Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Những du học sinh 'sốc văn hóa' khi về nước

'Mang nhiều hoài bão cống hiến cho quê hương sau khi về nước, nhưng tôi bị sốc toàn tập vì sự thiếu chuyên nghiệp của công ty'.
Ước tính, hơn 21.600 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ trong năm 2020-2021. Không có báo cáo chính thức về số lượng về nước hàng năm sau chương trình học, nhưng số người chọn trở về Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Nhiều người mong muốn mang những kiến thức mình học được ở trời Tây, về nước tìm cơ hội lập nghiệp, phát triển, góp phần xây dựng đất nước. Nhưng thực tế chào đón họ ở quê nhà lại không đẹp như mơ.
Là một người trải qua cảm giác "sốc văn hóa" sau khi về nước làm việc, độc giả Vinh Nguyen Gillespie chia sẻ: "Bản thân tôi và gia đình đã qua Mỹ sinh sống từ năm lớp 10. Sau hơn 10 năm không thấy sự đột phá trong sự nghiệp, tôi được mời về một bệnh viện quốc tế ở Việt Nam làm việc. Ban đầu, tôi có suy nghĩ kiến thức và năng lực của mình để giúp ích được nhiều hơn cho quê nhà so với ở Mỹ. Bên cạnh đó, làm việc trong môi trường tư cũng sẽ ít phải nhờ vả, xin cho hơn so với làm nhà nước, nên tôi nhanh chóng nhận lời.
Tuy nhiên, sau khi trở về, tôi đã bị sự 'sốc văn hóa' ở chỗ làm mới. Dù làm ở môi trường tư, nhưng thực tế phần lớn vẫn là những người từ nhà nước chuyển ra, nên dù tôi làm quản lý mà làm việc chẳng khác nào đi xin xỏ. Cách quản lý trong bệnh viện tôi công tác khá chồng chéo, và ngay cả Giám đốc hay Tổng Giám đốc cũng thấy e ngại những Trưởng khoa bên tôi. Không quen với cũng cách làm việc này nên tôi bị cô lập.
Đặc biệt, cách làm việc ở đây không theo một kế hoạch nào, gần như sát tới deadline họ mới báo rằng cần gấp. Tôi và những người khác phải làm việc từ 8 giờ sáng hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau chỉ để tổng kết các con số. Hồ sơ lưu trữ dữ liệu thì vẫn như của thập niên 90, toàn là file excel nặng, máy tính bàn không thể nào load nổi, cứ vài phút lại đứng hình một lần.
Bây giờ may mắn tôi vẫn làm được nghề cũ (làm online) cho nên mọi thứ khá ổn định. Thực tế, nhiều người ở nước ngoài thật sự muốn cống hiến, nhưng họ chưa thể quen với môi trường trong nước".
Đồng cảm với những trăn trở của du học sinh về nước, bạn đọc Hung Q Nguyen kể về chính trải nghiệm của mình: "Sống ở nước ngoài một thời gian khá dài, tôi lại muốn về nước làm việc. Một mặt, tôi muốn gần gũi với anh em, cha mẹ già, mặt khác tôi thấy chẳng nơi nào tốt hơn là cống hiến cho quê mình. Nhưng về được một ít thời gian, tôi lại muốn ra đi. Một số người cứ nghĩ rằng vì tôi không tìm việc ở nước ngoài nên mới phải về nước. Số khác lại nghĩ công việc, cuộc sống trong nước giờ cũng tốt.
Thế nhưng, thực tế trải nghiệm của tôi lại hoàn toàn khác. Những công ty tôi làm việc còn thiếu chuyên nghiệp; các thiết bị, tài chính cũng thiếu thốn đủ đường; hành chính rắc rối... Nhiều người trong công ty có thói quen chèn ép người khác, sợ họ hơn mình. Một số lại rất thích buôn chuyện, thích suy diễn theo ý mình.
Giờ tôi mới thấy những gì mình nghĩ trước khi về nước cống hiến thật ngây ngô. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là tôi sẽ bỏ cuộc. Bao năm làm việc được ở nước ngoài, chẳng lẽ tôi lại chịu thua khi về nước?".
Nói về câu chuyện thu hút nhân tài trở về quê hương cống hiến, độc giả Đình cho rằng yếu tố then chốt nằm ở việc tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp: "Người tài, đức luôn hiện hữu trong xã hội, và không cần thiết phải luôn là người đi du học nước ngoài ở các nước phát triển mới có thể giúp ích cho đất nước. Du học và đem kiến thức về phục vụ cho quê nhà là quá tốt nhưng có một điều quan trọng bậc nhất, đó là người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp cũng phải là người tài, đức vẹn toàn mới thu hút được nhân tài về và phát huy hết năng lực của họ.
Tài của người lãnh đạo ở đây không phải giỏi hết mọi kiến thức chuyên môn trên đời, mà nó là biết thu phục nhân tâm. Lương là quan trọng, nhưng không là yếu tố quyết định. Đơn cử công ty tôi từng làm là một tập đoàn lớn, trả nhiều tiền cho công ty môi giới để mời người giỏi về làm việc. Nhưng sau một thời gian ngắn, hầu hết đều đã xin thôi việc, bởi chỉ một lý do: thái độ của chủ doanh nghiệp.
Trong tư tưởng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong nước, chủ vẫn luôn là chủ, nhân viên dù giỏi cỡ nào cũng là người làm công ăn lương, nên tốt nhất đừng dạy khôn người trả lương. Tuyển người tài giỏi nhưng lại không muốn nghe góp ý, phản biện thì đâu có chỗ để họ phát huy năng lực?".
Thành Lê tổng hợp

Không có nhận xét nào: