Củng cố và phát triển hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp chất lượng cao, tạo nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể, đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
Mạnh dạn đổi mới mô hình sản xuất
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2022 toàn tỉnh có 74 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản được thành lập mới, nâng tổng số HTX hiện có trong toàn tỉnh là 644 HTX nông, lâm nghiệp và HTX thủy sản với tổng vốn điều lệ là 1.111 tỷ đồng và 10.723 thành viên. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh ước có 50 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có khoảng trên 20% số HTX nông nghiệp trên địa bàn tham gia thực hiện các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho thành viên và khách hàng không phải là thành viên HTX thông qua liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng ổn định.
Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết, được sự hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương, HTX được chọn xây dựng mô hình thí điểm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nâng cao chất lượng và sản lượng vải thiều của các thành viên trong HTX. Nhờ vậy, giá bán vải thiều và các nông sản của các hộ xã viên luôn giữ ở mức ổn định và cao hơn giá thị trường. Bằng sự linh hoạt, nhạy bén với thị trường, tích cực hỗ trợ xã viên trong ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, trung bình thu nhập mỗi hộ xã viên trong HTX đạt khoảng 200 triệu đồng/năm…
Ông Phạm Văn Dũng cho biết thêm, những năm gần đây, HTX tiếp tục mở rộng, đổi mới mô hình sản xuất, mở rộng liên kết với 18 tổ hợp tác ở địa phương với tổng diện tích là trên 100 ha và gần 30 HTX trong khu vực miền Bắc để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đến nay, HTX Hồng Xuân là một trong những đơn vị tiêu biểu trong tỉnh được cấp mã số đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Hàng năm chiếm 90% sản lượng vải thiều xuất khẩu của cả tỉnh; vải thiều của HTX đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…
Hiện nay, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất sản phẩm sạch, theo chuỗi giá trị và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX nông nghiệp cũng đã chú trọng đến các hoạt động sản xuất theo thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư mở rộng sang các ngành nghề dịch vụ đa dạng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, vệ sinh môi trường; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất cao thuốc, cao dược liệu, sản xuất tinh dầu, sản xuất bột thảo dược... Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, tiêu biểu như: HTX nông nghiệp Hạnh Phúc (huyện Việt Yên); HTX sản xuất tiêu thụ cá, rau cần Lý Hùng, HTX Đồng Tâm 3 (huyện Hiệp Hòa); HTX dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng, HTX rau sạch Yên Dũng (huyện Yên Dũng); HTX nông nghiệp xanh Yên Thế (huyện Yên Thế); HTX trà rừng Hoa Vàng (huyện Lục Ngạn); HTX Ong mật Hữu cơ Sơn Động, (huyện Sơn Động)... Đến nay, doanh thu bình quân các HTX nông nghiệp đạt 335 triệu đồng/HTX, lợi nhuận trung bình đạt khoảng 124 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Giáp Quý Cường - HTX Nông nghiệp “xanh” Yên Thế cho biết, nhận thức được những thuận lợi của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Đứng trước nhu cầu cạnh tranh của thị trường, để thương hiệu “Gà đồi Yên Thế vươn xa hơn đứng vững hơn trên thị trường. Hằng năm, HTX đều phải tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể định hướng cho phát triển sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế trong năm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định vùng chăn nuôi có lợi thế và các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm để làm nguồn nguyên liệu chính. Trong đó, HTX đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị. Quy mô tổng đàn gà của HTX đến thời điểm hiện tại là trên 110 nghìn con, được chăn nuôi theo hướng VietGap, hữu cơ và đã được cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh việc đổi mới phương pháp chăn nuôi, để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, HTX đã không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm. Tích cực tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, tham gia trưng bày quảng bá sản phẩm do các sở, ngành cấp tỉnh và UBND huyện Yên Thế tổ chức kể cả trong và ngoài tỉnh.
Nhiều chính sách, đề án giúp các hợp tác xã phát triển
Trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Thông qua các cơ chế, chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả trong sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh; sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục được giữ vững và có bước phát triển mạnh mẽ. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công Thương.. đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho các HTX xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ HTX tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước dành riêng cho khu vực HTX.
Bên cạnh đó, để tiếp tục mở rộng phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1353/QĐ-UBND Phê duyệt danh mục dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đến nay, đã 05 dự án, kế hoạch liên kết được Hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò HTX trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai xây dựng được 5 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 và 5 HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia Đề án, tiêu biểu các mô hình: Trồng cây ăn quả, sản xuất dược liệu, mỳ gạo, vải sớm, rau hoa trong nhà màng, thủy sản...
Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các Đề án hỗ trợ các hội viên nông dân như: Đề án“Xây dựng Tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”; Đề án “Phát triển vùng sản xuất Ba kích tím hàng hóa tại huyện Sơn Động, giai đoạn 2022-2026”….
Qua các chính sách, đề án do tỉnh ban hành là điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, các thành viên HTX phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đổi mới mô hình phát triển HTX liên kết theo chuỗi giá trị, hiện nay hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, do nhiều nông dân chưa đủ lòng tin để tham gia tích cực vào phát triển kinh tế HTX. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý Tổ hợp tác, HTX trình độ còn hạn chế, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chưa nhiều… nên thường gặp lúng túng trong công tác quản lý và nội dung hoạt động. Trong khi đó, nhiều HTX sau khi thành lập chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chưa xây dựng hoàn thiện được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; cơ chế, chính sách thực hiện hỗ trợ còn hạn chế; một số dự án của các HTX có quy mô lớn, mức hỗ trợ còn thấp chưa phù hợp nên không khuyến khích được các HTX tham gia phát triển…
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế HTX, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan rà soát lại các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã ban hành thời gian qua để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ đến các HTX nông nghiệp; hàng năm tổ chức Hội nghị đối thoại với HTX nông nghiệp để lắng nghe, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các HTX. Cùng đó phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang và Liên minh HTX tỉnh rà soát tất cả các HTX đang có vướng mắc về nhu cầu vay vốn để xử lý, tham mưu biện pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho các HTX. Tăng cường định hướng và hỗ trợ phát triển kinh tế đa dạng hơn ở lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ cung ứng hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững./.