Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Tết Hà Thành đầu thế kỷ 20

Tết Hà thành những năm 1940 - trong ghi chép của ký giả Pháp - có tiếng pháo đì đẹt, thiếu nữ ăn vận tân thời, mặt hoa da phấn.

Ký giả Hilda Arnhold viết ký sự Bắc Kỳ - Phong cảnh và ấn tượng (Tonkin - Paysages et impressions) hơn 250 trang với minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh, ghi chép nhiều điều thú vị về phong tục, tập quán, lễ hội, cảnh sắc... Bắc Kỳ thập niên 1940, trong đó điểm nhấn là Hà Nội. Trích đoạn dưới đây được rút ra từ tập sách nói trên, do Hoàng Thanh Thủy dịch:

... Hiển nhiên, tất cả người châu Âu đều biết rằng Tết là lễ hội lớn nhất nước Nam, nhưng liệu họ có giải thích được những ý nghĩa tập tục của nó?

Tết An Nam, do tính biểu tượng, tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng nên không thể so sánh với bất cứ ngày lễ nào của người châu Âu. "Không đơn giản chỉ là một ngày đầu năm", Tết còn là "mối thống nhất giữa con người với tự nhiên trong niềm trỗi dậy vui tươi của sự tái sinh". Tết tính theo âm lịch, ứng với những hiện tượng tự nhiên, là "sự thần thánh hóa, sùng kính, hứng khởi của tín ngưỡng gia đình và thờ cúng tổ tiên". Sau hết và đặc biệt, Tết tạo ra cho cả cộng đồng một tâm thức chung, tạo nên sự nhất quán của những khối óc và trái tim hòa cùng một cảm xúc. "Vào mỗi dịp năm mới, người ta có thể quên hết mọi rủi ro, mọi khó khăn mà họ có thể đã phải trải qua trong năm cũ để sẵn sàng bắt đầu lại cuộc sống với hy vọng và hoan hỷ".

Không thể so sánh Tết với bất cứ lễ hội nào của người châu Âu. Nhưng ngay cả những nước phương Tây ít am hiểu nhất cũng lý giải được niềm hy vọng sục sôi bao trùm thời điểm này, cũng như nỗi hoan hỷ mà người ta cố gắng kìm nén, nhưng cuối cùng lại thủ tiêu mọi thứ ngăn giữ. Ngay cả tại các nhiệm sở, nơi những viên thư ký đã giữ được lâu nhất vẻ bình thản cần thấy của nhân viên mẫn cán, thì tâm trạng những ngày giáp Tết cũng "thổi" đến như luồng gió điên rồ. Điều này trở nên "bức bối" khủng khiếp khi những con người kém may mắn ấy phải nén chịu để mà sắp xếp ngôn từ theo đúng quy tắc Pháp ngữ, hoặc quy định sổ sách kế toán, trong lúc đầu óc thì bộn bề lo lắng, nào thì những món nợ phải trả, nào quà tặng cha mẹ, bạn bè phải tiếp đón, cùng vô vàn mối quan tâm cá nhân khác nữa.

Trong tầng lớp dân nghèo, những mối lo toan ấy cũng y hệt như vậy, nhưng người nghèo ít kiềm chế mà tự nhiên biểu lộ cảm xúc của mình.

Với những đứa trẻ chẳng giữ gìn ý tứ theo truyền thống và cũng không có lý do phải kìm nén niềm phấn khích, thì thật là mủi lòng khi quan sát chúng. Tại các trường nước Nam, vài ngày giáp Tết đã là Tết thực sự rồi. Một số trường nữ sinh ở Hà Nội nơi tôi hay đến, những ngày này chỉ có hoa tươi và những lời chúc tụng thầy cô giáo, những chuyện thân mật, các trò chơi, tiếng cười vang và hét hò vui vẻ. Đám học trò quên sạch cách chứng minh các trường hợp bằng nhau của tam giác, nhiều từ rất khó cần luyện phát âm trong thơ José María de Hérédia [1]... mà chỉ nghĩ đến kỳ nghỉ sắp tới cùng niềm vui đoàn viên bên gia đình.

Các giáo viên cũng vui vẻ, khoan dung vì niềm vui thơ trẻ ấy. Chẳng điểm kém nào, không hình phạt nào làm dịu được niềm háo hức; lượng bài tập phải làm giảm một nửa, các bài học cầm chừng... Những thiếu nữ nước Nam vốn rụt rè, e thẹn bỗng thành những nữ sinh phấn khích, nhấp nhổm như thể gai góc bỗng mọc ra trên các ghế băng giữa lúc những đôi guốc nhỏ khua khoắng rộn rã dưới gầm bàn. Chúng lén cắn hạt dưa, ăn vụng táo xanh truyền tay giấu giếm trong giờ học. Bóng ma của điểm 0, của động từ "cấm nói chuyện" dường như biến mất, bị tống khứ do thói "nổi loạn" trỗi dậy từ niềm vui chung.

Vẻ náo động mà ta thấy tại trường học cũng gặp ở những người lớn. Gần ba tuần trước Tết, các bà nội trợ bắt đầu sửa soạn, trên đường làng, tôi gặp vô số xe bò chở lá dong gói bánh chưng cùng các bác nông dân vác những cành đào còn đương nụ sẽ bung nở đúng ngày Tết, làm vui nhà vui cửa, mang theo nhiều may mắn bởi đó là biểu tượng của sức sống và sự bất tử.

Còn gần ba tuần mà những người bán hàng rong đã đi hết nhà này sang nhà khác để chào bán loại bưởi đặc biệt giữ tươi được đến hết Tết. Khắp nơi, người ta sơn lại tường, quét dọn, rửa ráy, xếp dọn nhà cửa trang trọng chào đón "thời khắc rạng đông của sự khởi đầu".

Tôi chưa bao giờ được tham dự không gian ấm áp diễn ra ở mọi nhà trong lễ cúng tiễn thần bếp Táo Quân, vào ngày 23 tháng Chạp. Dưới dạng hương khói (người ta đốt hình nộm, vàng mã), vị thần này sẽ bay lên trời gặp Ngọc Hoàng, trình báo những việc xảy đến trong gia đình nơi thần cư ngụ suốt năm qua. Để thần chỉ nói những lời hay ho, gia chủ dâng lễ thần bánh kẹo, còn khi ở Trung Quốc, tôi nhìn thấy vài ba tượng Táo Quân được người ta phết mật lên môi với cùng mục đích.

Tôi đã được dự những bữa cơm đón Năm mới của người nước Nam và tôi thấy trên bàn thờ tổ tiên của họ, suốt ba ngày Tết, các món ăn được dâng lên những người đã khuất như thể họ vẫn can dự vào cuộc sống của gia đình và con cháu của mình.

Ngày Tết, đó là ngày của bình yên, khoan hòa, và sẽ là xúi gở nếu trách móc ai đó hoặc buông ra những lời nóng nảy. Ngày này, tất cả cần vui vẻ và trang nghiêm.

Tôi nhớ lại buổi sáng Tết nào đó, hồi tôi mới đến Bắc Kỳ, đi dạo ở một thôn gần Lạch Tray, Hải Phòng. Lần đầu tiên tôi trông thấy cây nêu đung đưa cùng khóm lá xanh trang trí vui mắt giữa tiếng leng keng khe khẽ của những cái khánh [2]. Tôi vẫn chưa biết ý nghĩa của những vật thể ấy, nhưng điều trông thấy thật hay ho vì rằng nơi quê mùa tẻ nhạt ấy, sự hiện diện của chúng làm vơi đi vẻ ảm đạm của mùa đông, khiến tôi cảm giác rằng dưới những túp lều tranh được chúng che chở kia, con người ta trở nên hạnh phúc. Cây nêu, cây tre cao được róc bớt cành, chỉ trừ lại một khóm lá trên ngọn, được trồng ngay trước nhà hôm giáp Tết. Trên khóm lá xanh, người ta buộc những con cá gỗ nhỏ, những chiếc khánh bằng đất nung phát ra âm thanh, những lá cờ đuôi nheo màu đỏ, cành cây gai góc để xua đuổi tà ma, cùng đồ cúng các vong hồn và những món trang trí mang tính biểu tượng khác.

Đa số các công ty, các cửa hàng Âu hóa và tất nhiên là tất cả hãng buôn An Nam đều nghỉ Tết. Sau những ngày hối hả trước Tết thì đột nhiên quang cảnh trở nên yên tĩnh và êm ả.

Đêm giao thừa, người ta làm lễ tế Ngọc Hoàng Thượng Đế và "đón" các vị Táo Quân trở lại hạ giới sau mấy ngày trình diện Thiên giới báo cáo hằng năm. Ở nông thôn, các bàn thờ đầy ắp đồ lễ, sáng rực, đặt giữa sân, khói hương nghi ngút bay lên bầu trời lạnh lẽo...

Đêm giao thừa, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, mọi người bận rộn trong nhà với những việc sửa soạn cuối cùng. Phố xá vắng tanh, những bước chân của tôi vang lên xa lạ giữa thành phố "chết".

Thế rồi, giữa đêm giá rét căm căm, những tiếng pháo đầu tiên cất lên, và đến sáng hôm sau, tôi vẫn nghe thấy tiếng pháo đì đẹt, thi thoảng bị cắt ngang bởi tiếng nổ của một quả pháo cối. Qua cửa sổ để ngỏ, tôi ngửi thấy mùi thơm của hoa xoài [3] trên những tán cây trong Văn Miếu cùng mùi thuốc pháo và hương thơm phảng phất khắp thành phố trong ngày tết nhất này. Khoảng mười giờ sáng, những nhóm người đầu tiên đi chúc Tết ra khỏi nhà. Đến đầu buổi chiều, đám đông diện quần áo Tết xuất hiện đầy trên các lối phố. Những gia đình đông đúc với lũ trẻ đủ mọi lứa tuổi, cổ rụt lại, đĩnh đạc trong tấm áo mới xinh xẻo. Những toán thanh niên sôi nổi, các tốp thiếu nữ ăn vận tân thời sắc màu sặc sỡ, đầu tóc chải chuốt kỹ càng, mặt hoa da phấn.

Mặc dù lạnh giá và bầu trời xám xịt, ta vẫn thấy rõ biết bao niềm vui và sự vô lo trên những gương mặt ấy, đến nỗi ta phát ghen tỵ với người An Nam về ngày lễ thần kỳ này, nó mang đến cho họ, dẫu chỉ vài ngày, ảo ảnh rằng hạnh phúc là có thật.

Ngày đầu tiên của năm, người ta thường đi lễ đền chùa cầu mong thần Phật phù hộ. Ở đền Trấn Vũ [4], dưới tán xoài thơm ngát, các tín đồ đội mâm lễ ra vào, trong khi những người bán hàng thì ở ngoài sân bán bánh kẹo và hoa. Đứng sau dãy cột cao nhìn ra Hồ Tây, đám đông đa sắc ấy tạo thành bức ký họa tuyệt diệu không bút nào tả xiết. Càng không có ngôn từ nào diễn tả được không khí vui tươi đang tràn ngập cùng những nỗi niềm âm thầm hòa quyện giữa lòng thành kính và sự e sợ được khơi lên như thể đâu đó các đấng thần linh đang hiện diện.

Ngày tiếp theo, suốt cả ngày là những cuộc thăm hỏi, các nghi lễ gia đình, tiếng pháo nổ và cứ như vậy trong nhiều ngày nữa.

Ở thôn quê, ngày Tết diễn ra ấm cúng hơn, niềm vui cũng hồn hậu hơn, biết bao người nước Nam nuối tiếc rằng những đòi hỏi của đời sống hiện đại đã không cho phép họ quay trở về quê cha đất tổ, nơi toàn thể gia đình được sum vầy trong sự phù hộ của tổ tiên.

Xưa kia, kỳ nghỉ Tết thường kéo dài gần như hết cả tháng Giêng... Lễ tết là cơ sở tồn tại thân tộc của người nước Nam, cần tôn trọng những truyền thống nơi biết bao con người không những tìm được niềm vui và hạnh phúc trong vài ngày lễ tết, mà còn thấy được "niềm tin vào cuộc đời luôn tươi mới mà đôi khi họ rất cần trong đời sống thường nhật khó khăn và bấp bênh."

Hilda Arnhold (trích Nhâm nhi Tết - Nhâm Dần, NXB Kim Đồng)



[1] José María de Heredia (1842-1905): Nhà thơ, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Sinh tại Santiago, Cuba, sang Pháp năm mười tuổi và ăn học tại đây. Ông là nhà thơ thuộc trường phái Parness (Thi Sơn), sáng tác nhiều bài sonnet nghệ thuật hoàn hảo trong bố cục, từ ngữ, vần điệu.


[2] Một miếng bằng đá, bằng đất nung... phát ra âm thanh, có hình dạng giống như mỏ neo, người ta cũng làm nó từ vàng, xà cừ, bạc. (Chú thích của dịch giả).


[3] Trong Văn miếu Quốc tử giám, hay đền Trấn Vũ được ghi nhận là có nhiều cây cổ thụ họ xoài, dân gian gọi là muỗm hoặc quéo.


[4] Tên trong nguyên bản tiếng Pháp là La pagode du Grand Bouddha. (Chú thích của dịch giả).

Không có nhận xét nào: