ăn gỏi, bạn vắt thêm chanh cho cá chín, trộn với rau thơm, đậu phộng rang và lấy bánh tráng nướng xúc. Còn đối với gỏi ướt thì dầm cá trong một loại nước chấm đặc biệt, được làm bằng đậu phộng và một số gia vị, cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau.

Các hoạt động nổi bật

- Thuê thuyền đi chơi vịnh Vĩnh Hy, có loại đáy kính hoặc lặn ngắm san hô
- Trekking và cắm trại trên Núi Chúa 2 ngày một đêm
- Săn ảnh ở hang Rái, công viên đá, cánh đồng điện gió, đường ven biển...
- Thăm vườn nho, đồng cừu, tháp Poklong Garai, cánh đồng muối, cánh đồng rêu xanh...
- Cắm trại ở biển Bình Tiên

Khám phá Cánh đồng Điện Gió NINH THUẬN Lớn Nhất Miền Trung

Nâng cao hiệu quả tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

Các đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 3.895 km², dân số trên 1,875 triệu người. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thành phố và 9 huyện; 209 đơn vị cấp xã gồm 10 phường, 15 thị trấn và 184 xã.

1. Thành phố Bắc Giang

Thành phố Bắc Giang nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Đông Bắc. Phía Đông giáp huyện Lạng Giang, phía Tây giáp huyện Việt Yên, phía Nam giáp huyện Yên Dũng và phía Bắc giáp huyện Tân Yên.

Thành phố Bắc Giang là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh Bắc Giang. Thành phố có tổng diện tích là 66,6 km2dân số là 182,7 nghìn người và có mật độ dân số cao nhất tỉnh 2.743 người/km². Dân số thành thị có 114.061 người (chiếm 62,44%) và dân số nông thôn 68.624 người (chiếm 37,56%).

Thành phố Bắc Giang có 16 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 10 phường: Đa Mai, Dĩnh Kế, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Mỹ Độ, Ngô Quyền, Thọ Xương, Trần Nguyễn Hãn, Trần PhúXương Giang và 6 xã: Dĩnh TrìĐồng SơnSong KhêSong MaiTân MỹTân Tiến.

Thành phố Bắc Giang có vị trí thuận lợi về giao thông, là một trong những trung tâm lớn của vùng về công nghiệp đạm - hóa chất, công nghiệp may mặc, đồng thời là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc cho miền Bắc, cũng như là nơi tập kết các sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trên địa bàn thành phố có Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và 06 cụm công nghiệp vừa và nhỏ thu hút nhiều dự án đầu tư.

2. Huyện Việt Yên

Huyện Việt Yên nằm ven sông Cầu, ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Giang. Phía Đông giáp huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang; phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phía Nam giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; phía Bắc giáp huyện Tân Yên.

Huyện Việt Yên có tổng diện tích 171,01 km², dân số là 220,4 nghìn người và mật độ dân số đạt 1.288 người/km².

Huyện Việt Yên có 17 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: Bích Động, Nếnh và 15 xã: Hồng Thái, Hương Mai, Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quang Châu, Quảng Minh, Tăng Tiến, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Tự Lạn, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến.

Việt Yên là một trong những huyện có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời của vùng văn hóa Kinh Bắc. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Việt Hàn cùng với nhiều Cụm công nghiệp nhỏ và vừa như Tăng Tiến, Việt Tiến, Vân Hà, Hoàng Mai đã được đưa vào sử dụng, thu hút hàng chục nghìn nhân lực lao động trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Việt Yên hướng tới trở thành vùng trọng điểm công nghiệp.

3. Huyện Hiệp Hòa

Huyện Hiệp Hòa nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 30 km. Phía Đông giáp hai huyện Tân Yên và Việt Yên; phía Tây giáp huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; phía Nam giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phía Bắc giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Hiệp Hòa có diện tích là 206 km2, dân số 257,5 nghìn người và mật độ dân số 1.250 người/km², là huyện đông dân nhất tỉnh Bắc Giang. Dân số thành thị có 20.254 người (chiếm 7,86%), dân số nông thôn 237.271 người (chiếm 92,14%).

Huyện có 25 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 02 thị trấn: Thắng, Bắc Lý và 23 xã: Châu Minh, Đại Thành, Danh Thắng, Đoan Bái, Đông Lỗ, Đồng Tân, Hòa Sơn, Hoàng An, Hoàng Lương, Hoàng Thanh, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Hùng Sơn, Hương Lâm, Lương Phong, Mai Đình, Mai Trung, Ngọc Sơn, Quang Minh, Thái Sơn, Thanh Vân, Thường Thắng, xã Xuân Cẩm.

Đường bộ của Hiệp hòa khá thuận tiện, có ba tuyến chính: QL37 từ Đình Trám qua Thắng (huyện Hiệp Hòa) dài 17 km, TL295 Đông Xuyên - Thắng lên Cao Thượng (đoạn qua huyện dài 20 km), đường 296 nối Thắng qua cầu Vát tới phố Nỉ (đoạn qua huyện dài 9,5 km). Ngoài ra còn hai tuyến chỉ ở trong nội huyện: TL288 từ Thắng đi Lữ và bến Gầm dài 9 km, từ Thắng đi bến đò Quế Sơn dài 5 km. Năm tuyến đường trên đều đã rải nhựa. TL295 đoạn Thắng - Đông Xuyên đã được cải thiện, đặc biệt Cầu Mai Đình - Đông Xuyên đã được hoàn thành.

Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Hòa Phú đã đưa vào sử dụng, thu hút nhiều dự án đầu tư.

3. Huyện Lạng Giang

Huyện Lạng Giang nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Giang, nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 10 km. Phía Đông giáp huyện Lục Nam, phía Tây giáp huyện Tân Yên với ranh giới tự nhiên là sông Thương, phía Nam giáp thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng, phía Bắc giáp huyện Yên Thế (với ranh giới là sông Thương) và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Huyện Lạng Giang có diện tích là 239,8 km², dân số là 223,5 nghìn người và mật độ dân số là 915,6 người/km².

Huyện Lạng Giang có 21 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: VôiKép và 19 xã: An Hà, Dương Đức, Đại Lâm, Đào Mỹ, Hương Lạc, Hương Sơn, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Quang Thịnh, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Tân Thanh, Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Xương Lâm, Yên Mỹ.

Huyện Lạng Giang có vị trí địa lý tương đối thuận lợi với một số trục đường giao thông quan trọng của Quốc gia chạy qua: QL1A (Bắc Giang - Lạng Sơn), đường cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Kép - Hạ Long. Lạng Giang là 1 trong 4 huyện, thành phố của tỉnh được xác định là trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, trung tâm huyện cách không xa các khu công nghiệp, đô thị lớn của tam giác kinh tế phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là đầu mối giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ và thu hút đầu tư của cả nước, nơi tập trung đông dân cư, với tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ là thị trường tiêu thụ lớn về nông sản hàng hóa và các hàng tiêu dùng khác.

Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Tân Hưng đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng.

4. Huyện Tân Yên

Huyện Tân Yên là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km. Phía Đông giáp huyện Lạng Giang, phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, phía Nam giáp thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên và phía Bắc giáp huyện Yên Thế.

Huyện Tân Yên có tổng diện tích là 208,31 km2, dân số là 182,2 nghìn người và mật độ dân số là 874,7 người/km2. Dân số thành thị có 22.040 người (chiếm 12,1%), dân số nông thôn 160.212 người (chiếm 87,9%).

Huyện Tân Yên có 22 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: Cao ThượngNhã Nam và 20 xã: An DươngCao XáĐại HóaHợp ĐứcLam CốtLan GiớiLiên ChungLiên SơnNgọc ChâuNgọc LýNgọc ThiệnNgọc VânPhúc HòaPhúc SơnQuang TiếnQuế NhamSong VânTân TrungViệt LậpViệt Ngọc.

5. Huyện Yên Thế

Huyện Yên Thế là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang. Phía Đông giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Tây giáp huyện Phú Bình, Đồng Hỷ; phía Bắc giáp huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; phía Nam giáp huyện Tân Yên và huyện Lạng Giang.

Huyện Yên Thế có diện tích là 306,4 km², dân số là 104,1 nghìn người và mật độ dân số là 339,6 người/km². Huyện có 8 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 27%. Dân số thành thị có 19.625 người (chiếm 18,85%), dân số nông thôn 84.478 người (chiếm 81,15%).

Huyện Yên Thế có 19 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: Phồn Xương, Bố Hạ và 17 xã: An Thượng, Canh Nậu, Đông Sơn, Đồng Hưu, Đồng Kỳ, Đồng Lạc, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Đồng Vương, Hồng Kỳ, Hương Vỹ, Tam Hiệp, Tam Tiến, Tân Hiệp, Tân Sỏi, Tiến Thắng, Xuân Lương.

Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến QL17 (từ Nhã Nam - Yên Thế - đi Tam Kha - Xuân Lương); tuyến đường TL242 (từ thị trấn Bố Hạ - Đèo Cà đi Hữu Lũng - Lạng sơn); tuyến đường TL292 (từ thị trấn Phồn Xương đi Bố Hạ - Kép); tuyến đường TL294 (từ ngã ba Tân Sỏi - Yên Thế đi Nhã Nam huyện Tân Yên - Cầu Ca huyện Phú Bình); tuyến đường 268 Mỏ Trạng - Bố Hạ đi Thiện Kỵ - Lạng Sơn.

6. Huyện Yên Dũng

Huyện Yên Dũng nằm ở phía Nam của tỉnh Bắc Giang, có núi Nham Biền chạy theo hướng Đông - Tây, nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km. Phía Đông giáp huyện Lục Nam và thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Việt Yên; phía Nam giáp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cầu; phía Bắc giáp thành phố Bắc Giang và huyện Lạng Giang.

Huyện Yên Dũng có diện tích là 191,7 km², dân số 159,1 nghìn người và mật độ dân số 829,9 người/km2.

Huyện Yên Dũng có 18 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: Nham Biền, Tân An và 16 xã: Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt, Đức Giang, Hương Gián, Lãng Sơn, Lão Hộ, Nội Hoàng, Quỳnh Sơn, Tân Liễu, Tiến Dũng, Tiền Phong, Trí Yên, Tư Mại, Xuân Phú, Yên Lư.

Huyện có các tuyến QL1, QL17 và 4 tuyến đường tỉnh (398, 299, 299B, 293) chạy qua địa bàn, ngoài ra còn có hệ thống giao thông đường thủy do được bao bọc bởi 3 con sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) là điều kiện thuận lợi trong việc liên kết vùng, giao thương. 

Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Yên Lư đang triển khai xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng.

8. Huyện Lục Nam

Huyện Lục Nam nằm ở phía Đông của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 20 km. Phía Đông giáp hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động; phía Tây giáp hai huyện Lạng Giang và Yên Dũng; phía Nam giáp hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh; phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn.

Huyện Lục Nam có diện tích gần 608,6 km2, dân số là 232,9 nghìn người và mật độ dân số là 382,7 người/km². Trên địa bàn huyện có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 13%.

Huyện Lục Nam có 25 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn Đồi Ngô, Phương Sơn và 23 xã: Bắc LũngBảo ĐàiBảo SơnBình SơnCẩm LýChu ĐiệnCương SơnĐan HộiĐông HưngĐông PhúHuyền SơnKhám LạngLan Mẫu, Lục Sơn, Nghĩa Phương, Tam Dị, Thanh Lâm, Tiên Nha, Trường Giang, Trường SơnVô TranhVũ XáYên Sơn.

Hệ thống giao thông của huyện khá thuận lợi có QL31, QL37 và TL293, TL295 chạy qua, kết hợp với tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và tuyến đường sông Lục Nam, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán.

Lục Nam có vị trí chiến lược trọng yếu, có đường giao thông lớn nối liền với các tỉnh trong vùng. Huyện có thuận lợi trong giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các vùng miền núi và đồng bằng, là thời cơ để Lục Nam có những bước chuyển mình, bứt phá, tạo nên diện mạo mới của một huyện đang phát triển.

9. Huyện Lục Ngạn

Lục Ngạn là một huyện miền núi phía Tây, nằm trên trục đường Quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang khoảng 40Km. Phía Bắc giáp huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Tây và Nam giáp huyện Lục Nam; phía Đông giáp huyện Sơn Động.

Huyện Lục Ngạn là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh với diện tích 1.032,5 km², dân số khoảng 234,1 nghìn người và mật độ dân số là 226,7 người/km².

Huyện Lục Ngạn có 29 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm thị trấn Chũ và 28 xã: Biển Động, Biên Sơn, Cấm Sơn, Đèo Gia, Đồng Cốc, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Hồng Giang, Kiên Lao, Kiên Thành, Kim Sơn, Mỹ An, Nam Dương, Phì Điền, Phong Minh, Phong Vân, Phú Nhuận, Phượng Sơn, Quý Sơn, Sa Lý, Sơn Hải, Tân Hoa, Tân Lập, Tân Mộc, Tân Quang, Tân Sơn, Thanh Hải, Trù Hựu

Huyện có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây ăn quả chất lượng cao như: vải thiều, cam bưởi, táo,

10. Huyện Sơn Động

Sơn Động là huyện vùng cao nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 80 km. Phía Bắc giáp các huyện Lộc Bình, Đình Lập tỉnh Lạng Sơn; phía Đông và phía Nam giáp các huyện Ba Chẽ, Thành phố Hạ Long và Thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp các huyện Lục Nam, Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.

Huyện Sơn Động có diện tích là 860,5 km2, dân số là 78,7 nghìn người và mật độ dân số thấp nhất tỉnh là 91,4 người/km². Huyện có 12 dân tộc cùng chung sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 47,2%).

Huyện Sơn Động có 17 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: An Châu, Tây Yên Tử và 15 xã: An Bá, An Lạc, Vĩnh An, Cẩm Đàn, Đại Sơn, Dương Hưu, Giáo Liêm, Hữu Sản, Lệ Viễn, Long Sơn, Phúc Sơn, Thanh Luận, Tuấn Đạo, Vân Sơn, Yên Định.

Mạng lưới giao thông của huyện chủ yếu là đường bộ, được phân bố tương đối hợp lý, toàn huyện có 1.142 km đường bộ. Đặc điểm đất đai, khí hậu, thủy văn của huyện đã tạo nên một thảm thực vật phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội./.

Bắc Giang tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông