Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

 

Ngày 22/3, UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang” và Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023. Đồng chí Mai Sơn- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trưởng Ban Tổ chức chủ trì diễn đàn.

Dự diễn đàn có đại diện các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); các chuyên gia, cố vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST); các Trưởng Làng công nghệ quốc gia; các Sở, ban ngành trong tỉnh; các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp và học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Đồng chí Mai Sơn- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, Bắc Giang nhận thức rõ tầm quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo; năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 564/KH-UBND về Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 và đầu năm 2023 ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về tổ chức ngày Hội KNĐMST tỉnh Bắc Giang năm 2023 và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ. Nhờ coi trọng đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Để duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu, rộng như hiện nay, cần thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, KH&CN, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới.

Được sự quan tâm, định hướng giải pháp của Bộ KH&CN; UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang”, nhằm nhận được sự trao đổi, chia sẻ và tư vấn của các chuyên gia, các nhà quản lý để đề xuất các giải pháp về thúc đẩy, định hướng xây dựng hệ sinh thái KNĐMST phù hợp với thực tiễn của tỉnh Bắc Giang và các địa phương có điều kiện tương đồng trong khu vực, từ đó nâng cao nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về KNĐMST gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh: Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST quốc gia trình bày tham luận tại diễn đàn.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều vấn đề về chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ tại địa phương theo mô hình KNĐMST; mô hình đổi mới sáng tạo mở trong xây dựng hệ sinh thái KNĐMST; nâng cao năng lực cho cán bộ trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo; liên kết viện/trường - doanh nghiệp - chính quyền trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo; mô hình liên kết chuỗi giá trị hướng tới thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp tại Bắc Giang. Tại sự kiện, các đại biểu đã được tham quan mô hình trình diễn công nghệ “Lò sản xuất than sinh học từ phế thải nông nghiệp” của Công ty TNHH tư vấn Đầu tư và Thương mại (INTRACO).

Trao đổi tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, Bắc Giang phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Để thúc đầy các lĩnh vực, Bắc Giang đã có sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa, và phát triển du lịch. Do vậy, tạo nhiều dư địa cho các doanh nghiệp, thế hệ trẻ KNĐMST.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở KH&CN trao đổi tại diễn đàn.

Theo bà Nguyễn Thu Hạnh- Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (SDTe), Bắc Giang muốn phát triển du lịch bền vững thì nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ là tạo tư duy đột phá, cần phá bỏ những tư duy cũ, truyền thống, lạc hậu- thứ chỉ tạo ra các sản phẩm du lịch nghèo nàn. Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, việc thay đổi tư duy trong khai thác tài nguyên cho các doanh nghiệp, các bạn trẻ khởi nghiệp là đặc biệt cần thiết nhằm tạo chuỗi giá trị, các sản phẩm du lịch mới, hoạt động có hiệu quả. Hiện tại, Liên hiệp có mở các lớp đào tạo giúp các bạn trẻ hình thành tư duy đột phá, thúc đẩy KNĐMST thành công.

Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề về thực trạng, tiềm năng và cơ hội phát triển KNĐMST tại Bắc Giang trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng và quốc gia; cơ hội phát triển hệ sinh thái KNĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp; những cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo trong định hướng phát triển đô thị thông minh và nhà máy thông minh; cùng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho KNĐMST trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo và công nghệ thông tin tại Bắc Giang.

Ảnh: Nhấn nút phát động Cuộc thi KNĐMST tỉnh Bắc Giang

Trong khuôn khổ của diễn đàn đã diễn ra Lễ Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023. Cuộc thi nhằm khuyến khích các ý tưởng, giải pháp, mô hình, dự án khởi nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh và các ý tưởng, giải pháp, mô hình, dự án khởi nghiệp dự thi có ứng dụng công nghệ, như: công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới và các loại công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.

Nhân dịp này, Sở KH&CN Bắc Giang, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã ký kết hợp tác với một số đối tác.

Ảnh: Lễ ký kết hợp tác giữa Sở KH&CN và một số đối tác tham gia diễn đàn

Kết luận và bế mạc diễn đàn, đồng chí Mai Sơn đánh giá cao những ý kiến tham gia đóng góp, những khuyến nghị, gợi ý định hướng của các chuyên gia, cố vấn KNĐMST quốc gia, Trưởng các Làng công nghệ quốc gia về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể đóng góp thực chất, trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang nói riêng và của quốc gia nói chung, đồng chí đề nghị các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với Sở KH&CN đề xuất các nội dung liên quan đến xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Bắc Giang với mục đích đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh; tạo điều kiện khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, thu hút đầu tư của tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả nhất Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đồng chí tin tưởng chuỗi sự kiệnTechfest Bắc Giang 2023 mở đầu bằng Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Bắc Giang” và Phát động Cuộc thi KNĐMST tỉnh Bắc Giang năm 2023 sẽ tạo được sức lan tỏa, mang lại nhiều giá trị, những dấu ấn tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, KNĐMST trên địa bàn tỉnh và là nền tảng quan trọng cho những hoạt động tiếp theo./.

H. Trang

Đánh giá, nhân rộng mô hình áp dụng công cụ 5S trong trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

 

Sáng ngày 16/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã Tổ chức Hội nghị Đánh giá, nhân rộng mô hình áp dụng công cụ 5S trong trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 408/KH-UBND ngày 29/8/2021 về nâng cao năng suất và chất lượng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; đồng thời tuyên truyền hiệu quả áp dụng công cụ 5S năm 2022 tại 12 trường áp dụng điểm để đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm từ đó đề ra phương hướng nhằm tiếp tục triển khai công cụ 5S tại các trường học trong các năm tiếp theo.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị, về phía Tổng cục có ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Tùng Lâm- Phó viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cùng nhóm chuyên gia 5S; về phía Sở KH&CN có ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Sở, ông Triệu Ngọc Trung- Phó Giám đốc Sở, đại diện các phòng, đơn vị thuộc Sở; cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; phòng Giáo dục và Đào tạo; phòng Kinh tế các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, thành phố Bắc Giang; và đại diện lãnh đạo các trường THCS, THPT, 10 trường Tiểu học tham gia mô hình điểm năm 2023 và một số em học sinh trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở KH&CN phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng suất và chất lượng có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của toàn xã hội, nó là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương; là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với tiêu chí sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng, 5S giúp phân loại, bố trí, sắp đặt mọi thứ ngăn nắp, giữ gìn vệ sinh, đảm bảo môi trường, mỹ quan, thuận tiện cho công việc”. Việc áp dụng 5S vào trường học góp phần giúp môi trường học tập luôn xanh, sạch, đẹp, thân thiện, chuyên nghiệp. Việc thực hiện 5S cần phải hướng đến đối tượng là các cháu học sinh, giúp cho các cháu hình thành thói quen tốt, xây dựng ý thức tự giác, trách nhiệm, tính kỷ luật và kỹ năng làm việc nhóm ngay từ nhỏ, với kỳ vọng là sẽ thay đổi cả một thế hệ tương lai của đất nước.

Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và Viện Năng suất Việt Nam triển khai xây dựng mô hình điểm áp dụng công cụ 5S tại 12 cơ sở giáo dục gồm: 2 trường THPT và 10 trường THCS. Qua gần 6 tháng triển khai áp dụng điểm tại các trường  học, với sự chỉ đạo, phối hợp sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của chuyên gia tư vấn, các trường tham gia thực hiện các mô hình điểm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh đều nhận thức được khái niệm, lợi ích và phương pháp triển khai thực hành 5S. Đã có sự thay đổi rõ ràng sau khi thực hiện 5S tại các đơn vị, cụ thể như: các khu vực được sắp xếp sạch sẽ, gọn gàng, khoa học; tài liệu hồ sơ, đồ dùng được sắp xếp khoa học đảm bảo dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy và đặc biệt học sinh có ý thức trách nhiệm, tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh chung…

Ảnh: Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL phát biểu

Phát biểu đánh giá, chỉ đạo Hội nghị, ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL vui mừng trước kết quả triển khai 5S mà Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trên cả nước áp dụng điểm thành công tại các trường THCS, THPT, đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi tư duy về năng suất cho học sinh- lực lượng lao động chính trong tương lai. Sự thành công của Bắc Giang đã tạo tiền đề thúc đẩy, nhân rộng áp dụng mô hình tại nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh cũng như trên cả nước. Với những kết quả đó, đồng chí đề nghị Viện Năng suất, Sở KH&CN tiếp tục có sự quan tâm và hỗ trợ các trường để 5S được duy trì. Bên cạnh đó, các trường quan tâm để Ban Chỉ đạo 5S có những cuộc họp định kỳ, tạo ra các dự án, chương trình cải tiến thường xuyên. Đặc biệt, đồng chí đề xuất, Viện Năng xuất cùng Sở KH&CN hình thành các Group hay nhóm Zalo để thường xuyên trao đổi, kết nối với Ban Chỉ đạo các trường nhằm kịp thời có những tư vấn, chia sẻ thông tin làm sao để việc áp dụng 5S ngày càng có hiệu quả. Đồng chí đặc biệt mong muốn nhiều tỉnh, nhiều trường trên địa bàn cả nước sẽ áp dụng 5S như Bắc Giang, từ đó hình thành phong trào năng suất, tư duy năng suất cho đông đảo học sinh. Cuối cùng, đồng chí ghi nhận và đánh giá cao sự ủng hộ, đồng hành của Sở KH&CN, của các trường với Viện Năng suất để tổ chức triển khai dự án đạt nhiều kết quả.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện Trường THPT Lạng Giang số 1 phát biểu tham luận

Ảnh: Em Nguyễn Thị Nhật Linh, đại diện học sinh Trường THCS Cao Xá phát biểu

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo quá trình triển khai của Viện Năng suất Việt Nam, ý kiến phát biểu của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và đặc biệt là tham luận từ đại diện các trường THCS, THPT; cùng ý kiến đóng góp từ chính các em học sinh. Các ý kiến đều đánh giá cao những lợi ích, giá trị và sự thay đổi tích cực từ việc áp dụng 5S. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất nhân rộng mô hình 5S tại nhiều trường học hơn nữa trên địa bàn, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Sở Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia.

Ảnh: Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN và Viện Năng suất Việt Nam trao Giấy chứng nhận

Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN cùng đại diện Viện Năng suất Việt Nam đã Trao Giấy chứng nhận cho các trường đã áp dụng thành công 5S.

Ảnh:Ông Triệu Ngọc Trung – Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu bế mạc Hội Nghị

Tổng kết Hội nghị, Ông Triệu Ngọc Trung- Phó Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, môi trường làm việc là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc. Do đó, xây dựng và triển khai mô hình 5S trong nhà trường hiện nay là xu thế khách quan để đem lại những hiệu quả tích cực và lợi ích dài lâu trong môi trường giáo dục. Mục đích cuối cùng mà 5S hướng tới là tạo ra môi trường làm việc được bố trí khoa học, có lợi cho sức khỏe, góp phần nâng cao năng suất lao động của mọi người trong tổ chức. Chúng ta cần xác định việc duy trì thường xuyên, hàng ngày phải đặc biệt được quan tâm để dần tạo ý thức, từ ý thức tạo nên thói quen, qua đó tạo nên tính cách cho các em học sinh, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế công nghiệp hóa mà tỉnh Bắc Giang đang là điểm sáng trên toàn quốc.

VNPI

Chính thức phát động kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Ngày 23/03/2023, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã tổ chức Lễ phát động kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện (20/05/1983 – 20/05/2023)

Tham gia chương trình có ông Vũ Văn Diện – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – nguyên Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng (tiền thân của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam); ông Phó Đức Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; ông Đặng Minh Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện.

Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

Phát biểu tuyên bố lý do, ông Phùng Mạnh Trường chính thức phát động lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (20/05/1983 – 20/05/2023). Đồng thời khẳng định ý nghĩa 40 năm thành lập Viện nói riêng cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa nói chung.

“Cột mốc 40 năm thể hiện uy tín của Viện và của lĩnh vực tiêu chuẩn hóa. Qua bao thế hệ tiếp bước nhau với những nỗ lực không ngừng nghỉ đã tạo nên thành công như hôm nay của “mái nhà” mang tên Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. Đây là động lực để mỗi cá nhân nhìn lại chặng đường đã qua, hướng đến tương lai phía trường, tiếp tục cố gắng, nỗ lực vì mục tiêu chung”, ông Phùng Mạnh Trường nhấn mạnh.

Tại chương trình, ông Trường đã công bố hình ảnh logo, bộ nhận diện 40 năm hoạt động tiêu chuẩn chất lượng của Viện và hy vọng lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của sự kiện này đến các thế hệ cán bộ của Viện, các đơn vị trong và ngoài Tổng cục. Bên cạnh đó, để hướng tới lễ kỷ niệm, Viện đã lên kế hoạch tổ chức giải chạy chào mừng, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các đơn vị.

Ông Vũ Văn Diện – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – nguyên Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng.

Ông Đặng Minh Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

Cũng tại chương trình, ông Vũ Văn Diện, ông Phó Đức Sơn là những cán bộ lão thành, lâu năm gắn bó với Viện đã có những chia sẻ xúc động, chân tình về quá trình quá hình thành Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

Được biết, lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 19/05/2023 tới đây.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Theo VietQ

Sếp Vietlott làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Hoan được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 23/3.

Trước khi là tân Chủ tịch HĐQT VDB thay ông Lương Hải Sinh, người được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước từ đầu tháng 2, ông Hoan giữ chức Chủ tịch Vietlott từ tháng 8/2012.

Ông Lê Văn Hoan có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính từ năm 1995 và đảm trách nhiều vị trí khác nhau thuộc các đơn vị của Bộ Tài chính.

Ông Lê Văn Hoan, người vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Vietlott

Ông Lê Văn Hoan, người vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Vietlott

Cũng tại quyết định hôm nay, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư kiêm chức Uỷ viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Võ Thành Thống đã nghỉ hưu.

Ông Ngô Văn Cương, Bí thư BCH Trung ương Đoàn kiêm chức Uỷ viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn đã chuyển công tác.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành lập năm 2006, do Nhà nước giữ 100% vốn, quản lý nhà nước về tài chính đầu tư phát triển. Ngân hàng này đảm trách nhiệm vụ cấp phát vốn ngân sách về đầu tư, vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước cho các dự án, chương trình theo danh mục Chính phủ quyết hàng năm.

Còn Ngân hàng Chính sách xã hội có mục tiêu đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo thông qua các khoản vay cho các công trình xây dựng thủy lợi và giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cho các vùng sâu, vùng xa.

Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang”

 

Sáng 22/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang” và phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Dự diễn đàn có các đồng chí: Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Techfest Bắc Giang; Bùi Văn Hạnh - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện đơn vị chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), lãnh đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh; chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các đại biểu nhấn nút phát động Cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Nhiều tiềm năng cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết: Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ tập trung phát triển toàn diện các ngành kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 10-15 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Để duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh bền vững, lâu dài và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cần thiết phải hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài sản vô hình, tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới. Một trong những trụ cột của các hoạt động đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thông qua diễn đàn này, đồng chí mong muốn nhận được sự trao đổi, chia sẻ và tư vấn của các chuyên gia, các nhà quản lý để đề xuất các giải pháp về thúc đẩy, định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Bắc Giang và các địa phương có điều kiện tương đồng trong khu vực; từ đó nâng cao nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận cởi mở về các vấn đề về chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ tại địa phương theo mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mô hình đổi mới sáng tạo mở trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương; liên kết chuỗi giá trị hướng tới thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp...

Các chuyên gia, cố vấn tham gia trao đổi tại tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AuToAgri chia sẻ cởi mở về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nông nghiệp Bắc Giang. Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, tỉnh Bắc Giang có dư địa lớn, đa dạng địa hình, đa dạng văn hóa, nhiều sản phẩm đặc trưng, nhiều di tích lịch sử, nhiều lễ hội truyền thống. Mỗi địa phương đều có rất nhiều món ăn đặc trưng với phong vị bản địa có thể phát triển thành chuỗi và đem ra thế giới. Tuy nhiên để thực hiện được điều đó, tỉnh cần có cách làm sáng tạo để sản phẩm truyền thống vừa đáp ứng tiêu chuẩn cao, vừa có giá thành phù hợp; đồng thời coi trọng xây dựng thương hiệu nông sản và phát triển thị trường nội địa, nhất là xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản chế biến, xây dựng mô hình ẩm thực - phát triển chuỗi/nhượng quyền; ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng kết hợp ẩm thực, trải nghiệm để quảng bá sản phẩm.

Ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng việc đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp là việc làm cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị cho khách hàng, tăng cường giá trị bền vững giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay, tỉnh Bắc Giang có 205 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế; có 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 70 nhãn hiệu tập thể; mỗi sản phẩm trên đều có thể tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp. Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới được sản xuất tại tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh có nhiều tiềm năng cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cả 3 trụ cột kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang nằm trong top 15 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn tin tưởng rằng chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 mở đầu bằng Diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang” sẽ tạo được sức lan tỏa, mang lại nhiều giá trị, những dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và là nền tảng quan trọng cho những hoạt động tiếp theo.

Đồng chí đánh giá cao các ý kiến tham luận, chia sẻ từ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, đồng chí đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực phối hợp với Sở KH&CN đề xuất các nội dung liên quan đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, thu hút đầu tư của tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang nằm trong top 15 tỉnh, thành phố của cả nước thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết hợp tác với một số đối tác.

Tại diễn đàn, các đại biểu nhấn nút phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023. Theo đó các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia thông qua đăng ký ý tưởng, dự án khởi nghiệp ở tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Nhân dịp này, Sở KH&CN Bắc Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh ký kết hợp tác với một số đối tác; trình diễn công nghệ lò sản xuất than sinh học từ phế thải nông nghiệp./.

Thu Hằng

Công bố Quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang

Chiều 22/3, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục QLTT tỉnh. Dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT; Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, một số sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục QLTT thành phố Hà Nội, các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Chu Thanh Hiến.

Tại buổi lễ, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đã trao Quyết định bổ nhiệm đồng chí Chu Thanh Hiến - Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Bắc Giang giữ chức vụ Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Giang trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày 10/3/2023.

Đồng chí Chu Thanh Hiến sinh năm 1967, quê quán tại xã Lương Phong (huyện Hiệp Hòa), trình độ Cao cấp lý luận chính trị, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Trong quá trình công tác đồng chí Chu Thanh Hiến có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực QLTT, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn tặng hoa chúc mừng đồng chí Chu Thanh Hiến.

Tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chúc mừng đồng chí Chu Thanh Hiến được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục QLTT tỉnh; chúc mừng Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã kiện toàn Ban lãnh đạo để tiếp tục triển khai hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh mong muốn ở cương vị công tác mới đồng chí Chu Thanh Hiến sẽ phát huy kinh nghiệm, năng lực sở trường công tác; tiếp tục cố gắng nỗ lực, rèn luyện, tu dưỡng; có nhiều sáng kiến mới, cùng tập thể lãnh đạo, công chức Cục QLTT tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí nhấn mạnh trong những năm gần đây, các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương tập trung vào thị trường nội địa, đặc biệt là công tác phòng, chống gian lận thương mại, QLTT, do đó Cục QLTT tỉnh Bắc Giang với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần tăng cường công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng, bộ máy tổ chức, trẻ hóa đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng QLTT để đáp ứng trong tình hình mới.

Đồng chí đề nghị tập thể cán bộ, công chức Cục QLTT tỉnh Bắc Giang xây dựng tập thể đoàn kết; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng vượt khó; tăng cường kỷ cương, kỷ luật của ngành; xây dựng hình ảnh của lực lượng QLTT và từng bước tiến tới chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Chu Thanh Hiến phát biểu nhận nhiệm vụ.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Chu Thanh Hiến cảm ơn sự quan tâm, tín nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Tổng Cục QLTT và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh. Trên cương vị công tác mới, đồng chí hứa sẽ rèn luyện, phấn đấu, trau dồi phẩm chất, năng lực công tác, cùng Ban lãnh đạo Cục QLTT tỉnh hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang ngày càng chuyên nghiệp, kỷ cương và phát triển./.

Thảo My

TP.Hà Nội triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tổ chức hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023 trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội cho biết, đối tượng, điều kiện tham dự giải, gồm: Tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô, thành phần kinh tế có tư cách pháp nhân đã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên tục trên địa bàn TP trong thời gian ít nhất 36 tháng tính đến thời điểm đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp đã đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia, ngoài các điều kiện nêu trên, sau 2 năm kể từ năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia được tiếp tục tham dự lại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023.

Hà Nội triển khai tới các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023. Ảnh minh họa

Việc tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023 nhằm xét chọn, tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đồng thời đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.

Thành phố không phân biệt các loại hình, quy mô doanh nghiệp; không hạn chế số lượng các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023. Tuy nhiên, việc đánh giá, tuyển chọn các tổ chức, doanh nghiệp tham dự phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng các tiêu chí Giải thưởng và quy định hiện hành.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2023 được đánh giá, tính điểm theo 7 tiêu chí với tổng điểm tối đa là 1.000 điểm, trong đó: Vai trò của lãnh đạo 120 điểm; chiến lược hoạt động 85 điểm; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường 85 điểm; đo lường, phân tích và quản lý tri thức 90 điểm; quản lý nguồn nhân lực 85 điểm; quản lý quá trình hoạt động 85 điểm; kết quả hoạt động 450 điểm.

Về cơ cấu giải thưởng, tổ chức, doanh nghiệp đạt từ 600 điểm trở lên được đề nghị xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; tổ chức, doanh nghiệp đạt từ 800 điểm trở lên được đề nghị xét tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia.

Theo VietQ

Người đưa nông sản từng bị đổ bỏ đi khắp thế giới

Chứng kiến cây nha đam bị đổ bỏ, ông Nguyễn Văn Thứ, quyết định thôi việc đang ổn định ở ngân hàng để tìm cách làm các chế phẩm từ nông sản.

Những năm 2008-2010, ông Nguyễn Văn Thứ lúc ấy là sếp một ngân hàng lớn ở TP HCM, đi thực địa tại các vùng quê với doanh nghiệp để thẩm định hợp đồng cho vay. Một lần tình cờ ra miền Trung, ông được người dân kể về sức hút của cây nha đam. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, người trồng phải nhổ bỏ vì các công ty sản xuất ngừng thu mua.

"Nhìn những cây nha đam tươi tốt bị bỏ đi, tôi thấy xót xa nên hình thành ý tưởng chế biến sản phẩm từ chúng để mong người dân có đầu ra ổn định", ông Thứ nói.

Vốn là dân tài chính, ông cẩn trọng dành hai năm thu thập dữ liệu, tìm hiểu thị trường nha đam. Trong một lần đi công tác, trò chuyện với doanh nhân người Nhật, ông phát hiện ra người dân của họ ưa chuộng nha đam. Đầu năm 2011, ông quyết định tay ngang lập công ty riêng (Công ty thực phẩm G.C).

Với số vốn hai tỷ đồng từ tiền dành dụm và vay mượn ngân hàng, ông Thứ thuê nhà xưởng để dựng nhà máy sản xuất nha đam tại Khu công nghiệp Giang Điền (Đồng Nai). Ông chọn Phan Rang (Ninh Thuận) - vùng đất có khí hậu thuận lợi - để phát triển vùng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Thứ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Văn Thứ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất nha đam thành phẩm, ngay năm đầu, công ty ông đã có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp lớn trong nước như Vinamilk, Nutifood và các hãng nước giải khát.

Ông tiếp tục lên kế hoạch đưa nha đam đi khắp thế giới, trong đó Nhật Bản là thị trường đầu tiên được nhắm đến. Năm 2013, sau khi hoàn tất các quy trình theo tiêu chuẩn Nhật, công ty bắt đầu xuất cả trăm tấn thành phẩm sang thị trường này.

"Khi hàng được xuất đi, tôi mừng lắm. Nhưng ngày vui ngắn chưa tày gang, đối tác báo nha đam bị ngả màu vàng, tỷ lệ hủy khoảng 3%. Họ đòi trả hàng và yêu cầu đền đơn nhưng tôi đã thuyết phục và đưa giải pháp phân loại hàng trong kho", ông Thứ nhớ lại.

Để giải quyết nhanh, ông sang Nhật cùng đối tác phân loại hàng. Nhưng một tuần sau đó, đối tác tiếp tục báo tỷ lệ hàng bị ngả vàng tăng lên mức 5%. Lúc này, ông đành xin nhập lại lô hàng dù xác định sẽ mất trắng hơn nửa tỷ đồng.

Nhận hàng về, ông nghiên cứu lỗi sai, phát hiện quy trình của doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót. Sau đó, ông nhờ các chuyên gia Nhật hướng dẫn xây dựng quy trình và chuyển giao các công nghệ cơ bản trong sản xuất nha đam nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường khó tính này.

Thế nhưng, chẳng có con đường nào "trải toàn hoa hồng". Những lần xuất sau vẫn có một số lô bị trả về do có tổ kiến bên ngoài các thùng container. Theo quy định của đối tác Nhật, trong container hàng thực phẩm nếu phát hiện có vật lạ, côn trùng... dù không dính vào sản phẩm, họ vẫn phun khử khuẩn và trả hàng.

Năm 2014, ông quyết định xây nhà máy sản xuất nha đam tại Ninh Thuận với quy trình quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản và khắt khe từng khâu. Trong đó, đối với hàng sản xuất thành phẩm, ông cho lưu kho một tuần để kiểm tra nhiều lần, sau đó đem đi soi chiếu để đảm bảo sản phẩm không có dính bất cứ sinh vật lạ nào. Với container đóng hàng, ông chọn các đối tác uy tín và yêu cầu họ cung cấp các vỏ sạch, chưa từng chở hóa chất hay vật phẩm gây mùi. Trước khi cho đóng hàng, toàn bộ container phải được kiểm tra và phun khử khuẩn sạch sẽ.

Ông cũng mở rộng vùng trồng nguyên liệu bằng cách đến từng nhà dân đặt hàng và hướng dẫn họ trồng nha đam theo quy trình mới, ít bón phân, không phun thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt năng suất cao.

Thay vì thu hoạch nha đam hàng loạt theo mùa, ông Thứ chọn cách cắt tỉa dần. Lá nào đủ già sẽ thu hoạch trước, cứ như thế nguyên liệu có quanh năm. Nhờ thu hoạch đồng đều và ổn định, nha đam của công ty ông có chất lượng cao về độ giòn, ngọt và dinh dưỡng.

Công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất nha đam ở Ninh Thuận. Ảnh: NVCC

Công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất nha đam ở Ninh Thuận. Ảnh: NVCC

Sau 5 năm thiết lập quy trình sản xuất và vùng nguyên liệu, các đơn hàng xuất đi Nhật, Hàn Quốc của doanh nghiệp này có tỷ lệ gặp rủi ro gần như bằng 0. Nhờ vậy, nha đam của G.C Food ngày càng có nhiều đối tác quốc tế tìm đến đặt hàng. Trong đó, có những đối tác gắn bó với ông cả chục năm và hay gọi ông với cái tên thân mật là "Mr Nha Đam".

Dẫu vậy, khó khăn vẫn bủa vây công ty này khi năng lực sản xuất giới hạn. Bởi đây là sản phẩm ngách nên các công nghệ để phục vụ sản xuất không đại trà. Thậm chí, một vài máy móc trong khâu sản xuất nha đam không có trên thị trường.

Ông Thứ quyết định tuyển dụng đội kỹ sư chế tạo máy để nghiên cứu ra những công nghệ sản xuất phục vụ theo đúng nhu cầu của công ty như máy gọt vỏ, rửa lá, cắt hạt... với công suất gấp 6 lần so với hàng thô sơ ban đầu, giải quyết được áp lực về sản lượng.

Các công nghệ tại nhà máy do doanh nghiệp tự tạo hiện chiếm 50%, đáp ứng hầu hết yêu cầu khắt khe của đối tác. Công nghệ tự động hóa tại nhà máy đã dần giúp công ty giảm áp lực về lao động thời vụ. Nhiều hệ thống tự động hóa tới 70%.

Hiện sản phẩm từ nha đam của G.C Food đã có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới với sản lượng 12.000-15.000 tấn một năm, trở thành doanh nghiệp sản xuất nha đam dẫn đầu thị trường Việt. Tại vùng đất Ninh Thuận, nha đam đang là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300-400 triệu đồng một ha.

Ông Thành Lai Chu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Phát cho biết trước đây, vùng đất Ninh Thuận trồng nông sản luôn trong tình trạng "được mùa mất giá" nên người dân tộc Chăm ở đây 80% là hộ nghèo. Vài năm gần đây, khi ông Thứ tới từng hộ dân động viên, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nông dân đã thoát nghèo. Hiện, hợp tác xã của ông đang trồng hai ha nha đam, mỗi năm cho doanh thu 1-1,4 tỷ đồng.

Sắp tới, hợp tác xã này cùng nhiều đơn vị khác sẽ mở rộng diện tích và kêu gọi thêm nông dân tham gia. "Chúng tôi không còn lo cảnh đổ bỏ hay được mùa mất giá vì sản phẩm làm ra được bao tiêu hết", ông Chu cho hay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận đánh giá, sự xuất hiện của G.C Food trên vùng đất nắng gió đã làm hồi sinh cây nha đam. Doanh nghiệp này cũng đã giúp cho hàng trăm công nhân, người lao động và các hộ trồng nha đam có nguồn thu nhập ổn định.

Trong chuyến thị sát doanh nghiệp hồi đầu năm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, G.C Food đang có một mô hình nông nghiệp bài bản. Ông tin với mô hình sản xuất làm chủ vùng nguyên liệu như hiện nay, công ty sẽ giúp tỉnh Ninh Thuận cất cánh.

"Trong nông nghiệp, bài toán đầu ra là quan trọng nhất nhưng đã được doanh nghiệp giải quyết. Để nông sản vươn xa hơn ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần bắt tay chặt hơn với nông dân sản xuất nông sản chất lượng cao", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhìn nhận.

Theo báo cáo của Grand View Research (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở Mỹ), tốc độ tăng trưởng của thị trường nha đam trên thế giới giai đoạn 2019-2025 bình quân 7,6% một năm, đạt giá trị 2,67 tỷ USD năm 2025. Sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục gia tăng khi nha đam ngày càng ứng dụng trong nhiều ngành như mỹ phẩm, thuốc.

Ngoài nha đam, G.C Food được khách hàng Nhật Bản đặt mua sản phẩm thạch dừa. Họ cử cả chuyên gia sang công ty để vấn tư vấn sản xuất. Năm 2016, GC Food mở thêm nhà máy Vinacoco (Đồng Nai) chuyên chế biến thạch dừa chất lượng cao với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm.

Với hai trụ cột chính trên, hàng năm công ty này đã thu về hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu công ty này năm 2022 tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 433 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đồng. Như vậy, mỗi tháng công ty thu gần 3 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh.

Cuối năm ngoái, GC Food đã lên sàn UpCOM với 26 triệu cổ phiếu. Ông Thứ đang nắm giữ 10,4 triệu cổ phiếu GCF, chiếm tỷ lệ 40% vốn điều lệ, trị giá hơn 162 tỷ đồng. Năm 2023, ông kỳ vọng công ty tiếp tục tăng trưởng 20% so với cùng kỳ dù kinh tế thế giới khó khăn.

"Tôi biết làm nông nghiệp chân chính khó khăn sẽ trải dài nhưng nếu biết tạo lợi thế và chọn ngách riêng cho mình đường đi sẽ bớt gập ghềnh", ông Thứ nói.

Thi Hà

Jackpot hơn 70 tỷ đồng có chủ

Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) vừa xác định được một chủ nhân của giải Jackpot 71 tỷ đồng tại Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Đây là giải thưởng cao nhất của sản phẩm Power 6/55 kỳ quay số mở thưởng tối 23/3. Giải thưởng 71 tỷ đồng này đã được tích luỹ hơn 1 tháng qua 19 kỳ quay số.

Theo Vietlott, tấm vé trúng thưởng có dãy số 04-07-22-33-40-49 và được phát hành ở điểm bán hàng tại 629 đường Trần Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, sau khi nộp thuế, người may mắn trúng thưởng có thể nhận về gần 64 tỷ đồng.

Bên cạnh giải cao nhất tại kỳ mở thưởng hôm nay, Vietlott cũng xác định được 13 khách hàng trúng giải trị giá 40 triệu đồng, 660 giải nhì 500.000 đồng. Tuy nhiên, giải Jackpot hơn 3,6 tỷ đồng không có người trúng thưởng.

Từ đầu năm, 5 jackpot giá trị lớn đã có chủ.

Qua hơn 6 năm kinh doanh, Vietlott đã ghi nhận hơn 90 triệu vé trúng giải với tổng số tiền trả thưởng hơn 15.277 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm xổ số tự chọn Mega 6/45, Power 6/55 có hơn 300 vé trúng Jackpot tiền tỷ. Thời gian tới, Vietlott sẽ tiếp tục bổ sung các sản phẩm mới, thêm điểm bán hàng, phát triển kênh bán trên Internet.