Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Bắc Giang tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa: Huy động nguồn lực, phát huy giá trị

 Nhằm giữ gìn những giá trị lịch sử và văn hóa qua hệ thống di tích, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đầu tư, tu bổ di tích bằng nhiều nguồn lực. Nhiều công trình sau khi tu bổ, tôn tạo trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa hấp dẫn khách tham quan.


.Khu Di tích Quốc gia đặc biệt “Địa điểm Chiến thắng Xương Giang” (TP Bắc Giang) 
Giữ gìn di sản
 Chúng tôi có mặt tại Khu Di tích quốc gia mộ và đền thờ Hán quận công Thân Công Tài, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái (Việt Yên) đúng dịp công trình đang được đơn vị thi công hoàn thiện các hạng mục tu bổ cuối cùng. Cuối năm 2019, dự án tu bổ mộ và đền thờ Hán quận công Thân Công Tài được triển khai từ nguồn ngân sách địa phương trị giá hơn 31 tỷ đồng. Công trình gồm đền, mộ, thủy đình, cổng tam quan, nhà sắp lễ. 
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, trước khi tu bổ, khu di tích là ngôi đền nhỏ xuống cấp rộng chừng 20m2 và ngôi mộ nhỏ, nay mở rộng lên gần 4.500m2. Để có được quỹ đất này, hơn 20 hộ dân trong thôn đã đồng thuận phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều gia đình đăng ký công đức tiền, hiện vật sau khi công trình hoàn thành. Hàng trăm con em quê hương sinh sống ở trong và ngoài xã cũng sẵn sàng ủng hộ để hoàn thiện công trình. Di tích quốc gia mộ và đền thờ Hán quận công Thân Công Tài được huyện Việt Yên xác định là một trong những điểm nhấn du lịch tâm linh của huyện cùng với di tích chùa Bổ Đà, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 700 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 100 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”, toàn tỉnh có gần 500 di tích được tu bổ với tổng kinh phí 145 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 700 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 100 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Các di tích được xếp hạng đều có giá trị về lịch sử, văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch. Trước thực trạng nhiều di tích xuống cấp, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh rất quan tâm tới việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”, toàn tỉnh có gần 500 di tích được tu bổ với tổng kinh phí 145 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng tu bổ, tôn tạo di tích, Bảo tàng tỉnh cho biết, hoạt động tu bổ di tích tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Việc thẩm định về chuyên môn đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn kinh phí của nhà nước bảo đảm chặt chẽ, chất lượng thi công tu bổ cơ bản đạt yêu cầu về mặt khoa học, bảo đảm tính nguyên gốc của di tích.

Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, nhiều địa phương đã huy động được nguồn xã hội hóa rất lớn để xây dựng, trùng tu, bảo tồn các di tích gắn với phát triển du lịch. Đơn cử như Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) khánh thành cuối năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Công trình hoàn thành góp phần gìn giữ, bảo quản và phát huy tốt hơn giá trị di sản mộc bản gắn với phát triển du lịch; đền Hạ, Nhà hát văn thuộc Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) trị giá hơn 20 tỷ đồng; hệ thống đền tại Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Phát huy giá trị lâu dài

Có thể thấy, mỗi di tích đều kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, ghi đậm dấu ấn kiến trúc, tài năng sáng tạo nghệ thuật của cha ông. Việc tu bổ, tôn tạo di tích không chỉ có giá trị trước mắt phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, du khách thập phương mà còn có giá trị lâu dài, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Ví như Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (Tân Yên), Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, chùa Bổ Đà (Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), suối Mỡ (Lục Nam), Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở sườn Tây Yên Tử trong những năm gần đây thu hút nhiều du khách, trở thành những tour du lịch trọng điểm của tỉnh.

Được biết, từ năm 2019 trở về trước, kinh phí hỗ trợ đối với tu bổ các di tích xếp hạng của UBND tỉnh khoảng 2 tỷ đồng/năm (trung bình mỗi di tích được hỗ trở từ 50-70 triệu đồng). Theo kế hoạch hỗ trợ tu bổ di tích lịch sử, văn hóa, giai đoạn 2020-2025, tỉnh hỗ trợ tu bổ khoảng 200 di tích đã được xếp hạng các cấp. Theo đó, mỗi di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, hỗ trợ 50% tổng mức kinh phí tu bổ (không quá 1,5 tỷ đồng), cấp quốc gia 50% (không quá 1 tỷ đồng), cấp tỉnh 30% (không quá 500 triệu đồng). Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, với mức hỗ trợ như vậy đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, lợi thế các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch thì việc huy động xã hội hóa, tăng thêm nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh Bắc Giang xác định văn hóa tâm linh là một trong những loại hình du lịch lợi thế của tỉnh cần tiếp tục được khai thác, phát huy. Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, biện pháp huy động các nguồn lực tôn tạo, tu bổ di tích gắn với phát triển du lịch thông qua ban hành các chương trình, đề án, cơ chế chính sách. Trong tháng 10 năm nay, UBND tỉnh sẽ ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030”.

Theo đó, toàn tỉnh sẽ có khoảng 300-400 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi. Cùng đó, Sở tích cực phối hợp với chính quyền, ngành chức năng các địa phương giới thiệu, quảng bá về giá trị di tích để người dân, du khách, cộng đồng, doanh nghiệp hiểu, trân trọng, đóng góp kinh phí, công đức để tu bổ, tôn tạo, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần. Làm tốt công tác quảng bá về giá trị di sản để thu hút du khách, tạo sinh kế cho người dân, đem lại nguồn thu từ các dịch vụ du lịch.

Không có nhận xét nào: