Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Bắc Giang: KH&CN góp phần tạo nên các vùng chuyên canh hàng hóa

 Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang

Giai đoạn 2010-2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai 150 đề tài/dự án khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có 30 đề tài/dự án cấp quốc gia, 120 đề tài/dự án cấp tỉnh. Các đề tài/dự án được triển khai trên địa bàn chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả của các đề tài/dự án đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần hình thành nên những vùng chuyên canh hàng hóa mang “thương thiệu” gắn với Bắc Giang như: Vải thiều Lục Ngạn, Rau an toàn Yên Dũng, Vú sữa Tân Yên…

Mở đầu
Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, KH&CN tỉnh Bắc Giang đã có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Được sự quan tâm của Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, giai đoạn 2010-2018, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 150 đề tài/dự án KH&CN với tổng nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có 30 đề tài/dự án cấp quốc gia, 120 đề tài/dự án cấp tỉnh. Các đề tài/dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp (103). Điều này thể hiện tư duy chiến lược của Lãnh đạo tỉnh, các cấp quản lý, doanh nghiệp và bà con nông dân trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Các đề tài/dự án đã huy động được sự tham gia nghiên cứu của nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có sự tăng cường liên kết với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp để chuyển giao các tiến bộ KH&CN cũng như phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nông sản. Nhiều đề tài/dự án có hiệu quả được ứng dụng, nhân rộng, đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
KH&CN với phát triển vùng chuyên canh
Có thể nói, việc thực hiện các đề tài/dự án KH&CN đã góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Bắc Giang theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá, thể hiện qua sự hình thành và mở rộng quy mô nhiều vùng sản xuất tập trung.
Chuyên canh cây ăn quả
Đối với cây ăn quả, KH&CN đã đóng góp tích cực trong việc hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đa dạng với diện tích trên 48.000 ha. Cơ cấu cây ăn quả chủ lực hiện vẫn là vải, nhãn chiếm 80,8% tổng diện tích. Đặc biệt, cơ cấu giống vải đã được thay đổi đáng kể, tăng diện tích vải chín sớm, giảm diện tích vải chính vụ bằng kỹ thuật ghép cải tạo, kéo dài thời gian thu hoạch vải từ 35 ngày lên 70 ngày/năm.
Từ việc chuyển giao kết quả của các đề tài/dự án, các doanh nghiệp, nông trại và bà con nông dân đã áp dụng tiến bộ KH&CN và quy trình VietGAP, GlobalGAP trong canh tác cây ăn quả: vải, bưởi, cam... Đặc biệt là nhóm cây có múi được mở rộng diện tích sản xuất: bưởi Diễn (500 ha), cam Vinh (290 ha), cam Đường canh (540 ha), bưởi đỏ Hòa Bình (30 ha) tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa; ổi OLĐ - Đài Loan (30 ha), vú sữa tập trung tại xã Hợp Đức - Tân Yên.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong canh tác cây ăn quả như: xây dựng vườn ươm giống cam sạch bệnh Đường canh V2, CS1 trên địa bàn huyện Lục Ngạn; công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel áp dụng cho chè, cam... Đề tài “Xây dựng mô hình trồng mới thâm canh giống cam V2 trên địa bàn huyện Yên Thế” từ quy mô 1 ha ban đầu, nay đã nhân rộng lên 28,5 ha tại các huyện Yên Thế, Lạng Giang; đồng thời duy trì 400 cây mẹ, hàng năm khai thác 10.000 mắt ghép phục vụ nhân giống cam sạch bệnh, trên cơ sở đó đã khôi phục vùng trồng cam Bố Hạ.
Tại Bắc Giang, cây vú sữa được du nhập và trồng tại huyện Tân Yên cách đây khoảng 30 năm. Do hợp đất, hợp nước, nên cây vú sữa ngày càng phát triển và cho chất lượng quả thơm ngon, giúp nhiều gia đình ở Tân Yên thoát nghèo, thu nhập cao. Để thuận tiện cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tháng 8/2016, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức được thành lập. Hợp tác xã có khoảng 40 thành viên tham gia, là địa chỉ tin cậy cho bà con trồng vú sữa trong xã giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để từng bước xây dựng thương hiệu vú sữa Hợp Đức ổn định sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, huyện Tân Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện dự án tuyển chọn giống cây đầu dòng và xây dựng vùng trồng vú sữa chuyên canh 2 ha theo kỹ thuật mới được tuyển chọn từ cây đầu dòng tại thôn Cửa Sông. Theo tính toán, giống vú sữa cũ trồng sau 8 năm mới cho thu hoạch, nhưng với việc tuyển chọn cây đầu dòng và trồng theo kỹ thuật mới chỉ mất 3 năm, năng suất vú sữa tăng 15-20% so với đại trà, mẫu mã và chất lượng quả được cải thiện. Năm 2017, vú sữa của HTX Hợp Đức được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể: “Vú sữa Tân Yên”. Với năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha, giá bán 30-40 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng trên 300 triệu đồng/ha. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây vú sữa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng cơ chế tiếp tục hỗ trợ cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất; tham mưu xây dựng đề án nhân rộng diện tích trồng vú sữa từ những giống cây đầu dòng đã được tuyển chọn. Toàn bộ vú sữa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Hợp Đức đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Vú sữa Tân Yên.

Có thể nói, với việc ứng dụng tiến bộ trong tuyển chọn giống, kỹ thuật canh tác, chế biến; tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ trong phát triển cây ăn quả, Bắc Giang đã từng bước hình thành nên các vùng chuyên canh cây ăn quả mang “thương thiệu” của tỉnh như vải Thiều Lục Ngạn, vú sữa Tân Yên…
Chuyên canh rau an toàn
Thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, huyện Yên Dũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu xây dựng 9 mô hình sản xuất rau an toàn tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên diện tích từ 80 đến 90 ha. Theo đó, năm 2016, HTX Rau sạch Yên Dũng được thành lập và hình thành vùng sản xuất với diện tích 30 ha. HTX Rau sạch Yên Dũng cũng đã triển khai thành công đề tài KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm “Rau sạch Yên Dũng”. Đây là tiền đề quan trọng để HTX mở rộng vùng chuyên canh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Rau an toàn Yên Dũng.

Đến nay, Bắc Giang đã hình thành vùng rau hàng hóa tập trung ở một số huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang. Trong tổ chức sản xuất, đã thực hiện việc liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và người nông dân. Các mô hình sản xuất nấm cho thu nhập 180-200 triệu đồng, trừ chi phí lãi đạt 80-110 triệu đồng; sản xuất giống và nuôi trồng một số giống nấm cao cấp mới như nấm đùi gà, chân dài, Kim Phúc có năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần mở rộng đối tượng trồng nấm của tỉnh.
Chuyên canh hoa chất lượng cao
Bắc Giang cũng từng bước ứng dụng tiến bộ KH&CN và nhân rộng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao. Mô hình ban đầu được trồng trong nhà lưới điều khiển tự động tại thành phố Bắc Giang: hoa lay ơn, hoa Lily, lan Hồ điệp. Riêng với lan Hồ điệp hiện vẫn duy trì diện tích nhà lưới 960 m2. Từ những mô hình này, 2 xã Song Mai và Dĩnh Trì đã phát triển diện tích trồng hoa khoảng 78 ha (chiếm 39% diện tích hoa của toàn thành phố Bắc Giang). Việc đưa các giống hoa đào mới (đào Bích GL2-1, đào Phai GL2-2, đào Bạch GL2-3) trồng tại thành phố Bắc Giang cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập thuần 650-800 triệu đồng/ha/năm. “Thương hiệu” hoa Lily, lan Hồ Điệp, đào Bích, đào Phai Bắc Giang đã từng bước được định hình, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Chuyên canh cây dược liệu
Với tiềm năng về phát triển cây dược liệu, Bắc Giang đã cho triển khai nhiều đề tài/dự án phát triển loại cây này, từ đó nhân rộng trên toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất dược liệu áp dụng tiến bộ KH&CN và quy trình GACP-WHO trong trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Các mô hình trồng nghệ với quy mô 70 ha, ba kích 30 ha, cà gai leo 5 ha, sâm cau, nấm linh chi, sâm nam núi Dành, trà hoa vàng… đã và đang được triển khai trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế và Tân Yên. Từ kết quả đề tài trồng thử nghiệm với quy mô 1 ha, đến nay dự án "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang"  đã mở rộng vùng trồng đáp ứng một số tiêu chí GACP-WHO và xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím quy mô 25 ha, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Dự án “Xây dựng mô hình trồng nghệ theo hướng GACP và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất để chiết xuất curcumin từ củ nghệ làm thực phẩm chức năng và một số sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ tại Bắc Giang" đã đưa vào trồng giống nghệ vàng con ong với diện tích 8 ha theo hướng GACP-WHO cho hàm lượng curcumin cao hơn so với giống nghệ Quảng Ninh. Đến nay diện tích trồng giống nghệ này đã được nhân rộng tại các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng.

*
*         *

Trong những năm gần đây, ngành KH&CN Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhờ đó hoạt động KH&CN đã có những chuyển biến mới, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, Bắc Giang đã ưu tiên triển khai nhiều đề tài/dự án KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đề tài/dự án này đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa mang “thương thiệu” gắn với Bắc Giang như: Vải thiều Lục Ngạn, Rau an toàn Yên Dũng, Vú sữa Tân Yên…

Không có nhận xét nào: