Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Rủ nhau làm lò ủ tỏi đen, thơm lừng cả một vùng

Đến nay đôi bạn chế tạo thành công 11 lò ủ công suất lớn, mỗi tháng cho ra lò hơn 8 tấn tỏi đen, doanh thu lên đến 2,4 tỉ đồng.

Đến ngã tư thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La hỏi nơi làm tỏi đen, ai cũng xuýt xoa: "Tỏi đen à, ở Yên Châu này chỉ có duy nhất một nơi làm thôi, mùi thơm lừng". Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cơ sở tỏi đen nức tiếng một vùng Yên Châu của anh Nguyễn Văn Toàn (30 tuổi) và anh Nguyễn Anh Đức (33 tuổi), thành viên HTX Tây Bắc (Sơn La).

Từ "củ sắn, củ khoai" đến lò ủ tự chế

Năm 2014 tốt nghiệp ra trường, Toàn quyết định về lại Sơn La. Anh nhớ thời điểm đó, giá tỏi đen xuất sang Nhật vào khoảng 1,5-2 triệu đồng/kg, vì tỏi rất tốt cho hệ tim mạch, điều hòa đường huyết, giảm mỡ máu, đặc biệt tỏi đen có công dụng tốt gấp 10 lần tỏi tươi.
"Vùng đất Yên Châu nổi tiếng trồng tỏi, tại sao không thử ủ?" - anh Toàn trăn trở. Học tại khoa công nghệ sinh học theo đuổi đề tài tỏi đen, về lại bản làng anh quyết định rủ rê thầy giáo Đức áp dụng kiến thức được học, quyết tâm khởi nghiệp từ tỏi đen.
Cùng học sư phạm, cùng chí hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, thầy giáo Nguyễn Anh Đức gật đầu cái rụp khi anh Toàn ngỏ ý "nên duyên với tỏi đen".
Với số tiền 9 triệu đồng ít ỏi trong tay, thầy giáo Đức giãi bày: "Hai anh em đi từ củ sắn củ khoai, cứ có lương là dồn vào mua nguyên liệu. Ròng rã mấy năm trời, trưa đi làm về là anh em tranh thủ làm, chiều đến chưa kịp ăn cơm tối lại bắt tay vào làm ngay. Ngày đó chỉ dám lấy công làm lãi, may mắn được mọi người ủng hộ".
Để so sánh chất lượng tỏi làm ra, đôi bạn trẻ phải tìm đến nhiều loại tỏi của các hãng khác nhau rồi ăn thử. "Căn cứ vào đó để chúng tôi so sánh xem tỏi của mình chất lượng ra sao, mua cả loại tốt nhất từ 1,5-2 triệu đồng/kg để ăn và so sánh chất lượng" - anh Đức cho biết.
Làm thử nắm được quy trình, kỹ thuật rồi nhưng khó nhất là lò ủ. Thời điểm đó giá một lò ủ trọng lượng 1 tấn trên thị trường lên đến 500 triệu đồng. Dù không học chuyên ngành cơ khí nhưng đôi bạn quyết tâm mày mò, học hỏi kiến thức rồi bắt tay vào chế tạo lò ủ.
Mới đầu chỉ là lò ủ công suất nhỏ, các anh tự mua vật liệu để gia công, đưa tỏi tươi vào thử nghiệm. Có những mẻ thành công, nhưng cũng có những mẻ tỏi tươi khi đưa vào lò ủ là hỏng ngay.
Anh Đức nhớ mãi có lần phải đổ đi hơn 1 tấn tỏi tươi vì lò ủ không đáp ứng được. Sau những lần như vậy, đôi bạn rút ra kinh nghiệm, tìm ra lỗi sai để chỉnh sửa lò ủ theo hướng tốt lên.
"Vừa mới ra trường, vốn không có, lúc đầu có bao nhiêu tiền lương chúng tôi dồn hết vào mua tỏi. Vừa mua nguyên liệu, vừa làm thử, có những mẻ thành công, có mẻ hỏng hết, mẻ này bù mẻ kia.
Sau đó chúng tôi quyết định thử chế tạo lò ủ, từ công suất 30kg/lần ủ đến hàng tạ, hàng tấn một lần ủ. Năm 2018, lò ủ đầu tiên hoàn thành có tên gọi CY-01, được đi tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật trẻ tỉnh Sơn La" - anh Toàn nhớ lại.
Từ nồi cơm điện đến lò ủ công suất nhỏ chỉ vài chục kilôgam, nay đôi bạn đã chế tạo thành công 11 lò ủ tỏi công suất lớn. Anh Toàn cho biết quan trọng nhất ở lò ủ này là bộ điều khiển và bộ phận cách nhiệt, đặc biệt cách nhiệt càng tốt thì lượng tiêu hao nhiên liệu càng thấp.

Phải đi xa hơn

Trong xưởng chế biến, hàng chục tấn tỏi đang trong giai đoạn sấy lần hai, mùi thơm lừng cả một vùng Yên Châu. Cạnh đó, tốp nhân công là các bà các chị người dân tộc Thái luôn tay luôn chân vận hành lò trơn tru. Trải qua quá trình sơ chế, làm sạch, tỏi được cho vào khay rồi đưa vào lò ủ. Trong quá trình ủ, nhiệt độ sẽ được điều chỉnh từ 70-90 độ C tùy giai đoạn khác nhau. Tỏi sẽ trải qua hai lần ủ, hai lần sấy trong khoảng một tháng sẽ cho ra tỏi đen thành phẩm.
Bà Quàng Thị Mai (50 tuổi, dân tộc Thái) hồ hởi khoe mức lương hiện tại là 3,6 triệu đồng/tháng với công việc thường nhật là ủ, sấy, đóng gói tỏi đen. "Trước làm nương làm rẫy, từ ngày làm ở đây thu nhập cao hơn. Giúp ích nhiều, làm nương làm rẫy vất vả chứ làm việc này không nắng không mưa" - bà Mai bộc bạch.
Với 6 nhân công làm việc thường xuyên, 11 lò ủ của anh Toàn, anh Đức đã vận hành trơn tru, mỗi lò đáp ứng được công suất 1,5 tấn tỏi tươi/lần ủ.
Tỏi đen Yên Châu ra đời chất lượng không kém tỏi ở các vùng khác, người này truyền miệng người kia, mới đầu chỉ là thị trường quanh huyện Yên Châu, về sau đôi bạn tìm đến các vùng lân cận giới thiệu thêm sản phẩm.
"Hai anh em bảo nhau: "Bây giờ mình phải đi xa hơn" - anh Đức bộc bạch - Bắt đầu từ Mộc Châu (Sơn La) là đất du lịch, hai anh em đi xe máy chở tỏi đen đến từng quán xin ký gửi chừng 5kg. Hai tháng sau, quay lại các cửa hàng đó thì các chủ cửa hàng đồng ý ký hợp tác vì thấy thị trường tiềm năng của tỏi đen".
Đến năm 2016, khi thị trường thương mại điện tử phát triển, các anh bắt đầu bán trên Shopee, Lazada..., hầu hết là khách hàng lấy sỉ. Hiện tại giá bán cho các đại lý là 300.000 đồng/kg tỏi đen, loại vip bán từ 500.000 đồng/kg.
Không dừng lại ở thị trường trong tỉnh, hiện nay các đối tác ở miền Nam cũng ký hợp đồng, đôi bạn Toàn - Đức đóng vai trò như một nhà sản xuất. Bên đối tác cung cấp nguyên liệu, phía các anh sẽ gia công và bán lại thành phẩm cho đối tác.
Anh Toàn cho biết với 11 lò ủ hoạt động 24/24 giờ, tổng sản lượng tỏi đen thành phẩm lên đến 8 tấn/tháng, doanh thu mỗi tháng khoảng 2,4 tỉ đồng.
Năm 2016, anh Nguyễn Văn Toàn và anh Nguyễn Anh Đức tham gia Hợp tác xã Tây Bắc, được tạo điều kiện từ thủ tục, giấy tờ đăng ký sản phẩm và được mang sản phẩm đi trưng bày trong khắp cả nước. Hiện nay đôi bạn trẻ vừa thành lập thêm một công ty con, tách riêng các mảng quản lý, sản xuất tỏi đen đáp ứng nhu cầu của thị trường.
"Để khởi nghiệp thành công, quan trọng nhất là đam mê, lựa chọn sản phẩm đúng hướng, đúng thị hiếu thị trường cần, chứ làm ra sản phẩm thị trường không cần chắc chắn là thất bại" - anh Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.

David Beckham đầu tư vào startup eSports

Cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá Anh David Beckham đang mở rộng hoạt động kinh doanh của mình khi trở thành đồng sở hữu startup eSports Guild có trụ sở tại London.

David Beckham đang xây dựng một đế chế kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cựu ngôi sao bóng đá đội tuyển Anh sở hữu cổ phần của câu lạc bộ Inter Miami tại Giải nhà nghề Mỹ (MLS), làm chủ thương hiệu kính mắt với công ty Diageo.
Mới đây, Beckham tiếp tục gia nhập thị trường eSports (thể thao điện tử) thông qua việc đầu tư vào startup Guild có trụ sở tại London. Theo Financial Times, thông qua công ty đầu tư DB Ventures của mình, Beckham đang nắm số cổ phần thiểu số đáng kể và là cổ đông lớn thứ 2 của startup này.
Trong một thông báo phát đi ngày 25/6, Guild cho biết sẽ phát triển thêm nhiều bộ môn eSports khác nhau, dự kiến cạnh tranh tại nhiều giải đấu như Rocket League, EA Sports, FIFA và Fortnite. Startup này cũng đặt mục tiêu nâng định giá công ty lên 100 triệu bảng Anh bằng cách hoàn thành vòng gọi vốn trị giá 25 triệu bảng.
Tại Guild, chúng tôi có tầm nhìn để thiết lập tiêu chuẩn mới, hỗ trợ những người chơi trong tương lai. Chúng tôi cũng cam kết nuôi dưỡng và khuyến khích các tài năng trẻ thông qua hệ thống học viện để giúp Guild eSports tiếp tục phát triển", David Beckham nói.
Khoản đầu tư vào Guild được Beckham đưa ra sau khi anh và vợ Victoria nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Beckham Brand Holdings, công ty mẹ của DB Ventures, với giá 50 triệu USD vào năm ngoái.

10 cách giúp tránh bị Burn Out dành cho Startup Founder

Một thực tế của những người làm startup, là họ “không cho phép mình được ốm”, luôn luôn hừng hực chiến đấu từng ngày, vì nếu “họ dừng thì họ sẽ chết”.

Đó là một thực tế khắc nghiệt, lao động không ngừng nghỉ của giới startup. Thứ mà có lẽ là “nhiên liệu” cho các bạn ấy chạy, không phải là tiền, mà là sứ mệnh cùng với mọi tâm huyết đặt trong sản phẩm, dịch vụ mang lại cho khách hàng của họ. Nhưng những điều đó có khi nào bị “cạn kiệt” do Burn Out ( hiện tượng mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần)?
Thực tế là trong giới startup, Burn Out là hiện tượng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là đối với các nhà sáng lập vì họ phải làm việc với cường độ cao dưới áp lực không tưởng. Vậy làm sao để ngăn chặn Burn Out xảy ra, hoặc nếu Burn Out có xảy ra thì làm thế nào để hồi phục nhanh chóng lại? Mình đã tìm hiểu về những điều này trong lúc ốm nằm nhà, dưới đây là những bài học mình có được:
Take a Vacation: Cho mình một chuyến đi để Refresh
Take Breaks: Chế độ ngủ nghỉ hợp lý để cơ thể phục hồi lại.
Get a Good Nap: Dành ra khoảng 20 phút chợp mặt nghỉ trưa để đầu óc sảng khoái hơn.
Stay Active: Tập luyện sức khoẻ. Giữ đầu óc và cơ thể thường xuyên ở chế độ được vận động, kích hoạt.
Eat Right: Ăn uống khoa học điều độ, hạn chế bỏ bữa.
Know Your Limit: Biết được giới hạn của bản thân, đừng cố quá thành quá cố.
Get Help: Hãy mở cửa chào đón sự giúp đỡ từ những người khác, khi bạn thấy cần.
Change Your Environment: Linh hoạt thay đổi môi trường làm việc trong ngày để duy trì hiệu quả.
Find a Hobby: Tìm sở thích khác bên ngoài công việc. “Ngắt kết nối” tạm thời với công việc bằng những sở thích đó cũng là cách bạn Refresh lại tinh thần chiến đấu.
Meditation: Thiền- để lắng đọng và suy nghĩ, tập trung vào những thứ quan trọng nhất với mình, và cũng là cách để giảm lo lắng stress trong công việc.
Ngoài ra, “stay connected” với những điều quan trọng trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, bên cạnh công việc, những giây phút thư giãn trò chuyện với họ sẽ giúp bạn giảm căng thẳng của hiện tại, cũng là cách để bạn luôn giữ được sợi dây kết nối với mọi người.
Còn khi Burn Out xảy ra, thì việc đầu tiên là hãy thông báo với những người trong team bạn về tình trạng của mình, tạm giao việc cho người khác làm giúp đỡ mình. Rồi tiếp theo hãy ngay và luôn:
Nghỉ ngơi- Thư giãn- Không làm gì- Cho tới khi bạn tìm lại niềm hứng khởi trong công việc và cuộc sống
Mình đã làm vậy trong 4 ngày qua: Ăn ngủ nghỉ điều độ hợp lý, dành nhiều thời gian nói chuyện với gia đình, đọc sách yêu thích, nấu ăn, xem chương trình giải trí, cho tới…hôm nay, khi mình đã cảm nhận trong mình, động lực và niềm hứng khởi trào dâng lại với công việc, với việc học và viết blog chia sẻ. Và các bạn biết không? Nếu được ví trạng thái của mình lúc này, mình sẽ ví nó là Miếng Bọt Biển – nó muốn “hút” hết mọi kiến thức, thông tin, bài học trong suốt 4 ngày qua nó bỏ lỡ, nó muốn “Catchup”, “Say Hello” với tất cả mọi người nó không thể gặp được trong 4 ngày qua. Và nó giúp mình trở lại mạnh mẽ và bền bỉ hơn lần trước. Burn Out đã giúp mình RESET lại như thế đó.

Lên núi trồng nghệ

Dù biết về tiềm năng còn lớn của rừng núi nhưng ít ai chọn canh tác, vậy mà anh Hứa Văn Tiền lại vác nghệ lên núi trồng và đã thành công.

Túng quá hóa liều

Hứa Văn Tiền quê ở xã Tân Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), nơi có dãy núi Chúa chạy dài hơn chục cây số, lừng lững xiên dọc sườn Tây 2 huyện Phú Lương và Đại Từ.
Anh thừa nhận, dù sinh năm 1981 nhưng anh có khuôn mặt từng trải của người xấp xỉ ngũ tuần. Diện mạo ấy tích tụ trong suốt một thời gian dài bờ bãi tung hoành từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Bắc Kạn, Hà Giang...
Mỗi năm một hoặc 2 lần, khi đã lấy máu của rừng, Tiền mang ít công lao tích cóp về góp cho vợ nuôi con. Có năm tìm không thấy, mang được người về đã là may. Năm 2016, thành quả đào mỏ được ghi nhận là con số không. Tiền quyết định chấm dứt “nghiệp” quặng tặc sơn trang đầy hiểm nguy và phi pháp.
Năm 2017, anh trồng cây nghệ trên đất ruộng với diện tích 2 sào. Thử nghiệm thất bại toàn tập. Nghệ sinh trưởng và phát triển nhưng củ thì thối gần hết.
Nghĩ lại những ngày trên rừng, Tiền mang nghệ giống lên trồng trên núi Chúa. Cây hợp đất, nghệ lớn nhanh, năng suất cao. Tiền liên tục mở rộng diện tích. Để vào được nơi trồng nghệ, chúng tôi phải leo bộ 15 phút do đường lên khá nhỏ và nhiều đá lớn.
Theo lời kể của anh Tiền, cũng theo lối mòn này, máy xúc, máy ủi và hơn chục nhân công cùng anh khá chật vật để vào đây san gạt, làm mặt bằng trồng nghệ. Giờ đây hơn 18ha đất hoang hóa được cải tạo, trở thành vùng trồng nghệ tập trung. Một góc sơn lam chướng khí của núi Chúa trở nên xanh biếc, mỡ màng.

Mở rộng quy mô

Trung bình, mỗi ha trồng nghệ cho thu từ 20 - 23 tấn củ tươi/vụ. Sản phẩm ban đầu, Tiền bán nghệ tươi cho thương lái.
Với mỗi ha nghệ, trừ chi phí về nhân công, phân bón, giống, anh thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Bà con học cách trồng, Tiền cung cấp củ giống cho họ.
Kinh nghiệm được tích tụ, Tiền chia sẻ, cây nghệ được trồng từ tháng 2 - 3 âm lịch và được thu sau 9 - 12 tháng.
Tuy nhiên, để có chất lượng tốt nhất, cây nghệ phải được thu hoạch sau 2 năm. Nghệ là giống cây tương đối dễ trồng, chăm sóc và ít sâu bệnh hại, phù hợp nhất là trồng ở đất vườn, đồi tơi xốp. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn giống, củ giống thường chọn là củ cái, to, không bị thối và sứt sẹo.
Khi nghệ lên được 5 - 6 lá thì người trồng cần bón thúc và vun gốc để củ phát triển tốt nhất. Do là cây lấy củ nên khi lá nghệ quá tốt cần tỉa bớt các lá ở gốc cây để dưỡng chất tập trung vào gốc nghệ. Khi thấy lá nghệ bắt đầu khô dần từ mép, ngả vàng, củ nghệ có màu vàng sẫm, bóng sáng là đã chuẩn bị đến lúc thu hoạch.
Qua đề xuất từ người thân, Tiền đầu tư trên 450 triệu đồng để mua máy móc chế biến tinh bột nghệ, như: Máy bơm, rửa, máy nghiền, máy vắt li tâm, máy sấy lạnh…
Nghệ sau khi thu hoạch được đưa vào lồng rửa để làm sạch đất cát bám trên bề mặt củ, đồng thời làm bong lớp vỏ lụa phía ngoài, giúp lược bớt tinh dầu và nhựa củ. Sau đó, nghệ được nghiền ly tâm để tách bã, tinh dầu và lắng lọc để thu tinh bột.
Để có 1kg tinh bột nghệ cần khoảng 30kg củ nghệ tươi. Tuy nhiên, giá trị kinh tế lại cao gấp 2-3 lần so với bán củ nghệ.
Hiện tại, mỗi kg tinh bột nghệ, anh bán ra với giá 900 nghìn đồng. Ngoài sản xuất tinh bột nghệ, Tiền còn làm viên nghệ mật ong với giá bán là 1 triệu đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm do cơ sở của anh Tiền sản xuất đều được đóng lọ thủy tinh, có đầy đủ nhãn mác, thông tin về sản phẩm, đồng thời, có mã QR để người tiêu dùng tiện tra cứu.
Sản phẩm của Tiền được nhiều khách hàng địa phương, trong nước và nước ngoài đặt mua. Để đảm bảo cung ứng, năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên do Hứa Văn Tiền làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT được thành lập.
Với 7 thành viên, HTX đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây dược liệu, cây hàng năm, sản xuất tinh bột nghệ và các sản phẩm từ nghệ. Ngoài trồng nghệ, HTX đang ươm giống để trồng một số loại dược liệu khác như đinh lăng, ba kích…
Dự định, HTX sẽ mở rộng vùng sản xuất thêm 4ha, đồng thời, đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng để mua máy sản xuất tinh bột nghệ liên hoàn và phát triển thêm sản phẩm nghệ thái lát sấy khô.
Nhận xét về hoạt động của HTX, ông Nguyễn Đăng Tự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Linh, cho biết, mô hình trồng nghệ dược liệu đang cho thấy triển vọng khi cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đồng đất nơi đây. Đồng thời, đem lại giá trị kinh tế cao. Chúng tôi luôn ủng hộ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi với hướng đi mới, cách làm sáng tạo của người dân.

Khơi dậy sáng tạo của thanh niên qua cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp

Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới được đông đảo ĐVTN hưởng ứng, với nhiều ý tưởng thể hiện đam mê và đổi mới sáng tạo...

Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng, với nhiều ý tưởng thể hiện đam mê, khát vọng cùng khả năng tiếp thu thích ứng và đổi mới sáng tạo...
Thanh Hóa hiện có trên 1 triệu thanh niên, chiếm gần 30% dân số và gần 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Tuy vậy, theo số liệu khảo sát về thực trạng nghề nghiệp, việc làm hàng năm, toàn tỉnh vẫn có gần 35.000 thanh niên chưa có việc làm ổn định. Thống kê của Tỉnh đoàn cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện chỉ có 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế và lực lượng ĐVTN của tỉnh. Thực tế, thanh niên ngày nay có hoài bão, có ước mơ và khát vọng thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp của mình, nhưng phần lớn thanh niên đang gặp không ít khó khăn, trở ngại khi bắt tay vào thực hiện như hạn chế về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu đầu ra, thiếu vốn đầu tư... Xuất phát từ thực tế về nhu cầu việc làm của thanh niên toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định việc phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên. Theo đó, phát huy vai trò là cầu nối giúp ĐVTN lập thân, lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020”. Đây là cuộc thi do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch tổ chức nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đông đảo ĐVTN, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội đối với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của ĐVTN. Đối tượng tham gia cuộc thi bao gồm đông đảo ĐVTN, học sinh, sinh viên là người Thanh Hóa đang công tác, học tập trong nước. Mỗi năm, Tỉnh đoàn tổ chức 2 cuộc thi, mỗi cuộc thi được chia làm 3 vòng, gồm đi tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng đề án khởi nghiệp và vòng chung kết là thăng hoa ý tưởng.
Để cuộc thi tạo được sức lan tỏa, đến được với đông đảo ĐVTN, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc thi trên hệ thống thông tin của đoàn. Mỗi huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực đều thành lập trang facebook của huyện; thông qua đó phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền hoạt động của đoàn – hội đặc biệt là cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” đến đông đảo ĐVTN tại địa phương, đơn vị. Từ khi triển khai đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã 5 lần tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong ĐVTN tỉnh và phát động cuộc thi lần thứ 6 năm 2020. Tại vòng chung kết “Thăng hoa ý tưởng” lần thứ 5, ban tổ chức đã trao giải nhất cho ý tưởng “Chế tạo máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa” của tác giả Vũ Ngọc Chương, huyện Nga Sơn và các giải nhì, giải ba và khuyến khích cho 6 ý tưởng khởi nghiệp của các tác giả khác. Trước đó, tháng 12-2018, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong ĐVTN tỉnh lần thứ 3, trao giải nhất cho ý tưởng “Sản xuất than tre hoạt tính” của tác giả Lê Đức Bình, xã Tân Phúc (Lang Chánh).
Bước ra và thành công từ tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 3, ý tưởng “Sản xuất than tre hoạt tính” của tác giả Lê Đức Bình đã được hiện thực hóa và đang được triển khai thực hiện hiệu quả. Tác giả Lê Đức Bình chia sẻ: “Triển khai sản xuất mô hình than tre hoạt tính, ban đầu đây chỉ là một dự án, ý tưởng, nhưng khi nhận thấy dự án có tính khả thi cao, mình đã quyết tâm bắt tay triển khai thực hiện”. Bình đã thành lập Công ty TNHH Vietnam Charcoal, xã Tân Phúc (năm 2018). Công ty sau khi đi vào hoạt động đã nghiên cứu và tìm hiểu tác dụng của than tre hoạt tính trong xử lý môi trường, tác dụng với sức khỏe con người cũng như giải quyết được vấn đề phế phẩm của các nhà máy chế biến các sản phẩm thô từ tre luồng. Một trong những ý tưởng của sáng lập viên là: Tạo ra một đơn vị tại trung tâm của vùng nguyên liệu, từ đó thu hút đầu tư bên ngoài để đưa vào các công nghệ, sáng kiến nhằm quản lý rừng tre, luồng bền vững và tối ưu hóa giá trị của chuỗi cung cấp. Kế thừa kết quả nghiên cứu và ứng dụng sản xuất than tre hoạt tính của tổ chức JICA Nhật Bản, Công ty TNHH Vietnam Charcoal đã đầu tư 2 lò hoạt hóa than tre hoạt tính theo công nghệ Nhật Bản với số vốn đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng, tại thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc. Mỗi năm mô hình sản xuất than tre hoạt tính đem lại cho doanh nghiệp doanh thu hàng tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 300 triệu đồng. Bước đầu công ty đã xuất khẩu hàng than tre mảnh sang thị trường Nhật Bản để phục vụ trong ngành xây dựng. Đối với thị trường trong nước, công ty đang sản xuất và xuất bán cho một số khách hàng có công nghệ cao để sản xuất ra mặt hàng than tre chất lượng cao, ngoài ra công ty còn chủ động làm một số sản phẩm khử mùi, lọc khí trong môi trường để bán lẻ trong nước.
Có thể khẳng định, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra là sân chơi bổ ích, giúp ĐVTN có cơ hội trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp, từ đó tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Tuy vậy, để phong trào khởi nghiệp không chỉ là trào lưu mang tính hình thức và để có thêm nhiều ý tưởng được hiện thực hóa hơn nữa thì cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực. Theo ông Đỗ Minh Thủy, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông: Cộng đồng khởi nghiệp hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có những ý tưởng rất táo bạo. Nhưng bên cạnh sự táo bạo, các bạn cần thực tế hơn, cần xác định khởi nghiệp để lập nghiệp hay chỉ khởi nghiệp theo phong trào của thanh niên. Bởi nếu xác định rõ khởi nghiệp để lập nghiệp thì sẽ giúp các bạn có cái nhìn nghiêm túc, đúng đắn hơn, có tâm thế, có tư duy, cách làm, định hướng và lộ trình rõ ràng xem mình có gì để khởi nghiệp và kiên trì theo đuổi sự nghiệp của mình. Cùng với đó, các bạn trẻ cần có sự liên kết, làm sao để tiếp cận được các nhà đầu tư, những người hỗ trợ hoặc hợp tác được với mình trong quá trình khởi nghiệp. Như vậy con đường sẽ ngắn hơn để dẫn tới khởi nghiệp thành công.

Sáng tạo với nghệ thuật làm phim

Đáp ứng nhu cầu học làm phim cơ bản bằng các thiết bị làm phim bằng bất cứ thiết bị ghi hình như smartphone, tablet, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) mở Lớp đào tạo Nhà làm phim độc lập.

Lớp đào tạo giúp người học khám phá những kỹ năng cơ bản trong môn nghệ thuật thứ 7.
Lớp đào tạo giúp người học khám phá những kỹ năng cơ bản trong môn nghệ thuật thứ 7.
Sự phát triển thần tốc của công nghệ dường như đã hiện thực hoá những điều vốn tưởng như không thể. Với sự phát triển không ngừng của các thiết bị điện tử thông minh, làm phim bằng bất cứ thiết bị ghi hình nào như điện thoại di động, máy tính bảng, v.v… đang là xu hướng mới trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.
Đáp ứng nhu cầu học làm phim cơ bản bằng các thiết bị tự có, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) mở Lớp đào tạo Nhà làm phim độc lập. Lớp học giúp cho người học có thể khám phá kỹ năng sáng tạo nghệ thuật và cơ hội biểu đạt những ý tưởng và quan điểm cá nhân bằng nghệ thuật thứ 7. Đặc biệt, học viên có thể thực hành làm phim ngắn bằng điện thoại thông minh và tham gia cuộc thi “Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc” do IFI tổ chức với cơ hội một chuyến du lịch sang Pháp tham dự và trình chiếu tác phẩm tại Liên hoan phim Angoulême.
Năm 2019, hai tác giả Võ Huy Thăng và Lê Đình Tuyển đã dành giải Nhất cuộc thi phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc của IFI năm 2019 với tác phẩm “Trôi”. Tác giả sau đó đã có những chia sẻ rất thú vị về chuyến đi tham dự Liên hoan phim Angoulême, Cộng hòa Pháp, cơ hội gặp gỡ các chuyên gia điện ảnh kỳ cựu và tìm hiểu các công nghệ mới, các thể loại ứng dụng công nghệ mới vào điện ảnh.
Ngoài cơ hội được tiếp xúc với không gian điện ảnh hiện đại, các học viên sẽ được trang bị các kỹ năng cơ bản cần thiết, từ phát triển ý tưởng, quay phim, kỹ xảo âm thanh cho đến hậu kỳ và hoàn thiện tác phẩm. Giảng viên lớp học là các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại Việt Nam như họa sĩ Nguyễn Long Hưng - Giảng viên trường Sân khấu Điện ảnh, đạo diễn Vương Minh Việt – Giám đốc Công ty EZMEDIA, chuyên sản xuất dạng phim viral và nhạc sĩ Trần Đức Minh – cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, người từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các học viên sẽ có dịp giao lưu với hai tác giả Võ Huy Thăng và Lê Đình Tuyển.
Để tìm hiểu thêm thông tin, xin vui lòng truy cập website Viện Quốc tế Pháp ngữ.

Khởi nghiệp ăn uống vượt 'bão'

Cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường, tuy nhiên tình hình kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống vẫn chưa trở về như thời gian trước. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang tìm cách vượt 'bão' khó khăn.

Nhiều bạn trẻ kinh doanh ngành ăn uống đang tìm cách vượt “bão”; Hằng Hà
Nhiều bạn trẻ kinh doanh ngành ăn uống đang tìm cách vượt “bão”; Hằng Hà
Nhiều nơi vẫn “cửa đóng then cài”
Con đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM vốn được coi là thiên đường ăn uống tại TP.HCM với cửa hàng san sát đủ loại thương hiệu. Trong dịch COVID-19, rất nhiều cửa hàng tại đây trả mặt bằng. Ngày 16/6, khi chúng tôi khảo sát trên con đường này, rất nhiều tiệm đồ ăn, uống vẫn cửa đóng then cài, ở ngoài dán giấy “cho thuê mặt bằng”. Trên đường Trần Quang Khải, Q.1, nhiều tiệm trà, cà phê lớn cũng trong tình cảnh tương tự.
Khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM vốn là địa điểm ăn uống sôi động, nhất là buổi tối, nhưng trong khoảng gần 2 tháng qua, nơi này yên ắng hơn, nhiều tiệm cà phê, đồ nướng, lẩu phải đóng cửa.
Chị Trần Leica, 35 tuổi, chủ tiệm cà phê Sài Gòn Xưa (120 đường 9A), cho biết chị có 2 tiệm cà phê tại khu Trung Sơn nhưng hiện tại chỉ thu về 1 tiệm. Chị cho hay: “Doanh thu có giảm đi một chút do thói quen của một bộ phận khách hàng thay đổi, vì đã qua một thời gian cách ly xã hội ở nhà, tự nấu nướng, tự phục vụ nên vẫn duy trì thói quen đó. Xung quanh đây, nhiều quán đóng cửa. Không chỉ cà phê, ăn uống mà các phòng vé máy bay cũng trả mặt bằng”.
Anh Hoàng Việt, 31 tuổi, chủ thương hiệu Laha Coffee với hơn 100 cửa hàng ở TP.HCM, Lâm Đồng, Đắk Lắk, cho biết sau dịch COVID-19, tâm lý người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm. Theo quan sát của anh, nhiều cửa hàng lĩnh vực ăn uống bị đóng cửa sau dịch, chưa thể phục hồi.
Chị Đỗ Ngọc Bích, 29 tuổi, chuyên viên tư vấn marketing F&B tại VN, cho biết: “Việc đóng cửa không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp khởi nhiệp. Nhiều đơn vị lớn, kinh doanh lâu năm cũng bị ảnh hưởng và về lý thuyết thì chuỗi càng lớn, hệ thống kinh doanh càng cồng kềnh, đồ sộ thì khả năng thích ứng linh hoạt sẽ càng khó. Sau dịch, nhiều người bị ảnh hưởng mất việc, giảm lương thì sẽ thắt chặt chi tiêu, tự nấu ăn uống tại nhà”, chị Bích nói.
Cùng nhau vượt “bão”
Thay đổi cách quản trị, làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp túi tiền, đưa đến tận tay người tiêu dùng là cách nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang áp dụng. Anh Hoàng Việt cho hay thời gian này anh tập trung phát triển những cửa hàng đang có cho tốt, không ồ ạt nhân rộng quy mô. Các điểm bán cà phê mang đi bên đường và các thùng cà phê trên xe máy bán ở các quận trong thành phố được anh Hoàng Việt duy trì từ trong dịch tới hiện nay để cà phê tới khách hàng được tiện, nhanh nhất. Anh cũng đưa trà sữa với giá phải chăng từ 18.000 - 25.000 đồng/ly vào thực đơn.
Chị Vũ Thị Hữu Nghĩa, chủ thương hiệu cà phê Kết Nối tại Đà Lạt, cho hay kinh nghiệm vượt “bão” của chị lúc này là “không tăng giá sản phẩm, đẩy mạnh giao cà phê tận nhà, tiếp tục đầu tư vào không gian quán, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng sức cạnh tranh, đãi ngộ tốt nhân sự để giữ chân nhân viên có kinh nghiệm”.
Cơ hội vàng tìm lại mặt bằng
Trong khó khăn, thấy cơ hội - đó là quan niệm của nhiều nhà khởi nghiệp hiện đại. Chị Trần Leica cho biết lúc này nhiều cửa hàng trả mặt bằng do kinh doanh khó khăn chính là lợi thế của những người kinh doanh khác, sẽ có cơ hội tìm thuê được mặt bằng tốt hơn, chủ nhà ưu đãi nhiều hơn.
Anh Lê Quốc Thạch, 31 tuổi, chủ thương hiệu bánh mì Kebab Torki với 200 cửa hàng/ki ốt/xe đẩy các tỉnh thành, cho biết sau dịch COVID-19, kinh doanh đồ ăn/uống mang đi sẽ khởi sắc hơn. Bản thân anh đã phát triển thêm một số ki ốt/xe đẩy nhượng quyền.
“Tâm lý người mới khởi nghiệp cũng không tập trung vào phân khúc nhà hàng lớn, đồ sộ do vốn quá lớn, thu hồi chậm, rủi ro cao. Tại một số ki ốt, tôi cũng bán thêm sản phẩm mới như gà rán, xôi chiên để tăng thêm doanh thu”, anh Thạch nói. Theo anh Thạch, để vượt “bão” khó khăn sau dịch COVID-19, các bạn trẻ cần ứng biến nhưng phải lắng nghe suy nghĩ, tâm tư, mong muốn của khách hàng để thay đổi.
Trong khi đó, chuyên viên tư vấn marketing F&B Đỗ Ngọc Bích cho rằng: “Các bạn khởi nghiệp F&B, thứ nhất cần đánh giá lại đối thủ, tâm lý tiêu dùng và hành vi của khách hàng thay đổi như thế nào. Sau đó, đánh giá món của mình, về giá, cách bán hàng, dịch vụ, nhân viên, địa điểm còn phù hợp không. Sau khi xem xét kỹ thì thay đổi một phần hoặc nhiều phần. Có thể đổi menu, lên combo, chuyển sang bán giao tận nhà, chuyển đổi địa điểm để cắt giảm chi phí, thay đổi chiến lược marketing từ diện rộng sang “du kích”, truyền miệng. Với hệ thống lớn, có thể xem xét thu hẹp quy mô, cắt lỗ”, chị Bích tư vấn.

Đừng ảo tưởng khi khởi nghiệp

Câu chuyện nhiều sinh viên 'mất tích' vì dính bẫy kinh doanh đa cấp, dưới mác là đội nhóm khởi nghiệp vừa qua, cho thấy nhiều người trẻ quá ảo tưởng khi xem khởi nghiệp là thành công được ngay...

Tham gia các lớp học, hội thảo khởi nghiệp, người trẻ cũng cần cân nhắc và đến những địa điểm uy tín để tránh bẫy lừa đảo đa cấp biến tướng; Nữ Vương
Tham gia các lớp học, hội thảo khởi nghiệp, người trẻ cũng cần cân nhắc và đến những địa điểm uy tín để tránh bẫy lừa đảo đa cấp biến tướng; Nữ Vương
Đừng nghĩ học bơi xong là lao ngay xuống biển
Theo anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, thời gian qua phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh, ngoài việc mang đến những mặt tích cực, cũng có không ít hệ lụy mà nguyên nhân gốc rễ là do nhận thức sai lệch của một bộ phận bạn trẻ vì thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm.
“Câu chuyện sinh viên đồng loạt 'mất tích' khi dính bẫy kinh doanh đa cấp vừa rồi là minh chứng cho việc một số người xấu đã lợi dụng những nhận thức sai lệch, sự cả tin của người trẻ để giăng bẫy lừa đảo với tên gọi rất hợp thời cuộc là nhóm khởi nghiệp”, anh Hiếu phẫn nộ.
Anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng: “Chỉ với việc tham gia một lớp học mang danh khởi nghiệp mà bạn trẻ nghĩ rằng mình có thể thành công, quả thật quá sức ảo tưởng. Hãy thử tưởng tượng bạn vừa học bơi xong là lao ngay xuống biển, bạn bơi được bao lâu thì chìm? Chưa kể những chú cá mập đang há sẵn mồm để sẵn sàng nuốt chửng ngay khi bạn vừa rơi xuống nước. Học bơi và đến khi bơi thành thạo để sống sót giữa đại dương là cả một hành trình, không thể là ngày một ngày hai”.
Cũng theo anh Hùng, nếu học xong một lớp về khởi nghiệp không chính danh nào đó, bạn thấy năng lượng và ham muốn được đẩy lên tột cùng. Sự thúc đẩy không thể kiểm soát đó làm cho bạn sẵn sàng lừa dối bố mẹ, người thân và bạn bè để lấy đi bao nhiêu của cải tích góp cả đời nhằm quẳng vào một phi vụ đầu tư siêu lợi nhuận mà không cần làm gì cả. Và rồi, chính các bạn và người thân sẽ phải trả giá.
Hãy ngưng ảo tưởng, thành công không dễ dàng như các bạn nghĩ”, anh Hiếu nói và nhấn mạnh: “Khởi nghiệp chân chính chưa bao giờ thành công dễ dàng. Nếu ai đó hứa với bạn câu chuyện khởi nghiệp thành công dễ dàng thì hãy nhớ ngay câu nói nổi tiếng “miếng pho mát miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột”. Các bạn trẻ đừng để chết vì sự bồng bột, thiếu suy nghĩ”.

Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng

Là một người trẻ từng khởi nghiệp bên Mỹ, sau đó về Việt Nam tiếp tục con đường khởi nghiệp, Kevin Tùng Nguyễn (sáng lập và điều hành ứng dụng tìm việc làm JobHopin.com, gương mặt trẻ dưới 30 tuổi ảnh hưởng tầm châu Á 2019) cũng khẳng định: “Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng và không mang màu hồng”.
Tùng kể, trước đây Tùng là 1 trong 2 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần của Trường ĐH Ohio Wesleyan (Mỹ), toàn bộ học phí đều không phải lo. Nhưng từ năm nhất đại học, Tùng đã đi làm thêm rất nhiều việc, có khi một tuần làm 4 - 5 công việc khác nhau để kiếm tiền. Đến năm thứ 2 đại học, Tùng gặp được người bạn đồng hành và cùng khởi nghiệp làm dự án về ứng dụng phần mềm chụp hình điện thoại. Sau đó, Tùng bán công ty với số tiền khá lớn.
Mới học năm 2, từ anh chàng bồi bàn, làm đủ mọi việc để kiếm tiền, bỗng dưng lại bán được dự án với rất nhiều tiền. Khi đó, còn trẻ tuổi nên tôi có phần kiêu ngạo, cứ nghĩ làm gì mà tiêu hết được số tiền này. Thế rồi tôi lao vào làm dự án khác, hai công ty tiếp theo đều thất bại. Dự án thứ 2 thất bại là do quá kiêu ngạo, cứ nghĩ rằng mình có đủ số tiền xoay sở, nhưng mới bắt đầu 6 tháng đã hết sạch tiền”, Tùng nhớ lại.
Lúc đó, Tùng nhận ra về công nghệ thì có thể tự học, nhưng để hiểu về tài chính, kinh tế thì phải quay lại trường tiếp tục trau dồi.
Chính thời gian học tập tại trường đã giúp tôi vững vàng hơn về kỹ năng, lấp đầy những lỗ hổng kiến thức. Nếu bạn đã có cơ hội để được học tại một trường đại học tốt, đừng phí hoài thời gian trên giảng đường. Trường học chính là chiếc nôi tri thức mà bạn nên tận dụng khai thác, đây sẽ là những kiến thức nền, giúp bạn bước vào đời một cách thông minh và vững vàng nhất”, Tùng nhắn gửi.

Học khởi nghiệp ở đâu an toàn ?

Theo anh Trương Thanh Hùng, nếu muốn học về khởi nghiệp và nhận được những nguồn lực hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cách dễ nhất là bạn trẻ hãy liên hệ sở khoa học - công nghệ tỉnh/thành phố. Đây là đơn vị đầu mối điều phối các hoạt động về khởi nghiệp tại địa phương. Đối với một số tỉnh, thành đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thì sẽ có trung tâm hỗ trợ. Ví dụ ở Hà Nội có Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, ở TP.Đà Nẵng có Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Đà Nẵng, TP.HCM có Saigon Innovation Hub. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH cũng đã hình thành các đơn vị hỗ trợ sinh viên...

Khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô

Anh Trần Văn Đức (sinh năm 1988, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Xương, An Giang) khởi nghiệp thành công với mô hình nghề chế biến cá khô để làm giàu trên quê hương.

Nghề chế biến cá khô từ lâu trở thành nghề truyền thống ở xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, An Giang). Đã có nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ nghề cá khô cũng như những thanh niên trẻ nuôi chí lập nghiệp từ đây. Điển hình là mô hình khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô để phát triển kinh tế của anh Trần Văn Đức (sinh năm 1988, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Xương).
Sau khi học hết lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể theo đuổi ước mơ ở giảng đường đại học, nhưng ý chí làm giàu trong anh Đức lúc nào cũng mãnh liệt. Với ý nghĩ đó, anh chọn cho mình nghề chế biến cá khô, nghề truyền thống của gia đình và quê hương. Năm 2010, anh Trần Văn Đức quyết định khởi nghiệp, thành lập Cơ sở sản xuất khô Đức Phát với các sản phẩm khô mang đậm hương vị dân dã truyền thống được người tiêu dùng đón nhận.
Sau 10 năm xây dựng và không ngừng đầu tư phát triển, anh Trần Văn Đức đã thành công với đứa con tinh thần của mình. Nhớ lại những ngày đầu khi nối nghiệp nghề cá khô của gia đình anh đã gặp không ít khó khăn: sản phẩm cá khô qua chế biến bị hư hỏng, thời gian sử dụng ngắn, quy trình tẩm ướp chưa đạt yêu cầu.
Anh Đức chia sẻ: “Thời gian bắt đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn dù được thừa kế kinh nghiệm của cha mẹ để lại. Bởi, kinh nghiệm bản thân còn yếu. Kế đó là việc tìm mua nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Với những con cá đồng ngày xưa, rất dễ để làm khô. Còn cá nuôi như hiện nay quy trình sản xuất khó hơn do thịt không săn chắc, hàm lượng mỡ cao hơn cá đồng nên quy trình muối đòi hỏi chặt chẽ hơn, nhiều công đoạn hơn”.
Sản phẩm cá khô do thanh niên trẻ khởi nghiệp được thị trường đón nhận
Sản phẩm cá khô do thanh niên trẻ khởi nghiệp được thị trường đón nhận
Sau nhiều lần thất bại, chàng trai trẻ đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quy trình chế biến. Đối với công thức tẩm ướp, gia vị được xem là yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Để sản phẩm khô đạt như mong đợi, những mẻ khô đầu tiên, anh đã gửi cho bạn bè, người thân dùng thử. Từ sự phản hồi đó, cùng với những “bí quyết” được cha mẹ truyền lại, cộng với sự mày mò, học hỏi, nghiên cứu thêm, anh Đức đã có được công thức tẩm ướp riêng mình. Xác định khô là mặt hàng dễ bị cạnh tranh nên sản phẩm không chỉ có công thức tẩm ướp tốt mà nguyên liệu đầu vào cũng phải đảm bảo.
Anh Đức bộc bạch: “Không thông qua thương lái như trước mà mua trực tiếp từ vùng nuôi nên nguyên liệu làm khô giờ khá ổn định. Nhờ uy tín và sự ổn định về chất lượng nên khách hàng tin tưởng, từ đó đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Thị trường của tôi hiện nay ở TP. Long Xuyên và TP. Hồ Chí Minh là nhiều nhất”.
Quá trình thành phẩm khô của anh Đức được thực hiện theo một quy trình an toàn và sạch. Cá được ủ bằng nước đá và muối ngăn không cho cá sình, hư. Nơi làm cá được xây từ gạch bông chống trơn trợt và bẩn. Chất thải được thải xuống ao nuôi cá cho các loại cá khác ăn và tiếp tục phát triển. Đầu cá lóc được giữ lại ủ thành mắm. Cá sau khi được làm sạch, được tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 1-3 ngày; phơi ngoài trời nắng, che phủ bởi màng kín chống bụi bẩn. Khi kiểm tra cá khô đã đủ nắng, sẽ đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không để thời gian bảo quản được dài hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với cách nghĩ, cách làm của riêng mình, anh Đức đã từng bước phát triển nghề chế biến cá khô của gia đình. Hiện nay, việc kinh doanh đã ổn định và phát triển, mỗi tháng Cơ sở sản xuất khô Đức Phát của anh cung ứng cho thị trường bình quân từ 2-3 tấn khô, với sản phẩm khô chủ lực là cá sặc rằn và cá lóc, đồng thời cơ sở còn chế biến thêm cá loại cá khô theo mùa như: cá chốt, cá lăng, cá chạch… Vào những dịp lễ, Tết, đơn hàng của cơ sở tăng gấp đôi so với ngày bình thường.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương Châu Văn Nguyên cho biết: “Xã Vĩnh Xương là địa phương có truyền thống đối với nghề khô. Thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chế biến cá khô phát triển, trong đó có cơ sở cá khô của anh Trần Văn Đức.
Anh Đức là thanh niên trẻ, có ý chí vươn lên làm giàu, phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương. Cơ sở của anh còn tạo việc làm thêm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có được thu nhập ổn định. Đặc biệt, khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được cơ sở đặt sức khỏe người tiêu dung lên hàng đầu. Ngoài ra, địa phương liên kết với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên cho các cơ sở”.

Startup xe tự lái tung dịch vụ thuê xe theo giờ độc đáo

Chungxe là một startup kinh tế chia sẻ với mục đích kết nối những người sở hữu xe (ô tô, xe máy) nhàn rỗi và những người có nhu cầu thuê.

Tham gia vào thị trường thuê xe tự lái với nguồn lực không dồi dào như các đại gia nước ngoài, Chungxe đã tìm cho mình một hướng đi khác biệt và không ngừng nâng cao chất lượng, nhờ vậy, sau 2 năm, startup đã đạt 4.000 lượt đặt thành công.
Hiện tại ở Việt Nam, ngoài các nền tảng gọi xe phổ biến là Grab, Be, Go Việt thì thị trường thuê xe tự lái còn khá phân mảnh và ít tên tuổi nổi bật. Tận lực những nguồn lực dư thừa của xã hội kết nối chúng lại và tạo ra giá trị cho xã hội đó chính là ý nghĩa của nền kinh tế chia sẻ.
Ra mắt vào năm 2018, Chungxe là một startup kinh tế chia sẻ với mục đích kết nối những người sở hữu xe (ô tô, xe máy) nhàn rỗi và những người có nhu cầu thuê.
Những người sở hữu xe nhàn rỗi có thể đăng ký cho thuê xe trên nền tảng của Chungxe. Họ có toàn quyền quyết định mức giá thuê, Chungxe sẽ đóng vai trò trung gian tư vấn mức giá phù hợp và hạn chế tối đa việc phá giá để đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp khác trên thị trường.
Khách hàng thuê xe có thể lựa chọn giữa hàng trăm loại xe, so sánh giá cả với các mức giá công khai và rẻ hơn 10% so với thị trường chỉ trong một cú click chuột. Các loại xe của Chungxe đều có thời gian sử dụng dưới 3 năm và được bảo dưỡng thường xuyên.
Chia sẻ về mục tiêu khi xây dựng Chung xe, anh Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc Khối Kinh doanh của Chungxe cho rằng việc sở hữu ô tô từ lâu đã trở thành một ước mơ của người Việt. Tuy nhiên Chungxe hi vọng rằng trong tương lai mọi người không bắt buộc phải sở hữu xe mà dần chuyển sang việc thuê xe, nhất là khi sở hữu xe sẽ kéo theo nhiều thủ tục và chi phí (bảo dưỡng, gửi xe, chi phí sửa chữa…)
Là một startup nền tảng, đặc biệt nền tảng kinh tế chia sẻ, việc “đốt tiền” để phát triển là điều không thể tránh khỏi. Chungxe cũng liên tục triển khai khuyến mại nhằm thu hút khách hàng nhưng vẫn phải cân bằng để duy trì kinh phí hoạt động.
Giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài 3 tuần, các hãng gọi xe công nghệ buộc phải dừng hoạt động chở khách (dịch vụ không thiết yếu), chỉ có xe cá nhân được hoạt động. Tận dụng thời điểm đó, Chungxe phát triển thêm các dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách, như dịch vụ thuê xe theo giờ. Khi khách hàng thuê xe tương đương với việc trong khoảng thời gian thuê, khách có quyền sử dụng xe và coi như một phương tiện cá nhân.
Thông thường với dịch vụ thuê xe tự lái, khách hàng thường có lịch trình sẵn và thuê xe theo ngày. Tuy nhiên, sự lây lan của dịch bệnh, cộng với việc không thể di chuyển bằng phương thức gọi xe công nghệ, khiến nhiều người hướng đến thuê xe tự lái trên nền tảng.
Xe (ô tô, xe máy) là một tài sản tương đối có giá trị nên các chủ xe thường e ngại rủi ro khi phải giao tài sản cho người khác sử dụng. Startup đang làm việc với bên bảo hiểm để cung cấp thêm các gói bảo hiểm. Ngoài ra trước khi kết nối, công ty cũng hỗ trợ chủ xe trong quá trình thẩm định để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
Thẩm định một người thuê xe là một bài toán khó do ở Việt Nam chưa có một kho dữ liệu, thông tin tập trung do đó quá trình thẩm định sẽ tốn công sức hơn. Trong tương lai, startup hướng tới việc ứng dụng công nghệ để xác minh tính chính xác của hồ sơ người thuê xe, tối giản hóa công tác thẩm định.
Sau gần 2 năm hoạt động, Chungxe đã có hơn 4.000 lượt đặt thành công. Chungxe cũng xây dựng kho dữ liệu của của một số đối tượng lừa đảo thuê xe để đảm bảo an toàn cho chủ xe. Ngoài ra, Chungxe cũng hỗ trợ thẩm định mềm hồ sơ bên thuê, để nếu khách hàng cảm thấy rủi ro, họ có thể dừng hợp tác.

Bỏ việc ngân hàng đi khởi nghiệp vì 'sợ đời buồn tẻ'

4 năm trước, khi rời vùng an toàn - một công việc ổn định ở ngân hàng, Nguyễn Trường Giang tình cờ biết xếp hình tangram và bị cuốn vào nó.

Không phải là sau vài năm làm ngân hàng thấy không phù hợp mà Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1979) nghỉ việc như bao bạn trẻ. Anh cho biết đã gắn bó ngân hàng 15 năm với vai trò nhân viên tín dụng. Nhiều năm trong nghề, anh nói rằng công việc không có gì áp lực, quá quen thuộc và đều đặn.
"Làm một công việc đã lâu nhưng càng ngày tôi cảm thấy như đó là một cách kiếm tiền miễn cưỡng mà mình không đam mê. Tôi muốn có việc gì đó thử thách, mới mẻ và khó khăn hơn một chút", anh nói đó là lúc thấy mình như con cá trong ao thật sự muốn bơi ra một môi trường biển rộng lớn hơn.
Ngày nghỉ việc, vợ Giang không phản đối. Anh kể, vợ còn thoải mái động viên anh thử sức khởi nghiệp. "Vợ không đặt hạn định là mình ra ngoài tự làm trong bao lâu để thử sức. Cô ấy chỉ nói khi nào tự bơi mãi mà vẫn thất bại thì cứ quay về đi xin việc gì đó làm công để có thu nhập", anh nói.
Ban đầu, Giang nghĩ tới kinh doanh bất động sản nhưng sau tự thấy việc này không khác gì đi làm ngân hàng. Rồi Giang nảy ra ý tưởng mở quán "phở sườn bò", nhưng vẫn cảm thấy không ổn vì cũng không đạt tiêu chí "làm cái chưa ai làm, hoặc là làm tốt hơn cái mà mọi người đã làm". Thế nên, Giang đi du lịch tìm ý tưởng.
Nguyễn Trường Giang, Nhà sáng lập The Small T. Ảnh nhân vật cung cấp.
Nguyễn Trường Giang, Nhà sáng lập The Small T. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tangram 'made in Vietnam'
Trong một lần đến Nhật, khách sạn nơi Giang ở để sẵn hộp T Puzzle – một trò chơi tangram - cho khách tiêu khiển. Tình cờ chơi thử, anh cảm thấy rất thích thú và nảy ra ý định sản xuất loại trò chơi này.
Nhưng tangram không phải là điều gì mới mẻ, nếu không nói là quá cũ. Người sáng tạo ra trò xếp hình này đã sống cách đây gần 1.000 năm. Phiên bản phổ biến nhất của tangram bao gồm 7 mảnh ghép để người chơi kết hợp lại với nhau thành các hình dạng có nghĩa, mà không chồng chéo nhau.
Gần 120 năm trước, T puzzle ra mắt tangram 4 mảnh ghép đầu tiên, và đến nay chưa có tangram 4 mảnh ghép nào mới xuất hiện. Nhà toán học người Mỹ Martin Gardner, người đã góp phần chỉnh sửa bản T puzzle, từng nói "Tôi không biết có một trò lắp ráp nào vừa ít vừa khó đến như vậy". Nhưng Giang vẫn muốn làm cái gì đó khác đi cho tangram, một trò chơi hơn trăm năm không còn "tiến hoá".
Về Việt Nam, Giang kể lại ý tưởng chế tạo một tangram 4 mảnh ghép hoàn toàn mới với vợ. Không phản đối, để chồng theo đuổi nhưng cô bình luận "vô lý và điên rồ". Biết sẽ rất khó, ban đầu anh đặt mục tiêu chế tạo một bộ tangram 5 miếng.
"Suốt một thời gian dài, tôi chỉ có ăn xong là lao vào chế tạo, ngày nào cũng làm việc tới khuya. Trong thời gian đó hầu như trong đầu tôi không có gì khác ngoài tangram", anh kể lại.
Khi đã thiết kế ra tangram, chọn vật liệu cho nó cũng là câu chuyện nhiều thất bại. Ban đầu, Giang đầu tư vài trăm triệu để mua máy về làm tangram bằng arylic. Thế nhưng, khi chào hàng thì các nơi lại lắc đầu vì trông như đồ nhựa, không thân thiện. "Tôi nhận ra rằng, đồ chơi gỗ mới gây được nhiều cảm xúc hơn bởi tính mộc, gần gũi thiên nhiên và phụ huynh thấy an toàn cho con", Giang nói.
Đến khi làm một hộp đựng tangram bằng gỗ MDF theo phong cách cổ điển với móc khoá, thành phẩm rất đẹp nhưng lại không bền. Các gia đình có con nhỏ dùng vài lần thì rất dễ hỏng do rơi vỡ. Cuối cùng, anh phải nhờ chuyên gia về thiết kế tại Singapore và Nhật Bản để hoàn thiện phần vỏ hộp với độ đền và thẩm mỹ như hiện tại. Còn chiếc máy sản xuất tangram arylic anh phải bán lại với mức giá "phế liệu".
Khi T1-  phiên bản đầu tiên của tangram 5 miếng - chế tạo thành công, thì bộ chỉ ghép được 24 hình và triết lý chế tạo còn rất sơ khai. Anh sản xuất thử 100 hộp vừa bán vừa tặng và hết sạch trong 2 ngày. Anh nói rằng không ngờ phản ứng của khách hàng lại tích cực như vậy. "Nhưng hàng xóm vẫn hoài nghi và dè bỉu một ông ngân hàng nghỉ việc ngồi nhà làm đồ chơi để vợ ngày ngày đi làm", Giang kể.
Cuộc chơi 'hack não'
Tangram vốn là một trò thử thách tư duy và sự kiên nhẫn của người chơi, gọi nôm na là một thể loại đồ chơi xếp hình "hack não". Tuy nhiên, để nó ra đời thì người sáng tạo phải bị "hack não" trước. Sau T1, Giang nhắm đến mục tiêu xô đổ kỷ lục 120 năm chưa có tangram 4 mảnh ghép nào mới mà anh thừa nhận là "vô cùng gian nan và khó khăn" đến độ ngồi ăn cũng nghĩ đến các thiết kế hình học.
Để vượt qua được những lúc giải mãi không ra bài toán thiết kế, Giang nói chỉ bám vào 3 từ khóa của bản thân "đam mê - nhiệt huyết - chăm chỉ".
Cuối cùng T3 cũng ra đời, nhưng không đủ khó và độ biến hóa không cao nên vẫn phải nghiền ngẫm tiếp phiên bản tangram 4 mảnh khó hơn. Mục tiêu của T4 là "key" được ẩn giấu tốt nhất để thách thức người chơi ở mức cao nhất. Sau nhiều lần thất bại, T4 cũng hoàn thành. Đây cũng là lúc Giang hoàn thiện triết lý về chế tạo tangram. Anh quay lại nâng cấp T1 từ 24 hình lên thành 48 hình.
Chế tạo xong T4, Giang đặt mục tiêu cao hơn nhiều, chế tạo tangram chỉ có 3 miếng mà theo anh là đầu tiên trên thế giới. Đến khi lao vào làm, anh thừa nhận phiên bản 3 miếng (tên T2) tốn nhiều sức lực nhất nhưng cũng xứng đáng. Nhiều người sốc khi cầm trên tay phiên bản này. "Tôi mang T2 mời một số bạn bè chơi thử. Quả thật, họ vô cùng bối rối khi đối diện với tangram chỉ có 3 miếng", anh kể.
Giang nói rằng, hầu hết thiết kế tangram cổ điển đều vẽ một lưới với các ô vuông đều nhau, sau đó các đỉnh mảnh ghép được thiết kế nằm trên các giao điểm của mắt lưới. Trong khi đó, tangram của anh có một số đỉnh không nằm trên giao điểm của mắt lưới và chính thiết kế này đã giúp sản phẩm phá vỡ được giới hạn về số mảnh ghép đã tồn tại suốt 120 năm qua.
Giang thừa nhận không đủ khả năng thêm một bộ tangram 4 mảnh khó hơn hai bộ trước. Do đó, anh đã phát hành phiên bản T5 với 5 mảnh có độ khó hơn bộ T5 hiện tại vào cuối năm ngoái. 
Bài toán kinh doanh
Nhưng startup thành công thì không chỉ nhờ sản phẩm sáng tạo mà còn rất nhiều khâu khác cùng vận hành. Giang chọn con đường giữ bản quyền thiết kế và đặt gia công sản xuất sản phẩm. Theo anh, đây cũng là cách mà các công ty công nghệ hiện đại đang làm.
"Với định hướng gia công sản xuất, chúng tôi không có bất kỳ cửa hàng vật lý nào, không có nhà máy riêng nên tự tin vượt qua khủng hoảng Covid 19 vừa rồi", Giang cho biết. Hiện nay, sản phẩm của anh chỉ bán trên các kênh trực tuyến qua website công ty, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Gần đây, The Small T - tên thương hiệu tangram của Giang -  đã cấp bản quyền cho đối tác tại Singapore gia công sản xuất tại Việt Nam. Anh cho biết, tổng cộng 4.500 hộp sản phẩm đã xuất khẩu qua Singapore.
Hiện nay, đối tác này đã bắt đầu xuất bán sản phẩm đi các nước như New Zealand, Mỹ, Australia, Nhật Bản và Pháp...Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng đang được tiến hành tại các thị trường này.
"Phiên bản T puzzle của Nhật đã bán được hơn 4 triệu hộp. Theo tôi tự đánh giá thì The Small T hay hơn phiên bản T puzzle khá nhiều và The Small T có 5 hộp tổng cộng nên doanh số mong đợi là 20 triệu hộp trên toàn thế giới", anh lạc quan.
Đồ chơi xếp hình "hack não" của Giang nhắm đến phân khúc khách hàng chủ yếu là trẻ em trên 7 tuổi và người lớn nhưng anh cho biết, thực tế người lớn chơi nhiều hơn. Giang tin mình có ngách riêng để phát triển, kể cả phải cạnh tranh chung với các dòng đồ chơi bằng gỗ khi tangram của anh cũng bằng gỗ.
"Trên thị trường rất hiếm các sản phẩm vừa đơn giản, có tính giáo dục, vừa thân thiện môi trường nên chúng tôi hoàn toàn có cơ hội để chiếm được một phần của miếng bánh ở thị trường đồ chơi giáo dục", Giang phân tích.
Sau khi hoàn thiện và bán ra 5 bộ tangram, Giang đang ấp ủ ý tưởng sản xuất một loại trò chơi đối kháng hai người khác, tương tự như các môn cờ vua, cờ tướng nhưng gia tăng thêm khả năng may rủi khi đối kháng. "Đây là ý tưởng mới hoàn toàn chứ không phải phát triển dựa trên một loại đồ chơi sẵn có như tangram trước đây. Tôi dự định cần 10 năm để nghiên cứu và hoàn thiện", anh nói.
Giang cũng hy vọng tangram có thể nuôi được anh trong một thập niên nữa để có thể yên tâm nghiên cứu tiếp đam mê. "Vấn đề ở chỗ là bảo vệ được bản quyền của mình", anh giải thích.
Tuy nhiên, Giang thừa nhận, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Động lực để cải tiến sản phẩm với anh, không chỉ là từ khách hàng mà còn chính từ vợ. "Khi tôi nghỉ việc vợ không phản đối. Khi tôi mua máy móc để chế tạo các tangram bằng acrylic cô ấy cũng không phản đối. Đến khi tôi phải thanh lý toàn bộ máy móc vợ cũng không cằn nhằn... và vẫn tin tôi có thể thành công", Giang nói.
Vợ Giang hiện vẫn đi làm hàng ngày. Anh cho biết, vợ giờ đã an tâm và hài lòng vì thành công được vượt mong đợi của gia đình. Thành công - với anh là làm được cái gì đó kiếm tiền nhưng thách thức và góp được vào tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Còn khi hỏi thành công theo định lượng thì thế nào, anh nói "thu nhập đâu đó hàng tháng cũng gấp 5 lần hồi làm ngân hàng". 
Đến bây giờ, khi nhìn lại, Nguyễn Trường Giang vẫn cho rằng, nghỉ việc ngân hàng và lấn sân vào cuộc chơi "hack não" này, với anh là "điều gì đến cũng phải đến".

Khởi động sân chơi khởi nghiệp dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật

Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2020 với tiêu đề “Smart up for life” đã chính thức khởi tranh. Cuộc thi hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế.

Mỗi đội thi có tối đa 5 thành viên là sinh viên, học viên cao học. Trong mỗi đội có tối thiểu 2 sinh viên/học viên đang học tập tại trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước tính đến hết tháng 12/2020.
Cuộc thi thu hút được nhiều sinh viên khối ngành kỹ thuật tham gia. Ảnh: HUST
Cuộc thi thu hút được nhiều sinh viên khối ngành kỹ thuật tham gia. Ảnh: HUST
Mỗi thí sinh hoặc đội thi chỉ tham gia một đề tài dự thi. Các đội thi chỉ được báo cáo trước hội đồng khi có mặt trên 2/3 số thành viên đội.  
Các đội sẽ trải qua 3 vòng. Vòng 1: Các đội đăng ký tham dự và được hướng dẫn thể lệ cuộc thi, được tham gia đào tạo cơ bản để nộp đăng ký ý tưởng sáng tạo. Hai mươi ý tưởng sáng tạo tốt nhất từ vòng sơ loại sẽ được vào vòng 2, được tham gia đào tạo chuyên sâu để phát triển và cụ thể hóa ý tưởng thành đề án, trình bày trước Ban giám khảo.  Ở vòng 3, mười đề án tốt nhất được lựa chọn sẽ tham gia khoá huấn luyện nâng cao và được tài trợ để phát triển mô hình sản phẩm.
Năm đội xuất sắc nhất sẽ trình bày sản phẩm của mình tại lễ chung kết với phần hùng biện và tương tác với Ban giám khảo và khán giả để giành các giải thưởng giá trị được các công ty, các nhà đầu tư tài trợ và có cơ hội được tiếp tục huấn luyện phát triển ý tưởng khởi nghiệp.
Trong khoảng 6 tháng diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức sẽ tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. 
Từ năm 2019, cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa đã mở rộng đối tượng dự thi tới khối các trường kỹ thuật trong cả nước.