Việt Nam được nhiều startup ngoại xem là thị trường trọng điểm để phát triển thời gian tới.
Hiện diện từ năm 2021, Igloo, startup về bảo hiểm toàn diện của Singapore cho biết, Việt Nam luôn nằm trong những thị trường có doanh thu cao nhất của doanh nghiệp. Igloo cũng có mặt tại các thị trường như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippine với các trung tâm công nghệ tại Ấn Độ và Trung Quốc.
"Việt Nam đang là trở thành một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi. Ngành bảo hiểm Việt Nam được dự báo đạt quy mô 3,5 tỷ USD vào năm 2026 nhưng doanh thu của sản phẩm bảo hiểm công nghệ mới chỉ đạt 2-3%", ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam nói với VnExpress. Theo ông, trong gần 2 năm hoạt động, Igloo đã bán ra 13 triệu hợp đồng bảo hiểm ở Việt Nam, riêng năm ngoái là 10 triệu hợp đồng, đặc biệt hướng đến các đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, chưa được bảo vệ.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực mà startup này ra mắt sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết dựa trên blookchain nhằm bảo vệ nông dân trồng lúa. Igloo có tham vọng trở thành công ty bảo hiểm công nghệ (insurtech) hàng đầu tại Việt Nam.
Tương tự, nền tảng gọi xe Ấn Độ Zoomcar - chuyên kết nối chủ sở hữu ôtô với khách hàng có nhu cầu sử dụng cho mục đích cá nhân, kinh doanh, du lịch... cũng tìm thấy cơ hội lớn tại thị trường gần 100 triệu dân.
Ông Kiệt Phạm, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc quốc gia Zoomcar Việt Nam, cho biết sau hơn 1 năm hoạt động, startup đã có hơn 100.000 khách hàng đăng ký, thu hút được 3.000 chủ xe, tăng 500% doanh thu và 300% số chuyến xe. "Chúng tôi đã tiệm cận điểm hoà vốn trên từng chuyến xe và được kỳ vọng tăng trưởng gấp 2-3 lần trong 2023", ông nói.
Lợi thế lớn của Việt Nam, theo các startup này, là dân số trẻ, yêu công nghệ, có lượng người thu nhập trung bình tăng cao và ổn định.
Ông Trí nói, cơ cấu dân số có nhiều nhóm khác nhau, tạo cơ hội để startup có thể đưa ra những sản phẩm phủ hợp cho từng nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, sau Covid-19, người dân đã dành nhiều quan tâm hơn đến các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt mức độ sẵn sàng mua bảo hiểm trực tuyến đã tăng lên đáng kể.
Còn với Zoomcar, việc người Việt có nhu cầu cao về sử dụng ôtô trong khi chi phí sở hữu cao hơn các nước khác mang lại tiềm năng thị trường lớn. Theo hãng nghiên cứu Mordorintelligence, thị trường cho thuê xe Việt Nam được định giá dự kiến đạt 884 triệu USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt gần 14%.
"Việt Nam thậm chí là thị trường tiềm năng nhất của Zoomcar ở Đông Nam Á", ông Kiệt Phạm nhận định.
Igloo, Zoomcar không phải là những startup ngoại đơn lẻ ưa thích cơ hội tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Straits Times đưa tin, nhiều startup Singapore đang nhận ra việc phát triển tại Việt Nam thuận lợi hơn nhờ vào chi phí rẻ, nguồn nhân công dồi dào, thị trường lớn. Việc tìm kiếm nguồn vốn tại đây cũng được đánh giá là dễ dàng vì nhiều nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm đang tập trung vào thị trường này.
Việt Nam theo đó là một trong những trung tâm khởi nghiệp chính ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Giai đoạn 2020-2022, tổng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt gần 2 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm ngoái.
Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley Capital cùng đối tác là quỹ đầu tư mạo hiểm Lotte Ventures và cơ quan chính phủ Hàn Quốc KISED cuối năm ngoái cũng giới thiệu 14 startup xuất sắc của Hàn Quốc có ý định đưa sản phẩm đến Việt Nam. Theo ông Hong Sun, Phó chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Hàn Quốc, các startup Hàn có xu hướng đầu tư vào Việt Nam sau khi họ thấy nhiều công ty thành công trên thị trường. Ông cũng dự báo nhiều startup mới sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới.
Năm 2022, Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO ghi nhận Việt Nam xếp vị trí 48/132, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Mặc dù giảm 4 bậc so với 2021, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan. Việt Nam cũng xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu, tăng 5 bậc so với năm 2021
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, phía startup cũng cho rằng có nhiều thách thức, đặc biệt trong việc thay đổi quan điểm của người dùng. Với ngành bảo hiểm công nghệ, niềm tin của người dân vào bảo hiểm nói chung còn thấp, dẫn đến chưa mặn mà tham gia. Ngoài ra, dù lực lượng lao động đông, nguồn nhân lực chất lượng cao có am hiểu công nghệ vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của startup ngoại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét