Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Lấy lại tốc độ cho 'đầu tàu' TP HCM

 

Được mời thi công dự án mới đúng lúc đang phải "xoay" tiền trả ngân hàng, lo lương cho hơn 260 nhân viên, nhưng CEO công ty xây dựng - Lê Quang Lộc vẫn từ chối.

"Chúng tôi làm nhiều công trình cho họ rồi nhưng vẫn chưa thu hồi được hết nợ. Nếu nhận làm, lại bị nợ tiếp, càng chết", ông Lộc, Tổng giám đốc Công ty Vietekcons lý giải.

Nói "không" với chủ đầu tư thiếu vốn, nhưng ông Lộc lại phải cạnh tranh bằng mọi giá với những nhà thầu khác để được giao dự án từ các công ty bất động sản còn dòng tiền. Số này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Họ nắm đằng cán, còn nhà thầu chấp nhận làm lỗ cũng chưa chắc có việc", ông miêu tả tình thế của doanh nghiệp xây dựng.

Một trong những dự án vướng mắc về pháp lý tại TP HCM. Dự án này tại quận 1, đã thi công đến tầng 28 nhưng gặp vướng liên quan nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất. Ảnh: Quỳnh Trần

Khi các "ông chủ" trong ngành xây dựng - bất động sản tụt dốc thì những lao động như anh Nguyễn Quốc Tuấn bị ảnh hưởng đầu tiên. Tháng trước, kỹ sư 29 tuổi quyết định rời bỏ công việc giám sát xây dựng sau 6 năm gắn bó với công ty thuộc top 10 Việt Nam.

Anh Tuấn từng nhận lương 20 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng Covid-19 ập đến, thu nhập của anh trồi sụt theo ngành xây dựng suốt hai năm liên tiếp.

Hết dịch, các công trường lại tấp nập. Nhà thầu như ông Lộc hay kỹ sư Tuấn đều hồ hởi. Ngành xây dựng và bất động sản cùng tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào mức tăng GRDP 9% của TP HCM, cao hơn con số 8% của cả nước.

Niềm vui kéo dài không lâu. Thị trường bất động sản lao dốc từ những tháng cuối năm ngoái. Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield - công ty nghiên cứu đa quốc gia, thanh khoản căn hộ trong quý IV/2022 chỉ còn 70% so với cùng kỳ dù giá giảm 40-50%. Nhiều chuyên gia nhận định, khủng hoảng trái phiếu cùng với việc lãnh đạo một số doanh nghiệp địa ốc lớn vướng lao lý đã ảnh hưởng đến thị trường

Bất động sản - xây dựng tê liệt, ngành sản xuất công nghiệp của TP HCM cũng suy giảm. Ba "trụ cột" lung lay khiến tăng trưởng của thành phố quý I chỉ đạt 0,7%.

"Đầu tàu" kinh tế rơi xuống chót bảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 8 từ dưới lên trong 63 địa phương. Con số thống kê được 13 năm qua cho thấy, chỉ số tăng trưởng này cũng ở mức thấp nhất, ngoại trừ giai đoạn dịch.

Thực tế, kinh tế thành phố tăng trưởng âm nếu trừ mức lạm phát 4,5%, theo TS Phạm Thị Thanh Xuân, người chủ trì nhóm nghiên cứu báo cáo kinh tế hàng quý của Đại học Kinh tế - Luật TP HCM. "Sức khỏe kinh tế của thành phố hiện tại chỉ tương đương 80% năm 2019 - mức trước dịch", bà đánh giá.

'Cú sốc' của các trụ cột

Tại công ty của ông Lê Quang Lộc, số nhân sự đã giảm gần một phần ba từ sau Tết. Nếu tình hình ba tháng tới chưa khởi sắc, ông lo con số này có thể còn tăng lên.

Khoảng 90% dự án bất động sản tại TP HCM đóng băng, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu tại cuộc họp Thành ủy ngày 4/4. Xây dựng và kinh doanh bất động sản cùng tăng trưởng âm gần 20% trong quý I, là những nhóm ngành suy giảm nặng nề nhất.

Chỉ chiếm 3,7% GRDP thành phố nhưng bất động sản là ngành có tác động lan tỏa. Lĩnh vực này gặp khó sẽ kéo theo nhiều ngành sản xuất "chịu trận".

"Thở oxy" là từ Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP HCM (SACA) Đinh Hồng Kỳ miêu tả tình trạng hiện tại của 40% doanh nghiệp trong ngành, theo khảo sát của đơn vị này. "Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải sa thải, hoặc cho người lao động chỉ làm việc 2-3 ngày mỗi tuần", ông Kỳ nói.

Với ngành công nghiệp, từ giữa năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu cạn dần do nhu cầu ảm đạm của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ.

Tại Secoin, một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn của TP HCM, nơi ông Kỳ làm chủ tịch, doanh thu từ thị trường nước ngoài sụt 70%, còn doanh số trong nước cũng giảm 60%. Công ty của ông Kỳ là minh chứng cụ thể của việc nền kinh tế TP HCM chịu "cú sốc kép".

Ba tháng đầu năm, 70% ngành công nghiệp quan trọng đều suy giảm, sâu nhất là các lĩnh vực truyền thống gồm may mặc, da giày - khoảng 20%. Khảo sát nhanh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cuối tháng 2 cho thấy, chỉ còn 65% doanh nghiệp duy trì được lương tháng bình quân từ 10 triệu đồng. Giữa năm ngoái, vẫn có 80% doanh nghiệp trả được mức này.

Một trung tâm thương mại vắng khách, tình cảnh dễ thấy ở nhiều điểm mua sắm của TP HCM trong quý I. Ảnh: Phong Anh

Thu nhập giảm, người lao động thắt chặt hầu bao, ngành dịch vụ - chiếm hai phần ba cơ cấu kinh tế thành phố, cũng đi xuống. Đại diện Guardian - chuỗi bán lẻ có gần 80 cửa hàng ở TP HCM dẫn chứng, kể cả với sản phẩm thiết yếu như dầu gội, người tiêu dùng cũng chọn thương hiệu giá rẻ hơn trước.

Không chỉ các "ông lớn", những hộ kinh doanh như gia đình chị Ngô Thị Hường tại TP Thủ Đức cũng giãn nhập hàng sau Tết. Trước đó, hàng xóm vẫn thường gọi chị giao cả thùng bia vào ngày cuối tuần, nhưng giờ chỉ mua vài lon. Mấy đứa trẻ chỉ mua ly nước ngọt 5.000 đồng thay vì cả chai như trước.

Theo TS Xuân, lương đi xuống, giá cả đi lên cùng đánh vào nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tình hình tại TP HCM càng khó khăn do lạm phát cao hơn các địa phương khác, vì độ mở kinh tế lớn nhất cả nước.

Quý vừa qua lần đầu ghi nhận sức mua của TP HCM tăng thấp hơn cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, trong khi toàn quốc là 14%.

"Chưa bao giờ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của thành phố chỉ bằng một phần ba cả nước", TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế theo sát TP HCM từ những năm 80, thốt lên.

Nền kinh tế 'khó tiêu tiền'

Trong khi người dân dè sẻn chi tiêu, doanh nghiệp đói vốn, đầu tư công lại ì ạch khiến dòng tiền không thể chảy vào nền kinh tế.

Từ tháng 9 năm ngoái, lãi suất tiền gửi liên tục lập đỉnh mới, có thời điểm lên đến 12% mỗi năm. Tình hình càng căng thẳng hơn sau sự cố người dân đổ xô rút tiền tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Cùng với cuộc khủng hoảng trái phiếu, ngân hàng càng khó huy động tiền. Các chủ doanh nghiệp cũng "sợ" vay vì lãi tín dụng tăng cao.

Hệ quả, ba tháng đầu năm, vốn vay ngân hàng của người dân, doanh nghiệp tại TP HCM chỉ tăng 0,3%, bằng một phần năm cả nước. Ở phía ngược lại, tiền gửi giảm 5% so với cuối năm trước. Đây là những con số thấp bất thường với trung tâm kinh tế của cả nước nhưng phù hợp với mức tăng trưởng vỏn vẹn 0,7% quý vừa qua, theo TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP HCM). Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân nhỏ giọt, huy động vốn cũng ì ạch theo.

TS Huân đánh giá doanh nghiệp hiện không muốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất cao, cộng với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước. Người dân cũng trong tâm thế chờ lãi suất giảm mới nghĩ đến việc vay để tiêu dùng.

Riêng doanh nghiệp bất động sản, khó lại chồng khó vì cơ chế. TP HCM hiện có hơn 150 dự án đất đai vướng về pháp lý. Bất chấp nỗ lực họp hàng tuần của thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc, ba tháng qua, thành phố chỉ có thêm 5 dự án nhà ở được chấp thuận huy động vốn.

Kinh tế quý I xuống đáy là nguy cơ đã được các chuyên gia chỉ ra cho TP HCM từ cuối năm 2022. Để ứng phó, lãnh đạo thành phố nhiều lần đôn đốc thuộc cấp phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, coi đây như giải pháp "nhóm lại bếp lửa" khi tiền của dân và doanh nghiệp chực "tắt".

Lãnh đạo ra tận các công trình hạ tầng trọng điểm "cầm tay chỉ việc". Nhiều tổ công tác được thành lập, họp mỗi tuần, để tìm và gỡ vướng. Chủ đầu tư giải ngân dưới 30% sẽ bị cắt thu nhập tăng thêm.

Thế nhưng, sau tất cả nỗ lực, ba tháng qua, TP HCM chỉ giải ngân được 4% vốn đầu tư công, khoảng 1.608 tỷ trong tổng số 43.450 tỷ đồng vốn phải tiêu trong 2023. Trong khi đó, mức chi đầu tư phát triển của Đà Nẵng đạt gần 4.000 tỷ đồng, còn Hải Phòng là hơn 3.200 tỷ đồng, dù hai địa phương này có quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều so với TP HCM.

Khi doanh nghiệp thiếu vốn, người dân giảm chi tiêu, công cụ cuối cùng là đầu tư công. Dù vậy, TS Huân nhìn nhận, sự e dè của bộ máy thực thi là một trở ngại, dù chính quyền đưa nhiều chính sách thúc đẩy giải ngân.

Cùng với đó, thủ tục hành chính cũng đang là những rào cản khiến doanh nghiệp chậm tiến bước. Theo khảo sát của HUBA, đất đai và xây dựng vẫn là các lĩnh vực hành chính bị doanh nghiệp đánh giá thấp nhất. Gần 60% đơn vị được khảo sát trả lời hiệu quả hỗ trợ của cơ quan quản lý hai mảng này ở mức kém và trung bình.

Trong khi nhiều địa phương có cải thiện thứ hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 - một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền, TP HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27. Trong 63 địa phương, TP HCM xếp nhóm gần chót nhiều hạng mục trong cấu phần PCI. Điểm sáng hiếm hoi là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước.

Sau hơn một thập niên khởi công và nhiều lần đổi chủ, dự án One Central HCM tiếp tục dừng thi công vào tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Giải phóng nguồn tiền

"Đoàn tàu đang chạy nhanh nhưng đột ngột phanh lại, mọi gia tốc, quán tính tích lũy đều biến mất hết. Muốn chạy lại như vận tốc ban đầu, phải cần thời gian lấy lại đà", TS Huân nói.

Theo chuyên gia, nghẽn về tiền thì phải khơi lại được dòng tiền. Thời gian qua, giải pháp kích cầu, khuyến mãi của Sở Công Thương để tăng sức mua chưa hiệu quả.

Điểm mấu chốt, theo chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Đỗ Hòa, TP HCM cần giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí. Trong khi việc giảm thuế, phí thuộc thẩm quyền cấp Trung ương, giải pháp TP HCM có thể triển khai ngay là tạm thời nới lỏng quy định quản lý đô thị như tăng thời gian, các tuyến đường xe chở hàng, khách du lịch được lưu thông. Theo ông, điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, qua đó có thể giảm giá bán, có thêm khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Quan trọng hơn, khi sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào "sức khỏe" của các nền kinh tế lớn trên thế giới, các chuyên gia cho rằng TP HCM chỉ có thể làm chủ một công cụ: đầu tư. Đây là cách tốt nhất để đưa tiền vào nền kinh tế.

Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cũng xác định khi khó khăn, phải tập trung vào những gì đang có trong tay. Trong đó, đầu tư công sẽ đi đầu, tiếp theo là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của khu vực tư nhân. Hiện, thành phố còn khoảng 42.500 tỷ đồng vốn ngân sách chờ chi tiêu trong 9 tháng cuối năm.

Đại diện nhóm doanh nghiệp xây dựng và vật liệu, ông Đinh Hồng Kỳ mong muốn hoạt động giải ngân đầu tư công quyết liệt hơn. Trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới vẫn chưa rõ khi nào hồi phục, doanh nghiệp càng khao khát tiếp cận các dự án đầu tư công để duy trì việc làm cho người lao động, đi qua khó khăn.

Để giải ngân dòng tiền này, cần vốn và cơ chế, theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, đồng thời là đại biểu HĐND. Ông Thắng cho rằng, thành phố không thiếu nhân tài nhưng mấu chốt nằm ở lòng tin của cán bộ công chức. "Yêu cầu dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo được nhắc đi nhắc lại nhưng phạm vi cho phép lại chưa được xác định cụ thể. Kết quả là cán bộ chỉ làm theo đúng quy trình, tiến độ đã được giao, hạn chế nguy cơ bị yêu cầu giải trình, kiểm điểm", ông Thắng nói.

Chính quyền thường giải thích việc tiêu tiền chậm vào quý đầu năm là đúng kế hoạch do giai đoạn này thường làm thủ tục, tiền chưa ra khỏi Kho bạc Nhà nước dù dự án vẫn có tiến triển. Ông Thắng cho rằng cách giải thích này không sai, nhưng bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự đột phá của đội ngũ cán bộ.

"Sao cứ phải thận trọng, bám theo kế hoạch mà không chạy nhanh, chạy mạnh ngay từ đầu năm?", ông Thắng đặt câu hỏi. "Làm càng nhanh, càng tốt cho kinh tế. Còn càng kéo dài, càng tổn thất. Hãy khen thưởng cho những người làm vượt tiến độ".

Con số tăng trưởng 0,7% không chỉ là việc của riêng TP HCM, mà còn là vấn đề chung. Với vai trò đóng góp hơn 25% tổng ngân sách của cả nước, việc TP HCM chậm phục hồi sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nước.

Vì vậy, ông Thắng đề xuất Trung ương giao quyền tự quyết mạnh hơn cho TP HCM. "Thành phố phải có sự tự chủ cao hơn. Lúc thuận lợi thì khác, còn lúc khó khăn thấy rõ sự phân phối quyền lực, trách nhiệm chưa hợp lý", vị đại biểu nêu.

Cùng quan điểm, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường đánh giá những người chịu trách nhiệm dường như đang ngần ngại nên cần có chính sách khuyến khích thích đáng. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị Trung ương nên đặt nặng chính sách tăng trưởng hơn, tức ưu tiên nới lỏng bằng việc tiếp tục giảm lãi suất và cắt giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần công bố định hướng điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng để giải phóng nguồn tiền. Khi người dân, doanh nghiệp còn mù mờ về xu hướng lãi suất, không rõ tăng - giảm, họ không thể lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Đến khi chính sách được ban hành, doanh nghiệp mới bắt tay vào làm, tác động đến nền kinh tế sẽ có độ trễ lớn.

Tháng ba, bối cảnh vĩ mô bắt đầu "dễ thở" hơn khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng chậm lại. Đây là cơ hội để TP HCM giải quyết các vấn đề hiện có, lấy lại tốc độ phát triển trước khi các biến động mới ập đến.

Đầu năm 2023, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8%. Thế nhưng, đi hết một phần tư chặng đường, "đầu tàu" kinh tế chỉ tăng 0,7%. Để hoàn thành kế hoạch, 9 tháng còn lại thành phố sẽ phải chạy hết tốc lực, tăng trưởng đều đặn hai chữ số.

Chọn đúng ưu tiên và giải quyết sự trì trệ của bộ máy là hai điểm mấu chốt để TP HCM đi lên từ đáy tăng trưởng quý I, theo TS Trần Du Lịch. "Phải phân bổ, tính toán cụ thể công việc phải làm của từng tháng, từng ngày. Không nói chung chung những câu như đẩy mạnh, tăng cường nữa. Như vậy, cả hệ thống mới có chuyển biến", TS Lịch nói khi tư vấn cho thành phố trong buổi họp đầu tháng 4.

Viễn Thông - Việt Đức - Thu Hằng - Hoàng Khánh

Hàng loạt cổ thụ chết khô ở Hà Nội

Ba cây sưa ở Hồ Gươm và nhiều cây hàng trăm tuổi, đường kính thân hơn 2 m trong công viên Bách Thảo bị chết, chờ chặt hạ.
Ba cây sưa đỏ bị chết nằm rải rác quanh Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Cây đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (gần cầu Thê Húc) bị chết khô có đường kính 59 cm, cao khoảng 12 m.
Thân cây mọc vươn ra phía hồ, cành khô sà xuống có thể gây nguy hiểm cho du khách dạo ngắm hồ.
Hai cây sưa chết khô gần đồng hồ hoa Thụy Sỹ, sát mép hồ. Một cây đường kính 35 cm, cây còn lại 40 cm.
Phần vỏ cây đã bong tróc gần hết.

UBND quận Hoàn Kiếm cùng các bên liên quan dự kiến chặt hạ ba cây sưa vào ngày 18/4. Phần gỗ, củi của cây sẽ được giao lại cho Sở Xây dựng bảo quản.
Cách khoảng 2 km, trong công viên Bách Thảo, một cây muồng ngủ khoảng 100 tuổi cũng bị chết.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, cây muồng ngủ chết cuối năm 2022. Đơn vị đã cho cắt tỉa cành để tránh rơi vào người.
Cây muồng gốc to khoảng 5 người ôm, nằm sát cổng công viên trên đường Hoàng Hoa Thám. Thông tin về cây vẫn còn thông qua mã QR đặt ở gốc. Trước khi chết, cây muồng ngủ cao 19 m, đường kính tán 23 m, chu vi thân 7,75 m, đường kính thân cây 2,47 m.
Phần gốc cây được dán cảnh báo nguy hiểm. Đây là một trong số những cây cổ thụ hiếm hoi còn sót lại trong công viên Bách Thảo.

Ở Việt Nam, cây muồng ngủ được trồng rộng rãi làm cây xanh đô thị, với nhiều tên gọi muồng ngủ, điệp tây, me tây, còng. Với cành nhánh dẻo dai, cây ít gãy khi trời mưa gió.
Cây xà cừ đường kính hơn một mét, chết đã lâu nhưng chưa được đánh chuyển. Phần gốc cây này đang trở thành chỗ leo của hoa giấy.
Cây cổ thụ chết rải rác trong công viên Bách Thảo.

Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 3 - đơn vị chăm sóc trực tiếp các loài cây trong công viên Bách Thảo, cho biết trong công viên có 11 cây cổ thụ đã chết. Đơn vị đã cắt tỉa cành khô, báo cáo Sở Xây dựng để xin phương án chặt hạ, trồng thay thế.
Công viên Bách Thảo rộng hơn 11 ha, được thành lập vào năm 1890, hiện có nhiều loài cây thân gỗ được xếp loại quý hiếm, là nguồn gen có giá trị và lá phổi xanh giữa lòng Thủ đô.

Việt An - Ngọc Thành

TP HCM phê bình 25 đơn vị chưa giải ngân đồng nào

Các quận 4, 7, 8, Tân Phú, nhiều bệnh viện lớn và ban quản lý dự án bị Chủ tịch UBND thành phố phê bình vì giải ngân 0% trong ba tháng đầu năm.

Nội dung được nêu trong công văn do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ban hành hôm 12/4. Đến hết tháng 3, tổng số vốn giải ngân của thành phố là 1.608 tỷ đồng, chỉ đạt 4% so với kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Theo bảng phân bổ vốn năm nay có 61 đơn vị, có 25 chủ đầu tư giải ngân 0%. Trong đó có UBND quận 4, 7, 8, Tân Phú, quận ủy quận 1, Sở Tài nguyên - Môi trường; các bệnh viện lớn như Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương; các ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng...

Cầu Long Kiểng mới ở huyện Nhà Bè dùng vốn ngân sách bị chậm tiến độ 3 năm do vướng mặt bằng. Ảnh: Gia Minh

Cầu Long Kiểng mới ở huyện Nhà Bè dùng vốn ngân sách bị chậm tiến độ 3 năm do vướng mặt bằng. Ảnh: Gia Minh

Năm nay, UBND TP HCM phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 43.400 tỷ đồng và đặt mục tiêu giải ngân đạt ít nhất 95%. Do đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu sở ngành phải tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, đề xuất phê bình các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tổng hợp nội dung công việc thực hiện, số vốn và tỷ lệ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng.

UBND thành phố cũng giao Sở Nội vụ sớm tham mưu kiện toàn nhân sự của 3 tổ công tác (vốn lớn, dự án ODA và bồi thường) và điều chỉnh tên, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo các chuyên gia, vốn giải ngân đầu tư công thấp là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP HCM trong quý 1 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2022, TP HCM giải ngân đầu tư công được 68% - hơn 25.490 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu được giao từ đầu năm là 95%. Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã tự hạ một bậc thi đua vì là người chịu trách nhiệm cao nhất công tác điều hành của chính quyền thành phố.

Nhà báo Nhị Lê: Công tác cán bộ cần xem ai là “Thạch Sanh”, ai là “Lý Thông” | VTC Now

Công nhân bị cắt giảm khó tiếp cận gói hỗ trợ

Tổ chức công đoàn đưa ra gói 300 tỷ đồng hỗ trợ lao động bị cắt giảm, song điều kiện bị đánh giá quá siết chặt, nên hàng chục nghìn công nhân không thể tiếp cận.

Cuối năm ngoái, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có Quyết định 6696 hỗ trợ lao động gặp khó khăn do doanh nghiệp sụt đơn hàng. Tổ chức công đoàn dự kiến chi tiền mặt cho hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng thời gian từ 1/10/2022 đến 31/3/2023, mỗi người 1-3 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ 300 tỷ đồng.

Điều kiện để được hỗ trợ, lao động bị giảm và ngừng việc từ 14 ngày trở lên có thu nhập một tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng; bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên do doanh nghiệp ít đơn hàng; bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Công nhân nhà máy Việt Nam Samho làm thủ tục nhận gói hỗ trợ. Ảnh: Hương Huyền

Công nhân nhà máy Việt Nam Samho làm thủ tục nhận gói hỗ trợ. Ảnh: Hương Huyền

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, số liệu ban đầu từ 26 địa phương và công đoàn, 53.592 hồ sơ của người lao động bị giảm, mất việc ở các doanh nghiệp sụt đơn hàng đề nghị được hỗ trợ, với số tiền dự kiến chi gần 80 tỷ đồng. Như vậy, số lượng hồ sơ tiếp nhận chỉ hơn một nửa số dự kiến.

Đáng chú ý, ba địa phương có nhiều lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm đơn hàng là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai ghi nhận số hồ sơ nộp về không nhiều. Đến 31/3, TP HCM mới tiếp nhận hơn 4.160 trường hợp đề nghị hỗ trợ, Đồng Nai là 6.127 và Bình Dương khoảng 16.000.

Công ty LR Vina ở Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức, TP HCM) có hơn 6.000 lao động bị ảnh hưởng đợt vừa qua, nhưng sau khi rà soát không người nào đủ điều kiện được hỗ trợ. Bà Nguyễn Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết rất khó đáp ứng điều kiện công nhân có tổng thu nhập không vượt mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng mới được hỗ trợ.

"Bởi ở công ty, khi lao động nghỉ luân phiên trong tuần vẫn được nhận mỗi ngày 180.000 đồng, thời gian đi làm hưởng nguyên lương. Như vậy, dù nghỉ nửa tháng, công nhân vẫn thu nhập cao hơn mức tối thiểu", bà Vân nói và cho biết mức 4,68 triệu đồng khó để công nhân duy trì cuộc sống ở TP HCM vốn đắt đỏ.

Theo bà Vân, quy định cũng cần xem xét điều kiện không hỗ trợ cho lao động bị cắt giảm nếu được nhận bảo hiểm thất nghiệp. Bởi rất nhiều trường hợp nhận trợ cấp nhưng mức hưởng bằng 60% lương đóng bảo hiểm xã hội, nên chỉ lãnh hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này này khó để người lao động các thành phố lớn đảm bảo cuộc sống.

Công nhân giảm việc, bị tạm hoãn hợp đồng ở lại Khu trọ Hưng Lợi 2 (Bình Dương) hồi trước Tết. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân bị cắt giảm sống tại Khu trọ Hưng Lợi 2 (Bình Dương) hồi trước Tết. Ảnh: Thanh Tùng

Lý giải việc công nhân khó tiếp cận gói hỗ trợ, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), cho rằng kinh phí công đoàn có hạn và đã chi rất nhiều cho đợt bùng dịch năm 2021 nên ở đợt hỗ này phải chọn những trường hợp khó khăn nhất.

"Lương tối thiểu vùng là tiêu chí phù hợp để xét trong bối cảnh này. Lao động có thu nhập thấp hơn sẽ được bù đắp một phần để đảm bảo được mức sống cơ bản", ông Quang nói. Hiện, các địa phương xử lý hồ sơ đến cuối tháng 4. Sau khi tổng kết, Tổng liên đoàn sẽ đánh giá toàn diện, tháo gỡ và xem xét tiếp tục thực hiện hỗ trợ hay không.

Lê Tuyết

VinFast khởi động dự án trồng rừng “Phủ xanh tương lai”

 

VinFast vừa khởi động dự án trồng rừng 'Phủ xanh tương lai', hoạt động nhằm hiện thực hóa cam kết trong chương trình VinFirst - 'Người tiên phong tri ân người tiên phong' trên toàn cầu.

VinFast khởi động dự án trồng rừng “Phủ xanh tương lai” - Ảnh 1.

Dự án “Phủ xanh tương lai” được phối hợp triển khai giữa VinFast, Vinpearl và Vườn Quốc gia Phú Quốc - Ảnh: Đ.H

Theo đó, với mỗi đơn đặt hàng xe VF 8 và VF 9 từ ngày 5-1 - 30-5 (giờ California, Mỹ), VinFast sẽ đóng góp một cây rừng cho các dự án phủ xanh trái đất.

"Với hơn 65.000 đơn đăng ký đặt trước VF 8 và VF 9 trên toàn cầu tính đến tháng 4, trước mắt sẽ có ít nhất 65.000 cây xanh được trồng mới. Đây là 'món quà' đặc biệt ý nghĩa của các khách hàng tiên phong VinFirst trong hành trình cùng VinFast kiến tạo tương lai xanh bền vững", đại diện hãng xe hơi Việt chia sẻ.

Ông Emmanuel Bret - phó tổng giám đốc VinFast phụ trách Kinh doanh và marketing toàn cầu - cho biết dự án "Phủ xanh tương lai" là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của VinFast hướng tới cuộc cách mạng di chuyển điện hóa và một tương lai xanh trên toàn cầu. 

"Một trong những mục tiêu của dự án là hiện thực hóa ‘món quà’ từ những khách hàng tiên phong dành cho môi trường, cùng chung tay kiến tạo một tương lai phát triển bền vững cho tất cả", ông Emmanuel nhấn mạnh.

VinFast khởi động dự án trồng rừng “Phủ xanh tương lai” - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự sự kiện đã chính thức trồng những cây xanh đầu tiên của dự án “Phủ xanh tương lai” tại Vườn Quốc gia Phú Quốc - Ảnh: Đ.H

Được biết, dự án chia thành nhiều giai đoạn, dự kiến triển khai tại nhiều nơi trên thế giới.

Cụ thể, năm đầu tiên, dự án khởi động ở Phú Quốc (Việt Nam) với sự hợp tác của Công ty cổ phần Vinpearl (thuộc Vingroup) và Ban quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc, dưới sự cho phép của UBND tỉnh Kiên Giang và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Dự án "Phủ xanh tương lai" sẽ tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu tại Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Vườn Quốc gia Phú Quốc là rừng nguyên sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ nghiên cứu bảo tồn sinh học và hệ sinh thái. Với tổng diện tích trên 29.596ha, Vườn Quốc gia Phú Quốc có 3 hệ sinh thái rừng đặc trưng gồm rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng thứ sinh cây họ dầu. 

Đây cũng là nơi ở của các loài động vật quý hiếm đang được bảo tồn, trong đó có 5 loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam, 104 loài chim được ghi vào danh mục Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

VinFast khởi động dự án trồng rừng “Phủ xanh tương lai” - Ảnh 3.

Ông Emmanuel Bret - phó tổng giám đốc VinFast phụ trách Kinh doanh và marketing toàn cầu và ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc, Kiên Giang - cùng nhau khởi động dự án “Phủ xanh tương lai” - Ảnh: Đ.H

Ưu đãi đặc quyền cho khách hàng VinFirst

Khách hàng tại Mỹ, Canada và châu Âu đặt mua xe VF 8 và VF 9 từ nay đến hết ngày 30-5-2022 (giờ California, Mỹ) sẽ nhận được 1 phiếu mua hàng điện tử (e-voucher) trị giá tương ứng 3.000 USD (Mỹ), 3.500 CAD (Canada), 2.500 EUR (châu Âu) cho VF 8, hoặc 5.000 USD (Mỹ), 6.000 CAD (Canada), 4.200 EUR (châu Âu) cho VF 9.

Bên cạnh đó, khách hàng VinFirst còn được tặng 1 sạc di động cấp độ 1, miễn phí gói dịch vụ ADAS và Smart Services thanh toán 1 lần, 1 gói dịch vụ Vinpearl cho 1 biệt thự biển 3 phòng ngủ dành cho 4 người trong 7 ngày tại 1 hoặc nhiều khách sạn Vinpearl ở Việt Nam.

Hơn nữa, những khách hàng VinFirst sẽ nhận được Vinfirst NFT, cho quyền ưu tiên cao cấp và các đặc quyền VIP cho các hoạt động và sự kiện VinFast trong tương lai thông qua ví blockchain.

VinFast cũng sẽ thay mặt mỗi khách hàng trồng một cây xanh cho tương lai phát triển bền vững.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

4 điều thú vị về điện gió và năng lượng gió

 Từ nhiều thế kỷ trước, năng lượng gió đã được con người tận dụng để phục vụ việc di chuyển và các hoạt động sản xuất. Đến nay, điện gió đã trở thành một trong những nguồn năng lượng quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, với tổng công suất 743 GW vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, có rất nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết về loại năng lượng xanh, sạch này.

Điện từ năng lượng gió và tua-bin đầu tiên trong lịch sử điện gió

Sử dụng năng lượng gió là một trong những cách lấy năng lượng xa xưa nhất từ môi trường tự nhiên, bắt đầu từ việc tận dụng sức gió để di chuyển thuyền buồm. Sau các phát minh ra điện và máy phát điện, ý tưởng dùng năng lượng gió để sản xuất điện cũng được hình thành.

Năm 1887, một người Scotland tên là James Blyth đã làm được hệ thống phát điện bằng sức gió đầu tiên với một trục thẳng đứng chắc chắn có chiều cao 10 mét và 4 cánh quạt, tạo ra năng lượng chiếu sáng cho ngôi nhà trong kỳ nghỉ của mình.

Năm 1888, kỹ sư, nhà phát minh người Mỹ Charles Francis Brush đã phát minh ra một cối xay gió lớn tạo ra điện cung cấp cho dinh thự của mình ở Cleveland, Ohio. Nó có thể sản xuất 12 kW điện. Từ đây, những chiếc cối xay gió tạo điện bắt đầu được biết đến với tên “tua-bin gió”.

dien-gioCối xay gió được sử dụng để sản xuất điện, phát minh năm 1888 bởi Charles Francis Brush (Ảnh internet)

Từ thế kỷ 20, các tua-bin gió bắt đầu xuất hiện khắp châu Âu rồi phát triển rộng rãi trên thế giới. Điện gió hiện đã trở thành một trong những nguồn năng lượng quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu. Cuối năm 2020, tổng công suất điện gió toàn cầu đã đạt 743 GW.

Tua-bin 3 cánh, 2 cánh, nhiều cánh và… 0 cánh

Các tua-bin gió hiện nay được chia thành hai loại: tua-bin gió trục đứng và tua-bin gió trục ngang. Hiện nay, những chiếc tua-bin gió trục ngang với 3 cánh quạt được sử dụng rộng rãi và trở thành hình ảnh được liên tưởng đầu tiên khi nói đến điện gió. Tuy nhiên, trên thực tế, các tua-bin gió rất đa dạng về cấu tạo với nhiều kiểu khác nhau; số lượng và hình dạng cánh quạt cũng thay đổi theo từng kiểu.

dien-gioMột số kiểu tua-bin gió trục đứng (Ảnh internet)

dien-gioMột số kiểu tua-bin gió trục đứng (Ảnh internet)

Một số kiểu tua-bin gió trục ngang (Ảnh internet)

Không chỉ có các loại tua-bin gió 2 cánh, 3 cánh, 4 cánh, thậm chí nhiều cánh quạt… người ta còn phát triển cả loại tua-bin gió có… 0 cánh quạt (chỉ gồm một cột tháp) để tạo ra năng lượng. Không sử dụng gió để quay cánh quạt như các tua-bin khác, loại tua-bin này sử dụng chuyển động và ma sát do không khí va vào cây cột để tạo ra dòng điện.

dien-gioTua-bin gió không cánh quạt (Ảnh internet)

Tua-bin gió có công suất lớn nhất thế giới

Ban đầu, mỗi tháp điện gió có công suất chỉ khoảng 50-100 kW, sau đó tăng lên đạt khoảng 300-500 kW vào những năm 1990, rồi lên tới khoảng 1,5-3,5 MW vào đầu thế kỷ 21. Hiện nay, nhiều tua-bin gió được lắp đặt có công suất đạt khoảng 9,5-10 MW.

Mẫu tua-bin gió có công suất lớn nhất từng được phát triển trên thế giới là tua-bin Haliade-X. Theo thiết kế gốc, tua-bin Haliade-X có công suất 12 MW, mỗi vòng quay của cánh quạt có thể sản xuất đủ điện cho một hộ gia đình sử dụng trong 2 ngày. Sau đó, Haliade-X được nâng cấp công suất lên 13 MW và 14 MW để sử dụng cho dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới Dogger Bank (tuabin được nâng cấp công suất lên 13 MW trong giai đoạn 1 – 2 và sẽ lên 14 MW trong giai đoạn 3 của dự án này).

Video giới thiệu Haliade-X (Nguồn: GE Renewable Energy)

Gần 57.000 tài liệu sáng chế

Theo một phân tích thuộc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp, tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC) được xác định bởi WIPO, trong thời gian từ ngày 01/01/2006 đến ngày thực hiện tra cứu là 13/4/2020, đã có 56.879 tài liệu sáng chế được tìm thấy trong lĩnh vực năng lượng gió trên toàn cầu, trong đó có 39,2% sáng chế đã được cấp bằng. Ba chủ đơn sáng chế hàng đầu là General Electric (GE), Vestas Wind Systems và State Grid Corporation Of China. Trong đó, General Electric có 1.104 họ sáng chế, Vestas Wind Systems có 592 họ sáng chế, State Grid Corporation Of China có 590 họ sáng chế. Việt Nam có 77 đơn sáng chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng gió. Có thể thấy, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu là các quốc gia, khu vực đứng đầu trong công nghệ năng lượng gió với số lượng đơn bảo hộ sáng chế nhiều nhất trong lĩnh vực này.

Trên đây là 4 điều thú vị về điện gió và năng lượng gió. Còn rất nhiều điều thú vị khác xoay quanh các nhà máy điện gió, các tua-bin gió cũng như nguồn năng lượng tái tạo này, Vũ Phong Energy Group sẽ gửi đến bạn ở các bài chia sẻ sau.

8 BỂ CHỨA CÁC "MỎ DẦU KHÍ" LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM - 1 TRONG 5 BỒN TRŨNG DẦU LỚN NHẤT THẾ GIỚ

8 MỎ DẦU LỚN NHẤT THẾ GIỚI - 1 MỎ CŨNG CÓ THỂ QUYẾT ĐỊNH ĐẾN TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ TOÀN CẦU