Kinh phần lớn là các bài giảng của đức Phật hoặc của một trong những Đại đệ tử của Ngài. Tất cả những gì được ghi lại, ngay cả những gì không phải Phật đích thân thuyết, được xem là Phật ngôn, "lời Phật dạy" (sa., pi. buddhavacana). Ban đầu, các bài giảng của Phật được sắp xếp theo dạng chúng được truyền lại cho đời sau chia ra làm 12 thể loại:
- Kinh (經, sa. sūtra) hoặc Khế kinh (zh. 契經), cũng được gọi theo âm là Tu-đa-la (修多羅), chỉ những bài kinh chính Phật thuyết;
- Trùng tụng (重頌, sa. geya) hoặc Ứng tụng (zh. 應頌), gọi theo âm là Kì-dạ (祇夜), một dạng kệ tụng mà trong đó nhiều câu được lặp đi lặp lại;
- Thụ ký (zh. 受記, sa. vyākaraṇa), âm là Hoa-già-la-na (zh. 華遮羅那), chỉ những lời do Phật thụ ký, chứng nhận cho các Bồ Tát, đệ tử mai sau thành Phật, và những việc sẽ xảy ra...;
- Kệ-đà (偈陀, sa. gāthā), cũng được gọi là Ký chú (zh. 記註) hay Phúng tụng (zh. 諷頌), những bài thi ca không có văn xuôi đi trước (trường hàng), xem Kệ;
- (Vô vấn) Tự thuyết (zh. [無問]自說, sa. udāna) hoặc Tán thán kinh (zh. 讚歎經), âm là Ưu-đà-na (zh. 憂陀那), chỉ những bài kinh mà Phật tự thuyết, không phải đợi người thỉnh cầu mới trình bày;
- Nhân duyên (zh. 因緣, sa. nidāna) hay Quảng thuyết (廣說), gọi theo âm là Ni-đà-na (尼陀那), chỉ những bài kinh nói về nhân duyên khi Phật thuyết pháp và người nghe pháp...;
- Thí dụ (譬喻, sa. avadāna) hoặc Diễn thuyết giải ngộ kinh (zh. 演說解悟經), âm là A-ba-đà-na (zh. 阿波陀那), chỉ những loại kinh mà trong đó Phật sử dụng những thí dụ, ẩn dụ để dùng việc đời mà gợi mở việc đạo làm người nghe dễ hiểu hơn;
- Như thị pháp hiện (如是法現, sa. itivṛttaka) hoặc Bản sự kinh (本事經), âm là Y-đế-mục-đa-già (醫帝目多伽), chỉ những bài kinh nói về sự tu nhân chứng quả của các vị đệ tử trong quá khứ, vị lai;
- Bản sinh kinh (zh. 本生經, sa. jātaka), gọi theo âm là Xà-đà-già (zh. 闍陀伽);
- Phương quảng (zh. 方廣), Phương đẳng (方 等, sa. vaipulya) hoặc Quảng đại kinh (zh. 廣大經), gọi theo âm là Tì-phật-lược (毗佛略);
- Hi pháp (zh. 希法, sa. adbhutadharma) hoặc Vị tằng hữu (未曾有), âm là A-phù-đà đạt-ma (zh. 阿浮陀達磨), kinh nói về thần lực chư Phật thị hiện, cảnh giới kì diệu, hiếm có mà người phàm không hiểu nổi;
- Luận nghị (zh. 論議, sa. upadeśa), cũng được gọi là Cận sự thỉnh vấn kinh (zh. 近事請問經) hoặc theo âm là Ưu-ba-đề-xá (優波提舍), chỉ những bài kinh có tính cách vấn đáp với lý luận cho rõ ngay thẳng, xiên vẹo.
Cách sắp xếp bên trên được các trường phái ngoài Đại thừa chấp nhận, tuy nhiên, Thượng tọa bộ loại bỏ ba phần 6., 7. và 12. ra. Cách phân loại trên cũng được tìm thấy trong Đại tạng của các trường phái Đại thừa.
Tuy nhiên, Thượng tọa bộ đã tìm cách sắp xếp Đại tạng kinh theo cách khác, và kinh của Thượng tọa bộ được xếp lại như sau:
Trường bộ kinh & Trường A-hàm kinh[sửa | sửa mã nguồn]
Bao gồm các bài kinh dài nhất trong các loại kinh văn hệ Pali. Trường bộ (zh. 長部, pi. dīghanikāya) văn hệ Pali có 34 bài kinh mà trong đó, hai bài nổi danh nhất là Đại Bát-niết-bàn kinh (zh. 大般涅槃經, pi. mahāparinibbānasuttanta) và Phạm võng kinh (zh. 梵網經, pi. brahmajālasutta). Trường A-hàm (zh. 長阿含, sa. dīrghāgama) của Pháp tạng bộ chỉ còn trong bản dịch Hán văn, bao gồm 30 bài kinh.
Trung bộ kinh & Trung A-hàm kinh[sửa | sửa mã nguồn]
Trung bộ (zh. 中部, pi. majjhimanikāya) văn hệ Pali có 152 bài kinh, Trung A-hàm (zh. 中阿含, sa. madhyamāgama) của Thuyết nhất thiết hữu bộ có 222 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.
Bộ kinh này bao gồm nhiều kinh văn ngắn gọn được gom lại theo chủ đề, nhóm và người nói chuyện. Tương ưng bộ (zh. 相應部, pi. saṃyuttanikāya) văn hệ Pali có khoảng 2800 bài kinh, Trường A-hàm (zh. 長阿含, sa. dīrghāgama) của Thuyết nhất thiết hữu bộ chỉ có 1300 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.
