Với 12 mặt trăng mới phát hiện, sao Mộc là hành tinh nhiều mặt trăng nhất hệ Mặt Trời, vượt qua sao Thổ với 83 vệ tinh tự nhiên.
Sao Mộc và ba mặt trăng lớn nhất trong bức ảnh chụp từ Chile. Ảnh: Damian Peach
Sao Mộc - hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời - chính thức trở thành hành tinh có nhiều mặt trăng nhất hệ với việc 12 mặt trăng mới được xác nhận đang bay trên quỹ đạo, IFL Science hôm 2/2 đưa tin. Tổng số vệ tinh tự nhiên của hành tinh khí khổng lồ này tăng lên thành 92, vượt qua con số vệ tinh ấn tượng của sao Thổ là 83.
Thực tế, cả hai hành tinh đều có khả năng còn nhiều mặt trăng hơn, nhưng việc tìm ra chúng là thách thức lớn đối với giới thiên văn học. Những mặt trăng nhỏ tới mức đến nay vẫn chưa được phát hiện có lẽ chỉ có thể quan sát bằng kính viễn vọng cực mạnh với trường quan sát không đủ rộng để quan sát toàn bộ hệ sao Mộc, vì ánh sáng chói mà sao Mộc phát ra khiến vấn đề phức tạp thêm.
12 mặt trăng mới, hiện đã được Trung tâm Hành tinh Nhỏ (MPC) công bố, do tiến sĩ Scott Sheppard theo dõi quỹ đạo trong suốt nhiều năm. Trước đó, ông cũng là người phát hiện một loạt mặt trăng khác của sao Mộc, công bố năm 2018.
9 trong số 12 mặt trăng mới thuộc nhóm mặt trăng ở phía xa, di chuyển nghịch hành quanh sao Mộc, nghĩa là chúng quay quanh sao Mộc theo hướng ngược lại với các mặt trăng phía trong. Với kích thước nhỏ, những thiên thể nghịch hành này đều mất ít nhất 550 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo.
3 mặt trăng còn lại thuộc nhóm mặt trăng thuận hành. Hai trong số đó thuộc nhóm Himalia, quay quanh sao Mộc ở khoảng cách 11 - 12 triệu km, mặt trăng còn lại thuộc nhóm Carpo, cách sao Mộc khoảng 17 triệu km.
Tất cả 12 vệ tinh tự nhiên mới của sao Mộc đều mất hơn 340 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo và quá nhỏ để được đặt tên chính thức. Chúng được cho là phần còn lại của các vệ tinh lớn hơn nhiều vỡ ra hàng triệu năm trước khi va chạm với thiên thể khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét