Giới chức Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp có cấu trúc tuyệt đối an toàn, song nhiều người lo ngại về nguy cơ vỡ đập khi mưa lớn liên tục xuất hiện.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm 29/6 đưa tin các nhà vận hành đã mở hai đập tràn của đập Tam Hiệp vào sáng cùng ngày, đánh dấu lần xả lũ chính thức đầu tiên của con đập trong năm nay.
Gần đây mưa lớn xuất hiện trên các nhánh sông ở thượng nguồn sông Trường Giang và dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp bắt đầu tăng vào chiều 27/6. Đến 14h ngày 28/6, dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đạt 40.000 m3/giây, gấp đôi lượng ngày hôm trước. Để đối phó với nguồn nước ồ ạt tràn về, giới chức ra lệnh ngưỡng xả hàng ngày của Hồ chứa Tam Hiệp được tăng lên 35.000 m3/giây.
Nhiều video xuất hiện cuối tuần trước cho thấy các thành phố ở hạ lưu đập Tam Hiệp bị ngập lụt và người dân lo ngại họ đang phải hy sinh để cứu đập. Người dân nghi ngờ lũ lụt liên quan đến đợt xả lũ khẩn cấp từ các cửa đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp của Trung Quốc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên sông Dương Tử, bắc quá tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, nơi có địa hình tương đối hiểm trở và lượng mưa dồi dào.
Quá trình xây dựng đập Tam Hiệp bắt đầu từ năm 1994 và đập đi vào vận hành đầy đủ các chức năng vào tháng 7/2012, với chiều dài 2.355 m và đỉnh đập cao 185 m trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu m khối bê tông, chủ yếu cho thành đập, 463.000 tấn thép, đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 m so với nền đá.
Mực nước đập cao tối đa 175m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110 m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km, rộng 1,12 km, thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1.045 km2.
32 máy phát điện của đập thủy điện Tam Hiệp, mỗi máy nặng 6.000 tấn, sản xuất 22,5 triệu kilowatt điện, đủ cung cấp điện cho 60 triệu người dân Trung Quốc, theo Interesting Engineering.
Chi phí xây dựng đập lên tới hơn 30 tỷ USD tính từ thời điểm khởi công năm 1994.
Năm 2018, trạm thủy điện của đập Tam Hiệp đạt kỷ lục sản xuất 100.000.000 megawatt giờ điện. Ngoài sản xuất điện, đập Tam Hiệp còn sở hữu thang máy nâng tàu và khóa tàu lớn nhất thế giới. Khoảng 130 tàu đi qua đập Tam Hiệp mỗi ngày.
Năm 2017, một nghiên cứu đăng trên trang tin Futurism cho rằng sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp khiến Trái Đất quay chậm hơn. Việc đẩy 42 tỷ tấn nước tại đập Tam Hiệp lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó là chậm chuyển động xoay của địa cầu. Tuy nhiên, tác động gây ra là vô cùng nhỏ.
Chính phủ Trung Quốc từng ca ngợi đập Tam Hiệp là nguồn cung cấp năng lượng sạch khổng lồ và giúp con người "thuần phục" dòng sông dài nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những người phản đối xây đập nói nó sẽ gây nên nhiều hậu quả về môi trường và xã hội.
Khoảng 1,4 triệu người dân Trung Quốc phải rời bỏ nơi sinh sống để nhường chỗ cho dự án xây đập Tam Hiệp và hồ chứa. Nhiều di sản văn hóa đã bị nước nhấn chìm. Do lượng nước trong hồ chứa quá lớn - các nhà khoa học lo ngại lượng nước trong đất quá lớn sẽ khiến lở đất và nhiều hiện tượng địa chất bất thường khác sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng hồ chứa của đập làm giảm chất lượng nước ở hạ nguồn sông Dương Tử.
Tháng 8/2010, chính phủ Trung Quốc thừa nhận họ sẽ phải chi hàng tỷ USD để khắc phục những hậu quả môi trường dọc sông Dương Tử do ảnh hưởng từ đập Tam Hiệp, như tình trạng hàng triệu tấn rác đổ xuống sông. Truyền thông địa phương nói rằng ở nhiều vị trí trên sông, rác tạo thành những mảng lớn đến nỗi người dân có thể bước trên chúng. Những mảng rác như vậy có thể gây nghẽn đập.
Trước những lo lắng về nguy cơ vỡ đập, giới chức Trung Quốc khẳng định cấu trúc của đập Tam Hiệp rất an toàn nhưng theo nhà thủy văn học Wang Weiluo, chất lượng của con đập không tốt và không thể chống lũ lụt.
Wang cho hay sau trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 1998 ở lưu vực sông Dương Tử khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ đã thuê các chuyên gia phương Tây đến đánh giá kiểm soát chất lượng của công trình. Các chuyên gia nói rằng mối hàn các thanh thép tại đập không đáp ứng tiêu chuẩn.
Các công nhân Trung Quốc khi đó tỏ ra không hài lòng, cáo buộc những chỉ trích từ chuyên gia phương Tây là hành động phân biệt chủng tộc.
Theo Wang, đập Tam Hiệp không có một cơ quan riêng biệt để kiểm tra chất lượng công trình. Đội ngũ thiết kế và xây dựng con đập tự thực hiện công đoạn này.
Khi đập mới đi vào vận hành, truyền thông Trung Quốc tuyên bố đập Tam Hiệp có thể chống lại trận lũ tồi tệ nhất trong 10.000 năm. Nhiều năm sau, họ giảm con số xuống 1.000 năm và tiếp tục một năm sau, con số chỉ còn 100 năm.
Hồi năm ngoái, các bức ảnh trên Google Map cho thấy một đoạn của đập Tam Hiệp bị lõm giống như nó đang phải chịu sức ép rất lớn. Tập đoàn đập Tam Hiệp sau đó lên tiếng trấn an công trình vẫn an toàn, rằng những biến dạng vẫn có thể xảy ra nhưng không làm ảnh hưởng đến đập bởi vẫn trong độ đàn hồi an toàn.