Gói thầu J3 (cầu Phước Khánh) trên cao tốc Bến Lức - Long Thành sau hai năm dừng thi công, chủ đầu tư muốn khởi động lại với kế hoạch hoàn thành sau 17 tháng.
Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA - nhà tài trợ) để sớm chấp thuận kế hoạch chọn nhà thầu thi công các hạng mục còn lại của cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc. Động thái này đưa ra sau hai năm công trình dừng thi công, nhà thầu cũ cũng đã chấm dứt hợp đồng.
VEC ước tính phần việc còn lại để hoàn thành cầu Phước Khánh khoảng 750 tỷ đồng. Công tác lựa chọn nhà thầu dự kiến thực hiện quý một năm nay, bắt đầu thi công từ cuối tháng 6 và kết thúc tháng 1/2025 (17 tháng). Kế hoạch này chưa được JICA chấp thuận.
Trước đó, VEC ký hợp đồng xây lắp gói thầu xây cầu Phước Khánh với liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4, bắt đầu triển khai từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc bố trí vốn và gia hạn hiệp định vay, nên từ năm 2020 đến nay gói thầu này tạm dừng, khi đã giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng (chiếm 87,4%). Chủ đầu tư đã nhiều lần đàm phán với nhà thầu trên, đề nghị tiếp tục thi công nhưng không được đồng ý.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), gói thầu xây cầu Phước Khánh sử dụng vốn ODA của JICA, nên phải tuân thủ theo các quy định về đấu thầu của nhà tài trợ này. Do vậy, ý kiến của JICA kế hoạch chọn nhà thầu là cơ sở để chủ đầu tư cùng các bên liên quan triển khai các phần việc tiếp theo.
Cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc bắc qua sông Lòng Tàu (nối huyện Cần Giờ, TP HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai). Khi hoàn thành, đây là cây cầu cao nhất nước với tĩnh không 55 m, dài hơn 3 km, rộng gần 22 m cho bốn làn xe. Hồi tháng 2/2021, cẩu thi công cầu Phước Khánh bị tàu container đâm gãy gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57 km, đi qua Long An, TP HCM và Đồng Nai, tổng đầu tư 31.300 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD). Ngoài nhà tài trợ JICA, dự án sử dụng vốn từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng Chính phủ. Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp, trong đó hai gói quan trọng nhất là J1 (cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp) và J3 (cầu Phước Khánh). Sau gần 9 năm xây dựng với nhiều lần lùi tiến độ, cao tốc Bến Lức - Long Thành được đặt mục tiêu hoàn thành cuối năm nay.