Tăng chi bộ kinh & Tăng nhất a-hàm kinh[sửa | sửa mã nguồn]
Bao gồm những bài kinh có cùng Pháp số, Tăng chi bộ (zh. 增支部, pi. aṅguttaranikāya) văn hệ Pali có hơn 2.300 bài kinh. Đại tạng kinh chữ Hán lưu lại bộ Tăng nhất a-hàm (zh. 增一阿含, sa. ekottarāgama), được xem là thuộc bộ Đại tạng kinh của Đại chúng bộ.
Không phải tất cả các trường phái đều có thể loại này, nhưng Tiểu bộ (zh. 小部, pi. khuddakanikāya) văn hệ Pali có nhiều bộ kinh nhỏ rất nổi danh và được ưa chuộng, bao gồm:
- Pháp Cú kinh (zh. 法句; pi. dhammapada): gồm 426 câu kệ trong 26 chương về các nguyên lý căn bản đạo Phật, được lưu truyền rộng trong các nước theo Thượng tọa bộ;
- Tự thuyết (zh. 自說, pi. udāna): gồm 80 bài giảng của đức Phật. Điểm đặc biệt ở đây là những lời của đức Phật tự nhiên thốt ra dạy, không phải do được người khác hỏi mà trả lời. Thế nên cũng gọi là Vô vấn tự thuyết.
- Tập bộ kinh (zh. 集部經, pi. sutta-nipāta): một trong những kinh điển cổ nhất, đặc biệt có giá trị văn chương cao;
- Trưởng lão tăng kệ (zh. 長老僧偈, pi. thera-gāthā): ghi lại 107 bài kệ của các vị Thượng tọa (pi. thera);
- Trưởng lão ni kệ (zh. 長老尼偈, pi. therī-gāthā): gồm 73 bài kệ của các vị ni trưởng lão (pi. therī);
- Bản sinh kinh (zh. 本生經, pi. jātaka), ghi chép các mẩu truyện về những kiếp trước của Phật.
Nhiều bộ kinh bên trên còn tồn tại các bản gốc dạng nguyên ngữ cũng như các bản dịch. Ví dụ như kinh Pháp cú còn tồn tại dưới dạng Pali, ba bản dịch Hán văn, một bản Tạng văn và một bản tiếng Khotan.
A-tì-đạt-ma có nghĩa là Thắng pháp hoặc là Vô tỉ pháp (zh. 無比法), vì nó vượt (abhi) trên các pháp (sa. dharma), giải thích trí huệ. A-tì-đạt-ma có liên quan đến sự phân tích các hiện tượng và có lẽ xuất phát từ những bảng liệt kê số pháp, ví như 37 Bồ-đề phần. Mặc dù được xếp vào kinh văn tiêu chuẩn, được xem như là lời của đức Phật nhưng các nhà Phật học hiện đại cho rằng, kinh A-tì-đạt-ma được phát triển rất lâu sau khi đức Phật Thích ca nhập diệt, và phần lớn của tạng kinh A-tì-đạt-ma là kết quả của 200 năm sau do công của A-dục vương (thế kỉ 1) kết tập.
A-tì-đạt-ma của Thượng tọa bộ được lưu lại bằng tiếng Pali. A-tì-đạt-ma của Thuyết nhất thiết hữu bộ được viết bằng tiếng Phạn, được lưu truyền trong hai Đại tạng kinh tiếng Hán và tiếng Tạng.
A-tì-đạt-ma phần lớn phân tích, xử lý các hiện tượng và mối quan hệ giữa chúng.
Không phải trường phái Phật giáo nào cũng xem kinh A-tì-đạt-ma là kinh văn tiêu chuẩn. Kinh lượng bộ (zh. 經量部, sa. sautrāntika) cho rằng, Đại tạng kinh chỉ có Kinh và Luật tạng. Việc chối bỏ các pháp thật sự tồn tại - quan điểm chính của A-tì-đạt-ma - của một số trường phái, được xem là một nhân tố quan trọng của sự hình thành trường phái Đại thừa sau này.
Kinh điển ngoài tiêu chuẩn[sửa | sửa mã nguồn]
Kinh văn ngoài tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên có lẽ là Na-tiên tỉ-khâu kinh hay kinh Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha), nói về một cuộc đàm thoại giữa một ông vua mộ đạo và một vị Tỉ-khâu trí huệ sắc bén. Bộ này chứa đựng một loạt giáo lý chủ yếu như vô ngã, duyên khởi, v.v. Các học giả sau này xem tác phẩm này là của Thuyết nhất thiết hữu bộ, một trường phái Tiểu thừa khác mặc dù nó được lưu lại Đại tạng của Thượng tọa bộ.
Kinh điển viết bằng tiếng Pali có rất nhiều bản chú giải vẫn chưa được phiên dịch. Chúng được xem là có nguồn từ đầu bút của vị Đại luận sư Phật Âm. Cũng có rất nhiều bản giải thích cho những bản chú giải (bản chú giải các bản chú giải).
Đại luận sư Phật Âm cũng là tác giả của bộ Thanh tịnh đạo luận, "con đường dẫn đến thanh tịnh" được xem là bộ luận trình bày tất cả giáo lý Thượng tọa bộ một cách tổng quát.
Kinh Pháp Bảo Đàn cũng là kinh ngoài tiêu chuẩn, bộ kinh đã ghi chép về phương pháp tu tập giác ngộ qua những hành động và lời giảng dạy của thiền sư không biết chữ là Đại sư Huệ Năng