Trong quá trình phát triển của kỷ nguyên số, chuyển đổi số là điều tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Ở Việt Nam, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau buổi làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông, trong đó có trả lời kiến nghị giao chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, với lưu ý thời điểm triển khai thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó trong buổi làm việc đầu tháng 9/2018, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề nghị được chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia; Bộ Thông tin & Truyền thông nhận định, quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo.
Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có thể giúp Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 đến 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.
Trên thế giới, khái niệm chuyển đổi số đã được nhắc đến như một xu hướng tương lai không thể khác. Trong khi đó thời gian gần đây chuyển đổi số cũng đã bắt đầu được nhắc đến, mặc dù vậy vẫn đang có những hiểu nhầm về khái niệm này hoặc chưa hình dung ra hết mức độ bao trùm của khái niệm.
Vậy "Chuyển đổi số" là gì?
Theo định nghĩa trên Wikipedia, "Chuyển đổi số" không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi mà công nghệ số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống; khi đó mọi người thường ưu tiên giải pháp số thay vì giải pháp truyền thống.
Ở cấp độ chuyển đổi này thì ứng dụng số sẽ mở ra những dạng thức đổi mới và sáng tạo trong cả một lĩnh vực thay vì chỉ nâng cấp và hỗ trợ những phương pháp truyền thống. Theo nghĩa hẹp, chuyển đổi số có thể hình dung bằng khái niệm “văn phòng không giấy tờ”.
Mặt khác, "Chuyển đổi số" cũng có thể được định nghĩa là tác động xã hội toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Bước chuyển công nghệ kỹ thuật số, quá trình số hóa và tác động chuyển đổi số có khả năng tăng tốc và dẫn lối cho quá trình chuyển đổi xã hội toàn cầu.
Theo định nghĩa này thì IoT, Big Data, hay khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn nằm trong cấp độ số hóa; còn chuyển đổi số là cấp độ cao hơn một bậc, giống như một pha hoàn thiện của số hóa.
Đây là sơ đồ các lớp để hình dung về chuyển đổi số. Nguồn: Wikipedia.
Trong buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với Tập đoàn Boston Consulting (BCG), ông Vincent Chen - Giám đốc toàn cầu khối tư vấn chính sách công của BCG đã chia sẻ với phía Việt Nam nhiều thông tin quan trọng về lĩnh vực chuyển đổi số, qua đó cũng làm rõ cho khái niệm này.
Theo đó, chuyển đổi số bao gồm 3 cấp độ. Thứ nhất là những thay đổi của chính phủ khi ứng dụng CNTT vào chính phủ điện tử. Tiếp đến là việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của người dân, và của doanh nghiệp. Khái niệm chuyển đổi số sẽ bao hàm cả 3 cấp độ này.
Theo ông Vincent Chen, trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất vẫn là việc chuyển đổi, phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận và ứng dụng thì mới có thể tận dụng được hết lợi ích của việc chuyển đổi số.
Về sự khác nhau giữa số hoá và chuyển đổi số, vị lãnh đạo BCG cho rằng, nhiều quốc gia đã số hoá nhưng chưa phát huy được tối đa các tiện ích và ứng dụng của việc số hoá này nên chưa thể gọi là chuyển đổi số. Điều này cũng giống như việc chúng ta sở hữu một chiếc điện thoại di động đắt tiền nhưng lại không dùng hết được chức năng của nó.
Lấy một ví dụ cụ thể hơn, ông Vincent Chen cho biết một đứa trẻ sinh ở Estonia trước đây sẽ phải đăng ký thông tin với 5 cơ quan khác nhau. Các cơ quan này gồm bệnh viện, bảo hiểm xã hội, số đăng ký công dân, trường học và cập nhật thông tin bố mẹ.
"Sau khi chuyển đổi số, bố mẹ của đứa bé chỉ cần cung cấp thông tin một lần, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải chia sẻ thông tin đó cho nhau để phục vụ người dân được toàn diện nhất", vị lãnh đạo BCG này khẳng định.
Trong khi đó ở hội thảo Vietnam Finance 2018 "Chuyển đổi số trong ngành Tài chính" ngày 26/9/2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng làm rõ hơn khái niệm chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, hiện nay khái niệm chuyển đổi số mới được đề cập trong phạm vi hẹp, được hiểu là số hóa, ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ.
"Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới quốc gia thông minh", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định.
Về cơ bản, chuyển đổi số sẽ dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh. "Dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu cách mạng 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng, như câu chuyện Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhận định, thách thức đối với chuyển đổi số ở Việt Nam là không ít, bao gồm nguồn lực và kỹ năng, văn hóa và nhận thức, và an toàn an ninh mạng.
Theo định nghĩa, "Chuyển đổi số" không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi mà công nghệ số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống (ảnh minh họa trên mạng).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ICT của Việt Nam đã ra tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT và Techday mới đây, Chủ tịch FPT khẳng định, sứ mệnh của FPT là tiên phong chuyển đổi số; cơ hội này trước hết mở ra một hướng mũi nhọn có giá trị hàng chục tỷ USD cho Việt Nam.
Đối với FPT đây là thời đại Internet của các công ty, tổ chức; xét cho cùng, thế giới này là thế giới của sản xuất, dịch vụ, của ngân hàng, của hàng không... Đây sẽ là thị trường lớn nhất của chuyển đổi số.
FPT đã và đang tiên phong khai phá những thị trường chuyển đổi số này, đứng cùng sân với những công ty lẫy lừng thế giới và hợp tác cùng họ. Với chiến lược đó, FPT có thể một lần nữa mở rộng thị trường công nghiệp phần mềm và đóng góp tỷ đô cho nền công nghiệp mũi nhọn này.
FPT sẽ cung cấp giải pháp cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh để thêm nhiều triệu người được hưởng lợi, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước.
"Ước mơ của những ngày đầu là mở mang bờ cõi, thì ước mơ của thời đại mới sẽ là trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Trước đó, khi Tập đoàn Công nghệ CMC tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ngày 6/5/2018, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: "Thế giới đang mở ra một thời kỳ mới, kỷ nguyên Internet, kỷ nguyên số, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức; cơ hội rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ".
Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ: "Mục tiêu 3 năm tới của CMC là xây dựng thành công doanh nghiệp sáng tạo, theo chuẩn quốc tế World Class, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, tăng gấp đôi doanh số lên 10 ngàn tỷ đồng... CMC quyết tâm đi đầu trong chặng đường chuyển đổi số để chinh phục thế giới số".