Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất từ Chương trình 712 của Chính phủ là giải pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động.
Quay lại sản xuất trong bối cảnh bình thường mới, doanh nghiệp Việt sẽ phải tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá để góp phần khôi phục và phát triển kinh tế bền vững. Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình và chính sách của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã cải tiến quy trình sản xuất bằng việc áp dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp mới. Nhờ đó, năng suất lao động có thể tăng từ 15 – 30%.
Năm đầu tiên áp dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp như Lean, TPM, KPI, 5S, doanh thu gia công bình quân trên một lao động/tháng của Công ty CP May Nam Hà đã tăng gần 30%. Sau 10 năm tiếp cận với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Chương trình 712), năng suất lao động đã tăng lên theo từng năm.
Ông Đoàn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Nam Hà – cho hay: “Nâng cao năng suất lao động mới thích ứng được với sự thay đổi của thị trường. Để giải quyết các thách thức đó chúng tôi đã chủ động tham gia Chương trình 712 của Chính phủ. Khi tham gia chương trình từ năm 2010 đến nay, năng suất lao động của chúng tôi đã tăng bình quân 15%/năm”.
Các công cụ quản trị doanh nghiệp như Lean, TPM, KPI, 5S là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã đem lại những hiệu qủa thiết thực cho doanh nghiệp trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng… giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Theo các chuyên gia, muốn tồn tại và phát triển lâu dài, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất từ Chương trình 712 của Chính phủ sẽ là giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu ấy. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ thực sự đạt được khi chính lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức và vận dụng công cụ quản lý phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình.
Theo đánh giá của ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nâng cao năng suất trong khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất của toàn bộ nền kinh tế. Việc tiếp cận thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát triển, tận dụng cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Hiệp cho rằng, để cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, các giải pháp chủ yếu doanh nghiệp cần tập trung để nâng cao NSLĐ đó là:
Doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp; lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động…;
Doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt các doanh nghiệp lớn cần có chiến lược nâng cao NSLĐ dựa vào tri thức và công nghệ; đầu tư KHCN, ĐMST, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp;
Sử dụng sức lao động hiệu quả chính là một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao NSLĐ. Doanh nghiệp cần tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động đáp ứng được yêu cầu của thời đại công nghệ số; nâng cao chất lượng và đổi mới biện pháp quản lý, điều hành…
Doanh nghiệp cần cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian, loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét