Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Phát triển cây mắc ca, bao nhiêu là đủ?

 Cây mắc ca góp phần xóa đói giảm nghèo, nhưng cần quy hoạch vùng trồng, diện tích phù hợp, chế biến sâu và đầu ra cân đối.

Không thể để người dân trồng cây không ra quả

Phát biểu khai mạc Hội nghị "Phát triển cây mắc ca thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới", tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk sáng 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cây mắc ca đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cây mắc ca còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng. Cây mắc ca tạo công ăn việc làm cho người dân, có những gia đình có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Đây là điều rất quan trọng - Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tìm hướng phát triển phù hợp cây mắc ca. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tìm hướng phát triển phù hợp cây mắc ca. 

Để phát huy vai trò của cây mắc ca, Thủ tướng yêu cầu cần xem xét lại vấn đề giống. "Tại sao có những cây trồng 7-8 năm không ra quả? Vậy quy hoạch đất trồng vùng như thế nào để phù hợp là vấn đề cần xem xét. Cần có sự quản lý Nhà nước trong cung ứng giống, không thể để dân trồng cây không ra trái hoặc ra trái rất ít"- Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các địa phương cần cân đối diện tích trồng phù hợp, không để xảy ra tình trạng dư thừa.

"Quan trọng là thị trường tiêu thụ. Vấn đề là tăng (diện tích-PV) lên bao nhiêu? Vấn đề đặt ra rất lớn là không thể để tình trạng dư thừa hoặc nhu cầu thị trường rất cao nhưng không đáp ứng đủ" - Thủ tướng lưu ý.

Gỡ các "nút thắt" để phát triển cây mắc ca phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, hiện có 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc ca đủ điều kiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT với tổng diện tích vườn ươm là 30,9ha, cung cấp được khoảng gần 3 triệu cây giống mỗi năm cho khoảng 10.000ha trồng thuần loài hoặc 22.500ha trồng xen canh.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày cây mắc ca. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày cây mắc ca. 

"Như vậy, năng lực sản xuất giống mắc ca hiện nay là khá dồi dào về số lượng. Tuy nhiên, cần thiết phải quản lý chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ"- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm, đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định công nhận được 13 giống mắc ca đủ tiêu chuẩn để đưa vào sản xuất, trong đó có 3 giống quốc gia và 10 giống tiến bộ kỹ thuật.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, diện tích trồng mắc ca từ giống có kiểm soát chất lượng là 14.200ha, đạt 86%; trên 2.300ha mắc ca chưa được kiểm soát về chất lượng, chiếm 14% (trong đó, diện tích trồng bằng cây thực sinh khoảng 800ha, diện tích trồng các giống chưa được công nhận 1.500ha). Tây Bắc có diện tích trồng có kiểm soát chất lượng giống 99,7%; Tây Nguyên 77,1%; các tỉnh ngoài vùng quy hoạch 94,7%.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, cho biết, trong những năm qua, Đắk Lắk phát triển mới được 680ha mắc ca, chủ yếu trồng xen canh trong vườn dân.

"Cây mắc ca khá thích hợp điều kiện khí hậu, đất đai, trồng thuần hay trồng xen canh đều cho kết quả khả quan: Trồng xen canh cho 5 tấn/ha, trồng thuần loài cho 8 tấn/ha" - Bí thư Bùi Văn Cường cho biết.

Theo báo cáo của 23 tỉnh đã trồng cây mắc ca, tổng diện tích đạt trên 16.500ha, gồm: Mắc ca trồng trên đất lâm nghiệp khoảng 10.000ha (60%); mắc ca trên đất nông nghiệp khoảng 6.500ha (40%)

Như vậy, diện tích cây mắc ca đã trồng so với định hướng quy hoạch vượt 5.500ha, đạt 155% (trồng thuần loài khoảng 5.500ha vượt trên 3.100ha; trồng xen khoảng 9.950ha vượt gần 2.360ha. Trong đó, khu vực Tây Bắc trồng được 6.670ha; Khu vực Tây nguyên trồng được 8.770ha).

Tây Bắc và Tây Nguyên là 2 khu vực chủ yếu trồng cây mắc ca, chiếm 93,2% diện tích đã trồng cả nước.

Không có nhận xét nào: